Bàn ghế không phù hợp với học sinh

Hiện nay, trên địa bàn thành phố, nhiều trường học vẫn đang sử dụng bàn ghế liền nhau, bàn ghế không đúng kích cỡ, khiến việc tổ chức các hoạt động giáo dục, nhất là chương trình Giáo dục phổ thông 2018 gặp nhiều khó khăn.

Học sinh Trường Tiểu học Duy Tân (quận Liên Chiểu) vẫn còn ngồi học trên bàn ghế liền nhau. Ảnh: NGỌC HÀ

Chương trình mới, bàn ghế cũ

Năm học 2023-2024, Trường Tiểu học Duy Tân (quận Liên Chiểu) có 14 phòng học/32 phòng vẫn đang sử dụng bàn ghế kiểu cũ. Đây là những bộ bàn ghế được thiết kế theo kiểu ghế đi liền với bàn, gắn vào nhau. Số bàn ghế này đã được sử dụng từ rất lâu nhưng vẫn chưa thể thay thế. Trường Tiểu học Hoa Lư (quận Thanh Khê), Trường THCS Nguyễn Văn Cừ (quận Sơn Trà), Trường THCS - THPT Trường Nguyễn Khuyến (quận Cẩm Lệ)… cũng rơi vào tình trạng tương tự. Cô Trần Thị Kim Vân, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến cho biết, hiện có khoảng 1/3 số lớp ở cấp THPT đang phải ngồi bàn ghế theo kích cỡ của học sinh THCS.

Có tình trạng này là do sự không đồng bộ trong trang bị cơ sở vật chất khi chuyển sang mô hình trường 2 cấp học. “Nếu chúng tôi đồng loạt đặt bàn phù hợp với thể trạng của học sinh lớp 9 theo quy định của Thông tư thì trong thực tế, số bàn ghế đó phù hợp cho khối lớp 6-7-8. Khi lên đến lớp 9 thì đã không còn phù hợp với vóc dáng của các em nữa”, cô Trần Thị Kim Vân nói. Trong khi đó, thầy Lê Anh Đồng, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Cừ cho biết, hằng năm trường đề xuất bổ sung bàn ghế nhưng không thể thay thế hết được, gây khó khăn trong tổ chức dạy học, nhất là chương trình mới đòi hỏi phải học tập, làm việc theo nhóm.

Việc mua sắm bàn ghế cho học sinh được các trường đề xuất căn cứ vào Thông tư liên tịch số 26 ngày 16-6-2011 giữa Bộ Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế về Hướng dẫn tiêu chuẩn bàn ghế học sinh trường tiểu học, THCS, THPT. Tuy nhiên, để học sinh ngồi thoải mái, một số trường thường đề xuất kích cỡ “vượt size” đối với các khối lớp.

Thầy Nguyễn Hỷ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Duy Tân cho biết, khi thống kê số lượng bàn ghế cần trang bị mới, nhà trường thường đề xuất kích cỡ để sử dụng cho khối lớp 4-5. “Thể trạng học sinh thành phố giờ đã phát triển vượt xa so với quy định về kích cỡ bàn ghế. Vì vậy, để phù hợp với chiều cao, cận nặng của học sinh, chúng tôi luôn đăng ký bàn ghế theo kích cỡ lớn nhất của cấp tiểu học. Với những em có thể trạng nhỏ, nhà trường đã có sẵn những bộ bàn ghế cũ để bố trí phù hợp. Chứ nếu chỉ đặt đúng kích cỡ bàn ghế cho học sinh khối 1-2 thì học sinh sẽ phải khòm lưng ngồi học”, thầy Hỷ chia sẻ.

Học sinh dễ mắc “bệnh học đường”

Theo BSCKI Võ Thị Hồng Hướng, Trưởng phòng Hành chính, kiêm Phó khoa phụ trách Khoa phục hồi chức năng Bệnh viện 199 (Bộ Công an), bàn ghế không phù hợp sẽ khiến học sinh ngồi sai tư thế, ảnh hưởng đến sức khỏe các em. Trước hết, đó là tình trạng cơ, xương, khớp bị ảnh hưởng, gây nên gù, vẹo cột sống, đau lưng, mỏi gối, đau các khớp…Từ việc ảnh hưởng đến thể chất (kể cả thể hình gây mất thẩm mỹ), tinh thần của các em cũng mất cân bằng khiến các em rất dễ bị thay đổi cảm xúc, thậm chí trầm cảm.

Điều này, khiến các em không thể tập trung học tập, trong tương lai có thể ảnh hưởng đến việc làm, cuộc sống... “Chiều cao của bàn, ghế phải phù hợp với kích thước cơ thể học sinh. Ngoài ra, chiều sâu, chiều rộng, tính đồng bộ của bàn ghế, kích thước của tựa lưng cũng có vai trò quan trọng để tạo tư thế ngồi thoải mái cho học sinh. Một điều quan trọng mà nhà trường, phụ huynh cần lưu ý là để cho học sinh có tư thế cân bằng, ngoài điều chỉnh kích cỡ bàn ghế phù hợp, cần quan tâm đến tư thế mang vác (cặp xách), không để ngồi học quá lâu…”, BSCKI Võ Thị Hồng Hướng lưu ý.

Theo ông Nguyễn Thanh Lịch, Trưởng phòng GD&ĐT) quận Liên Chiểu, tính đến tháng 8-2023, số bàn ghế đạt chuẩn theo Thông tư 26 trên địa bàn quận trong năm học 2023 - 2024 khoảng 85,6%. Cụ thể: số bàn ghế đạt chuẩn 11.385 bộ/13.291 bộ, số bàn ghế chưa đạt chuẩn cần thay thế 1.906 bộ (tỷ lệ 14,4%). Tuy nhiên, vài năm học trở lại đây, trước thực trạng học sinh phát triển hơn so với trước nên một số trường kiến nghị điều chỉnh tiêu chuẩn, kích cỡ bàn ghế học sinh nhất là học sinh cuối cấp.

“Một số tiêu chuẩn bàn ghế học sinh theo quy định hiện nay không còn phù hợp, nên điều chỉnh theo hướng tăng kích thước của bàn, ghế để phù hợp thể trạng học sinh hiện nay. Đồng thời, các ngành chức năng cần giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục trong việc mua sắm bàn ghế. Trên cơ sở khảo sát thực tế, các đơn vị sẽ đề xuất “thiết kế” riêng, bảo đảm học sinh nào cũng có bàn ghế học tập phù hợp với thể trạng. Muốn vậy, các quy định cần có độ mở, linh hoạt để cơ sở giáo dục và địa phương vận dụng”, ông Lịch bày tỏ.

Trong khi đó, ông Mai Tấn Linh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, nhiều năm nay, phụ huynh và các trường đều đã phản ánh về việc kích thước bàn ghế theo quy định của Bộ GD&ĐT không phù hợp với chiều cao học sinh. Ngành giáo dục cũng đã có thống kê ý kiến gửi đến các cấp có thẩm quyền cao hơn nhưng vẫn đang chờ hướng dẫn, điều chỉnh.

NGỌC HÀ

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5411/202310/ban-ghe-khong-phu-hop-voi-hoc-sinh-3958107/