Bài học làm báo từ thực tế

Nếu như không được gặp các anh các chị phòng Phóng viên nói riêng và của báo Tin tức nói chung trong kì kiến tập năm 2020, tôi nghĩ rằng, đến nay, tôi vẫn đang mày mò những bước đi vào nghề…

Mỗi người có một con đường khác nhau để đến với nghề báo. Tôi yêu nghề báo vì khi nhìn vào ông bà ngoại, vào mẹ, nhìn vào những thế hệ đi trước, tôi được truyền cảm hứng về ý nghĩa cao đẹp, tinh thần trách nhiệm của nghề báo.

Như bao sinh viên Học viện Báo chí chuyên ngành Báo chí năm thứ 3, chúng tôi đến kì kiến tập tại các tòa soạn. Tôi cùng 4 thành viên khác được phân về học tập và trau dồi kĩ năng tại báo Tin tức - TTXVN. Tổng biên tập Ninh Hồng Nga đã tiếp nhận và tạo điều kiện cho chúng tôi kiến tập tại phòng Phóng viên trong vòng 2 tháng. Nhóm sinh viên chân ướt chân ráo được phân nhiệm vụ viết mỗi tuần 1-2 bài và bài viết được đăng tải trên báo điện tử baotintuc.vn.

Tác giả Lê Linh (ngoài cùng bên phải) tác nghiệp trong một chuyến công tác cùng Đoàn Thanh niên của Bộ khoa học và Công nghệ thực hiện chương trình tình nguyện "Đông ấm Sơn La" tại xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.

Chúng tôi nhận nhiệm vụ đúng vào ngày các anh chị phóng viên đang triển khai một đề tài MegaStory - thể loại báo chí hiện đại và khá phức tạp về mặt công nghệ. Anh Nguyễn Tiến Hiếu, Phó trưởng phòng Phóng viên trực tiếp thực hiện và hướng dẫn chúng tôi. Tôi nhớ như in trưa nắng nóng của những ngày tháng 5 đó, chúng tôi gồm 5 sinh viên “trường Báo” có mặt tại nhà ga Cát Linh, để thực hiện đề tài tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn nằm đắp chiếu. Theo đúng những gì được các thầy cô giảng dạy ở trường, trước khi đi thực tế, tôi đã lên sẵn đề cương, gạch ra những câu hỏi cụ thể để bảo đảm lấy được đủ lượng thông tin cần thiết phục vụ cho bài viết.

Và đây là khi những mơ mộng về nghề báo ngồi phòng điều hòa mát “viết bài cho xã hội" tan biến, chỉ còn lại thực tế người làm báo cần nhiều kĩ năng và sự nhạy cảm hơn là những lí thuyết chỉ trên sách vở. Kiến tập sinh chúng tôi bỡ ngỡ vác máy đi làm mà không biết phải bắt đầu từ đâu, khai thác vấn đề gì? Những bức ảnh, đoạn clip ngô nghê, góc máy nghiêng lệch, những câu hỏi không đúng trọng tâm đã “ra đời" như thế. Tôi không thể nào quên được cái cảm giác hồi hộp khi đi phỏng vấn những vấn đề “nóng” xoay quanh tuyến đường sắt năm ấy. Chúng tôi bị các đơn vị sử dụng khu vực thi công trái phép mắng xối xả, thậm chí đuổi đi; còn người dân thì e dè né tránh trả lời các câu hỏi của nhóm “phóng viên”.

Cuối ngày, khi yêu cầu nhóm nộp lại những thông tin đã thu thập được, anh Tiến Hiếu gửi đến chúng tôi một nụ cười động viên: “Lần đầu va vấp thế này là tương đối tốt rồi! Lần sau đi cùng các anh chị học hỏi thêm nhé!”. Vậy là các anh các chị đã biết được trình độ của chúng tôi chỉ bằng một lần đi thực tế. Và không có gì ngạc nhiên, ngày hôm sau, phóng viên Trung Nguyên thực hành quá trình khai thác thông tin, quay video và ghi lại hình ảnh minh chứng, chọn đối tượng cùng câu hỏi phỏng vấn cho chúng tôi học nghề. Niềm vui vỡ òa khi bài MegaStory: “Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: 10 năm và đến bao giờ?” được đăng tải trên trang báo điện tử Tin tức; và trong bài viết có chắt lọc, sử dụng cả những nhân vật, sự việc do nhóm “sinh viên” chúng tôi tìm hiểu được. Một niềm động viên rất lớn mà các anh chị đã dành cho chúng tôi!

Để nói bài viết nào khiến tôi nhớ nhất và tâm đắc nhất, tôi sẽ không ngần ngại trả lời, đó là bài phóng sự về những sinh viên trẻ tuổi đi gom nhặt xác thai nhi. Giai đoạn cả nhóm sinh viên cùng làm một bài báo đã qua, chúng tôi phải làm việc độc lập, mỗi người một đề tài. Họp chốt xong đề tài, Trưởng phòng Phạm Thùy Hương trực tiếp phân công tôi liên hệ nhân vật để khai thác. Tôi điếng người! Chưa chồng con, mới học nghề mà được giao đề tài này thì quả là “khó nhằn”. Tôi định từ chối với lý do "quá sức”, nhưng rồi sau đó, tôi không biết phải nói bao nhiêu lời cảm ơn với các anh chị. Nếu không được giao đề tài này, ngọn lửa yêu nghề, yêu người của tôi vẫn mãi sẽ chỉ âm ỉ mà không có cơ hội bùng lên.

Liên hệ với nhân vật, may mắn thay các nhân vật rất nhiệt tình chia sẻ vì “cùng độ tuổi”. Tôi đã được đồng hành cùng nhóm sinh viên trong công việc thiện nguyện gom nhặt bào thai, suốt từ 9 giờ tối đến 12 giờ đêm. Quả thật khi xâm nhập vào thực tế, tôi đã tìm được nguồn cảm hứng và lên xong bài phóng sự ngay trong 6 tiếng sau khi rời hiện trường. Khi tôi gửi bài viết “Nhóm sinh viên lặn lội vì những sinh mệnh hài nhi" và nhờ chị Hương chỉnh sửa giúp, chị nói với tôi: "Em có văn phong nhưng cách viết chưa hiện đại, chưa giống báo điện tử, em xem rồi sửa lại nhé”.

Tôi đảo từ, rút gọn câu chữ, thầm nghĩ rằng bài báo này sẽ nhanh chóng được duyệt. Vậy nhưng một lần nữa, chị Thùy Hương yêu cầu tôi sửa lại vì: “Bài viết của em chưa có thông điệp. Một nhà báo thông tin về sự việc thôi là chưa đủ, bài viết nào cũng cần phải có một thông điệp gửi tới người đọc. Cụ thể với đề tài này, theo chị nên là một bài học giàu ý nghĩa, nhân văn”. Tôi hiểu ra, nghề báo của tôi không chỉ phản ánh cuộc sống, mà còn có trách nhiệm đem tới những giá trị tích cực, xây dựng cộng đồng và truyền cảm hứng. Tôi lại kiên nhẫn sửa, sửa, đến lúc bài báo được duyệt ở “cánh cửa” đầu tiên.

Sau khi phóng sự được đăng, có rất nhiều người gửi mail mong muốn quý báo cung cấp thông tin để hỗ trợ, giúp đỡ cho hành động đẹp của các bạn sinh viên. Cũng có một số phóng viên của các cơ quan báo chí khác xin tôi cách liên hệ để viết thêm những góc nhìn mới. Thấy tên mình dưới bài viết và bài viết được bạn đọc đón nhận, tôi cảm thấy thật hạnh phúc, thêm cả tự hào. Các anh chị ở phòng Phóng viên là những tấm gương mà tôi muốn phấn đấu trở thành. Về sau, tôi mới biết, chị Thùy Hương từng dặn dò một phóng viên được phân công hướng dẫn tôi: “Em sinh viên này có tố chất, nhưng chính em ấy còn chưa nhận ra. Giao thử thách, để em ấy vượt qua chính mình và khai thác hết các tiềm năng, các tố chất. Khi thấy bản thân làm được nghề báo, em ấy sẽ tự quyết định có theo công việc này hay không”.

Bên cạnh hai thể loại báo chí đòi hỏi nhiều về kỹ năng nghề nghiêp, trong thời gian kiến tập, chúng tôi được anh chị chỉ dạy để hoàn chỉnh về mặt chuyên môn khi viết tin và sự kiện. Tôi dành nhiều thời gian để tìm hiểu về cơ quan và tổ chức bộ máy báo Tin tức nói riêng và TTXVN nói chung, nơi mình đang bước những bước đi đầu tiên của nghề báo. Tôi học được nhiều bài học trân quý. Để viết được những bài báo hay với tinh thần đấu tranh và xây dựng, thì chỉ có thể là những nhà báo đúng nghĩa, với mắt sáng, tâm trong và ngòi bút sắc. Cảm ơn giá trị của những ngày được gắn bó, học hỏi cùng các anh chị phóng viên báo Tin tức!

Lê Linh/Sinh viên Học viên Báo chí và Tuyên truyền

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/bai-hoc-lam-bao-tu-thuc-te-20230417060512490.htm