Bản chân mây

Sương mù bao phủ cả ngày lẫn đêm, người dân bản Khằm 1 (còn gọi là bản chân mây), xã Trung Lý (Mường Lát) một thời phải bỏ bản vì cấy lúa, lúa không ra bông; nấu cơm, cơm không chín... Ấy vậy mà, đến nay bà con vẫn đang bám trụ ở lại với bản.

Mùa này bản Khằm 1 luôn trong tình trạng sương mù bao phủ cả ngày lẫn đêm

Bản Khằm 1 cách trung tâm xã Trung Lý khoảng 7 km, nằm dọc Quốc lộ 15C, gắn với địa danh “cổng trời” Mường Lát. Cả bản có 83 hộ, 465 nhân khẩu thì 98% là đồng bào dân tộc Mông. Do địa hình đồi núi cao, một năm có tới 6 tháng cả bản luôn bị bao phủ bởi sương mù dày đặc. Là bản nghèo phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo nơi đây luôn chiếm hơn 60%...

Dừng xe bên Quốc lộ 15C, tôi cuốc bộ ngược bản Khằm 1. Con đường nhỏ ngoằn ngèo được đổ lớp bê tông mỏng, rộng chừng hơn 1m, đủ cho 2 chiếc xe máy tránh nhau. Sương mù mịt, tầm nhìn xa chỉ chừng vài ba mét nên hễ bà con ai có đi xe máy thì phải bật đèn pha và còi xe báo hiệu liên tục.

Lúc này, đã gần 11 giờ trưa, thế nhưng sương mù vẫn dày đặc. Chúng tôi ai cũng phải trang bị cho mình những chiếc ô hoặc mũ rộng vành để đội. Còn với trẻ con nơi đây, mặc nhiên đầu trần, chân đất, áo quần sũng ướt... có lẽ với chúng đã thành quen.

Trưởng bản Vàng A Sùng gằn giọng quát: “Về nhà ngay, mũ nón đâu?”. Mấy đứa trẻ ngơ ngác cho đến khi nhận ra trưởng bản thì tán loạn chạy về phía mấy căn nhà nhỏ nằm tun hút dọc hai bên con đường.

Từ căn nhà lắp ghép được hỗ trợ bởi dự án xây dựng 600 ngôi nhà ở cho hộ dân nghèo trên địa bàn huyện Mường Lát do Bộ Công an hỗ trợ, giọng của Vàng A Chớ í ới bằng tiếng người Mông nói gì không rõ. Tôi ngơ ngác, Chủ tịch UBND xã Ngân Văn Lon dịch: “Học sinh của mình đấy! Em nó mời lên nhà chơi!”. Hóa ra, ông Ngân Văn Lon trước khi đảm nhiệm công việc chính quyền đã có thời gian công tác, đứng lớp tại Trường THCS xã Trung Lý.

Ghé nhà của Vàng A Chớ, Chớ tỏ chút ngại ngùng khi không gian căn nhà chiếm chọn bởi những bao lúa, bao ngô. Chiếc giường nhỏ ở góc nhà che kín mít bằng chiếc di-đô cũ đã chuyển màu sẫm xịt. Vợ của A Chớ vừa sinh em bé. “Đây là đứa thứ mấy rồi A Chớ?” - Chủ tịch UBND xã Ngân Văn Lon hỏi. A Chớ gãi đầu, đứa thứ 3.

Nói về hoàn cảnh của A Chớ, Chủ tịch UBND xã cho biết, Chớ sinh năm 2003, khi em mới học lớp 8, bố mất, mẹ đi bước nữa. Mình A Chớ phải nuôi 2 đứa em nhỏ (1 em học lớp 1, 1 em mới hơn 3 tuổi). Chớ đã phải bỏ học, rồi lấy vợ khi nào không ai hay.

Vợ A Chớ sinh năm 2001, không đi học nên cũng chẳng biết cái chữ. A Chớ nói: "Đi chơi chợ tình Nhi Sơn, gặp nhau ưng cái bụng thì về ở một nhà. Cũng may, A Chớ lấy vợ, có vợ chăm em nhỏ, cho con lợn ăn, con bò uống nước, lên nương, lên rẫy cùng A Chớ".

Còn trưởng bản Vàng A Sùng thì hết lời khen vợ chồng A Chớ, chịu khó, siêng năng, năm nay nhiều thóc lúa. Từ lúc lấy nhau, hai vợ chồng A Chớ đã khai hoang thêm được nhiều con rẫy mới, góp phần tăng diện tích đất piềng bãi cho bản. Đến nay, riêng diện tích cấy được cây lúa của vợ chồng A Chớ là 5 sào ruộng. Không chỉ lo cho gia đình, A Chớ còn chăm 2 em nhỏ ăn học. Một đứa đến nay đã đi làm, đứa út thì đang học lớp 7.

Vàng A Chớ khẳng định: “Đời A Chớ là tảo hôn nhưng đời con A Chớ không cho lấy sớm nữa đâu! A Chớ sẽ cho con đi học hết lớp 12 như trưởng bản, như thầy giáo Lon để sau này có cái chữ đi làm công ty, biết đâu lại làm cán bộ”.

A Chớ (ngồi giữa) hứa sẽ nỗ lực để phát triển kinh tế gia đình, không để con cái tảo hôn như bố mẹ

Nói về việc tuyên truyền, xóa bỏ tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, Trưởng bản Vàng A Sùng rạng rỡ hẳn. Vốn là “điểm trũng” về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, nay bản của A Sùng được tuyên dương là “điểm sáng” của xã.

Từ năm 2017 đến nay, bà con bản Khằm 1 đã xây dựng hương ước quy định rõ ràng về độ tuổi được kết hôn theo pháp luật, ai vi phạm thì sẽ bị xử phạt, nêu tên trước bà con dân bản trong các cuộc họp, lễ lạt. Bên cạnh đó, bà con trong bản sẽ không đến dự đám cưới, ai đến dự, sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới và cũng bị xử phạt. Sau 6 năm thực hiện hương ước, năm 2023, bản Khằm 1 đã không còn cặp đôi nào vi phạm tảo hôn. Là một trong số 15 bản trên địa bàn xã Trung Lý làm tốt hương ước “nói không với tảo hôn”.

Bên cạnh “điểm sáng” trong công tác xóa bỏ tình trạng tảo hôn, nét mặt của trưởng bản Vàng A Sùng lại có phần trùng xuống khi nói về đời sống kinh tế của bà con. Vốn là đồng bào Mông được di cư từ Sơn La vào Mường Lát những năm đầu thập kỷ 90. Tư tưởng di canh, di cư vẫn ăn sâu trong tiềm thức người dân suốt một thời gian dài. Những hủ tục nặng nề kéo theo cái nghèo, cái đói vẫn đeo bám dai dẳng.

Đến nay, dù nhận thức của bà con cũng đã thay đổi, song còn chậm. Tỷ lệ hộ nghèo còn trên 60%. Vẫn còn một bộ phận lớn bà con còn trông chờ, ỷ lại vào chế độ, chính sách. A Sùng cho hay, bản thân vẫn đang nỗ lực để bà con thay đổi tư duy, nỗ lực phát triển kinh tế.

“Mình phải tiên phong đi đầu bà con mới tin” - A Sùng nói. Từ năm 2015, A Sùng đã là một trong những hộ tiên phong trong việc vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Lát để phát triển kinh tế. Năm 2016, gia đình A Sùng thoát nghèo. Đến năm 2023, A Sùng tiếp tục vay 100 triệu đồng từ ngân hàng để đầu tư trồng rừng và nuôi 7 con trâu.

Theo A Sùng, từ khi thấy mình mạnh dạn vay vốn ngân hàng nuôi trâu, bò, trồng thêm cây trên đất rừng, thoát được nghèo, nhiều bà con cũng tin theo. Thống kê toàn bản cho thấy, dư nợ tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội đạt hơn 2 tỷ đồng, với 46 hộ vay vốn.

Ông Ngân Văn Lon, Chủ tịch UBND xã Trung Lý đánh giá, bản Khằm 1 là một trong những bản có điều kiện khí hậu khó khăn nhất. Gần như từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, bản luôn bị bao phủ bởi sương mù dày đặc, không có ánh mặt trời. Bà con chỉ cấy được một vụ lúa. Trước khi bà con người Mông từ Sơn La di cư vào vùng đất hiện tại, nơi đây là bản người Thái từng định cư. Do điều kiện khí hậu khắc nghiệt, bản người Thái đã di cư lên bản Táo (cách bản Khằm 1 khoảng 5km), một số hộ khác di cư lên Pù Nhi, Nhi Sơn. Tôi thì thắc mắc, vậy để khắc phục những khó khăn trên, xã, bản đã định hướng gì để bà con người Mông vượt qua những khó khăn, thách thức đó?! Theo ông Lon, thì giải pháp là chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng.

Rõ ràng, với sự nỗ lực của ban quản lý bản, cùng sự chung tay của các cấp, ngành, bà con người Mông nơi “cổng trời” Mường Lát đã, đang có những thay đổi nhất định, sự khởi sắc trong tư duy định canh, định cư; xóa bỏ hủ tục, mạnh dạn vay vốn ngân hàng để phát triển kinh tế, với ước mong nâng cao chất lượng cuộc sống...

Đình Giang

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/ban-chan-may/207749.htm