Bán đảo Triều Tiên trước cảnh báo 'bão' mới

Nhiều thông tin cho thấy Triều Tiên có thể đang chuẩn bị tiến hành một vụ thử tên lửa đạn đạo tầm xa mới. Điều này - nếu trở thành hiện thực - chắc chắn sẽ khiến Mỹ phản ứng gay gắt.

Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Michigan cập cảng Busan (Hàn Quốc) ngày 13/10.

Trong lúc "ngòi nổ" xung đột vẫn âm ỉ cháy, ngoại giao vẫn là biện pháp được nhiều người nhắc đến như một lối thoát để tránh cuộc đối đầu Mỹ-Triều nghiêm trọng với những hệ lụy khó có thể đong đếm được.

Nguy cơ hiện hữu

Giới tình báo Mỹ và Hàn Quốc gần đây phát hiện nhiều tên lửa của Triều Tiên đã được di chuyển khỏi cơ sở sản xuất, đến một địa điểm bí mật được cho là nơi đang chuẩn bị cho một vụ thử nghiệm tên lửa mới trong tương lai gần. Bình Nhưỡng có thói quen thử tên lửa hoặc hạt nhân trong dịp tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, hoặc trong các sự kiện lớn ở một số nước trong khu vực và thế giới. Theo logic này thì ngày 18/10 tới, khi Trung Quốc khai mạc Đại hội XIX đảng Cộng sản, Triều Tiên có thể sẽ tiến hành một vụ thử tên lửa đạn đạo tầm xa mới.

Tuy nhiên, cuộc tập trận chung trên biển giữa quân đội Mỹ và Hàn Quốc gần bán đảo Triều Tiên, chính thức khai mạc ngày 16/10, đặt ra nguy cơ Bình Nhưỡng đáp lại bằng việc chuẩn bị cho chiến tranh. Ngay cả báo chí Hàn Quốc cũng bày tỏ lo ngại các trang thiết bị quân sự của Mỹ ở gần bờ biển Hàn Quốc có thể làm tình hình ở đây trở nên căng thẳng hơn. Một số đã phỏng đoán Triều Tiên sẽ đe dọa bằng cách phóng tên lửa tới đảo Guam, vùng lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Giới chuyên gia nhận định một cuộc thử nghiệm tên lửa mới của Triều Tiên sẽ kích động Tổng thống Mỹ Donald Trump có những hành động cứng rắn như đã tuyên bố. Ngày 7/10, ông Trump từng nói rằng chỉ có một cách để ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Triều Tiên. Dù ông không nói cụ thể đó là cách nào, nhiều chuyên gia cho rằng ông đang ám chỉ việc sử dụng giải pháp quân sự. Nhiều diễn biến gần đây đã củng cố lập luận này: Mỹ tiếp tục cho các máy bay ném bom B-1B và máy bay chiến đấu F-35 áp sát không phận Triều Tiên, cũng như tăng cường sự hiện diện của các tàu chiến đến gần Bán đảo Triều Tiên. Đây có thể coi là hoạt động chuẩn bị cho các đòn trả đũa nếu Bình Nhưỡng tiến hành một vụ thử tên lửa mới.

"Khoảng lặng" 90 ngày

Trong khi xung đột rõ ràng là điều không ai muốn nhưng luôn “phải được tính đến”, ngoại giao luôn là giải pháp khả thi để tránh khỏi cuộc chiến nhiều hệ lụy. Giới chuyên gia cho rằng Mỹ có thể tìm cách kêu gọi Triều Tiên cùng nhau cân nhắc tạm ngừng các hành động khiến khủng hoảng leo thang, theo đó, Mỹ sẽ không áp đặt bất cứ biện pháp trừng phạt nào mới đối với Triều Tiên trong 90 ngày tới, đổi lại việc Triều Tiên không tiếp tục thử hạt nhân và tên lửa trong thời gian này. Với giải pháp này, Mỹ sẽ có thêm thời gian xác định những thực thể tài chính có liên quan tới hoạt động hạt nhân và tên lửa, trong khi các biện pháp trừng phạt tiếp tục gây áp lực đối với Bình Nhưỡng. Quá trình này cũng giúp hạn chế phần nào mối đe dọa trước mắt đối với sự an nguy của hơn 300.000 công dân Mỹ tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Đối với Triều Tiên, gợi ý trên có thể giúp họ “giữ thể diện” và tránh một cuộc xung đột nắm chắc phần thua. Trong khi đó, việc tạm ngừng thử nghiệm tên lửa trong 90 ngày sẽ không ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển vũ khí của Triều Tiên. Trong thời gian này, đại diện của các bên trong cơ chế đàm phán 6 bên sẽ gặp gỡ để xem liệu có cơ sở nào cho việc quay trở lại đàm phán dựa trên Tuyên bố chung năm 2005 hay không. Nếu Triều Tiên vẫn khăng khăng thử nghiệm tên lửa với mức độ trung bình khoảng 3 tuần/lần như hiện nay thì cộng đồng quốc tế không có đủ không gian chính trị để đưa Bình Nhưỡng vào đối thoại. Tuy nhiên, nếu các bên có thể kiềm chế và chấp nhận một giai đoạn “tạm ngừng” như nêu trên, thì đối thoại để mở đường cho những biện pháp ngoại giao dài hơi hơn và tham vọng hơn hoàn toàn là điều khả thi.

Vĩnh Hà

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/ban-dao-trieu-tien-truoc-canh-bao-bao-moi.aspx