“Bài thơ buồn” ở một ngôi trường huyện

Xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất (Hà Nội) bây giờ đường sá được bêtông gần hết, nhà cao tầng san sát nhau chẳng kém gì phố huyện. Thế mà, ngôi nhà của cô giáo Nguyễn Đỗ Cẩm Thi - Tổ trưởng Bộ môn Văn - Trường THPT Thạch Thất - lại “tơi tả” và khiêm nhường cuối con ngõ nhỏ sâu hút. Ba mẹ đặt tên cho cô là Cẩm Thi - một bài thơ đẹp, nhưng đời cô lại là một bài thơ buồn đau, dang dở và đầy nước mắt…

Lãnh đạo Báo Lao Động thăm và trao quà cho cô Thi.

Đắng cay một đời một bóng

Hơi khó khăn để chúng tôi tổ chức một chuyến về thăm cô Thi. Ngay cả khi có sự “can thiệp” của một lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội, cô Thi vẫn khăng khăng không muốn “đoàn nhà báo” ghé thăm mình, vì “chưa có thành tích gì nổi bật”, vì “cuộc sống còn nhiều người khó khăn vất vả hơn”...

Hôm chúng tôi về Trường THPT Thạch Thất, thầy Khuất Đăng Khoa - Hiệu trưởng nhà trường - đón và bố trí để đoàn gặp cô Thi ngay tại phòng họp của Ban Giám hiệu. Trong khi mọi người râm ran chào hỏi, cô Thi khép nép ngồi trên chiếc ghế phía ngoài. Khuôn mặt của người phụ nữ ngoài 50 in bao nhiêu là dấu vết của thời gian và biến động của đời sống. Mái tóc, phục trang, chiếc cặp sách của cô, tất cả toát lên sự giản đơn tận cùng...

Chúng tôi ngỏ ý muốn đến “xem nhà”, cô Thi vẫn bối rối ầm ừ dù việc này thầy Khoa đã hẹn và xác nhận trước. Trên đường từ trường về nhà, ngồi cạnh tôi trên xe, cô thủ thỉ nói chuyện, thanh âm vừa ấm áp lại vừa run rẩy như người đang cố đè nén cảm xúc để không bật thành tiếng khóc. Cô Thi bảo, nhiều năm lắm rồi không dám kể với ai chuyện xưa - những trang cũ của đời mình chứ trước cứ ai nhắc nước mắt lại rơi.

Cô Thi vốn là sinh viên khoa Ngữ văn - Đại học Sư phạm Hà Nội. Tốt nghiệp năm 1984, cô được phân công dạy tại Trường bổ túc văn hóa tỉnh Lạng Sơn. 4 năm bám lớp, bám trường ở miền núi, năm 1988 cô Thi được phân công công tác về quê nhà, dạy học ở Trường THPT Thạch Thất rồi xây dựng gia đình với một quân nhân cùng quê. Năm 1989, khi con trai vừa tròn 7 tháng, cha cô Thi - khi đó đang là Tổ trưởng tổ Văn trường Cấp 3 Thạch Thất - đột ngột qua đời sau một trận cảm. Nỗi đau mất cha chưa được bao lâu, chồng cô cũng qua đời vì tai nạn giao thông khi con trai mới 14 tháng tuổi. Tang chồng tang, nỗi đau chồng chất nỗi đau, một năm, người phụ nữ với đứa con còn đỏ hỏn chịu hai cái tang lớn nhất trong đời...

Cô Thi trong căn nhà giản dị của mình

Một mình một bóng, cô Thi vừa đến lớp dạy học trò, vừa chăm sóc con, vừa phụng dưỡng mẹ chồng. Lương giáo viên eo hẹp, cô phải cấy ruộng, chăn nuôi lợn, trồng khoai... “Những lúc thời tiết thuận hòa, con cái khỏe mạnh mình còn xăng xái mà làm; khi gió mưa mùa màng thất bát, con cái đau ốm, thấy cám cảnh thương mình, thương con mà không biết chia sẻ cùng ai. Tôi nghĩ đến chồng, vừa xót xa lại vừa có thêm sức mạnh mà cố gắng. May mắn quanh mình còn có người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Mọi người hỗ trợ giúp đỡ để mình có thêm nghị lực mà sống và phấn đấu” - cô Thi nhớ lại chuyện cũ, mắt rưng rưng.

Bao nhiêu khổ đau, biến cố trong đời tưởng đã tạm ngủ yên khi những cố gắng của cô Thi sắp được đền đáp - con trai theo học sư phạm và sắp nối nghiệp mẹ - thì cô lại phải gánh chịu thêm một thử thách cay nghiệt: phát hiện mình bị mắc bệnh ung thư vú. Người phụ nữ nhỏ bé, gầy gò lại quyết tâm cưỡng lại sự trớ trêu của số phận. Cô chấp nhận phẫu thuật và qua nhiều lần trị xạ đau đớn. Có đợt điều trị tóc rụng thưa lộ cả da đầu, những đợt thuốc kháng sinh liều cao khiến dạ dày đau nặng...

Cô Thi bảo, 6 lần vào viện xạ trị là 6 lần cô tự hỏi rồi lại tự trả lời, cuộc đời đổ lên mình nhiều cay đắng để thử thách và chưa biết chừng đây không phải là thử thách cuối cùng. Nếu đầu hàng, nếu buông xuôi thì con trai dựa vào ai để sống, lấy ai bù đắp cho sự thiếu thốn của chàng trai - dù đã có gia đình - nhưng chưa bao giờ hết khát khao một mái ấm và tình yêu thương trọn vẹn. Thế là cô lại bước tiếp, vững vàng, quả quyết...

Sinh ra để làm nghề giáo

Cô Thi kể, gia đình cô mấy đời làm giáo viên, từ ông, cha, đến cô, rồi thế hệ con cháu lại theo nghề. Tình yêu với môn văn, với bảng đen phấn trắng đã ngấm vào cô rất tự nhiên từ những ngày thơ bé - khi người cha cho con gái theo khắp nơi để giảng bài. Mỗi câu thơ, tích truyện... đi vào cô tự nhiên, rồi khi lớn lên, cô lại thành đồng nghiệp của cha mình. Gần 30 năm đứng trên bục giảng, cô Thi đã dìu dắt bao lớp học trò trưởng thành, viết nên những trang ấm áp hơn cho cuộc đời mình bằng sự thành đạt của học sinh; bản thân cô cũng đạt nhiều thành tích cao trong quá trình giảng dạy.

Ở Trường THPT Thạch Thất, cô Thi là giáo viên dạy văn có tiếng. Từ ngôi trường huyện này, học trò của cô có người từng đoạt giải nhất môn văn của tỉnh Hà Tây cũ vào năm 2006. Nhiều học trò vì cảm được tình yêu nghề, hết lòng vì học sinh của cô mà theo nghiệp gõ đầu trẻ, trở thành đồng nghiệp của thầy mình. Cô Nguyễn Thị Tuyết - giáo viên văn Trường THPT Thạch Thất - tâm sự: “Khi còn là học trò cô Thi, tôi vẫn nhớ những bài giảng văn chương với thứ ngôn ngữ tinh tế, gọn ghẽ, hệ thống ý khoa học khiến học sinh dễ hiểu, dễ tiếp thu bài. Bây giờ là đồng nghiệp của cô, dù lớp đi sau có nhiều điều kiện nghiên cứu, học hỏi nhưng chúng tôi không thể theo kịp cô, vẫn còn cách cô một quãng dài. Học trò bây giờ cũng không nhiều em yêu và say mê môn văn như xưa, nhưng ngọn lửa với nghề trong cô không bao giờ vơi cạn. Cô là tấm gương sáng để chúng tôi noi theo”.

Ngoài năng lực chuyên môn, kinh nghiệm và kỹ năng sư phạm, cô Thi còn đến với môn văn bằng niềm đam mê và nhiệt huyết mà như lời thầy Khoa - “tình yêu ấy thực sự đáng quý và hiếm có trong đời sống hiện tại”. Nghe vậy cô Thi cười: “Bố tôi là giáo viên văn, ông yêu nghề đến độ đặt cho con gái yêu cái tên Cẩm Thi - nghĩa là một bài thơ đẹp. Bây giờ tôi cũng yêu nghề cháy bỏng như cha mình hồi ấy, dù đã lên lớp ngót 30 năm, dù cuộc đời có nhiều biến động đến mức nhiều khi mình muốn buông xuôi... Mỗi tác phẩm văn học luôn có sức cuốn hút đặc biệt lạ kỳ với tôi, nên những sáng kiến kinh nghiệm, những giáo án dự thi cấp huyện cấp tỉnh, tôi đều đầu tư công phu và gửi gắm tình yêu của mình vào từng bài giảng. Những đợt vắng nhà đi điều trị bệnh thấy nhớ lớp, nhớ trò da diết... Có lẽ tôi sinh ra để làm nghề nhà giáo. Cha ông mình đã theo nghề này, nay thấy con trai, con dâu lại tiếp nối, có học trò cũng theo nghiệp phấn trắng bảng đen, hạnh phúc không gì tả được...”.

Chồng mất sớm, gia cảnh khó khăn lại phải phụng dưỡng mẹ già, mãi đến năm 2000 cô Thi mới dành dụm được chút tiền xây căn nhà cấp 4 với 3 gian, mái ngói, đồ đạc chẳng có gì đáng giá. Hôm chúng tôi đến thăm, cô vừa tự hào vừa có chút ngượng ngùng vì gia cảnh đơn sơ và bảo: “Nhà nhỏ thế này mà phải cố gắng lắm mới xây dựng được. Với em, thế là tốt lắm rồi...”. Cô bảo mấy năm nay sức khỏe kém, đã muốn bỏ lớp dạy thêm, nhưng phụ huynh lại không cho nghỉ. Mỗi chủ nhật, cô dạy hơn chục học trò trong căn phòng “cơi nới’ ở chính khoảng sân nhỏ nhà mình. “Lớp” lợp mái đơn sơ, dăm bộ bàn ghế; học trò nghèo cứ đến học mà không phải nộp tiền.

Bà Hoàng Thúy Hà ở thôn 7, xã Thạch Hòa (Thạch Thất) cho biết, bà có hai đứa con thì cả hai đều là học trò cô Thi. “Con gái lớn của tôi đang là sinh viên Đại học Hà Nội, con trai là cháu Nguyễn Hoàng Lâm - học sinh lớp 12A13 Trường THPT Thạch Thất. Từ ngày con học cô Thi, phụ huynh chúng tôi nơm nớp lo cô ốm. Cô Thi không chỉ là cô giáo cho các con kiến thức mà còn là người mẹ ở trường chỉ bảo điều hay lẽ phải. Con trai tôi từ đứa hiếu động, tinh nghịch và theo học khối A nay muốn chuyển sang khối D để được học văn với cô Thi nhiều hơn. Cháu còn muốn thi vào trường sư phạm để làm thầy giáo. Con cái được theo học với cô Thi gia đình tôi yên tâm và thấy vô cùng may mắn” - bà Hà nói.

Chia tay cô Thi, tôi không thể nào quên được hình ảnh cô đứng trong căn nhà không thể đơn sơ hơn với chiếc bàn thờ trải tấm nylon cũ, miệng cô luôn nói “cảm ơn”, tay run run xúc động đón nhận túi quà của Báo Lao Động. Lại nhớ lời thầy Khoa: “Mong nhà trường có nhiều giáo viên như cô Thi: Giỏi về chuyên môn, đoàn kết thương yêu đồng nghiệp. Cả một đời cô sống liêm khiết, yêu trò, không ai là không quý trọng!”.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/phong-su/bai-tho-buon-o-mot-ngoi-truong-huyen-169443.bld