Bài học đắt sau sự cố Samsung

Ở khía cạnh nào đó, sự cố đáng tiếc ở Samsung vừa qua là bài học đắt giá cho sự thiếu vắng vai trò "nhạc trưởng" - Ban quản lý dự án.

Ẩu đả tại Thái Nguyên và chuyện 'tháo ngòi nổ'

Họ trở nên hung bạo từ khi nào?

Sự cố ẩu đả ở nhà máy Samsung Thái Nguyên rất may đã được can thiệp kịp thời. Tuy nhiên, vụ việc đã để lại ấn tượng không mấy đẹp về sự chuyên nghiệp trong quản lý công trình của chủ đầu tư, của các nhà thầu, cũng như cách thức và thái độ làm việc, ứng xử của lực lượng bảo vệ và công nhân tại dự án.

Từng ít nhiều có kinh nghiệm trong lĩnh vực thực hiện công trình và giải quyết tranh chấp có liên quan, xin được nêu ra một số phân tích từ góc độ Quản lý dự án.

Đặc thù của bối cảnh sự việc

Cần lưu ý rằng,bối cảnh vụ việc xảy ra không phải là ở một nhà máy đã hoàn thiện, đang sản xuất sản phẩm, mà là tại một công trường xây dựng của dự án nhà máy.

Theo quy định của pháp luật và thông lệ liên quan của VN cũng như nhiều quốc gia, một dự án đầu tư, xây dựng luôn luôn bao gồm nhiều chủ thể khác nhau. Chủ thể thứ Nhất là Nhà đầu tư, có thể là một nhà sản xuất, chẳng hạn như Samsung, là người có vốn bằng tiền, bằng thiết bị, công nghệ và cả bản quyền nhãn hiệu, kiểu dáng đã được đăng ký.

Trong thực tế, sẽ chẳng có nhà đầu tư nào "dại dột" tự thuê công nhân địa phương xây dựng công trình hay trực tiếp mua vật liệu, thiết bị, v.v... rồi tự quản lý, thực hiện toàn bộ quá trình thiết kế, xây dựng, lắp đặt, hoàn thiện để có một nhà máy hoàn chỉnh. Phải có một chủ thể thứ Hai đứng ra làm các công việc đó, thường là một đơn vị (hay Ban) quản lý dự án.

Ban quản lý dự án (BQLDA) thường là một nhà thầu có chuyên môn sâu về lĩnh vực Quản lý dự án, bao gồm từ khâu tuyển chọn tư vấn thiết kế, tuyển chọn nhà thầu, nhà cung cấp thiết bị, dịch vụ (trong đó có dịch vụ bảo vệ). Tùy thuộc vào hợp đồng với chủ đầu tư, BQLDA sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn, hoặc phần lớn, trong việc quản lý, điều hành quá trình thiết kế, thi công và hoàn thiện công trình của Dự án.

Trong trường hợp của Samsung, ta giả thiết BQLDA chịu trách nhiệm hoàn toàn trước Chủ đầu tư về việc quản lý công trình, bao gồm việc đề ra các nội quy, cung cấp dịch vụ tư vấn giám sát và thuê đơn vị bảo vệ bên trong và bên ngoài khu vực công trường.

Chủ thể thứ Ba là các nhà thầu, nhà cung cấp khác nhau, từ nhà thầu san lấp mặt bằng, nhà thầu bê tông, điện nước... cho đến "nhà thầu" bảo vệ công trình. Về nguyên tắc, công nhân hay nhân viên của nhà thầu, nhà cung cấp, trước hết sẽ tuân theo chỉ thị của chủ thầu của mình và của tư vấn giám sát về mặt chuyên môn, và tuân theo quy định chung do BQLDA ban hành, và chịu sự kiểm soát của lực lượng bảo vệ khi ở bên ngoài phạm vi tác nghiệp trong khu vực công trình.

Theo thông lệ, Chủ đầu tư thường ủy quyền cho BQLDA ký hợp đồng với Nhà thầu chính và/hoặc với các nhà cung cấp, nhà thầu phụ chứ hiếm khi trực tiếp làm.

Tóm lại, mô hình tổ chức, quản lý tiêu biểu một một dự án thường thể hiện qua hai loại quan hệ chính: (1) quan hệ Chủ đầu tư - Ban quản lý Dự án; và (2) Ban quản lý Dự án - Các nhà thầu (nhà cung cấp).

Công nhân châm lửa đốt cháy 3 thùng container. Ảnh: Nam Anh/ TNO

Vai trò của "nhạc trưởng"

Trở lại Dự án xây dựng công trình nhà máy của Samsung, cho tới nay chúng ta chưa thấy có manh mối nào về sự tồn tại, và vai trò của BQLDA, ai là người đề ra quy định không cho công nhân đi làm muộn vào công trường xây dựng? Ai quy định công nhân không được đem thực phẩm (các đồ ăn, thức uống) của cá nhân vào công trường? Các quy định như vậy liệu có hợp lý chưa?

Quy định không cho công nhân đi làm muộn dường như không thích hợp với môi trường xây dựng, là nơi mà tại mỗi thời điểm sẽ có rất nhiều hạng mục phải thi công, có rất nhiều nhà thầu, nhà cung cấp phải cùng phối hợp nhịp nhàng, theo quy định của bản vẽ thiết kế, của bảng tiến độ, và dưới sự điều phối của một "nhạc trưởng", là BQLDA.

Trong thực tế, rất khó có một bảng tiến độ nào, dù là của chủ đầu tư nổi tiếng đến đâu, Samsung, Ford hay Intel... lại không phải điều chỉnh, vì nhiều lý do cả chủ quan lẫn khách quan. Chính vì vậy, việc quản lý giờ giấc làm việc của từng công nhân trên công trường xây dựng khác rất xa với việc quản lý giờ giấc trong xưởng may, hay nhà máy sản xuất điện thoại di động.

Do đặc thù trên, tại công trường, việc đi về của từng công nhân, hay đội công nhân thường được giao cho các Chủ thầu, "Người sử dụng lao động". Chính các Chủ thầu sẽ phải sử dụng "công cụ quản lý" rất hiệu quả là mối liên hệ lao động - tiền lương (lương khoán hay công nhật) để quản lý giờ giấc, cũng như năng suất lao động của "quân".

Như vậy, dù quy định bắt công nhân công trường xây dựng đi làm đúng giờ, bất kỳ do ai đưa ra, trừ các Nhà thầu, cũng đều không hoàn toàn thích hợp với hoàn cảnh. Cũng chính vì vậy, nếu trao cho lực lượng bảo vệ "vinh dự" bảo đảm giờ giấc của hàng ngàn công nhân làm nhiều loại công việc khác nhau là khó khả thi.

Còn quy định không cho công nhân đem suất ăn vào công trường cũng bất cập. Qua các bức ảnh đăng tải, có thể thấy trừ khu vực nhà xưởng đang hoàn thiện còn lại là công trường rộng mênh mông, thì không nên cấm công nhân ăn ở những khu vực trống. Và lẽ ra, khi công trường không có khu vực nhà ăn, thì cũng nên có khu lán, trại ở góc riêng biệt để công nhân có chỗ nghỉ tạm thời để chờ việc, ăn uống.

Đồng lương của công nhân xây dựng, nhất là những người đã có gia đình, chắc không thể khiến họ có thể làm khác hơn là mang suất ăn theo. Giữa mùa đông giá rét như những ngày này, nếu công nhân phải nghỉ ngơi, ăn uống ngoài trời thì quá vất vả. Chưa kể những ngày có mưa, bão...

Công trường xây dựng là một môi trường sôi động, phức tạp, có nhiều đơn vị cùng làm việc, nên luôn tiềm ẩn những xung đột về quyền lợi, rất dễ bùng nổ thành bạo lực. Sự kết hợp chặt chẽ giữa các Giám sát viên đại diện Ban Quản lý, đại diện nhà thầu có liên quan và lực lượng bảo vệ luôn luôn là một cơ chế tốt để "tháo ngòi nổ" đối với mọi trường hợp xung đột. Giá như hôm đó lực lượng bảo vệ hành xử khác đi, chẳng hạn cho phát loa gọi nhà thầu "chủ quản" của người công nhân đi làm muộn để họ xử lý người của mình, thì chắc chuyện sẽ không nên nỗi như vậy.

Ở khía cạnh nào đó, sự cố đáng tiếc ở nhà máy Samsung Thái Nguyên chính là kết quả hay bài học đắt giá cho sự thiếu vắng vai trò "nhạc trưởng", và đặc biệt hơn, cho việc sử dụng một cách thiếu hợp lý đối với một trong những "nguồn lực" kể trên ?

Trí Nhân

Xem thêm các bài về sự cố Samsung Thái Nguyên:

Ẩu đả tại Thái Nguyên và chuyện 'tháo ngòi nổ'

Việc "tháo ngòi" những ẩu đả này phải là ưu tiên hàng đầu, chứ không phải là nỗi lo về hình ảnh của VN trong mắt bạn bè quốc tế.

Họ trở nên hung bạo từ khi nào?

Nhưng một vấn đề sâu xa hơn, đáng lưu tâm hơn: tại sao đến nỗi và từ bao giờ người dân trở nên hung hãn để liều lĩnh như vậy?

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/158186/bai-hoc-dat-sau-su-co-samsung.html