Bàn cách thu hẹp khoảng cách Việt Nam với các nước tiên tiến

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trên thế giới đã tác động đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của Việt Nam. Làm thế nào để thu hẹp khoảng cách với các nước tiên tiến? Câu hỏi được mổ xẻ tại hội thảo khoa học quốc tế “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề đặt ra đối với phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam” sáng 25/11.

Ông Nguyễn Văn Bình,Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tại hội thảo.

Ngày 25/11/2016, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề đặt ra đối với phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam”.

Chủ trì và phát biểu tại Hội thảo, TS.Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, qua hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đưa Việt Nam ra khỏi nước kém phát triển, trở thành nước có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, việc tạo nền tảng để nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt được mục tiêu đã đề ra.

Trong bối cảnh đó, Trưởng ban kinh tế Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh: cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư tác động mạnh mẽ, toàn diện trên các khía cạnh chủ yếu của nền kinh tế mỗi quốc gia như về cấu trúc, trình độ phát triển, tốc độ tăng trưởng, mô hình kinh doanh, thị trường lao động…, trong đó có Việt Nam. Ông Bình đặt vấn đề và gợi mở làm thế nào để nhận diện Cuộc CMCN lần thứ 4 và hàm ý chính sách như thế nào? Tác động của Cuộc CMCN lần thứ tư đến Việt Nam ra sao?

Cũng liên quan đến tác động của của Cuộc CMCN lần thứ tư, TS. Nguyễn Thắng, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã phân tích khá sâu sắc cả tác động tích cực cũng như bất lợi tới từng ngành, từng lĩnh vực của Việt Nam như: ngành năng lượng; ngành công nghiệp chế tạo; ngành dệt may, giày dép; ngành điện tử; ngành tài chính - ngân hàng; ngành du lịch; ngành giáo dục và đào tạo; ngành y tế; ngành nông nghiệp sẽ chịu sự tác động từ Cuộc CMCN này.

Trên cơ sở đó, TS. Nguyễn Thắng đưa ra 7 khuyến nghị về chính sách cho từng ngành, lĩnh vực như: cần tăng cường nâng cao nhận thức của các cơ quan hoạch định chính sách cũng như khu vực doanh nghiệp ; và khu vực ngân hàng để giúp điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và đầu tư nhằm tránh các khoản đầu tư sai, qua đó giúp ngăn ngừa các khoản nợ xấu phát sinh trong tương lai …

Doanh nghiệp phải làm gì?

Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, để tận dụng tốt cơ hội và vượt qua thách thức của Cuộc CMCN lần thứ tư, cần thúc đẩy chính sách tạo ra những “vườn ươm công nghệ”, khuyến khích khởi nghiệp; thay đổi toàn diện giáo dục và đào tạo để Việt nam có một nguồn nhân lực vừa có tinh thần khởi nghiệp, vừa có năng lực sáng tạo và có dũng khí chấp nhận mạo hiểm khi tham gia vào cuộc cách mạng này và ứng dụng nhanh nhất những thành tựu mà cuộc cách mạng số tạo ra để nâng cao đột xuất, đột biến cho nền kinh tế.

Theo TS Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Ngân hàng Ngoại thương Việt nam (Vietcombank) thì khẳng định: Công nghệ cao đồng nghĩa với rủi ro và an ninh mạng cao hơn bao giờ hết và có thể nói giờ đây, trong thế giới kết nối như hiện nay, không có từ tuyệt đối an toàn cho hoạt động của mọi tổ chức doanh nghiệp, nhất là ngân hàng thương mại. Điều này đặt ra yêu cầu phải dùng nguồn lực tài chính lớn về đầu tư an ninh mạng, hệ thống bảo mật tiền tệ, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. Và với chi phí tăng cao, hiệu quả hoạt động của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng khá nhiều.

Ông Thành cũng thừa nhận xu thế trên thế giới đang diễn ra cạnh tranh giữa các công ty công nghệ tài chính (Fintech) với lợi thế quy mô gọn nhẹ, hiện đại, sáng tạo sẽ thu hút khách hàng và chia sẻ lợi nhuận truyền thống của ngân hàng. “Để tồn tại, ngân hàng càng phải thay đổi hướng tới sáng tạo, đổi mới, và kiến tạo giá trị cao cho khách hàng”, ông Thành nói.

Ở vị trí Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, Ông Tô Hoài Nam đã đặt doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam vào Cuộc CMCN lần thứ tư với những thách thức, từ đó đề cập tới việcphải khẩn trương xây dựng một số chính sách trọng tâm như: hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để phát triển sản phẩm mới, đào tạo khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo, quản trị doanh nghiệp hiện đại...

Hội thảo có hơn 200 đại biểu tham dự và thu hút nhiều tên tuổi diễn giả quốc tế và trên 20 bài tham luận của các Bộ, các chuyên gia của Việt Nam. Cuộc CMCN lần thứ tư tác động đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội như: công nghiệp, nông nghiệp, tài chính ngân hàng, lao động, việc làm, giao thông vận tải, du lịch, y tế, giáo dục đào tạo, ngân hàng, dệt may, doanh nghiệp và các địa phương… Theo Ban kinh tế Trung ương, Hội thảo “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề đặt ra đối với phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam” trong thời điểm này thực sự có ý nghĩa quan trọng đối với việc đưa ra những chủ trương, đường lối cũng như việc ban hành những chính sách phát triển cho các lĩnh vực trong thời gian tới của Việt Nam

Khánh Huyền

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/kinh-te/ban-cach-thu-hep-khoang-cach-viet-nam-voi-cac-nuoc-tien-tien-1077321.tpo