Bàn chuyện văn hóa gắn với phát triển kinh tế xã hội ĐBSCL

Tại tọa đàm 'Văn hóa, kinh tế xã hội và nhân văn đồng bằng sông Cửu Long: đặc trưng, đổi mới và phát triển' được tổ chức ở Trường Đại học Cần Thơ sáng nay (29-9), nhiều chuyên gia nhấn mạnh, các hoạt động kinh tế xã hội phải gắn với văn hóa để đạt mục tiêu phát triển bền vững.

Quang cảnh buổi tọa đàm “Văn hóa, kinh tế xã hội và nhân văn ĐBSCL: đặc trưng, đổi mới và phát triển” được tổ chức tại Trường Đại học Cần Thơ sáng 29-9-2023. Ảnh: Huỳnh Kim

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ diễn đàn về phát triển bền vững ĐBSCL, tầm nhìn 2045, nhằm kết nối các bên liên quan trong nước và quốc tế; đề xuất chính sách, giải pháp cho Chính phủ trong việc phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Trích dẫn Nghị quyết số 120 của Chính phủ “Về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu” năm 2017, GS.TS. Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ, nhấn mạnh văn hóa là nguồn lực nội sinh quan trọng để phát triển đất nước, đồng thời cũng là thước đo, tiêu chí để đánh giá việc phát triển bền vững. Nghị quyết này nêu rõ: “Kiến tạo, phát triển bền vững, thịnh vượng, trên cơ sở chủ động thích ứng, phát huy tiềm năng, thế mạnh, chuyển hóa những thách thức thành cơ hội để phát triển, bảo đảm cuộc sống ổn định, khá giả của người dân cũng như bảo tồn được những giá trị văn hóa đặc sắc vùng ĐBSCL”.

Theo GS. Hà Thanh Toàn, Đại học Cần Thơ có nguồn lực gần 2.000 cán bộ, giảng viên và hơn 45.000 học viên; đồng thời, khoa học công nghệ tiên tiến, liên ngành, chuyên sâu; cơ sở vật chất được nâng cấp đồng bộ, hiện đại từ nhiều nguồn lực, gần nhất là dự án ODA của Chính phủ Nhật Bản và có mạng lưới các đối tác trong nước và quốc tế phong phú.

“Trường cam kết đồng hành cùng các cơ quan, đơn vị, đặc biệt kết nối các tổ chức quốc tế, để thực hiện tốt nhất sứ mệnh và trách nhiệm xã hội, góp phần phát triển bền vững ĐBSCL theo tinh thần Nghị quyết 120/CP”, GS. Hà Thanh Toàn nhấn mạnh.

Từ hoạt động nghiên cứu và ghi nhận của JICA, ông Yuichi Sugano, Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam, cho biết ĐBSCL là trọng tâm của Chính phủ Việt Nam trong kế hoạch hành động vì phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

JICA và Đại học Cần Thơ hiện là đối tác đáng tin cậy trong thực hiện chiến lược này. Tổ chức này đã trang bị để trường phát huy khả năng kết nối với cộng đồng doanh nghiệp, chính quyền các tỉnh ĐBSCL và các nhà nghiên cứu quốc tế.

Thông qua sự hỗ trợ và đã hợp tác tài chính từ JICA, Đại học Cần Thơ đã xây dựng tổ hợp phòng thí nghiệm công nghệ cao và tiên tiến, phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu chung và hợp tác kỹ thuật hướng tới phát triển trường thành một cơ sở giáo dục, nghiên cứu khoa học và chuyển giao kiến thức xuất sắc.

Chợ cổ Cần Thơ về đêm là điểm kinh doanh gắn với văn hóa luôn thu hút du khách thập phương. Ảnh: Huỳnh Kim

Về hợp tác phát triển nguồn nhân lực, các chương trình đào tạo thạc sĩ tập trung vào biến đổi khí hậu đã thu hút hàng trăm sinh viên ĐBSCL đến từ các tỉnh, doanh nghiệp.

Ngoài ra còn có 40 dự án nghiên cứu chung về nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và môi trường gắn với thích ứng với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL.

Nhắc lại chủ đề tọa đàm, ông Yuichi Sugano khẳng định: “Chúng tôi cam kết tiếp tục hỗ trợ Trường Đại học Cần Thơ trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững của ĐBSCL. Chúng tôi tin rằng sự hợp tác của chính quyền địa phương, trường, cộng đồng doanh nghiệp ĐBSCL sẽ là động lực hướng tới sự phát triển bền vững của khu vực”.

Bánh dân gian Nam bộ nay là Lễ hội thường niên của thành phố Cần Thơ. Ảnh: Huỳnh Kim

Theo TS. Bùi Thanh Thảo, Trưởng khoa Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Cần Thơ, đặc trưng con người văn hóa ĐBSCL là nghĩa khí, hào hiệp, tình cảm, bao dung, năng động, sáng tạo, phóng khoáng, tự do, trách nhiệm, lạc quan, yêu đời, tình nghĩa, mến khách.

Để văn hóa là nguồn lực phát triển kinh tế xã hội ĐBSCL, bà Thảo cho rằng, xu hướng kinh tế hóa văn hóa sẽ tạo ra các ngành công nghiệp văn hóa có thể đem lại nguồn thu, lợi nhuận lớn cho phát triển kinh tế xã hội của vùng. Bà kiến nghị nên sử dụng các giá trị, đặc trưng văn hóa ĐBSCL như một sản phẩm hàng hóa đặc biệt trong hoạt động kinh tế.

Lấy ví dụ về hoạt động phát triển du lịch đặc thù cho ĐBSCL, TS. Bùi Thanh Thảo góp ý cần có sự gắn kết với các hoạt động trải nghiệm vùng sông nước, miệt vườn và với giá trị văn hóa đặc trưng về sinh hoạt truyền thống, sinh kế của người dân như nghệ thuật đờn ca tài tử, văn hóa chợ nổi, lễ hội…

Trong khi đó, phát triển kinh tế xã hội hài hòa với văn hóa và môi trường sẽ là động lực cho phát triển bền vững ĐBSCL, theo góc nhìn của TS. Lê Thanh Hòa, Trưởng khoa Đô thị học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG-HCM). Ông cho biết trong các mô hình phát triển vững gắn kinh tế – xã hội – môi trường được áp dụng gần đây thì văn hóa chưa được lồng ghép toàn diện trong bối cảnh phát triển bền vững tổng thể.

“Phân tích các nghiên cứu về phát triển bền vững vùng ĐBSCL cho phép kết luận rằng quan hệ giữa văn hóa và môi trường có vai trò quan trọng cho phát triển bền vững. Văn hóa có thể được tích hợp vào quy hoạch tổng thể vùng, quy hoạch chiến lược và kế hoạch phát triển vùng theo ba mô hình gồm văn hóa là trụ cột độc lập cho phát triển bền vững; văn hóa là động lực cho phát triển bền vững; văn hóa là nền tảng cho phát triển bền vững”, TS. Lê Thanh Hòa nhấn mạnh.

Cuối buổi tọa đàm, Trường Đại học Cần Thơ đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM và ký kết thỏa thuận hợp tác với Hiệp hội Du lịch ĐBSCL nhằm tối ưu hóa tiềm lực các bên, hướng tới phục vụ cộng đồng hiệu quả hơn.

Huỳnh Kim

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/ban-chuyen-van-hoa-gan-voi-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-dbscl/