Bài tham dự Cuộc thi viết: 'Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào' Để dòng Tô thắm xanh

Nếu cải tạo thành công môi trường sông Tô Lịch, hoàn toàn có thể đánh thức hệ thống di sản văn hóa lịch sử vẫn đang hiện diện ven sông, gắn với phát triển du lịch, dịch vụ.

Bài cuối: Dòng sông du lịch, tại sao không?

Những năm qua, thành phố Hà Nội không ngừng thực hiện các kế hoạch, dự án nhằm khắc phục ô nhiễm, tạo sắc diện mới cho sông Tô Lịch. Trong đó có đề xuất tạo dựng cảnh quan, xây dựng tuyến du lịch trên sông. Điều này hoàn toàn khả thi, nếu có sự quyết tâm của các cấp, ngành chức năng cũng như sự ủng hộ của người dân.

Xây dựng hệ thống cống bao gom nước thải hai bên sông Tô Lịch. Ảnh: Nguyễn Văn Học

Tìm cách cải thiện ô nhiễm

Theo cơ quan chức năng, trung bình mỗi ngày sông Tô Lịch phải tiếp nhận khoảng 160.000m3 nước thải sinh hoạt, hầu hết không được xử lý hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn đã xả trực tiếp ra sông. Đây là nguyên nhân chính khiến dòng sông bị ô nhiễm nặng nề.

Từ năm 2011, thành phố Hà Nội đã phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hai bên bờ tuyến sông Tô Lịch, trong đó yêu cầu tạo lập, phát huy vai trò của mặt nước, tạo cảnh quan hai bên bờ sông, kết nối trục không gian hai bên…

Tuy nhiên, đến nay quy hoạch trên vẫn chưa được thực hiện do việc xử lý nguồn nước ô nhiễm tại dòng sông này chưa được giải quyết. Hiện các cơ quan chức năng thành phố đang tích cực thực hiện các dự án nhằm cải thiện nguồn nước sông. Cụ thể, Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá (xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì) là dự án trọng tâm với tổng công suất xử lý rất lớn (270.000m3/ngày - đêm), nhằm hồi sinh các dòng sông đang ô nhiễm nghiêm trọng tại Hà Nội như Tô Lịch, Lừ và một phần sông Nhuệ. Gói thầu số 2 là xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính; gói thầu số 3 xây dựng hệ thống cống bao cho sông Lừ, tổng chiều dài khoảng 7.662m và 34 giếng.

Thời gian tới, Thành phố tiếp tục thực hiện các dự án thu gom và xử lý nước thải theo quy hoạch và giao Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện Đề án “Phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông nội đô Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét”. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, bảo đảm xử lý nước thải đô thị đạt tỷ lệ 50 - 55% (hiện nay, tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt 28,8%).

Cũng phải nói rằng, đã có không ít đề xuất phương án dùng nước sông Hồng để làm sạch sông Tô Lịch cũng như sông Nhuệ, sông Đáy. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là chủ trương đúng, khi nước sông Hồng dâng lên sẽ giúp sông Tô Lịch có dòng chảy thường xuyên, khắc phục tình trạng suy kiệt nguồn nước, trả lại khả năng tự làm sạch chất gây ô nhiễm của các dòng sông…

Giáo sư Đặng Thị Kim Chi, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Kỹ thuật (Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam), cho rằng: Việc dùng nước sông Hồng pha loãng ô nhiễm ở sông Tô Lịch là cách làm hay. Song, cùng với đó là phải có các giải pháp xử lý tận nguồn gây ra ô nhiễm mới có thể bền vững.

“Các loại nước thải đô thị đang thải vào các sông nội đô phải được xử lý. Cụ thể nước thải đô thị phải được thu gom, đưa về xử lý tại các nhà máy xử lý nước thải tập trung, sau đó mới được thải ra môi trường”, bà Chi nhấn mạnh.

Cần nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ mới có thể đưa sông Tô trở nên xanh mát trở lại. Ảnh: Nguyễn Văn Học

Đồng quan điểm, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho biết thêm, trong tầm nhìn dài hạn, cần quy hoạch tổng thể thoát nước phù hợp chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2050; xây dựng hệ thống hạ tầng quản lý nước thải đô thị đủ năng lực đáp ứng nhu cầu thu gom, xử lý nước thải của thành phố nhằm kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường nước mặt sông.

“Thành phố Hồ Chí Minh đã cải tạo thành công kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Hà Nội có thể làm được và cần phải làm”, KTS Phạm Thanh Tùng chia sẻ.

Ước mơ về một dòng xanh

Theo tìm hiểu của người viết, đã có những khoảng thời gian việc kè, làm đường ven sông Tô được thực hiện rất tích cực, tạo khoảng xanh mát cho hai bên bờ sông, gỡ bỏ nhà tạm nhếch nhác...

Thêm nữa, tuyến đường đi bộ ven sông Tô Lịch nằm trong dự án xén mở rộng đường Láng đoạn từ Cầu Giấy đến Ngã Tư Sở (quận Đống Đa), chiều dài khoảng 4km, dành cho người đi bộ, đi xe đạp cũng đã góp phần tạo cảnh quanh xanh mát nơi đây. Chạy dọc tuyến đường là lan can được đặt trực tiếp trên tường chắn bê tông cốt thép sát mép sông, đưa vào sử dụng từ tháng 3-2019, trở thành nơi tập thể dục, tản bộ cho người dân sống trong khu vực. Đó là những minh chứng cụ thể, khẳng định hiệu quả của những nỗ lực cải tạo sông Tô thời gian qua của các cấp, ngành thành phố Hà Nội.

Đầu năm 2024, trên tuyến đường này, Sở Giao thông vận tải Hà Nội thí điểm tuyến đường ưu tiên cho xe đạp ven sông Tô Lịch. Xe đạp được kết nối với đường xe đạp đi chung trên các tuyến đường khác, như đường Láng, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, Lê Văn Lương... thông qua các nút giao (nút giao cầu Mọc, nút giao Láng - Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng; nút giao đường Láng - Lê Văn Lương; nút giao cầu 361; nút giao cầu Cót; nút giao cầu Yên Hòa).

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Trần Hữu Bảo, đây là tuyến đường ưu tiên cho xe đạp đầu tiên trên địa bàn Thủ đô nhằm tạo cho người dân thói quen sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng nói chung cũng như sử dụng phương tiện xe đạp công cộng để đi lại.

Giải quyết thành công tình trạng ô nhiễm, sông Tô Lịch hoàn toàn có thể khai thác tiềm năng để phát triển du lịch nhờ hệ thống di tích phong phú hai bên dọc tuyến sông. Ảnh: Nguyễn Văn Học

Cách đây vài năm, Công ty cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE) nêu ra ý tưởng cải tạo sông Tô Lịch, xây dựng “Dự án Công viên văn hóa, du lịch, tâm linh”. Đây là ý tưởng rất táo bạo, được dư luận đặc biệt quan tâm. Theo KTS Trần Huy Ánh, đề án này hoàn toàn khả thi nếu ta quyết tâm, song để bắt tay vào thực hiện còn nhiều điều phải bàn.

Còn KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng: Vấn đề hiện nay cần phải làm sạch nước sông thì mới tính đến chuyện khai thác. “Dự án Công viên lịch sử, văn hóa, du lịch, tâm linh” cần kế thừa những điểm mạnh, điểm yếu của các công trình trước đó để rút ra kinh nghiệm và thích ứng với hoàn cảnh hiện tại, đặc biệt là vấn đề biến đổi khí hậu. Ngoài ra, lãnh đạo thành phố phải tính đến việc kết nối sông Tô Lịch với các sông hồ khác để tăng khả năng thoát nước, giải quyết vấn đề úng ngập.

Hà Nội đang phát triển đô thị mạnh mẽ. Không ít hồ đã bị lấp một phần hoặc lấp hẳn. Nhiều kênh mương cũng bị lấp hoặc cống hóa. Việc cải tạo, biến dòng Tô trở nên trong xanh, trữ tình, tiếp tục nuôi bền những giá trị văn hóa là vô cùng cần thiết. Nếu cải thiện được ô nhiễm, người dân cũng có thể hy vọng về một dòng sông du lịch chảy giữa lòng đô thị Hà Nội, mang những giá trị lớn. Việc hồi sinh dòng Tô còn góp phần giảm nguy cơ ngập úng đô thị, giảm nhiệt đô thị, tăng cường tính đa dạng sinh học, giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống sức khỏe, tinh thần của cộng đồng, tăng cường sự ủng hộ của cộng đồng đối với nhận thức về di sản văn hóa, tăng cường cảnh quan đô thị hấp dẫn…

Với sự “kết nối” rất nhiều làng cổ, hệ thống di tích ven sông, ngành chức năng hoàn toàn có thể xây dựng các tour du lịch di sản văn hóa, tâm linh, khởi đầu từ khu vực phố cổ, thu hút đông đảo khách quốc tế và trong nước. Từ đó có thể đánh thức được các di sản văn hóa lịch sử của Thủ đô Hà Nội vẫn đang hiện diện ven sông Tô và là những vẻ đẹp, giá trị đáng tự hào của mảnh đất nghìn năm văn hiến.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/bai-tham-du-cuoc-thi-viet-ky-niem-70-nam-giai-phong-thu-do-ky-uc-tu-hao-de-dong-to-tham-xanh-665904.html