Bài thơ Bắt nạt gây tranh cãi: Cuộc chiến đưa thơ văn đương đại vào SGK?

Việc bài thơ Bắt nạt của Nguyễn Thế Hoàng Linh bị dư luận mổ xẻ/ 'bắt nạt' thêm một lần nữa chứng tỏ, văn chương đương đại, đặc biệt là thơ không dễ được đồng thuận khi đưa vào sách giáo khoa để giảng dạy.

Nhiều “sạn”

Phụ huynh đứng ngồi không yên về nội dung tác phẩm văn học được giới thiệu trong sách giáo khoa (SGK), đặc biệt là sau khi SGK mới được đưa vào sử dụng lần đầu với lớp 1 từ năm 2020. Dễ dàng nhặt ra không ít “sạn” trong bộ SGK mới. Phụ huynh, nhà thơ, nhà văn phản ánh bài thơ Bắt nạt (trích trong tập thơ Ra vườn nhặt nắng) của Nguyễn Thế Hoàng Linh - trong SGK Ngữ văn lớp 6 thuộc bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống của NXB Giáo dục - là tối nghĩa, từ ngữ nghèo nàn, nhưng lại được đưa vào giảng dạy.

Một số phụ huynh bày tỏ trên diễn đàn: “Đây là hạt sạn rất lớn đối với một tác phẩm được chọn đưa vào để giảng dạy cho học sinh”. “Ngày trước có rất nhiều bài thơ hay, tại sao đưa một bài thơ có quá nhiều tranh cãi vào sách giáo khoa. Nội dung lủng củng, ngôn từ sáo rỗng, gieo vần khó nhớ”. “Bài thơ khiến các cháu phải vò đầu, vắt óc ra suy nghĩ về mù tạt, vì sao bắt nạt lại bị hôi?”...

Các nhà văn, nhà thơ cũng lên tiếng trước hàm lượng nghệ thuật, giá trị tác phẩm này. Nhà thơ Phùng Hiệu - hội viên Hội Nhà văn TPHCM, Chủ biên Văn chương phương Nam, Diễn đàn văn học Hội Nhà văn TPHCM - cho rằng, Bắt nạt của Nguyễn Thế Hoàng Linh không phải thơ, ngôn ngữ thô, cứng, cấu tứ lộn xộn, dài dòng. “Có khổ thơ làm mất hẳn tính thẩm mỹ của thi ca. Bài thơ chưa đạt tầm hò vè, không thể nói là thơ”, nhà thơ Phùng Hiệu chia sẻ với PV Tiền Phong.

Nhà văn Song Hà nói, bất cứ ai cũng có quyền làm thơ. Nhưng bài thơ trúc trắc, vần điệu thô sơ “sống”, “sượng” không thể đưa vào SGK. “Bài thơ đọc ngô nghê, trúc trắc, thô sơ, giáo dục một cách sống, sượng. Điều này không giúp hình thành cảm xúc yêu văn thơ của lứa tuổi mà thơ văn rất dễ ngấm vào tâm hồn”, ông Hà nêu ý kiến.

Trong khi đó, phụ huynh chỉ ra tác phẩm “sạn” đưa vào SGK Ngữ văn lớp 6 thuộc bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Hai văn bản Lắc-ki thực sự may mắn (trích chuyện Con mèo dạy hải âu bay) và Vua chích chòe gây nhiều tranh cãi. Trong trích đoạn Lắc-ki thực sự may mắn, phần đối đáp giữa con đười ươi Mét-thiu được chủ tạp hóa nuôi và Lắc-ki (chú hải âu mồ côi) tại tiệm tạp hóa có đoạn: “Tao không muốn phân chim quanh đây đâu, con nhỏ bẩn thỉu kia”, “Chim chóc con nào chẳng làm thế. Ị bậy khắp mọi nơi. Mà mày thì đích thị là một con chim”. Còn trong trích đoạn Vua chích chòe - một câu chuyện cổ tích của nước ngoài - có chi tiết nàng công chúa thay quần áo trước mặt quần thần. Những hành động, câu nói này được cho là không chuẩn mực, trái văn hóa của người Việt.

Tác phẩm đưa vào SGK phải chuẩn mực

Bắt nạt của Nguyễn Thế Hoàng Linh trong SGK Ngữ văn lớp 6.

Trước khi nhận chỉ trích vì những vần thơ ngô nghê, sáo rỗng trong SGK, Nguyễn Thế Hoàng Linh là chủ nhân hàng nghìn bài thơ từ khi tuổi còn rất trẻ. Anh còn là tác giả tiểu thuyết Chuyện của thiên tài, từng gây tiếng vang trên văn đàn và đoạt giải thưởng. Tập thơ Ra vườn nhặt nắng (có bài Bắt nạt) của Nguyễn Thế Hoàng Linh đã bán 11 nghìn bản. Với những gì Nguyễn Thế Hoàng Linh có được, việc tác phẩm của anh được chọn đưa vào SGK có thực sự hợp lý? Tuy nhiên, Bắt nạt không phải lựa chọn sáng suốt bởi đây không phải tác phẩm “đắt”.

Một số tác phẩm văn học đương đại được đưa vào đề thi.

Nguyễn Thế Hoàng Linh lên tiếng trên trang cá nhân, mong các bậc phụ huynh có thể đón nhận những “luồng gió mới” của văn chương hiện đại trong SGK.

Thực tế, bên cạnh những chê bai về nội dung, giá trị nghệ thuật bài thơ Bắt nạt, phụ huynh, nhà văn, nhà thơ còn chỉ ra “lỗ hổng” trong câu chuyện cải tiến, đổi mới SGK. Phải chăng, do nhiều tác phẩm đưa vào SGK trước đây chủ yếu được sáng tác trong giai đoạn chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, nên các nhà biên soạn mong muốn đưa đến cho học sinh ngày càng nhiều tác phẩm đương đại?

Việc đưa tác phẩm văn thơ đương đại vào SGK là cần thiết, nhưng phải đảm bảo cả tính nghệ thuật và giá trị tư tưởng. Nhà văn Song Hà cho rằng, nếu các nhà biên soạn SGK muốn kích thích tình yêu, cảm xúc văn thơ của học sinh cần phải lựa chọn những tác phẩm có tính nghệ thuật đặc sắc, được xã hội thừa nhận. “Phải có tiêu chí lựa chọn rõ ràng các tác phẩm văn học khi đưa vào SGK, có thể nuôi dưỡng đam mê văn học của giới trẻ. Nhiều tác phẩm văn học đương đại khó được chấp nhận khi in trong SGK, bởi chưa mang tính nghệ thuật và đặc biệt là sự ghi nhận từ thế hệ đi trước”, nhà văn Song Hà nêu.

Ông cho biết, những tác phẩm thơ ca đương đại nên được đưa vào giáo trình mang tính mở rộng hoặc sách tham khảo. Những tác phẩm được chọn vào SGK phải đảm bảo tính chuẩn mực về nghệ thuật, tư tưởng. Khi biên soạn SGK Ngữ văn, không chỉ cần sự hiểu biết của các chuyên gia giáo dục, mà cần cả sự tư vấn của các nhà văn, nhà thơ. “Chuyên gia giáo dục có thể rất giỏi áp dụng công nghệ giáo dục, nhưng lại chưa đủ cảm xúc để thẩm định tác phẩm văn học”, nhà văn Song Hà nêu.

Nhà thơ Phùng Hiệu nói: “Cần cân nhắc về đối tượng tiếp nhận và suy xét đến trường hợp tác phẩm được bộ phận hay nhóm nhà chuyên môn đồng thuận, xem xét việc giảng dạy về nó với lứa tuổi thiếu niên đã phù hợp hay chưa?”.

Giới thiệu nhiều tác phẩm đương đại

Trong sách Ngữ văn thuộc bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, ban soạn thảo đưa vào nhiều tác phẩm không phải kinh điển hoặc đạt giải lớn tầm thế giới. Tuy nhiên, đây đều là những tác phẩm mang hơi thở thời đại. Với văn học Việt Nam, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống giới thiệu các tác phẩm của các nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Ngọc Tư…

GIA LINH

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/bai-tho-bat-nat-gay-tranh-cai-cuoc-chien-dua-tho-van-duong-dai-vao-sgk-post1578001.tpo