Bám tàu ngoại, ngăn Covid-19 từ… giữa biển

Những màu áo trắng thầm lặng giữa biển khơi đã và đang đêm ngày kiểm soát, phòng ngừa Covid-19 xâm nhập, lây lan từ những con tàu cập cảng.

Trong “binh chủng hợp thành” trên tuyến đầu chống “giặc” Covid-19, có một lực lượng ít người biết đến, đó là những “chiến binh” thuộc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế.

Gian nan hành trình đi lấy mẫu

Gần 21h đêm của ngày Đông cuối năm, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế nằm bên bờ vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) vẫn có phòng sáng đèn.

Bác sĩ Hoàng Mạnh Tùng lấy mẫu cho thủy thủ đoàn tàu UNICOR

Bác sĩ Hoàng Mạnh Tùng vừa thoăn thoắt kiểm tra thiết bị trước khi cho vào hộp bảo quản, vừa cho biết: “Chúng tôi đang chuẩn bị vật tư để ra phao số 0 làm nhiệm vụ. Hôm nay, có tàu quốc tịch Panama chuẩn bị vào cảng Cái Lân lấy dăm gỗ. Thủy thủ đoàn là gần 20 người Philippines”.

Trong khi chờ đến lượt lấy mẫu, một thuyền viên tàu UNICOR chia sẻ: “Nhiều tháng nay, tàu chúng tôi liên tục vào Hạ Long lấy hàng. Cảm nhận qua mỗi chuyến vào Quảng Ninh là lực lượng chuyên trách người Việt Nam rất thân thiện. Lúc làm nhiệm vụ, dù thực hiện đúng quy định, nhưng ai cũng nhẹ nhàng hướng dẫn. Cách thức lấy mẫu cũng rất chuyên nghiệp”.

22h, mặc bộ quần áo bảo hộ phòng dịch bác sĩ Tùng đưa, PV Báo Giao thông cùng y, bác sĩ của Trung tâm ra cầu cảng của Ban Quản lý vịnh Hạ Long, xuống xuồng máy để nhằm hướng phao số 0 thẳng tiến.

Gió mùa Đông Bắc về cùng nước thủy triều lên khiến biển động dữ dội, chiếc xuồng máy nhao lên, hụp xuống giữa sóng nước. Bác sĩ Tùng dặn: “Thời tiết này, lại đêm tối, khi lên tàu, xuống xuồng và lúc ngồi trên xuồng phải hết sức chú ý. Chỉ sơ xảy một chút là rất nguy hiểm. Không ít lần, cán bộ của Trung tâm đã đối mặt với nguy cơ gãy chân, rớt xuống biển do sóng lớn vỗ mạnh vào mạn tàu, xuồng”.

Theo bác sĩ Tùng, công việc ở Trung tâm không phụ thuộc vào thời gian, thời tiết, mà phụ thuộc vào “tàu ngoại đến”. Cứ có tàu vào là anh em phải lên đường.

Nhiều chuyến biển động, sương mù, Tổ công tác bị lạc vị trí tàu neo đậu phải tìm mất cả tiếng trên biển; khi cập được mạn tàu, sóng biển quá lớn, không lên được đành phải quay vào bờ rồi lại tìm cách quay ra.

“Do nhân lực mỏng, tàu vào cảng nhiều, nên đây đã là chuyến ra khơi lần thứ 4 trong ngày của bác sĩ, nhân viên Trung tâm”, bác sĩ Tùng cho hay.

Càng về đêm càng rét, biển động nên những con sóng vẫn chao đảo không ngừng. Anh Vũ Văn Tuấn, nhân viên khử khuẩn của Trung tâm đứng “trung bình tấn” trên phía mũi, một tay vịn chặt vào thành xuồng, còn một tay lia đèn pin để quan sát giúp tài công đi đúng luồng và không va vào tàu, thuyền ngược chiều, nói như hét: “Nhà báo làm giống chúng tôi như này thì mới trụ được, nếu không là té ngửa ra sau đấy!”

Chưa kịp thực hành theo lời anh Tuấn, một cơn sóng lớn từ đâu ụp vào mạn xuồng khiến PV ngã chúi về phía sau.

Sau một giờ vật lộn với sóng biển, chiếc xuồng của Tổ công tác cũng cập được mạn chiếc tàu UNICOR tải trọng 20.000 tấn đang neo đậu cách phao số 0 chừng vài hải lý.

Ra được tàu rồi, trèo lên tàu cũng không dễ dàng bởi những con tàu chở hàng xuyên đại dương có thể dài tới vài trăm mét, chiều cao mạn tàu tương đương với tòa nhà 5 - 6 tầng.

Có những tàu có cả thang cuốn có tay vịn hay thang dây để leo lên, nhưng vào những ngày có sóng to, đi thang cuốn sẽ nguy hiểm hơn bởi khả năng sẽ va đập với mạn tàu.

Những lúc ấy, để thực hiện nhiệm vụ, các kiểm dịch viên không có lựa chọn nào khác là phải leo thang dây lên tàu.

Đu mình giữa biển khơi tối mịt, gió thổi lồng lộng với chiếc thang dây tròng trành ở độ cao tòa nhà 5 - 6 tầng quả không chỉ cần kỹ năng, kinh nghiệm mà cả lòng dũng cảm.

Hôm nay, khu vực tàu thả neo, sóng biển dâng cao cả mét khiến chiếc xuồng phải lượn vòng quanh nhiều vòng mới tìm được vị trí thuận lợi để thả thang ở mạn ít sóng, gió nhất.

Quyết chặn F0 ngay từ phao số 0

Tàu UNICOR - nơi có gần 20 thủy thủ đang chờ cán bộ Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế lấy mẫu trong đêm

Đu mình vượt qua chiếc lan can tàu UNICOR rồi thoăn thoắt bước vào phía trong khoang, vừa nhanh tay chuẩn bị dụng cụ, rà soát danh sách thuyền viên, bác sĩ Hoàng Mạnh Tùng cho hay, nhiệm vụ trong mỗi ca làm việc của lực lượng kiểm dịch viên y tế quốc tế là phải đảm bảo những chiếc tàu nước ngoài nhập cảnh làm hàng sẽ không mang theo mầm bệnh Covid-19 cũng như những bệnh dịch khác vào địa bàn.

Chỉ khi nào kiểm dịch y tế quốc tế chứng nhận an toàn, tàu mới được phép cập cảng.

Theo thông lệ quốc tế, khi các tàu nhập cảnh tại đâu, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế tại địa phương đó sẽ cung cấp thông tin về kiểm dịch.

Tại Quảng Ninh, ngay khi nhận thông tin tàu nhập cảng tại Quảng Ninh, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế sẽ phân loại theo nguy cơ dịch bệnh.

Những chuyến tàu đến từ những vùng có nguy cơ cao sẽ phải neo tại phao số 0 và chỉ được nhập cảnh vào vùng biển Việt Nam khi đảm bảo an toàn kiểm dịch.

Những chuyến tàu đến từ các vùng an toàn thì sẽ có thể vào vùng biển Việt Nam, nhưng phải neo đậu tại nơi được chỉ định và chỉ được nhập cảng nếu đảm bảo an toàn phòng dịch.

“Với những chuyến tàu chở hàng xuyên đại dương đi từ quốc gia này tới quốc gia khác, thời gian trên biển càng lâu sẽ kéo theo chi phí phát sinh càng lớn. Do đó, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, bất cứ khi nào có tàu nước ngoài nhập cảnh, là những kiểm dịch viên sẽ có mặt tức thì để giúp thủy thủ đoàn sớm được vào cảng làm hàng”, bác sĩ Tùng chia sẻ.

Cũng như các chuyến tàu khác, bác sĩ Tùng và nhân viên phun khử khuẩn Vũ Văn Tuấn đã nhanh chóng hướng dẫn thuyền viên những quy định về phòng, chống dịch Covid-19, kiểm tra lại tờ khai y tế và xác nhận vào tờ khai y tế của từng thuyền viên, đo thân nhiệt, khám lâm sàng sức khỏe thuyền viên, kiểm tra vệ sinh chung; tiến hành phun khử trùng tất cả những khu vực trên tàu… để đảm bảo tuyệt đối công tác phòng, chống dịch.

Công tác chuẩn bị và hành trình ra tàu thì lâu vậy, nhưng chưa đầy 1 giờ trên tàu, việc lấy mẫu, phun khử khuẩn đã hoàn tất, sẵn sàng cho tàu UNICOR sáng sớm hôm sau cập cảng Cái Lân lấy hàng.

Gần 1h đêm, Tổ công tác rời tàu ngoại về đất liền. Hơn 2h sáng, chiếc xuồng về lại bến. Vừa đặt chân lên cầu cảng, bác sĩ Tùng liền bấm điện thoại, hẹn 10 phút nữa có mặt và nhanh nhẹn khoác thùng mẫu xét nghiệm lên vai và đề ga chiếc xe máy.

“Bây giờ chúng tôi phải mang mẫu sang cho bệnh viện làm xét nghiệm để có kết quả thông báo cho tàu sớm còn vào cảng bốc hàng. Mỗi một phút chờ đợi, tàu có thể phải tốn thêm không ít nhiên liệu. Vì vậy, chúng tôi phải làm nhanh nhất nếu có thể”, bác sĩ Tùng vui vẻ nói, quên đi sự mệt mỏi của những ca làm việc xuyên đêm.

Kể từ khi thực hiện lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho thuyền viên nhập cảng vào Quảng Ninh, chỉ tính riêng tại cảng Hòn Gai và Cẩm Phả, Tổ công tác trực thuộc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Quảng Ninh đã lấy tổ chức kiểm soát cho 1.124 tàu.

Trong đó, tàu nhập cảnh là 787, tàu chuyển cảng là 56, tàu biển chạy tuyến nội địa là 281 với tổng số mẫu được lấy là 21.187. Qua quá trình lấy mẫu, đơn vị này đã phát hiện 45 thuyền viên trên 10 tàu dương tính với Covid-19 và triển khai các biện pháp khoanh vùng, không để dịch lây lan trên diện rộng.

Quang Minh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/bam-tau-ngoai-ngan-covid-19-tu-giua-bien-d541005.html