Bài phát biểu bắt kịp 'tầm nhìn toàn cầu' của ông Tập Cận Bình

Nhà lãnh đạo Trung Quốc thiết lập lộ trình để đưa sức mạnh quân sự đất nước vươn tầm thế giới vào năm 2050.

Ông Tập nói về "nền văn minh sinh thái" và "Giấc mơ Trung Hoa"

Đại hội Đại biểu Toàn quốc đảng Cộng sản lần thứ 19 của Trung Quốc năm nay có sự tham dự của 2.338 đại biểu cùng nhiều khách mời đặc biệt.

Cuộc họp chính trị quan trọng nhất của Trung Quốc trong 5 năm sẽ thảo luận và thông qua một số sửa đổi Điều lệ đảng và bầu ra Ủy ban Trung ương và Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương nhiệm kỳ mới.

Ông Tập Cận Bình đã có bài phát biểu dài 3 tiếng rưỡi.

Bài phát biểu của Tổng bí thư Tập Cận Bình tại lễ khai mạc Đại hội hôm 18/10 đã đưa ra một "tài liệu bắt kịp tầm nhìn toàn cầu" trong bối cảnh Bắc Kinh đang đối mặt với những thách thức và khó khăn trên toàn thế giới, tờ Nhân dân Nhật báo (China Daily) dẫn lời các quan sát viên châu Âu cho biết.

Trong bài phát biểu kéo dài 3 tiếng rưỡi tại Bắc Kinh, ông Tập đã tập trung làm rõ mục tiêu và định hướng trong thời đại mới của đất nước.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra đề nghị các nước trên thế giới cần chung tay ứng phó trước những thách thức toàn cầu, đồng thời lưu ý, "không một quốc gia nào có thể xử lý điều đó một mình".
Ông Tập nhấn mạnh, Trung Quốc cần có một tầm nhìn tích cực trong tương lai mà ông mô tả nó dưới các khái niệm "nền văn minh sinh thái" và "Giấc mơ Trung Hoa".

Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh sự cần thiết phải tạo ra một thế giới trong sạch, đẹp đẽ, được hưởng hòa bình, an ninh lâu dài, tận hưởng sự thịnh vượng chung, cởi mở và toàn diện.

"Thế giới đang rất cần một tầm nhìn tích cực có thể truyền cảm hứng cho thế hệ công dân toàn cầu mới và ông Tập cung cấp chính xác điều đó", Dennis Pamlin, người sáng lập tập đoàn tư vấn Thụy Điển 21st Century Frontiers phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với tờ China Daily.

Shada Islam, Giám đốc trung tâm tư vấn nghiên cứu chính trị độc lập Friends of Europe ở Brussels cho rằng, bài phát biểu gắn kết thế giới của ông Tập đặc biệt đáng chú ý hơn khi đưa ra vào thời điểm Mỹ có dấu hiệu rút lui khỏi các cam kết quốc tế và sự trỗi dậy của làn sóng chống toàn cầu hóa ở châu Âu.

Nâng cấp quân đội vươn tới đẳng cấp thế giới

Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) sẽ bắt tay vào việc nâng cấp chất lượng khí tài và nhân sự theo yêu cầu của Chủ tịch Tập Cận Bình để sớm trở thành lực lượng chiến đấu mang tầm vóc thế giới trong ba thập kỷ tới.

Đặt ra kế hoạch đầy tham vọng cho Quân đội Giải phóng Nhân dân trong báo cáo Đại hội đảng toàn quốc 19, ông Tập cho biết, PLA sẽ đi theo con đường hiện đại hóa vào năm 2035 và trở thành đơn vị quân sự hàng đầu vào năm 2050

“Một lực lượng quân sự được xây dựng để chiến đấu. Quân đội của chúng ta phải coi tính sẵn sàng là mục tiêu và tập trung vào làm thế nào để giành thắng lợi theo yêu cầu”, nhà lãnh đạo Trung Quốc mô tả.

Ông Tập Cận Bình cho biết, công nghệ là nòng cốt trong sức mạnh chiến đấu và PLA cần phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng chiến lược chiến tranh hiện đại để nâng tầm phát triển.

Nâng cấp quân sự vươn tầm đẳng cấp thế giới là ưu tiên của Trung Quốc.

Theo các chuyên gia quân sự, người đứng đầu Trung Quốc muốn cải cách PLA bằng các trang thiết bị vũ khí hiện đại, cũng như ưu tiên các tướng lĩnh trẻ tuổi vào các vị trí lãnh đạo, nhằm vươn tới mục tiêu có năng lực ngang bằng với các đối tác phương Tây.

Quân đội Giải phóng Nhân dân đã có nhiều biến đổi trong năm nay, khi Bắc Kinh cắt giảm 2 trong số 7 quân khu để tạo điều kiện hiện đại hóa và cải tổ quân đội. Ngoài ra, mục tiêu này còn nhằm bổ sung quân số cho không quân và hải quân.

Chuyên gia quân sự từ Bắc Kinh Zhou Chenming cho biết, mục tiêu tầm nhìn năm 2050 được ông Tập đề ra khi bản thân ông nhìn thấy những mối đe dọa dễ dẫn đến khủng hoảng an ninh mà Trung Quốc phải đối mặt.

“Sau nhiều thập kỷ của hòa bình với sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh, Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức an ninh và ông Tập cảm nhận thấy một cuộc chiến tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Trong khi khả năng chiến đấu của PLA vẫn lạc hậu so với các siêu cường trên thế giới như Mỹ”, Zhou nói.

Quan sát viên quân sự Hồng Kông Liang Guoliang cho biết, ông Tập có thể khuyến khích các tướng lĩnh trẻ tuổi làm việc cùng với các nhân vật già dặn trong quân đội để tạo nên sự cân bằng.

“Chiến lược quân sự của Trung Quốc từ thời Mao Trạch Đông, chẳng hạn như chiến thuật du kích và chiến lược biển người, tất cả đều lỗi thời. Chỉ những tướng lĩnh trẻ mới có những tư duy đổi mới để đáp ứng quá trình hiện đại hóa của quân đội”, Liang nói.

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/bai-phat-bieu-bat-kip-tam-nhin-toan-cau-cua-ong-tap-can-binh-a343114.html