Bản án phúc thẩm TAND TP.HCM: Nguyên đơn gửi đơn kháng nghị

Ông Lương Vĩnh Kim- người đại diện của SaiGonbook, cho biết: "HĐXX phúc thẩm đã có nhiều vi phạm về tố tụng và ra bản án thiếu khách quan, chèn ép người tiêu dùng...".

Theo thông tin mới nhất mà PV báo Kinh Doanh& Pháp Luật nhận được, nguyên đơn là Công ty TNHH Phát hành sách Sài Gòn (SaiGonbook) đã quyết định gửi đơn kháng nghị theo trình tự Giám đốc thẩm đến Tòa án Nhân dân Cấp cao đối với bản án phúc thẩm của Tòa Kinh tế- TAND TP.HCM ban hành ngày 22/9/2016…

Chưa làm rõ hành vi gian dối của nhân viên chào hàng

Ông Lương Vĩnh Kim ngán ngẩm với máy C1100 trị giá 3,4 tỷ đồng mang về để “ngắm”!.

Ngày 24/8/2016, Tòa Kinh tế - TAND TP.HCM đã đưa ra phiên xử phúc thẩm vụ án “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa”, giữa nguyên đơn là Công ty TNHH Phát hành sách Sài Gòn (SaiGonbook), bị đơn là Công ty TNHH Thương mại - Tư vấn - Kỹ thuật Sao Nam (viết tắt là: Sao Nam), Công ty TNHH Konica Minolta Việt Nam (KMV) và Công ty cho thuê tài chính ACB (ACBL) xuất hiện với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan…

Thế nhưng, phiên tòa đã “tạm dừng” đến ngày… 22/9/2016, tức là gần 30 ngày sau mới tiếp tục vụ án. Những tưởng vụ án sẽ được tiếp tục xét xử thì 2 bên có mặt lại rất bất ngờ khi nghe Tòa… tuyên án! Theo đó, HĐXX phúc thẩm ngày 22/9/2016 lại cho rằng, yêu cầu khởi kiện của SaiGonBook là không có căn cứ để xem xét, bản án sơ thẩm của TAND Quận 3 đưa KMV vào vụ án là không có căn cứ và việc yêu cầu Sao Nam hoàn trả tiền mua máy lại cho SaiGonBook cũng không có… cơ sở để xem xét?

Trong khi đó, tại phiên tòa diễn ra ngày 24/8/2016, ông Lương Vĩnh Kim đã trình bày rất rõ, từ lời giới thiệu của nhân viên bán hàng, kèm catalogue giới thiệu chi tiết về dòng máy in kỹ thuật số C1100 của hãng Konica có xuất xứ từ Nhật Bản (?), và cam kết bán máy C1100 rẻ hơn 20% so với các đối tác khác, vì tin tưởng máy in kỹ thuật số C1100 chính hãng Konica là do nước Nhật sản xuất nên SaiGonbook đã tiến hành thực hiện hợp đồng mua máy in kỹ thuật số C1100 với Sao Nam…

Sau khi mua máy C1100, SaiGonbook phát hiện Sao Nam và KMV đã có hành vi lừa dối mình, cụ thể như sau: tháng 10.2014, Sao Nam công bố giá máy C1100 là 3.873.990.185 đồng. Nhưng đến ngày 16.7.2015 thì giá bán máy C1100 (cũng do Sao Nam chào giá) giảm còn 2.000.000.000 đồng… Trong khi theo định giá của cơ quan chức năng thì giá máy C1100 từ tháng 10/2014 đến tháng 7/2015 không có biến động.

Bên cạnh đó, theo trình bày của SaiGonbook trước Tòa, thì máy C1100 mới bàn giao đã bị lỗi, kéo dài hơn 3 tháng, hiện nay máy C1100 vẫn không hoạt động được, bởi vì phía Sao Nam không cung cấp bộ giải mã cho dòng máy in C1100.

KMV không thể thoái thác trách nhiệm

Trước đó, bản án sơ thẩm đã nhận định và phân xử, phía Saigonbook cũng có lỗi khi không kiểm tra thông tin máy khi được bàn giao. Do đó, tòa xác định cả phía Công ty Sao Nam và Saigonbook đều có lỗi, đồng thời tuyên xử hợp đồng mua bán giữa các bên bị vô hiệu do nhầm lẫn, buộc Cty Konica Minolta Việt Nam (KMV) và Công ty Sao Nam có trách nhiệm liên đới trả lại cho Saigonbook gần 3,4 tỷ đồng và nhận lại máy in C1100 đã bán…

Theo PV được biết, Saigonbook hiện đang gánh chịu hậu quả mất số tiền 3,4 tỷ, ôm chiếc máy C1100 về để “ngắm nghía” chính, bởi vì không hoạt động được khi không có mật khẩu (Password) mở máy, không có mục, vật tư thay thế và hợp đồng dịch vụ click charge độc quyền của Konica Minolta.

Tuy nhiên, với phần trách nhiệm của nhà cung cấp KMV có thế thấy rõ, KMV là bên giao đại lý cho Sao Nam nên KMV có nghĩa vụ theo điều 173 Luật Thương Mại. KMV là chủ sở hữu máy C1100 khi chuyển bán cho Saigonbook theo điều 170 Luật Thương Mại. Hợp đồng vô hiệu thì tất nhiên máy C1100 phải hoàn trả về cho chủ sở hữu là KMV, số tiền mà KMV nhận được của Saigonbook thông qua Sao Nam phải được hoàn trả lại cho Saigonbook…

Tại bảng chào giá ngày 14.10.2014, Sao Nam cam kết hàng hóa nhập khẩu, mới 100%... Điều này cũng thể hiện rõ tại Điều 1 Hợp đồng 03.12.14/HĐMB-SG/PL-01 có nêu rõ xuất xứ máy in kỹ thuật số C1100 là Nhật Bản. Thế nhưng theo tờ khai hải quan và chi tiết phụ tùng dòng máy in C1100 do Sao Nam cung cấp cho SaiGonbook thì có xuất xứ từ… Trung Quốc???

Qua vụ án nêu trên, có thể thấy bản án phúc thẩm do Tòa Kinh tế - TAND TP.HCM ban hành khiến không ít người tiêu dùng phải giật mình, vì sản phẩm hàng hóa mà họ đã mua và sử dụng thì người tiêu dùng phải tự… bảo vệ mình, còn việc xuất xứ và chất lượng sản phẩm thì cứ theo hình thức “thuận mua vừa bán” là xong.

Nguyên đơn tiếp tục gửi đơn xin kháng nghị theo trình tự Giám đốc thẩm là hoàn toàn có cơ sở để Tòa án Nhân dân Cấp cao xem xét, thụ lý theo quy định. Chúng tôi sẽ theo dõi thông tin vụ việc và cập nhật đến bạn đọc trên những số báo tới.

Ông Lương Vĩnh Kim khẳng khái nói: “Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 quy định rõ: "Người tiêu dùng khởi kiện không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bị kiện có nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi gây ra thiệt hại theo qui định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng". Saigonbook làm sao chứng minh được lý do giá máy chênh lệch đến 2,1 tỷ là do đâu? Làm sao chứng minh được vì sao ký hợp đồng mua máy Nhật mà nhận máy Trung Quốc?".

DUY ANH- BÍCH THỦY/KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/ban-an-phuc-tham-tand-tp-hcm-nguyen-don-gui-don-khang-nghi-p41917.html