Bạn đọc hiến kế chống hạn mặn miền Tây

Miền Tây đang căng mình chống hạn mặn; chính quyền đã chủ động triển khai nhiều giải pháp cấp bách, giải quyết tình trạng thiếu nước phục vụ sinh hoạt cho người dân.

Những ngày qua, báo Pháp Luật TP.HCM đăng tải nhiều thông tin về hạn hán ở miền Tây “Xâm nhập mặn gia tăng, dân gồng mình vì thiếu nước sinh hoạt”, “Tiền Giang: Nhiều tuyến kênh nội đồng cạn trơ đáy, nứt toác giữa mùa hạn mặn”, “Người dân vùng hạn 'mát lòng' với những chuyến xe chở 'giọt nước nghĩa tình'”,...

Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, từ đầu năm 2024 đến nay, khu vực ĐBSCL hầu như không mưa (hụt chuẩn 60%-95%), ngày nắng kéo dài, nắng nóng làm cho một lượng lớn nước mặt tích trữ trong các ruộng, kênh, hồ bị bốc hơi.

Đồng thời nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong về ĐBSCL ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm kết hợp với thời kỳ triều cường là nguyên nhân chính gây ra tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn tại đây.

Thông tin trên đã nhận được nhiều sự quan tâm và góp ý của bạn đọc PLO.

Người dân đem từng bình nước đến điểm cho nước miễn phí để có nước sạch dùng. Ảnh: HUỲNH DU

Nên tìm giải pháp lâu dài

Bạn đọc Tuan bình luận: "Thương quá bà con miền Tây, nhìn cánh đồng khô nứt, nhìn bà con phải xếp hàng đợi từng thùng nước ngọt cứu trợ, nhìn bà con phải mua nước ngọt 100.000 đồng/m3 để cầm cự vườn cây ăn trái... thật đau lòng. Tình hình nhiễm mặn, hạn hán miền Tây cứ mỗi năm trôi qua ngày càng nghiêm trọng. Nên tập trung thêm cống ngăn mặn và hồ trữ nước ngọt".

Bạn đọc Trần Thanh bình luận: "Tôi xin góp ý kiến của tôi là nên xây đập trữ nước không để chảy ra biển và ngăn nước mặn xâm lấn đất liền. Có nhiều nước trên thế giới khô cằn, họ đã dùng cách này và thành công".

Bạn đọc Nha Nha bình luận: "Nên bắt đầu ngay từ bây giờ, các nhà nghiên cứu nên áp dụng khoa học, chuyển đổi mục đích để sống chung với hạn hán, bởi vì những năm kế tiếp miền Tây sẽ thiếu nước ngọt hơn nữa. Cho nên tôi nghĩ nên tập cách sống chung với thời tiết khô hạn, giống bên đất nước Israel họ dùng công nghệ cho nền nông nghiệp trên những sa mạc khô cằn để trồng nông sản và nuôi thủy sản".

Bạn đọc Thanh Tan bình luận: "Thượng nguồn sông Mekong các nước đã xây đập, cho nên chúng ta phải có đối sách, kế hoạch lâu dài ứng phó toàn diện chứ không thể trông chờ họ xả đập được. Cần đầu tư dự trữ nước ngọt cho bà con miền Tây, xây thêm các đập ngăn mặn trên các sông để trữ nước ngọt và xây dựng đường ống nước sạch cho các tỉnh".

Đồng quan điểm, bạn đọc Thanh Tan, bạn đọc Huu Huu cho rằng: "Cần đầu tư đường ống dẫn nước từ đầu nguồn sông Mekong, lắp đặt đường ống dẫn nước ngọt đến tỉnh Bến Tre, Trà Vinh…về lâu dài sẽ hạn chế được hạn hán".

Bạn đọc Hiệp Lực bình luận: "Tôi hiện sinh sống tại Singapore, theo tôi đặc điểm của thủy điện là tích nước vào mùa khô và xả nước vào mùa mưa. Vậy thì dưới hạ lưu phải xây dựng hồ chứa nước ngọt khi lũ về và sử dụng khi thiếu giống như Singapore đã làm. Ngoài ra người ta còn mua máy lọc nước biển thành nước ngọt do Việt Nam sản xuất sử dụng màng lọc RO. Cách đó cũng khá hữu dụng".

Cần có sự chuẩn bị, giải pháp trước mắt và lâu dài

Trao đổi với PV, ThS Hà Vĩnh Phước, chuyên ngành Kỹ thuật môi trường, cho biết về mặt tự nhiên, miền Tây là khu vực trực tiếp giáp biển và là hạ lưu của sông Mekong (sông Mekong bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, Trung Quốc, chảy qua 5 quốc gia: Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam) là yếu tố chính gây ra hạn mặn. Vào mùa khô, khi mực nước ngọt ở khu vực này giảm xuống do nắng nóng kéo dài và không có mưa, nước biển sẽ xâm lấn các con sông (hiện tượng này là tự nhiên). Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (nóng lên toàn cầu) làm nhiệt độ tăng cao, lượng nước mặt bay hơi nhiều hơn vào mùa khô (số giờ nắng nóng, nhiệt độ cao) và mực nước biển tăng, điều này làm vấn đề xâm nhập mặn diễn ra nghiêm trọng hơn.

Ngoài ra, đóng góp vào tình trạng xâm nhập mặn ở khu vực miền Tây cũng phải nói đến việc xây dựng các đập thủy điện để ngăn nước, cùng với việc khai thác nguồn nước đầu nguồn (Việt Nam ở cuối nguồn của hệ thống sông Mekong) mà không có quy hoạch, khiến cho lượng nước đổ về phía hạ lưu bị thiếu hụt rất nhiều, làm cho lưu lượng nước đổ về hạ lưu giảm, làm việc đẩy mặn không còn hiệu quả, từ đó khiến tình trạng hạn mặn ở miền Tây trở nên nghiêm trọng.

Theo ThS Phước, hiện giờ các giải pháp chỉ là tạm thời vì để có thể sống chung, thích nghi với tình hình hạn mặn nghiêm trọng trong những năm qua thì cần có sự chuẩn bị, giải pháp trước mắt và lâu dài như xây dựng các hồ chứa nước ngọt, tích trữ nguồn nước trong mùa mưa, bảo vệ nguồn nước mặt (nước mặt ô nhiễm do hóa chất dùng cho nông nghiệp, chăn nuôi, nước thải từ các KCN ...), xây dựng nhà máy lọc nước mặn thành nước ngọt...

Giải pháp trước mắt là sử dụng nước tiết kiệm (dùng cho nông nghiệp, chăn nuôi, sinh hoạt hằng ngày), theo dõi tình trạng mặn xâm nhập.

Phương pháp tạm thời để người dân lọc nước mặn thành ngọt, phương pháp thủ công dễ thực hiện là làm bay hơi nước (nước nhiễm mặn thấp) và ngưng tụ để thu nước ngọt (sử dụng chính nhiệt độ mặt trời), tuy nhiên lượng nước thu được ít, tốn thời gian, chỉ phù hợp với lượng nước nhỏ (hoặc đun nước sôi và ngưng tụ hơi nước, tuy nhiên tốn nhiên liệu).

TRẦN MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/ban-doc-hien-ke-chong-han-man-mien-tay-post785351.html