Bài thuốc từ hồ tiêu chữa các bệnh thường gặp

Cây hồ tiêu được trồng chủ yếu lấy quả và hạt. Ngoài công dụng làm gia vị, hồ tiêu được dùng làm thuốc kích thích sự tiêu hóa, chữa đau bụng do lạnh, cầm tiêu chảy…

Cây hồ tiêu cho ta hai vị thuốc:

Hắc hồ tiêu (Fructus Piperis nigrum) là quả hồ tiêu chưa chín hẳn, đem phơi hoặc sấy khô.
Bạch hồ tiêu (Fructus Piperis album), tức hồ tiêu trắng, còn gọi là tiêu sọ, là quả chín, phơi khô và sát bỏ vỏ ngoài, có màu trắng ngà, ít thơm nhưng cay hơn.

Theo Đông y, hồ tiêu có vị cay, tính nhiệt, vào 2 kinh vị và đại tràng có công dụng kích thích tiêu hóa, cầm tiêu chảy, chữa cảm lạnh, đau bụng do lạnh, đau răng, sâu răng, sa dạ dày, viêm mũi xoang…

Bài thuốc từ hồ tiêu chữa bệnh thường gặp

- Thuốc cho trẻ em, chữa bệnh tiêu hóa kém, đại tiện lỏng

+ Thuốc uống trong: Hồ tiêu trắng (1 phần) nghiền thành bột mịn, đường glucose (9 phần). Hai thứ trộn đều thành thuốc bột. Trẻ dưới 1 tuổi, mỗi lần uống 0,3-0,5g; dưới 3 tuổi mỗi lần uống 0,5-1,5g; nói chung mỗi lần uống không quá 2g; mỗi ngày uống 3 lần, liên tục trong 3 ngày (1 liệu trình).

+ Thuốc dùng ngoài: Hồ tiêu, gừng khô, tiểu hồi hương - mỗi thứ 15g. Tất cả nghiền mịn, cho vào túi lụa, đặt lên rốn, sau đó đặt túi chườm nước nóng lên trên.

Cây hồ tiêu ngoài công dụng làm gia vị còn được dùng làm thuốc

- Chữa phản vị (ăn vào nôn ngược ra): Hồ tiêu tán bột 15g, gừng tươi 50g, nước 400ml, sắc còn 200ml; chia 3 phần uống trong ngày.

Hoặc dùng bài: Hồ tiêu lượng thích hợp, tẩm giấm trong vài ngày, phơi khô, nghiền bột mịn, l mỗi lần uống 3-5g, chiêu thuốc bằng nước giấm nhạt, ngày 3 lần.

- Thuốc trị tiêu chảy, "miệng nôn chôn tháo": Hồ tiêu, đậu xanh; mỗi thứ 49 hạt, nghiền thành bột mịn; mỗi lần uống 3-5g, dùng nước sắc mộc qua để chiêu thuốc.

Hoặc dùng bài: Hồ tiêu, bán hạ chế, hai vị lượng bằng nhau, tán nhỏ dùng nước gừng viên bằng hạt đỗ xanh; ngày uống 6-8g, dùng nước ấm để chiêu thuốc.

- Thuốc từ hồ tiêu chữa đau bụng do lạnh bụng:

Bài 1: Trứng gà một quả, đập vào bát; hồ tiêu đen 7 hạt tán thành bột mịn, cho vào bát, trộn đều với trứng gà. Đổ nước sôi vào bát, đậy kín; chờ một lát cho trứng chín thì ăn, không thêm mắm muối hoặc gia vị; ngày dùng một lần, vào sáng sớm hoặc buổi tối trước khi đi ngủ.

Bài 2: Hồ tiêu bột 5g, gạo tẻ 50-60g. Nấu cháo gạo, khi cháo chín cho bột hồ tiêu vào đun sôi lại; ăn khi cháo còn ấm.

Hồ tiêu cho ta hai vị thuốc chữa nhiều bệnh

- Món ăn bài thuốc chữa sa dạ dày: Hồ tiêu trắng 15g hầm với dạ dày lợn (hoặc dạ dày dê) chia ăn trong ngày.

- Chữa viêm mũi xoang: Hồ tiêu trắng 30g, thêm 200ml nước, nấu cạn còn 60ml; dùng bông thấm nước thuốc nhỏ vào mũi ngày 3 lần. Thường sau 3 ngày là chuyển biến tốt.

- Trị đại tiện bí, đau trướng bụng: Hồ tiêu 21 hạt giã dập, nước 200ml, sắc còn 100ml, bỏ bã thêm vào 20g mang tiêu. Sắc uống.

- Món ăn bài thuốc hỗ trợ điều trị viêm thận: Hồ tiêu 7 hạt, trứng gà 1 quả. Chọc 1 lỗ ở đầu quả trứng rồi cho hạt tiêu vào, dùng bột mì bịt kín lỗ thủng. Bọc trứng lại, đem đun cách thủy cho chín. Người lớn ăn ngày 2 quả, trẻ em 1 quả, ăn liên tục 10 ngày là 1 liệu trình.

- Trị cước do lạnh: Hồ tiêu 10g, nước 90ml, ngâm hạt tiêu vào, Sau 7-10 ngày gạn lấy nước chấm vào nơi tổn thương, ngày 1-2 lần.

- Trị sâu răng: Hồ tiêu, tất bát, lượng bằng nhau, nghiền nhỏ, hòa sáp ong, viên nhỏ. Mỗi lần dùng 1 viên giã nhỏ, nhét chỗ răng sâu.

Lưu ý: Hồ tiêu tính nhiệt, người âm suy hỏa nhiệt không dùng hồ tiêu.

Mời bạn xem thêm video:

Dịch bệnh lây qua đường hô hấp ở nhiều nước tăng, Bộ Y Tế khuyến cáo 5 cách phòng chống | SKĐS

BS Vũ Quốc Trung

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/bai-thuoc-tu-ho-tieu-chua-cac-benh-thuong-gap-169231207221340944.htm