Bài toán huy động đô la và vàng trong dân vẫn khó giải

Bài toán làm thế nào để huy động vàng và ngoại tệ trong dân được đem ra bàn luận nhiều, tuy nhiên đến giờ vẫn chưa có kết quả.

Bài toán huy động đô la và vàng trong dân vẫn khó giải.

“Nóng” chuyện huy động vàng, USD trong dân

Tại buổi làm việc giữa tổ công tác của Thủ tướng với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã nhấn mạnh, cần nghiên cứu giải pháp huy động USD, vàng trong dân.

Về vấn đề này, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết đã có các giải pháp huy động.

Theo Thống đốc, các giải pháp điều hành vĩ mô tổng thể những năm qua là rất đúng, nhờ đó nguồn lực ngoại tệ đã chuyển hóa thành VND. Chẳng hạn năm 2016, NHNN đã mua vào gần 10 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối, phần lớn là từ ngoại tệ nắm giữ trong dân, qua đó chuyển thành đồng Việt Nam và được người dân đưa trực tiếp một phần vào sản xuất kinh doanh, phần khác gửi vào các ngân hàng thương mại.

“Chúng tôi cho rằng đây là giải pháp huy động nguồn lực tốt nhất trong điều kiện của chúng ta mà vẫn giữ được ổn định vĩ mô, không để những biến động ngoài tầm kiểm soát. Ngay cả với vàng, trong những năm qua chúng ta không mất ngoại tệ để nhập vàng, người dân cũng không đổ nguồn lực mua vàng như trước nữa mà chuyển hóa nguồn lực vào nền kinh tế. Chúng tôi sẽ tiếp tục báo cáo Chính phủ các giải pháp cụ thể huy động các nguồn lực” - Thống đốc khẳng định.

Thời gian qua, dù đã thực hiện chủ trương chống đô la hóa, chính sách trần lãi suất áp dụng huy động USD 0%/năm vẫn không hạn chế được trữ ngoại tệ. Hay như theo quy định hiện hành, người dân gửi vàng giữ hộ tại các TCTD không được hưởng lãi suất, mà trái lại còn phải trả phí giữ hộ vàng khá cao (dao động từ 300-1.000 đồng/chỉ/tháng tùy theo từng kỳ hạn), nhưng dịch vụ này đã và đang thu hút được rất nhiều người dân tham gia. Sở dĩ dịch vụ giữ hộ vàng hấp dẫn người dân bởi nếu người dân cất giữ vàng ở nhà sẽ không bảo đảm an toàn và bảo mật. Đặc biệt, người dân có thể rút vàng tại bất kỳ điểm giao dịch nào trong hệ thống của ngân hàng giữ hộ.

Hoặc, theo thống kê của NHNN, chi nhánh TP.HCM, trong 6 tháng năm 2017, lượng kiều hối chuyển về TP.HCM qua các kênh chính thức đạt 2,1 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lượng kiều hối này không chỉ bán cho các tổ chức tín dụng hay ngân hàng thương mại mà được sử dụng rất đa dạng ở các kênh như giữ một phần gốc ngoại tệ, đổi VND, mua vàng, đầu tư sản xuất kinh doanh…

Huy động không dễ

Đánh giá của các chuyên gia, việc huy động nguồn lực USD, vàng trong dân là chủ trương đúng nhưng khó, nên phải đưa ra được những sản phẩm hấp dẫn, phù hợp với thị trường Việt Nam.

Có ý kiến cho rằng, đề án huy động vàng trong dân của Chính phủ cũng cần làm rõ được những băn khoăn của người dân hiện nay. Đó là số vàng huy động được từ dân cư sẽ được sử dụng như thế nào để tránh bị thất thoát, lãng phí như một số dự án hiện nay. Đặc biệt, cam kết của Chính phủ hoàn trả lại vàng cho dân khi đáo hạn…

Chia sẻ mới đây, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT CTCP Kinh doanh và Đầu tư vàng Việt Nam (VGB), cũng cho rằng việc bán vàng huy động cho các doanh nghiệp làm vàng nguyên liệu sản xuất vàng nữ trang sẽ khó khả thi, bởi chi phí gia công vàng miếng SJC hiện quá cao. Điều đó sẽ không có lợi khi phải gia công vàng miếng trả cho người dân khi đáo hạn.

Theo ông Hải, giải pháp tốt nhất hiện nay là thành lập sàn giao dịch vàng tập trung; trên cơ sở đó Nhà nước có thể huy động được vàng vật chất và ghi bút toán vàng cho người dân. Mô hình hoạt động này không có gì mới mẻ, mà ngược lại rất phổ biến trên thế giới từ lâu.

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, người dân giữ USD, vàng không chỉ vì lãi suất gửi tiết kiệm thấp, mà do e ngại tiền VNĐ mất giá, nên điều hành chính sách không để xảy ra những biến động vượt tầm kiểm soát là vấn đề quan trọng. Trong đó, việc huy động USD, vàng cần cảnh giác việc lạm dụng kích thích sự dịch chuyển từ VNĐ sang USD, gây áp lực lên tỷ giá.

Theo tính toán, nếu huy động USD với lãi suất ở mức 0,5%/năm thì vẫn thấp hơn so với mức vay vốn nước ngoài hiện nay là 1,5%-2%/năm. Do đó, cần sớm xem xét các giải pháp mở lại những kỳ hạn tiền gửi ngoại tệ với mức trần linh hoạt và phù hợp với thị trường cũng như đủ hấp dẫn người dân.

Tuy nhiên, một số ý kiến tỏ ra lo ngại rằng tăng lãi suất huy động USD sẽ gây hậu quả. TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), cho rằng nếu USD trở thành phương tiện thanh toán sẽ dễ gây hỗn loạn cho thị trường, khó khăn cho công tác điều hành tiền tệ.

Cùng quan điểm này, TS. Vũ Đình Ánh nhấn mạnh: “Tăng lãi suất USD vào thời điểm này là đi ngược lại xu hướng chống đô la hóa nền kinh tế và công lao giữ ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối bấy lâu nay đổ sông đổ biển”. TS. Ánh cũng lo ngại quan hệ huy động - cho vay gây rủi ro cho cả 3 bên: Người gửi, người vay và ngân hàng thương mại. Khi biến động tỷ giá, lãi suất không bù được cho tỷ giá sẽ trở lại trạng thái trước đây là hình thành 2 thị trường ngoại tệ chính thức và phi chính thức.

Vân Lam

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/bai-toan-huy-dong-do-la-va-vang-trong-dan-van-kho-giai-d60178.html