Bài học nào từ việc một loài kiến ngăn sư tử săn ngựa vằn?

Loài kiến đầu to xâm lấn đã nhanh chóng trở thành cứu tinh của ngựa văn trước sư tử tại Kenya theo cách không ai ngờ tới.

Có một ví dụ rõ ràng về cách mọi sự sống trên hành sống của chúng ta được kết nối với nhau. Đó là một loài côn trùng nhỏ bé, từ Thái Bình Dương lạc trôi đến châu Phi đã làm giảm khả năng ăn thịt ngựa vằn của sư tử.

Vì con người chúng ta đang gây ra rất nhiều thay đổi khác nhau cho môi trường cùng một lúc nên không phải lúc nào chúng ta cũng dễ dàng xác định hậu quả từ sự xáo trộn đó.

Bởi vậy, nhà động vật học Douglas Kamaru và các đồng nghiệp tại Đại học Wyoming đã thực hiện một loạt thí nghiệm để gỡ mớ bòng bong trong quan hệ tương tác giữa các loài trên thảo nguyên Kenya để khám phá tác động to lớn của một loài kiến đối với loài săn mồi hàng đầu trong hệ sinh thái. Công trình của họ vừa được đăng trên trang Khoa học Nâng cao hôm 25.1.2024.

Loài kiến đầu to (Pheidole megacephala được phát hiện bởi nhà côn trùng học Johan Christian Fabricius vào năm 1793) đã cùng chúng ta từ Mauritius - một hòn đảo ở Thái Bình Dương đến nhiều lục địa, gồm cả Châu Phi (có khả năng là di chuyển theo chậu cây trồng mà ai đó mang khỏi đảo).

Các nhà nghiên cứu đã so sánh các khu vực thảo nguyên đã bị kiến đầu to xâm chiếm với những nơi mà loài kiến này chưa tới được. Các khu vực hoang sơ chưa bị kiến đầu to xâm lấn hóa ra lại có nhiều cây che phủ hơn.

Ở những khu vực có ít cây cối hơn, báo sư tử (Panthera leo) có ít nơi ẩn náu hơn để phục kích ngựa vằn (Equus quagga). Nhờ vậy, dẫn đến hệ quả là số ngựa vằn thoát khỏi vòng vây của báo sư tử nhiều gần gấp ba lần. Các nhà nghiên cứu giải thích, có một số bằng chứng cho thấy báo sư tử có thể chuyển sang tìm săn con mồi khác.

Thống kê cho thấy: Khi độ che phủ của cây gai huýt sáo (Vachellia drepanolobium) giảm, tỷ lệ ngựa vằn bị sư tử sát hại giảm từ 67% xuống 42%, trong khi tỷ lệ trâu bị sư tử sát hại tăng từ 0 lên 42% trong khoảng thời gian từ 2003 đến 2020. Nhưng vẫn còn quá sớm để khẳng định điều gì một khi chúng ta chưa nắm rõ hết các thách thức ngày càng tăng đối với sư tử trong việc săn ngựa vằn.

Vậy kiến tác động như thế nào đến độ che phủ của cây?

Các kết nối ngoài tự nhiên thường khó nhìn thấy, ngay cả trong các hệ sinh thái được nghiên cứu kỹ lưỡng. Vì vậy, chúng ta thường không nhận ra sự hiện hữu của chúng cho đến khi gánh chịu hậu quả rồi mới chịu đi phân tích.

Hóa ra những cây khi không bị "đô hộ" bởi loài kiến xâm lấn như cây gai huýt sáo lại có mối quan hệ cộng sinh với loài kiến keo địa phương (Crematogaster sp). Từ hàng triệu năm qua, cây gai huýt sáo cung cấp cho kiến keo thức ăn và nơi trú ẩn, đồng thời kiến lại tích cực bảo vệ cây khỏi kẻ thù lớn nhất của chúng: những con voi đói phàm ăn.

Nhưng loài kiến xâm lấn sống dưới lòng đất lại tàn sát các loài kiến bản địa và ăn trứng, ấu trùng của chúng. Vì vậy, nếu không còn kiến keo "đóng quân" trên những cây gai huýt sáo, voi có thể tự do ăn thả cửa mà không sợ bị kiến keo đốt. Kết quả là voi bẻ cây nhiều hơn gấp bảy lần trong lãnh thổ của loài kiến xâm lấn vì đó là nơi không còn kiến keo.

Các nhà nghiên cứu giải thích trong phát hiện của họ: “Bằng cách kiểm soát cấu trúc trong sinh thái, những kẻ xâm lấn nhỏ bé đã định hình lại mối tương tác kẻ săn mồi-con mồi giữa các loài mang tính biểu tượng tại khu vực mà chúng mới kiểm soát”.

Điều này chứng tỏ tương tác quan trọng giữa các loài không nhất thiết lúc nào cũng liên quan đến chuỗi thức ăn như chúng ta từng nghĩ trước đây. Các loại mối quan hệ khác giữa các loài, chẳng hạn như sự cộng sinh tương hỗ giữa kiến và cây cối cũng có ý nghĩa quan trọng không kém.

Chúng ta cần phải hiểu rõ những sự phụ thuộc lẫn nhau này hơn bao giờ hết, vì nhiều sự xáo trộn mà con người chúng ta tạo ra đang nhanh chóng kích hoạt các tương tác phức tạp hình thành nên một hệ sinh thái đầy biến động. Có thể thấy việc di dời các loài xâm lấn (vô tình hay cố ý) là ví dụ điển hình.

Nhà động vật học Kaitlyn Gaynor của Đại học British Columbia cho biết: “Trong thời đại được đặc trưng bởi sự thay đổi môi trường nhanh chóng, nghiên cứu sinh thái ứng dụng như vậy là rất quan trọng để hiểu sự xáo trộn làm thay đổi cấu trúc và chức năng của môi trường sống như thế nào”.

Gaynor kết luận: “Cuối cùng, việc bảo tồn các hệ sinh thái một cách lành mạnh không chỉ đòi hỏi phải ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài mà còn phải xác định và bảo tồn những tương tác quan trọng nhất giữa các loài”.

Vachellia drepanolobium, thường được gọi là Acacia drepanolobium hoặc gai huýt sáo, là một loại keo gai có nguồn gốc từ Đông Phi. Cây gai huýt sáo cao tới 6 mét. Nó tạo ra một cặp gai thẳng ở mỗi đốt, một số trong đó phồng thành hình củ hành lớn. Những chiếc gai phồng lên này rỗng một cách tự nhiên và thường được một số loài kiến cộng sinh chọn trú ngụ trong đó. Tên gọi của loài cây này bắt nguồn từ việc người ta quan sát thấy rằng khi gió thổi qua lỗ hang mà kiến tạo ra ở những chiếc gai hình củ hành, chúng sẽ tạo ra âm thanh như tiếng huýt sáo.

Anh Tú

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/bai-hoc-nao-tu-viec-mot-loai-kien-ngan-su-tu-san-ngua-van-213783.html