Bài toán khó của Ukraine: Dồn quân cho chiến trường, hậu phương thiếu lực lượng

Kiev cần thêm quân cho chiến trường nhưng cũng phải cân bằng những lo ngại về kinh tế, thuế và sự công bằng.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (phải, phía trước) trong cuộc gặp Thủ tướng Anh Rishi Sunak tại Kiev, ngày 19/11/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Dự luật huy động quân bị phản đối

Quốc hội Ukraine ngày 11/1 đã rút lại dự luật huy động quân nhằm cung cấp thêm binh sĩ cho mặt trận, sau khi dự luật này bị chỉ trích dữ dội vì những sai sót trong khâu soạn thảo.

"Sẽ không có gì xảy ra theo luật huy động. Không phải hôm nay cũng như ngày mai. Cũng không phải trong tương lai gần", nhà lập pháp Ukraine Yaroslav Zhelezniak thuộc đảng Tiếng nói Đối lập thân châu Âu cho biết trên Telegram.

Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov cho biết dự luật sẽ được sửa đổi và trình chính phủ phê duyệt trong thời gian tới. Ông viết trong một bài đăng trên Facebook: “Luật này là cần thiết để bảo vệ đất nước của chúng ta và mọi người lính hiện đang ở mặt trận. Nó cần được phê duyệt càng sớm càng tốt”.

Dự luật huy động quân - được trình lên Quốc hội vào dịp Giáng sinh - đã gây ra tranh cãi lớn với mục tiêu giảm độ tuổi gọi nhập ngũ từ 27 xuống 25, hạn chế việc trì hoãn đối với nam giới bị khuyết tật nhẹ và tăng hình phạt đối với những người trốn quân dịch. Nhưng một số nghị sĩ cho rằng dự luật này không được xây dựng rõ ràng và bao gồm cả những vi phạm nhân quyền.

Mục đích của dự luật trên là đưa thêm binh lính ra trận, quân đội Ukraine cho biết họ cần thêm nửa triệu nam giới trong năm nay. Lực lượng bổ sung sẽ cho phép những người lính tiền tuyến kiệt sức sau 2 năm chiến đấu được luân chuyển về nhà, đồng thời giữ vững phòng tuyến chống lại 617.000 người Nga. Con số này được đưa ra bởi Tổng thống Vladimir Putin, người đang tăng quân số trong quân đội Nga thêm gần 170.000, lên con số khổng lồ là 1,3 triệu.

Theo Trung tâm Truyền thông Quân sự Nhà nước và Chỉ số Hỏa lực Toàn cầu, quân đội Ukraine hiện có khoảng 850.000 quân. Tuy nhiên, kế hoạch huy động kể trên lại không ổn về chính trị.

Trong những tuần đầu của cuộc chiến vào tháng 2/2022, người Ukraine xếp hàng tại các trung tâm quân dịch để gia nhập quân đội, trong khi trên khắp châu Âu, các tài xế xe tải, thợ xây dựng và bồi bàn người Ukraine đã bỏ việc để trở về quê nhà chiến đấu.

Nhưng sau nhiều tháng bế tắc đẫm máu tiếp tục cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người, lòng nhiệt tình ban đầu đó đã tan biến. Trong khi đó, các vụ bê bối tham nhũng trong quân đội và cảm giác kiệt sức ở cả trong nước và trong các đồng minh của Ukraine đã khiến việc nhập ngũ trở nên kém sức hút hơn nhiều.

Dự luật huy động được gửi trở lại cơ quan soạn thảo sau khi Thanh tra Nhân quyền Dmytro Lubinets nói rằng một số điều khoản có thể vi phạm hiến pháp, và Anastasia Radina, người đứng đầu ủy ban chống tham nhũng của quốc hội, cảnh báo nó có thể làm tăng nguy cơ tham nhũng.

“Chúng tôi có thể nói rằng sẽ có những thay đổi trong dự luật”, Fedir Venislavsky, một nghị sĩ và thành viên ủy ban quốc phòng của Quốc hội, nói với tờ Politico, “sẽ không có việc huy động người khuyết tật, không có chuyện chính quyền địa phương có toàn quyền quyết định về các vấn đề huy động và cũng không có hạn chế đáng kể nào về nhân quyền”.

Cân bằng chiến đấu và sản xuất

Sự căng thẳng lớn mà cuộc chiến gây ra cho Ukraine đã được phản ánh trong cuộc xung đột về dự luật huy động quân.

Mục đích của dự luật là cử thêm nhiều binh sĩ ra trận. Ảnh: AFP/Getty Images

Hơn 1/5 GDP của Ukraine – tương đương khoảng 46 tỷ USD trong nền kinh tế 214 tỷ USD - là dành cho nỗ lực chiến tranh, với khoảng một nửa được sử dụng để trả lương cho quân đội và 1/4 để cung cấp cho khu liên hợp công nghiệp quân sự. Nói một cách đơn giản, toàn bộ ngân sách chính phủ Ukraine đang được chi cho chiến tranh, với hàng tỷ USD viện trợ từ EU và Mỹ giúp tài trợ cho phần còn lại của nền kinh tế.

Nhưng khoản viện trợ đó ngày càng mong manh – bị kẹt ở Washington do sự phản kháng của Đảng Cộng hòa, và bị Hungary chặn ở Brussels. Điều đó đã buộc Kiev phải cân bằng giữa việc tìm đủ binh lính mới để tiếp tục chiến đấu, đồng thời đảm bảo vẫn còn đủ người nộp thuế và công nhân để duy trì nền kinh tế và các ngành công nghiệp thời chiến.

Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết vào tháng 12 năm ngoái: “Việc huy động thêm 450.000 đến 500.000 người sẽ khiến Ukraine tiêu tốn 500 tỷ hryvnia (12 tỷ euro) và tôi muốn biết số tiền đó sẽ đến từ đâu. Xét đến việc phải mất sáu công dân Ukraine đóng thuế để trả lương cho một người lính, tôi sẽ cần phải có thêm 3 triệu người lao động ở đâu đó để có thể chi trả cho số quân bổ sung.”

Phát biểu tại Estonia hôm 11/1, ông Zelensky nói: "Nếu bạn ở Ukraine và không ra mặt trận, nhưng bạn làm việc và đóng thuế, thì bạn cũng bảo vệ đất nước. Và điều này là rất cần thiết". Ông nói thêm rằng những người Ukraine đã trốn khỏi đất nước và không chiến đấu cũng như không đóng thuế sẽ phải đối mặt với sự cắn dứt lương tâm.

"Nếu chúng ta muốn cứu Ukraine, nếu chúng ta muốn cứu châu Âu, thì tất cả chúng ta phải hiểu: Hoặc chúng ta giúp Ukraine hoặc chúng ta không giúp. Hoặc chúng ta là những công dân ở tuyến đầu, hoặc chúng ta là những công dân làm việc và trả tiền thuế”, ông Zelensky nói.

“Để tiến hành chiến tranh, một quốc gia cần tiền - đó là thứ giúp nền kinh tế tiếp tục phát triển. Họ cần vũ khí - không có vũ khí thì không thể nói đến kháng cự. Ngoài ra, chúng tôi cần binh lính. Và nếu hai nguồn lực đầu tiên có thể được các đồng minh cung cấp, thì những người có khả năng bảo vệ đất nước sẽ ở lại Ukraine”, Tổng thống Zelensky nói.

Nhà phân tích chính trị Ukraine Volodymyr Fesenko cho biết dự luật huy động quân rất không được lòng dân nên các chính trị gia ngại vận động cho nó. Đồng thời, mọi người cũng thừa nhận rộng rãi rằng quá trình huy động quân phải được cải thiện và các nhu cầu của quân đội phải được đáp ứng.

"Dự thảo luật huy động cần được hoàn thiện đáng kể và tìm kiếm sự cân bằng lợi ích tối ưu giữa việc cung cấp nhu cầu quân sự với khả năng và nhu cầu tài chính, kinh tế của nhà nước; giữa tiền tuyến và hậu phương; giữa nhu cầu của quân đội và tình cảm của công chúng", ông Fesenko đăng trên Facebook.

Kazarin, một binh sĩ Ukraine, cho biết mối lo ngại chính là việc kéo đàn ông ra khỏi văn phòng và nhà máy, rồi bắt họ mặc quân phục, sẽ làm trì trệ nền kinh tế, nhưng điều đó có thể bị thổi phồng quá mức.

Kazarin nói: “Họ quên rằng trong trường hợp huy động quân thành công, tất cả những người đã cầm vũ khí trong vài năm qua sẽ được giải ngũ sau một năm nữa. Họ giữ mặt trận trong hai năm, để lại hậu phương cho bạn. Và bây giờ đến lượt bạn.”

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Politico)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/bai-toan-kho-cua-ukraine-don-quan-cho-chien-truong-hau-phuong-thieu-luc-luong-20240113125343485.htm