Bài toán khó cho ngân sách của TPHCM

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã dành nhiều thời gian để trao đổi về giảm tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM tại phiên họp Quốc hội chiều qua 1-11.

TPHCM đang đối diện với thiết hụt cơ sở hạ tầng trầm trọng. Ảnh: TL.

Bộ trưởng: Tỷ lệ điều tiết năm 2017 của TPHCM xấp xỉ 22%

Ông Dũng cho biết, dự toán thu nội địa trên địa bàn TPHCM năm 2017 trình Quốc hội, không kể tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết và lợi nhuận còn lại, thì dự kiến tăng khoảng 20% so với ước thực hiện năm 2016.

Đây là mức tăng rất tích cực, nhưng có cơ sở, khả thi bởi thu năm 2016 của thành phố ước tăng khoảng 18,6% so với thực hiện năm 2015, và dự kiến tăng trưởng kinh tế năm 2017 khả quan hơn năm 2016.

Sau khi tính toán, ông cho biết, tỷ lệ điều tiết của TPHCM năm 2017 là 17%, giảm 6% so với thời kỳ ổn định 2011-2016.

Tuy nhiên, ông Dũng cho biết, để TPHCM có thêm nguồn lực, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội phân bổ thêm cho thành phố 1.823 tỉ đồng (đầu tư phát triển 1.447 tỉ đồng; chi thường xuyên 376 tỉ đồng).

Theo đó, dự toán chi cân đối ngân sách của TPHCM năm 2017 là 60.369 tỉ đồng, tỷ lệ điều tiết phần ngân sách địa phương được hưởng đã nâng lên 18%, giảm 5% so với giai đoạn 2011-2016.

Ông Dũng khẳng định, mặc dù vậy, mức chi ngân sách bình quân tính theo đầu dân của thành phố năm 2017 vẫn cao hơn mức chi bình quân của các địa phương trong vùng trọng điểm kinh tế Đông Nam bộ.

“Chúng tôi rất chia sẻ với TPHCM. Việc tỷ lệ điều tiết giảm chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cân đối nguồn lực của thành phố”, ông Dũng nói.

Bộ trưởng cho biết, khi xây dựng cơ chế cũng như trong cân đối ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đều hướng tới tạo các điều kiện đặc thù thêm cho thành phố, chẳng hạn ưu tiên định mức phân bổ ngân sách cho thành phố cao hơn các địa phương khác, hay cho phép thành phố được vay tới tương ứng 60% tổng số thu cân đối ngân sách địa phương (trong khi các địa phương khác tối đa là 20-30%).

Ông cho biết, giai đoạn 2016-2020, ngân sách trung ương cam kết hỗ trợ TPHCM 10.000 tỉ đồng tiền thu từ cổ phần hóa để xử lý chống ngập cho thành phố; hỗ trợ 8.800 tỉ đồng để đầu tư 2 bệnh viện nhi và ung bướu.

“Nếu kể cả khoản bổ sung này, thì tỷ lệ điều tiết của TPHCM bình quân khoảng 20-21%”, ông Dũng khẳng định.

Bên cạnh đó, Trung ương còn cam kết hỗ trợ cấp phát cho thành phố khoảng trên 3 tỉ đô la Mỹ vốn ODA và cho vay lại khoảng 1 tỉ đô la Mỹ để xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, xử lý vấn đề vệ sinh môi trường, cấp thoát nước.

Ông cho biết, trong dự toán năm 2017, Chính phủ đang trình Quốc hội bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách thành phố là 7.316 tỉ đồng (gồm vốn trong nước 3.282 tỉ đồng, vốn ngoài nước 4.034 tỉ đồng để thực hiện để thực hiện các dự án công trình quan trọng).

Vì vậy, trường hợp tính cả khoản bổ sung vốn trong nước từ ngân sách trung ương cho ngân sách TPHCM năm 2017, thì điều tiết năm 2017 của TPHCM xấp xỉ 20%; nếu kể cả khoản bổ sung có mục tiêu vốn ngoài nước, thì tỷ lệ điều tiết này xấp xỉ 22%, chỉ giảm 1% so giai đoạn 2011-2016.

Bên cạnh đó, hàng năm đầu tư của các bộ, cơ quan trung ương từ nguồn ngân sách trung ương tập trung, vốn trái phiếu Chính phủ và vốn ODA trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2011-2015 khoảng gần 7.000 tỉ đồng/năm. Đây là nguồn lực lớn đóng góp vào tổng đầu tư toàn xã hội trên địa bản, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nói chung của thành phố Hồ Chí Minh.

“Chúng tôi nói như vậy để chia sẻ khó khăn với thành phố, cũng mong thành phố và các địa phương có điều tiết khác chia sẻ chung với chúng tôi, với 47 địa phương nhận trợ cấp cân đối”, ông Dũng nhấn mạnh tại phiên họp chiều qua.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Tăng thu 43.000 tỉ đồng, mà tăng chi có 1.300 tỉ đồng

Trong khi đó, trao đổi với TBKTSG Online bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho biết, đoàn đại biểu Quốc hội đã gửi tất cả văn bản cần thiết đến Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, và Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội.

“TPHCM luôn vì cả nước lâu nay. Chúng tôi cố gắng hết mình vừa tiết kiệm chi, vừa đảm bảo nguồn thu. Và chúng tôi kiên trì kiến nghị giảm tỷ lệ điều tiết 2%, thay vì 5%, tức từ 23% xuống 21%”, ông Ngân nói.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết, TPHCM đóng góp trên 21% cho GDP, và trên 30% cho ngân sách nhà nước. Cụ thể 2016, nguồn thu ngân sách nhà nước 1 triệu tỉ đồng, thì TPHCM đóng góp 305.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, nguồn chi ngân sách của thành phố chỉ 59.000 tỉ đồng.

Trong năm 2017, TPHCM được giao thu 348.000 tỉ đồng nhưng chi ngân sách chỉ là 60.300 tỉ đồng.

Ông Ngân nói: “Giao nhiệm vụ thu tăng 43.000 tỉ đồng, nhưng nhiệm vụ chi chỉ tăng được 1.300 tỉ đồng. Như vậy tính động viên để hỗ trợ cho TPHCM hoàn thành nhiệm vụ thu thiếu đi”.

Ông bổ sung thêm: “Do đó, tôi rất lo ngại nếu TPHCM không hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách 348.000 tỉ đồng, thì nó sẽ phá vỡ kế hoạch cân đối ngân sách, và làm tăng bội chi ngân sách. Vì thế, tôi nghĩ phải xem xét lại việc phân bổ tỷ lệ thay vì trước đây 23%, bây giờ xuống 18% là sụt giảm quá nhiều cho TPHCM. Điều tiết xuống 21% là hợp lý và phù hợp với Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị".

“Chúng tôi cũng rất chia sẻ với các địa phương khó khăn ở những địa bàn chiến lược”, ông nói.

Ông Ngân nói thêm, ngân sách nhà nước hiện nay đang căng thẳng, nợ công ở mức cao. “Theo tôi, Chính phủ cần có thông điệp là nợ công ở mức cao, và bị giới hạn. Việc phân bổ đầu tư phải hợp lý và hiệu quả, đảm bảo nuôi dưỡng được nguồn thu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do đó những dự án cấp bách phải được ưu tiên”.

Ông Ngân cũng kiến nghị Chính phủ và Quốc hội thực hiện tính kỷ luật ngân sách, không để giải quyết tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, nợ đọng thuế.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/153359/bai-toan-kho-cho-ngan-sach-cua-tphcm.html/