Bài phát biểu của Tổng Bí thư tạo niềm tin và nguồn cảm hứng lớn cho văn nghệ sĩ

Ngày 25/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (25/7/1948 - 25/7/2023) và có bài phát biểu mang nhiều thông điệp quan trọng gửi tới đội ngũ văn nghệ sĩ trên cả nước. Bài phát biểu đã thể hiện sự quan tâm sâu sát của người đứng đầu Đảng ta với những người hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật.

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Hồ Sĩ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh và Cuộc sống khẳng định, với cương vị người đứng đầu Đảng ta, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật. Tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, đồng chí đã đến dự, gặp gỡ thân mật, gần gũi với đội ngũ văn nghệ sĩ, đặc biệt đồng chí có bài phát biểu đầy đủ, sâu sắc, đánh giá hành trình phát triển suốt ¾ thế kỷ của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam - "mái nhà chung" của tầng lớp văn nghệ sĩ.

"Đồng chí luôn sát sao dõi theo từng bước đi của văn học nghệ thuật nước nhà, bởi đồng chí luôn coi văn học nghệ thuật là tinh hoa của văn hóa, văn hóa là khoa học, là đại chúng và văn hóa soi đường cho sự phát triển kinh tế - xã hội", Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Hồ Sĩ Minh nhấn mạnh.

Các nghệ sĩ tin tưởng đời sống văn học nghệ thuật nước nhà sẽ có những bước tiến mới, xứng tầm với sự phát triển của đất nước. Ảnh minh họa.

Cũng theo Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Hồ Sĩ Minh, trong bài phát biểu của Tổng Bí thư, ngoài đánh giá những thành tựu, đồng chí đã chỉ ra những hạn chế, yếu kém cần sớm được khắc phục, đồng thời nêu lên một số định hướng và tầm nhìn để văn nghệ sĩ có trách nhiệm trong sáng tác, từ đó thôi thúc văn nghệ sĩ có nhiều tác phẩm đỉnh cao, tương xứng với sự phát triển của đất nước.

"Tôi cũng như nhiều người dự buổi lễ xúc động khi Tổng Bí thư khẳng định luôn coi trọng văn nghệ sĩ trí thức, luôn thấu hiểu theo dõi và định hướng, động viên văn nghệ sĩ. Điều đó đã tạo niềm tin và cảm hứng cho văn nghệ sĩ có thêm nhiều cảm xúc, lòng tin để sáng tạo, sáng tác văn học nghệ thuật phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân", Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Hồ Sĩ Minh cho hay.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định, bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ thông điệp, phát triển nền văn hóa, văn học, nghệ thuật yêu nước và nhân văn. Thông điệp này khẳng định vai trò quan trọng của nghệ thuật trong gắn kết mạnh mẽ với nhân dân và dân tộc, đồng thời trở thành nguồn sức mạnh nội sinh to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước.

"Thông điệp nghệ thuật vị nhân sinh của Tổng Bí thư đã khẳng định rõ vai trò và ý nghĩa quan trọng của nghệ thuật trong việc góp phần xây dựng đất nước thịnh vượng, bền vững và hạnh phúc. Thông điệp này mang tính chất nhân văn, đề cao giá trị con người, khuyến khích lòng yêu thương, sẻ chia và chăm sóc đồng loại. Nghệ thuật có thể chạm đến trái tim và là "cầu nối" giữa các dân tộc, góp phần xây dựng mối quan hệ hòa bình, tôn trọng và hợp tác giữa các quốc gia trên thế giới", PGS.TS Bùi Hoài Sơn bộc bạch.

Là người nhiều năm làm trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, nhiều lần được gặp gỡ, trò chuyện với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nhấn mạnh, trong bài phát biểu của Tổng Bí thư lần này cũng như những lần trước đó khi tiếp xúc với văn nghệ sĩ, đồng chí luôn nói đến vấn đề cụ thể, nhất là phải có chính sách chăm lo đời sống của văn nghệ sĩ.

"Điều tôi tâm đắc trong bài phát biểu của Tổng Bí thư là làm sao để các cấp chính quyền nhận thức sâu sắc hơn về vai trò của tầng lớp văn nghệ sĩ, của văn học nghệ thuật với đời sống, bởi thực tế có nơi, có chỗ vẫn chưa coi trọng giá trị của văn học nghệ thuật và những người sáng tạo ra nó", NSND Lê Tiến Thọ khẳng định.

Bày tỏ sự tâm đắc với góp ý của Tổng Bí thư rằng "văn nghệ sĩ không để sự tầm thường, dễ dãi ám ảnh mình", Phó Chủ tịch Thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam Nguyễn Văn Tân khẳng định, phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư không hề áp đặt mà nhẹ nhàng, ý tứ, có tính mở để người làm văn học nghệ thuật tiếp thu một cách tự nhiên.

"Với người làm trong lĩnh vực điện ảnh, bài phát biểu đã gợi lên rất nhiều suy nghĩ về trách nhiệm của mình với xã hội. Nhìn vào đời sống điện ảnh thời gian qua phải khẳng định, chúng ta chưa có nhiều tác phẩm xứng tầm với sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Trước mắt chúng ta đang hướng đến năm 2025, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đòi hỏi mỗi hội viên Hội Nghệ sĩ Điện ảnh Việt Nam phải có khát khao, hoài bão để có tác phẩm lớn chào mừng sự kiện quan trọng này", ông Nguyễn Văn Tân cho hay.

Là người đại diện cho nghệ sĩ trẻ vinh dự được phát biểu tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, ca sĩ, nhạc sĩ Hoàng Hồng Ngọc, Phó Trưởng phòng nghệ thuật, Nhà hát Ca múa nhạc quân đội xúc động cho biết: "Bài phát biểu của Tổng Bí thư như lời hiệu triệu để chúng tôi - thế hệ văn nghệ sĩ trẻ sẽ tiếp bước truyền thống cha ông, mang trí tuệ, tài năng, sáng tạo và tinh thần của tuổi trẻ để có những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao phục vụ nhu cầu ngày càng lớn của nhân dân".

Ngô Khiêm

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/bai-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-tao-niem-tin-va-nguon-cam-hung-lon-cho-van-nghe-si-i702826/