Bài dự thi: Ở đằng tây có làng người Bana

"...Có lẽ với cô, bao nhiêu đó là đủ lắm rồi, giờ cô về đây, sống chan hòa với thiên nhiên, với dân làng để tìm sự thư thái cho đời mình".

KonKtu - Khúc ca của bản làng và thiên nhiên

Băng qua cây cầu treo Kon Klor bắc ngang dòng Dak Bla, chúng tôi hướng thẳng tới làng Kon Ktu trong tâm trạng hoang mang, trời đã về chiều, những cơn mưa nhẹ cùng cái lạnh của mùa đông khiến lòng tôi thấy sợ.

Trên đường vào làng

Vậy là, chúng tôi cũng tới làng Kon Ktu ở Kon Tum, ở đó có những ngôi nhà gỗ nhỏ xíu nằm lấp ló hai bên con đường đất đỏ còn vương mùi ẩm của cơn mưa. Cô Ngọc chủ nhà chào đón chúng tôi bằng một nụ cười thân thiện. Căn nhà chúng tôi sẽ ở khá rộng, được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ theo lối kiến trúc nhà của người Bana. Bên trong nhà là một không gian vô cùng ấm cúng Có cả một bếp lò để nấu nước.

Một ngôi nhà sàn trong làng

Chúng tôi quyết định đi tìm hiểu cuộc sống của người Bana ở làng Kon Ktu này. Những em bé Bana nhỏ xíu, nước da đen sạm vì nắng vùng cao nhìn chúng tôi bằng ánh mắt dè dặt. Cô bạn đi chung nhóm "mê" chúng đến độ quyết định “năn nỉ” xin chụp hình. Bé nào cũng xinh, cũng vui, những tiếng cười giòn tan cùng một chút sợ sệt và e dè của các em làm chúng tôi quên đi phần nào cái mệt của một ngày dài.

Những ngôi nhà sàn bằng gỗ đơn sơ dần hiện rõ, các cô các dì địu em bằng tấm vải thổ cẩm nhìn mà thích mắt. Chúng tôi cũng tụ vào đó mà chào các cô, mà “nựng” các em cho thỏa sức. Đám trẻ cứ có đứa nào xin là cô bạn tôi lại cho vài cái kẹo, vài cái bánh. Bọn trẻ thích thú, cám ơn ríu rít rồi cười tươi như vừa mới nhận được một phần quà lớn lắm

Nụ cười hồn nhiên và vô tư của các em bé Bana

Cô bạn tôi với một người phụ nữ Bana “chánh hiệu”

Nhà thờ bằng gỗ trong làng

Nhà rông làng Kon Ktu

Trở về căn nhà gỗ nhỏ, bọn tôi túm tụm lại, người nướng cơm lam, người chiên chả giò, đứa xiên thịt, đứa dọn mâm. Công việc khá nhiều nhưng với sự góp sức của mỗi người thì cũng không lâu để hoàn thành. Một không khí vui tươi bao trùm lấy căn nhà nằm sâu trong vùng núi heo hút

Lần đầu tiên chúng tôi được thử sức nấu Cơm Lam

Rồi, cuối cùng giờ cơm cũng điểm. Trước mắt chúng tôi là một mâm lớn nào là gà nướng, thịt heo mọi nướng, chả ram và rau rừng dùng với rượu cần. Vừa ăn, chúng tôi vừa xuýt xoa vì vị ngọt và thấm của từng thớ thịt, cái dai dai của thịt gà và từng ống cơm nếp nóng hổi, tất cả như xua tan đi cái lạnh của xứ núi về đêm. Một bữa ăn như thế nếu không có rượu cần thì sẽ không hoàn chỉnh được. Trong cái vui của cơm rượu, của những cơn gió lạnh cắt da giữa núi rừng tĩnh mịch, từng câu chuyện hiện ra rõ hơn hẳn.

Cô Ngọc kể cho chúng tôi nghe cuộc đời của cô, người đã mấy mươi năm đi tìm công lý. Cuộc đời sóng gió là thế nhưng cô vẫn chọn sống với người Bana ở làng Konktu này, vì cô biết, cô đã trót yêu nơi đây rồi. Cái lòng, cái dạ của cô chợt đánh thức trong tôi một niềm tin mãnh liệt vào cái gì đó gọi là cuộc sống, một giá trị sống chân thực mà có lẽ con người chúng ta đã bỏ quên đâu đó giữa cuộc sống lắm thị phi này. Có lẽ với cô, bao nhiêu đó là đủ lắm rồi, giờ cô về đây, sống chan hòa với thiên nhiên, với dân làng để tìm sự thư thái cho đời mình.

Mâm cơm dân dã trong tiết trời se lạnh của vùng núi Phía Tây

Chúng tôi chăm chú lắng nghe từng lời của người phụ nữ ấy

Những câu chuyện về người Bana, về cái tên “Đước” mà người ở đây rất sợ vì cứ nhắc đến là sởn gai ốc, những huyền bí của vùng rừng núi Tây Nguyên lần lượt được cô kể rất sống động. Bọn tôi đứa thì trùm mền, đứa thì nằm im không cử động, trong đầu cứ mường tượng về một viễn cảnh nơi vùng núi với những điều huyền bí đó, rồi chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay.

Sáng sớm, tiếng gió thổi lào xào quyện vào trong cái lạnh của buổi ban sớm khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Trước một khung cảnh bình yên và kỳ thú như thế, nhấm nháp một ly cà phê đặc quánh thơm nức mùi tươi mới, ăn một tô bún măng giò do chính tay cô nấu, có lẽ là điều tuyệt vời nhất tôi từng trải nghiệm. Ngoài kia, vẫn là những đứa bẻ nhỏ xíu xinh xắn chạy nhảy nô đùa, từ đằng xa, có vài em xách thùng lấy nước ở chỗ nhà thờ nhỏ trong làng, các em nhỏ như thế mà gánh được một thùng nước khá to, làm cả đám đều trầm trồ xuýt xoa. Có em đi hái lá mì về ăn, hỏi ra mới biết, ở đây người ta ăn cả củ và lá cây mì. Các cô các chú, người thì ra đồng ra nương làm mùa, có cô còn ngồi dệt thổ cẩm với nhiều hình thù đủ màu sắc

Một tô bún măng giò ấm lòng lúc trời se lạnh

Em bé trùm khăn trên đầu để đỡ lạnh

Cô Ngọc (giữa) và nhóm chúng tôi

Cái Chiêng, mâm cơn và những câu chuyện

Chiều hôm đó, cô đưa chúng tôi đến nhà nghệ nhân A Biu cách làng khoảng 8km ở thị xã Ngok Bay. Chú chỉ cho tôi trang phục của người Bana, hướng dẫn chúng tôi tập điệu Xoan để chuẩn bị cho buổi giao lưu thân mật. Chỉ 20 phút sau, bọn tôi, từ những con người miền Tây chân chất, bỗng hóa thành những anh chàng, cô nàng người Bana xinh đẹp với bộ khố truyền thống. Rồi tất cả, không ai nói ai, hòa mình vào cái không gian cồng chiêng âm vang ấy, mặc cho những xa cách về địa lý, về dân tộc hay tôn giáo, cùng nhau tạo nên một điệu múa đặc biệt của người Bana.

Khi những nụ cười chân chất của mọi người vang lên kết hợp với tiếng chiêng đều đều và nhịp chân thoăn thoắt, chúng tôi đã hóa thành một bản làng Bana thu nhỏ, đang mừng ngày mùa về với buôn làng. Ngay lúc ấy, người nhà chú chuẩn bị một mâm cơm thịnh soạn với toàn gạo Xoài Cơn, cơm Lam, cá nướng để thiết đãi khách quý. Chúng tôi ngồi cùng bàn, vui vẻ như người đã thân quen lâu nay, cùng nhau dùng cơm theo cách người dân tộc, ăn “Bốc”.

Trong bữa cơm ấy, lại một lần nữa những câu chuyện về con gà, cái rẫy, về lá ngón, cái chiêng hay sự tích ‘’Ma rút ruột” sống lại nổi bật hơn bao giờ hết qua lời kể của A Biu. Không những thế, chú còn cho chúng tôi thấy tài đánh đàn ghi ta điêu luyện, một chuyện mà tôi không nghĩ là bất cứ người dân tộc nào cũng làm được.Chú cứ cười, cứ đàn, còn chúng tôi cứ hát phụ họa theo tiếng đàn, rồi lại rơm rả với những câu chuyện đời thường nơi phố núi.

Tiếng chiêng vang vọng của nghệ nhân A Biu (ngoài cùng bên phải)

Mâm cơm ăn “bốc” của chúng tôi

Chú A Biu trổ tài đánh ghita cho cả nhóm nghe

Thấm thoắt cũng đã đến lúc chia tay mọi người; chúng tôi rời đi, với lòng xúc động không tả về những trải nghiệm đặc biệt này. Từ lúc nào Tôi thấy yêu Tây Nguyên đến vậy, yêu phố núi, yêu Kon Tum thân thương này? Phải chăng, đó chính là sức mạnh tâm linh huyền bí của Phố Núi? Không, tôi sẽ không biết được, chỉ là giờ đây, chỉ biết là một ngày nào đó, phải, tôi sẽ quay lại đây, để hiểu hơn về họ, để thấy cách họ sống hòa nhập với thiên nhiên, để biết rằng: Ồ! Đằng tây là phố núi Kon Tum.

Những miền đất bạn đã đi qua đó, bạn đã ăn gì, chơi gì, làm gì, ở đâu … những kỷ niệm khó quên, chút dư âm còn đọng lại bạn hãy viết và gửi tham gia cuộc thi ‘Nắm tay nhau đi khắp thế gian – Du lịch cùng tôi’ về hộp thư điện tử:

caccuocthi.phununews@gmail.com

Xem thêm:

Thể lệ cuộc thi viết: ‘Nắm tay nhau đi khắp thế gian – Du lịch cùng tôi’

Nguyễn Quốc Thái

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/bai-du-thi-o-dang-tay-co-lang-nguoi-bana-111163/