Bài toán khó trong vận hành hệ thống đường cao tốc ở Việt Nam

Quản lý vận hành đường cao tốc thì trung bình cần khoảng 2 công nhân kỹ thuật/km đường. Đến năm 2025 cần khoảng 6.000 công nhân quản lý vận hành đường cao tốc.

Cần có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật về quản lý khai thác đường cao tốc

Tại dự thảo luật Đường bộ đang lấy ý kiến hoàn thiện, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất bổ sung 5 phương thức để khai thác tài sản kết cấu đường cao tốc, gồm: Trực tiếp tổ chức khai thác (nhà nước trực tiếp quản lý, thu phí, bảo trì); chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng đường cao tốc; cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường cao tốc; chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường cao tốc; nhượng quyền kinh doanh - quản lý theo pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư (O&M).

Để đáp ứng yêu cầu quản lý vận hành đường cao tốc thì trung bình cần khoảng 2 công nhân kỹ thuật/km đường. Do đó, đến năm 2025 cần khoảng 6.000 công nhân quản lý vận hành đường cao tốc, đến năm 2030 cần 10.000 công nhân. Điều này đặt ra nhiệm vụ nặng nề với Cục Đường bộ Việt Nam trong thời gian tới sẽ thực hiện quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì một khối lượng lớn các tuyến cao tốc và hơn 25.000km quốc lộ.

Quản lý đường cao tốc đang là bài toán đặt ra cho ngành giao thông Việt Nam.

Quản lý đường cao tốc đang là bài toán đặt ra cho ngành giao thông Việt Nam.

GS.TS Vũ Đình Phụng, Trưởng Khoa Công trình giao thông Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết, đến năm 2030 Việt Nam có tổng số đường cao tốc 5138 km. Như vậy, chỉ còn 8 năm nữa, thời gian rất ngắn để hoàn thiện nhiệm vụ lớn này. GS.TS Vũ Đình Phụng cũng cho rằng: "Điều bất cập hiện nay chúng ta chưa có được quy trình khác thác đường cao tốc. Nên trong công tác quản lý đường cao tốc còn gặp rất nhiều khó khăn".

Chuyên gia cho rằng chúng ta chưa có khung pháp lý hoàn chỉnh và bộ tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên về quản lý, khai thác đường ô tô cao tốc là một khoảng trống lớn cần có giải pháp khắc phục càng sớm càng tốt. Hệ thống đường ô tô cao tốc ở Việt Nam được phân loại là công trình giao thông cấp đặc biệt. Vì vậy, công tác quản lý, khai thác cũng có sự khác biệt so với quản lý, khai thác các tuyến đường ô tô thông thường.

Đây là hoạt động với khối lượng công việc rất đồ sộ và phức tạp. Đơn cử, ngay trong công tác quản lý việc thu phí cũng có rất nhiều nội dung như quản lý trang thiết bị thu phí thế nào, định mức ra sao, nhân viên dịch vụ thu phí, công tác lưu trữ các dữ liệu kiểm tra công tác chất lượng thu phí… Ngoài ra còn cần xử lý nhanh và kịp thời các hư hỏng, chướng ngại vật trên đường nhằm đảm bảo an toàn và tiện lợi. Một vật rơi xuống đường phải được lập tức phát hiện và xử lý.

TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải cho biết, quản lý đường cao tốc không chỉ có thu phú, công việc này này đòi hỏi một hệ thống giám sát hoàn chỉnh, các hệ thống thu dọn chướng ngại vật trên đường, thường xuyên kiểm tra các thiết bị giao thông đảm bảo luôn trong tình trạng làm việc tốt, có hệ thống phòng ngừa vi phạm luật Giao thông đường bộ, có trạm cứu nạn, cứu hộ, túc trực 24/7…

Đơn vị khai thác cao tốc phải thường xuyên tiến hành công tác kiểm tra, đánh giá về điều kiện an toàn, chất lượng mặt đường, kiểm soát xe quá khổ, quá tải, có giải pháp duy tu sửa chữa. Công việc khối lượng lớn, tính chất kỹ thuật phức tạp nên cần tính chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa rất sâu. Không chỉ kiểm soát đường bằng mắt mà còn cần những trang thiết bị công nghệ cao, chuyên nghiệp.

Cân đối phát triển đường bộ với các loại hình giao thông khác

Trong các mô hình mới đề xuất, phương thức nhượng quyền O&M được Bộ Giao thông Vận tải đánh giá sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn so với phương án tự nhà nước quản lý, vì nhà nước sẽ nhận một khoản tiền chuyển nhượng và không phải bố trí vốn hằng năm vận hành, bảo trì. Đồng thời mang lại các giá trị không quy đổi được thành tiền, như thực hiện chủ trương xã hội hóa, huy động các nguồn lực ngoài nhà nước tham gia vận hành, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, tinh giản bộ máy…

Trong thực tế, một số trường hợp chưa xác định rõ về chủ thể sở hữu đường cao tốc cũng gây khó khăn cho các bên liên quan khi phát sinh sự cố trong quá trình quản lý, vận hành do không biết bên nào sẽ chịu trách nhiệm giải quyết các sự cố này. Về bản chất, đường cao tốc là một hệ thống công trình hạ tầng liên hoàn, đặt ra bài toán là nhà đầu tư có thể thực hiện đồng bộ từ giai đoạn xây dựng đến vận hành, khai thác không, hay phải chia thành các cấu phần riêng rẽ cho nhiều nhà đầu tư thực hiện.

Theo quy hoạch, đến năm 2030 - 2035 Việt Nam sẽ có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc với tổng mức đầu tư gần 40 tỉ USD. Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, việc này sẽ tạo điều kiện rất lớn cho vận chuyển lưu thông. Song việc quản lý ra sao, thu phí như thế nào… là bài toán khó. Việc lựa chọn các hình thức vận hành đúng không chỉ có vai trò duy trì phát triển công trình mà ảnh hưởng lớn đến các phương tiện vận tải, gián tiếp ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả chung của xã hội.

Cùng với phát triển đường cao tốc, TS Nguyễn Xuân Thủy đề xuất phải tập trung phát triển giao thông đường sắt và đường biển. So với giao thông đường sắt, đường bộ có giá vận chuyển cao hơn và tính an toàn thấp hơn. Theo tổng kết của các nhà khoa học Nhật Bản thì đường sắt an toàn gấp 7,8 lần so với đi đường bộ. Hiện đường biển Việt Nam cũng đang khai thác chưa hết tiềm năng, nếu vận chuyển 1000 tấn hàng hóa chở từ Cà Mau ra Hải Phòng rẻ hơn rất nhiều gấp 3 đến 4 lần so với đi ô tô. Chúng ta lại bỏ bê đường biển, không chú trọng hợp lý.

Do vậy, việc phát triển hệ thống đường cao tốc, đường bộ là cần thiết song phải cân đối với các loại hình giao thông khác vì bài toán kinh tế. Cùng với tập trung cho đường bộ thì nên tập trung đầu tư cho đường thủy và đường sắt thì mới cân bằng được hệ thống giao thông. Phải có tầm nhìn chiến lược phát triển giao thông vận tải một cách khoa học, phải tối ưu hóa cho từng loại hình giao thông ở từng vị trí khác nhau.

"Tuy nhiên, tôi ủng hộ một số dự án phát triển đường cao tốc hiện nay, nhưng nơi nào cần thì làm, lưu lượng người đi bao nhiêu hóa bao nhiêu mới cần đường cao tốc, nơi đó cần đường cao tốc hay là chạy đường thủy, nơi đó cần đường cao tốc hay là chạy đường sắt. Tận dụng sự đầu tư xã hội là đúng, thế nhưng chỗ nào làm đường và chỗ nào làm đường loại hình gì là phải hết sức lưu ý", TS Nguyễn Xuân Thủy nói.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bai-toan-kho-trong-van-hanh-he-thong-duong-cao-toc-o-viet-nam-169230913120025904.htm