Bạn đã sẵn sàng đương đầu 1001 'thử thách sinh tồn' khi đi du học từ bậc THPT?

Hiện nay, có rất nhiều teen lựa chọn du học ngay từ bậc THPT để có nhiều thời gian hòa nhập với nền văn hóa mới và chuẩn bị cho tương lai. Tuy nhiên, du học ở độ tuổi teen cũng có vô vàn thử thách. Cùng nhà Hoa tìm hiểu những điểm cộng và điểm trừ của việc du học từ sớm nhé!

Xây dựng góc nhìn quốc tế - Trở thành công dân toàn cầu

Trần Khánh An đang theo học tại Phần Lan.

Khi biết đến cơ hội du học bậc THPT miễn phí ở Phần Lan vào cuối năm lớp 11, bạn Trần Khánh An (lớp 23B, trường Trung học Forssa, Phần Lan) quyết định nắm bắt ngay cơ hội “vi vu” sang nước bạn. Chia sẻ về những điểm cộng của việc du học từ cấp Ba, Khánh An cho biết: “Nếu có định hướng ở lại một quốc gia lâu dài, ví dụ học lên tiếp nhiều cấp, thì việc du học từ sớm sẽ giúp các bạn thích nghi nhanh chóng và dễ dàng hòa nhập với văn hóa, con người nơi đây. Ngoài ra, ngôn ngữ học thuật ở Đại học sẽ rất khác biệt và phức tạp, nên mình chọn cấp Ba để có môi trường và thời gian chuẩn bị tốt hơn”.

Đồng tình với ý kiến trên, chị Hoàng Lan (sinh viên năm 3, University of Otago) đã “cất cánh” sang New Zealand từ cuối bậc THCS, chia sẻ: “Nếu dự định học đại học ở một quốc gia khác, du học cấp Ba ở đất nước đó sẽ trang bị cho bạn những bằng cấp, chứng chỉ cần thiết để vào đại học dễ dàng hơn”.

Chị Hoàng Lan cho rằng du học sớm cũng có nhiều ưu điểm.

Trần Gia Huy được chọn ngành học tương lai ngay từ sớm.

Bạn Trần Gia Huy (học sinh trường Trung học Cambridge) cho biết: “Số lượng môn học bắt buộc ở New Zealand tương đối ít so với Việt Nam, và mình có thể tìm kiếm những môn tự chọn phù hợp với nghề nghiệp tương lai. Nhất là với những ngành chú trọng thực hành, vì hầu hết các trường đều dạy dệt may, nghề mộc, kỹ thuật vật liệu và các môn học thú vị khác. Đây là cơ hội để teen chọn được ngành học tương lai ngay từ sớm”.

Maria Walker (Giám đốc bộ phận học sinh quốc tế của trường nữ sinh Wellington, New Zealand) nhận định rằng, khi du học từ bậc THPT, các teen sẽ thành thạo một ngôn ngữ mới và trở thành những công dân toàn cầu, dễ dàng thích nghi cũng như tiếp thu những ý tưởng từ nền văn hóa khác. Nhiều học sinh cũng tìm thấy nghề nghiệp tương lai mà các bạn chưa bao giờ nghĩ tới hoặc chưa được tiếp cận ở đất nước của mình. Các teen còn được kết bạn từ khắp thế giới, mang đến nhiều kết nối và cơ hội ở các quốc gia khác trong tương lai.

Cô Maria Walker, giám đốc bộ phận học sinh quốc tế của trường nữ sinh Wellington, New Zealand.

Rèn tính tự lập ở một môi trường xa lạ

Học tập tại một đất nước xa lạ trong độ tuổi mới lớn không phải là điều dễ dàng. Phải thích nghi một môi trường hoàn toàn mới, lại không có ba mẹ ở cạnh, Khánh An chia sẻ rằng bạn đã phải cố gắng thay đổi nhanh chóng và tự lập để chăm sóc bản thân và sẵn sàng với cuộc sống du học. Cấp phổ thông cũng là quãng thời gian tâm lý có nhiều biến đổi. Việc sống ở một nơi hoàn toàn mới, ở cạnh những người xa lạ, có thể là một trở ngại tâm lý lớn đối với các teen.

Khánh An chia sẻ rằng bạn đã phải cố gắng thay đổi nhanh chóng và tự lập.

Chị Hoàng Lan nói thêm: “Khi chuyển sang một môi trường khác, bạn sẽ phải rời xa gia đình, thích nghi với lối sống, văn hóa, và con người ở đó, cũng như trở nên mạnh mẽ và tự lập hơn. Đây là một trong những điểm mạnh của các du học sinh và là một điều đáng có cho bản thân. Tuy nhiên, nếu không hợp với môi trường đã chọn và quyết định thay đổi, điều này sẽ là một điểm trừ về thời gian trên con đường học vấn”. Đồng ý với quan điểm này, Gia Huy cho rằng nếu các teen muốn quay về thì sẽ khó hòa nhập vào chương trình ở Việt Nam, vì hai hệ thống giáo dục khác nhau hoàn toàn về mục đích, kết quả đầu ra và triết lý giáo dục.

Gia Huy kể việc hòa nhập với các bạn trong vài tháng đầu tiên khá là chật vật.

Chia sẻ về quãng thời gian mới sang New Zealand, Gia Huy kể việc hòa nhập với các bạn trong vài tháng đầu tiên khá là chật vật: “Lúc đầu, mình gặp khó khăn vì thiếu hiểu biết về hệ thống giáo dục bên đó và cảm thấy như có một bức tường giữa mình và các học sinh bản địa. Nhưng sau 1 - 2 tháng, mình đã bắt đầu hiểu được văn hóa trường học bên này và tìm được nhiều bạn bè chung sở thích”.

Ngoại ngữ cũng là một trở ngại thường gặp của các du học sinh. Bạn Khánh An chia sẻ: “Mình vẫn còn gặp nhiều khó khăn với tiếng Phần. Chương trình THPT được dạy hoàn toàn bằng tiếng Phần nên ngày nào mình cũng phải “bù đầu” với cả kiến thức và ngôn ngữ. Trước khi vào học, mình phải dành thời gian đọc và dịch tài liệu, trong tiết thì ráng nghe được chữ nào thì nghe, sau giờ thì đọc lại vở ghi chép và hỏi lại giáo viên, bạn bè nếu có phần nào chưa hiểu. Nói chung là phải cố gắng gấp 5, 6 lần học sinh bản địa đó!”.

Ngôn ngữ giao tiếp và giọng của người bản xứ, cũng là một rào cản của Hoàng Lan.

Ngoại ngữ, đặc biệt là ngôn ngữ giao tiếp và giọng của người bản xứ, cũng là một rào cản của Hoàng Lan. Tuy nhiên, nhờ tiếp xúc với người bản xứ và bạn bè ở trường, cũng như tìm kiếm sự giúp đỡ từ các du học sinh Việt Nam, chị đã có thể nhanh chóng tiếp thu câu từ trong các cuộc nói chuyện ngắn và cảm thấy quen thuộc khi nghe giọng Kiwi.

Nỗ lực thích nghi từ cả nhà trường và học sinh

Đa số các trường trung học tại nước ngoài đều có bộ phận chuyên hỗ trợ học sinh quốc tế và tổ chức nhiều hoạt động để giúp các teen hòa nhập vào môi trường mới. Cô Maria Walker cho biết: “Chúng tôi thường xuyên tổ chức chương trình định hướng cho mỗi đợt tuyển sinh mới và sắp xếp các host có sự kết hợp văn hóa phù hợp cho học sinh. Để giúp học sinh vượt qua rào cản ngôn ngữ, chúng tôi còn có các lớp học tiếng Anh từ sơ đẳng đến học thuật, và có hai trợ giảng để giúp đỡ từng học sinh với các lớp có từ vựng khó. Ngoài ra, các em cũng sẽ được học sinh bản địa giúp đỡ trong học tập, cùng một cố vấn nghề nghiệp chuyên hỗ trợ học sinh quốc tế lựa chọn môn học và xác định mục tiêu nghề nghiệp”.

Trợ giảng tiếng Anh cùng theo học sinh đến lớp ở trường Nữ sinh Wellington, New Zealand.

Tuy không có bộ phận riêng để hỗ trợ học sinh quốc tế nhưng trường của Khánh An lại có đầy đủ phòng tư vấn học tập, tư vấn tâm lý và thầy cô cũng luôn quan tâm đến bạn. Bí quyết chống “sốc văn hóa” của cô bạn là tìm hiểu trên mạng, hỏi thăm các anh chị đi trước, và dự đoán những khó khăn có thể gặp phải.

Để thích nghi tốt ở một đất nước xa lạ, lời khuyên của chị Hoàng Lan dành cho teen là hãy tìm hiểu kỹ càng về đất nước mà mình dự định du học: “Ngoài tìm kiếm chất lượng giáo dục, các bạn cũng nên đảm bảo sự tương thích giữa bản thân và môi trường sống, văn hóa, con người ở đó. Có rất nhiều các cộng đồng du học sinh ở nhiều đất nước trên các trang mạng xã hội, các bạn có thể tìm đến và tham khảo trải nghiệm của họ nhé!”.

Hoạt động ngoài trời ở trường Nữ sinh Wellington.

Lời khuyên của Gia Huy: “Cách tốt nhất là đặt mình vào trong cuộc trò chuyện và hiểu được cách giao tiếp của mọi người để cùng trao đổi một cách tích cực. Điều này là rất khó khi ở một đất nước khác, thế nên mình phải chủ động tìm hiểu trên mạng, qua bạn bè hoặc tài liệu, rồi dùng thông tin đó để hòa nhập với mọi người”.

Cuối cùng, hãy chuẩn bị cho mình một cái đầu mở - luôn muốn khám phá, trải nghiệm và học hỏi - cùng với một tinh thần lạc quan để có thể vượt qua những trở ngại trong cuộc sống nơi đất khách quê người. Chúc bạn thành công trên hành trình “cất cánh” của mình nhé!

Anna Đào - Ảnh: NVCC

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/ban-da-san-sang-duong-dau-1001-thu-thach-sinh-ton-khi-di-du-hoc-tu-bac-thpt-post1604633.tpo