Bài học từ “hiện tượng” đường vành đai 3 Hà Nội

Một bên thì bài bản, khoa học, công trường ngăn nắp, máy móc, thiết bị hiện đại, còn gói thầu kia thì manh mún, bừa bộn, máy móc, thiết bị cũ kỹ.

Đường vành đai 3 giai đoạn 2 Hà Nội được coi là “hiện tượng”, trong lĩnh vực đầu tư XDCB giao thông bởi gần như là dự án duy nhất trong nhóm các công trình trọng điểm đạt tiến độ tốt, thậm chí có thể về đích trước khoảng 5- 6 tháng. Từ dự án này có thể rút ra nhiều bài học quý, vận dụng tốt vào thực tế thúc đẩy tiến độ và chất lượng các công trình XDCB giao thông.

Ứng và quản lý nguồn vốn ứng

Thời gian qua, đường vành đai 3 giai đoạn 2 Hà Nội là một trong những dự án được quan tâm đặc biệt. Tuy nhiên, khác với hầu hết các dự án giao thông lớn khác thường được biết đến do “thành tích” lụt tiến độ, chất lượng kém thì tuyến đường trên cao này lại là một trong số rất ít các công trình đạt tiến độ rất tốt, nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ còn có thể về đích trước 5- 6 tháng.

Dự án đầu tư xây dựng giai đoạn 2 đoạn Mai Dịch - Bắc hồ Linh Đàm thuộc đường vành đai 3 thành phố Hà Nội là công trình có quy mô không hề nhỏ và công nghệ thi công khá phức tạp với tổng chiều dài khoảng 8.912m, bao gồm 385m đường dẫn và 8.527m cầu cạn chạy suốt.

Công trình được xây dựng theo cấp đường cao tốc đô thị, tốc độ thiết kế 100km/giờ, mặt cắt ngang 4 làn xe. Tổng mức đầu tư dự án là hơn 5.547 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn vay JICA - Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước. Theo ông Vũ Xuân Hòa, Tổng Giám đốc Ban QLDA Thăng Long -đơn vị làm đại diện chủ đầu tư, hầu hết các gói thầu và các hạng mục của dự án thời gian qua đều triển khai đạt tiến độ khá tốt và gần như đều có thể rút ngắn được tiến độ nhiều tháng so với kế hoạch.

Cơ sở quan trọng nhất để có thể rút ngắn được tiến độ theo các nhà thầu chính là cơ chế quản lý vốn và ứng vốn. Trước đây, hầu hết các gói thầu của dự án chỉ được ứng khoảng 20%. Số tiền này theo các nhà thầu là không thể bố trí tăng thêm được máy móc, thiết bị, nhân lực để đẩy nhanh tiến độ.

Tuy nhiên, chủ đầu tư và các cơ quan chức năng lại rất dè dặt trong việc tăng vốn ứng, mặc dù theo quy định không hạn chế điều này. Lý do đưa ra là “ngại” không kiểm soát được tiền ứng và lo nhà nhà thầu trong bối cảnh vốn thiếu sẽ mang tiền đi thi công ở các dự án khác.

Điều này rõ ràng là nghịch lý và là “nút thắt” cản trở tiến độ công trình. Sau chuyến kiểm tra hiện trường thi công dự án của Bộ trưởng Đinh La Thăng, “nút thắt” ứng vốn này mới được gỡ bỏ. Bộ trưởng cho rằng, tăng vốn ứng là điều rất cần thiết, nhà thầu cần bao nhiêu thì ứng tối đa, có thể 40%- 50%. Bởi muốn đưa dự án về đích sớm, đưa tuyến đường vào khai thác thì nhà thầu phải có tiền để lo nguyên vật liệu, máy móc thi công.

Còn vấn đề nhà thầu sử dụng đồng vốn đó thế nào, có đúng mục đích không thì chủ đầu tư và các cơ quan chức năng phải kiểm soát. Nếu nhà thầu làm sai thì phải phạt, thậm chí phạt nặng.

Ý kiến này nhận được sự đồng thuận lớn từ tư vấn Nhật Bản, mặc dù trước đó, đơn vị này luôn bảo lưu ý kiến không ứng thêm cho nhà thầu. Thực tế, hiệu ứng sau khi có chỉ đạo tăng vốn của Bộ trưởng, tất cả các gói thầu của dự án đều có chuyển biến rất tích cực và được thi công một cách thần tốc. Thậm chí có gói thầu chỉ trong vòng 1 tháng khối lượng thi công có thể tăng thêm 10%. Bài học rút ra ở đây chính là kiểm soát vốn ứng. Ứng nhiều hay ít phụ thuộc vào nhu cầu thực tế của dự án và việc kiểm soát vốn là thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư và các cơ quan chức năng, vấn đề là điều này có được làm chặt chẽ hay không mà thôi.

Cung cách tổ chức thi công

Cơ sở quan trọng nữa để tuyến vành đai 3 Hà Nội đạt tiến độ rất tốt chính là việc thi công bài bản và khoa học của các nhà thầu. Điều này được minh chứng rất rõ ngay trong nội tại các gói thầu của dự án. Với gói thầu số 3 xây dựng đoạn từ nút giao Thanh Xuân đến Bắc hồ Linh Đàm, tổng chiều dài 3.267m do Liên danh nhà thầu Tổng công ty XD Thăng Long - Cienco8 - Cienco4 thi công, dù được khởi công sớm nhất từ 6/2010 nhưng tiến độ lại chậm nhất so với tiến độ chung của toàn dự án.

Tổng khối lượng công việc tính đến thời điểm này mới đạt được khoảng 50%. Gói thầu này hiện đang là “lực cản” lớn nhất để dự án về đích sớm trước thời hạn vào cuối tháng 6/2012. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến điều này không gì khác là do năng lực của các nhà thầu hạn chế.

Với gói thầu số 2 xây dựng đoạn Trung Hòa - Thanh Xuân do Sumitomo Mitsui thi công lại là một thái cực hoàn toàn ngược lại. Thậm chí, gói thầu này chỉ vừa được khởi công vào 20/7/2011 và lẽ ra ngày hoàn thành theo hợp đồng phải đến 18/1/2014, tuy nhiên nhà thầu đã lập lại kế hoạch thi công và đề xuất có thể rút ngắn tiến độ khoảng 15 tháng.

Gói số 1 xây dựng đoạn từ nút giao Mai Dịch đến nút giao Trung Hòa (Km19+620 - Km 23+195) với chiều dài 3.575m do Liên danh nhà thầu Samwham - Cienco4 thi công dù không “hoành tráng” như gói 2 nhưng cũng có thể rút ngắn được khoảng 6 tháng so với kế hoạch. Bài học rút ra ở đây chính là năng lực và kinh nghiệm tổ chức thi công của các nhà thầu. Cũng khối lượng công việc tương tự nhưng có nhà thầu có thể rút ngắn cả hơn 1 năm trời, nhưng cũng có nhà thầu ì ạch và phải kéo dài.

Điều này có thể thấy rất rõ nếu trực tiếp thị sát hiện trường và chứng kiến cung cách tổ chức thi công của các gói thầu này.

Đức Thắng

Nguồn Giao Thông: http://giaothongvantai.com.vn/Desktop.aspx/Quan-ly/Dau-tu-xay-dung-ha-tang-giao-thong/Bai_hoc_tu_hien_tuong_duong_vanh_dai_3_Ha_Noi/