Bài học từ những vụ cháy nhà

Nhiều vụ cháy nhà liên tiếp xảy ra, trong đó có các vụ gây hậu quả nghiêm trọng đã tiếp tục gióng lên những cảnh báo

Hơn 5 giờ 30 phút ngày 10-12, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và Cứu nạn cứu hộ (PC07) - Công an TP HCM nhận tin cháy nhà 4 tầng ở đường Nguyễn Chí Thanh (phường 6, quận 10) nên điều động xe chữa cháy và cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường dập lửa. May mắn là cảnh sát phát hiện 6 người bị mắc kẹt ở ban công tại tầng 4 nên đã dùng xe thang tiếp cận, đưa xuống đất an toàn.

Sự cố hệ thống điện

Trước đó, khoảng gần 4 giờ ngày 5-12, đám cháy bùng lên dữ dội từ căn nhà 1 trệt, 2 lầu hơn 40 m2 trong hẻm 1965 Tôn Thất Thuyết (phường 15, quận 4, TP HCM; đoạn gần chùa Linh Bửu). Người trong nhà hô hoán, tìm cách dập lửa nhưng bất thành.

PC07 điều động xe chữa cháy và cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường, kéo vòi rồng khống chế ngọn lửa. Khi cảnh sát dập được lửa, phá cửa vào bên trong thì bé gái P.T.M.D (8 tuổi) đã tử vong do ngạt khí ở tầng 2.

Anh Th. (nạn nhân) cho biết trong nhà có nhiều thế hệ sinh sống, gồm 11 người. Trong lúc anh và mọi người đang ngủ ở lầu 1 và 2 thì ngửi mùi khét. Anh xuống tầng trệt thì đã thấy khói lửa bao trùm, chùm chìa khóa cửa chính treo gần khu vực ổ điện đang cháy nên không thể lấy.

"Tôi ngạt thở mấy lần, cố hô lớn để hàng xóm chạy sang cạy cửa rồi đu cửa sổ nhảy qua nhà bên cạnh. Theo cách này, 9 người trong nhà cũng thoát ra ngoài" - anh Th. nhớ lại.

Ngồi thất thần trước nhà, chị T. cho biết đang ngủ thì nghe tiếng kêu cháy, chị cùng mọi người vùng dậy tìm cách chạy. "Cháy từ dưới đất lên. Xuống tầng trệt thấy lửa cháy lớn nên tôi và mọi người nhảy sang nhà hàng xóm từ lầu 1" - chị T. kể.

Theo người dân trong hẻm, nghe hô hoán, họ đã dùng bình chữa cháy mini liên tục xịt vào. Những người trong nhà tìm cách tháo chạy. Bé D. không qua khỏi, mẹ bé bị bỏng được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. "Thương tâm lắm" - một phụ nữ nói.

Cũng trong ngày 5-12, hỏa hoạn đã cướp đi sinh mạng 2 người đàn ông ở hẻm 305 Lê Văn Sỹ, quận Tân Bình, TP HCM. Hỏa hoạn xảy ra lúc 21 giờ trong căn nhà khoảng 42 m2 gồm 1 trệt, 1 lầu chứa nhiều bao ni-lông, giấy... Lúc này có khoảng 7 người ở nhà. Lửa chặn lối thoát ra bên ngoài. Sau khi Cảnh sát PCCC dập lửa, vào bên trong thì ông Đ.D.H (70 tuổi) và ông Đ.P.N.H (62 tuổi, em ruột ông H.) đã tử vong.

Bước đầu, cơ quan chức năng xác định nguyên nhân 2 vụ cháy gây thiệt hại về người ở quận 4 và quận Tân Bình là do sự cố hệ thống điện.

Căn nhà bị cháy ở quận Tân Bình, TP HCM khiến 2 anh em ruột tử vong

Căn nhà bị cháy ở quận Tân Bình, TP HCM khiến 2 anh em ruột tử vong

Cẩn thận không bao giờ thừa

Theo PC07, hầu hết các vụ cháy gây chết người đều xảy ra vào ban đêm, khi người dân đang ngủ. Đây là thời điểm các hộ gia đình có nhiều người, sử dụng hết công suất các thiết bị điện như quạt, máy lạnh… trong khi hệ thống điện quá tải hoặc bị hở do quá cũ kỹ. Thêm vào đó, nhiều gia đình để số lượng lớn xe máy ở tầng 1 hoặc gần khu vực bếp đun nấu. Ngoài ra, sự cố điện xảy ra, điện bị cúp, khói lửa dày đặc, người dân còn ngái ngủ, không biết chuyện gì đang xảy ra.

Cũng theo PC07, yếu tố lớn nhất dẫn đến hỏa hoạn là sự chủ quan, lơ là, thiếu trách nhiệm của người dân đối với công tác PCCC. Hầu hết những ngôi nhà bị thiệt hại nghiêm trọng vì hỏa hoạn là do nhà dạng ống, chỉ có một lối thoát nạn duy nhất (hướng cửa chính); không gian nhỏ hẹp, để quá nhiều vật dụng dễ cháy khiến nạn nhân mắc kẹt và thiệt mạng trong thời gian ngắn bởi nhiễm khói, khí độc.

Vì thế, người dân cần nâng cao cảnh giác, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nguồn nhiệt, các hệ thống thiết bị điện, nơi đun nấu, thờ cúng… trước khi đi ngủ hay ra khỏi nhà. Đồng thời, trang bị các thiết bị báo cháy tự động để chủ động phát hiện sự cố cháy; trang bị phương tiện để chủ động chữa cháy và thoát nạn từ đầu, ngăn chặn cháy lan, cháy lớn.

Khuyến cáo về an toàn PCCC dạng nhà ống, một cán bộ PC07 cho biết khi phát hiện cháy, tốt nhất là nên tìm lối thoát hiểm phía trước nhà như ban công, sau đó đóng chặt cửa ban công để ngăn khói tỏa ra. Tự thoát nạn bằng cách trèo qua lan can sang nhà bên cạnh, dùng dây hoặc chăn vải kết thành sợi dây thoát xuống phía dưới và kịp thời thông báo cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến giải cứu.

Trường hợp nhà không có ban công và không thể thoát ra ngoài bằng dây, lập tức đóng chặt cửa phòng, lấy khăn ướt bịt kín các lỗ phía dưới và trên cửa nhằm ngăn khói lan vào phòng. Gọi ngay cho lực lượng Cảnh sát PCCC qua số điện thoại 114 hoặc app "Help 114" và thông tin về đám cháy như: nơi xảy ra cháy, vị trí (tầng mấy, phòng mấy), có khoảng bao nhiêu người mắc kẹt.

Nhà có trẻ nhỏ, người già, người tàn tật thì buộc phải có biện pháp thoát nạn, cứu người phù hợp, không được khóa cửa phòng của họ. Chuẩn bị sẵn dụng cụ phá dỡ để tạo lối thoát nạn và dự kiến các tình huống thoát nạn khi có cháy xảy ra. Không để đồ dễ cháy ở cầu thang bộ dẫn lên các tầng.

Thống kê của Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ cho thấy tháng 11-2023, toàn quốc xảy ra 145 vụ cháy, làm chết 3 người và 6 người bị thương, thiệt hại tài sản ước tính thành tiền khoảng 28,52 tỉ đồng.

Bài và ảnh: Anh Vũ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/bai-hoc-tu-nhung-vu-chay-nha-196231211211349577.htm