Bài dự thi: Nhà tôi

Tạm gấp lại chiếc laptop trước mặt, kết thúc một cuộc tìm kiếm với nhiều những tên trường Đại học được đề ra. Người con gái vẫn còn mộng mơ giữa tuổi 16 đang sắp đứng trước những ngã rẽ của cuộc đời.

Một chiều tháng 7 mưa rả rích, những cơn mưa chợt đến rồi chợt đi…

Tạm gấp lại chiếc laptop trước mặt, kết thúc một cuộc tìm kiếm với nhiều những tên trường Đại học được đề ra. Người con gái vẫn còn mộng mơ giữa tuổi đời 16 đang sắp đứng trước những ngã rẽ của cuộc đời. Tự hỏi lòng, nơi mái trường nào con gái không làm lưng ba thêm còng, trán mẹ thêm nhăn? Con đường nào để vũng lầy thất nghiệp không bao lấy, để mẹ ba một mai thức dậy mỉm cười và tự hào vì con yêu đây?

Gió mang hương thơm nồi canh chua của mẹ xộc vào mũi, mưa tí tách hòa vào tiếng cuốc đất của ba đang lụi hui dặm mớ bạc hà sau vườn. Chỉ lát nữa thôi, gia đình tôi lại quay quần cùng nhau ăn bữa cơm nóng hổi thơm phức, có tiếng cười đùa của thằng cu tí, có ánh mắt dịu dàng của mẹ, có cả nụ cười mãn nguyện của ba. Mưa lạnh nhưng lòng tôi ấm đến lạ!

Nhớ ngày xưa, tôi là một con nhỏ ghét mưa cực kì. Ừ! Ngày xưa nhà tôi nghèo lắm, vách nhà thì xiêu vẹo, trên nóc có mấy lỗ thủng, sàn nhà khi mưa đến lại ngập nước, lấm lem bùn đất. Rồi khi mưa gió thổi qua vài tiếng khẽ rung của những cây cột đã nhiều tuổi đời đang bị mối mọt gặm nhấm lại vang lên, con đường đất đỏ trước nhà được xới lên như ruộng cày, những đôi dép lê bỗng cao lên mấy phân vì lớp đất day tộp phía dưới. Trong góc nhà chỉ có tôi, ôm mặt ngồi khóc thút thít chờ ba mẹ về, đợi bữa cơm đạm bạc rau cà cho no bụng. Nghèo mà! ba mẹ tôi phải làm bán sống bán chết trên mảnh đất gần nhà để cơn mưa đến như một gã côn đồ đến ức hiếp tôi.

Nhớ ngày xưa tôi hay khóc um lên, vòi búp bê đẹp, kẹp tóc xinh… nhưng cái ba mẹ có thể cho tôi chỉ là câu nói nghẹn ngào:
“Con gái ngoan, giờ ba mẹ sẽ cố gắng kiếm tiền để con được ăn no, được học hành đầy đủ, khi nhà ta khá hơn một chút, rồi ba mẹ sẽ mua cho con, được không?”

Lúc ấy tôi đã hỏi:
“Ba ơi, sao ba không làm kĩ sư, bác sĩ, như vậy nhà mình sẽ không nghèo nữa, con sẽ có thể khoe với bạn bè, con không thích nghề nông dân, vừa nghèo vừa bẩn”.
Giọt nước mắt cố kìm nén của ba mẹ tôi đã rơi ngay lúc ấy. Nhưng tôi nhỏ dại nào có hiểu, chỉ nhớ mẹ vuốt tóc tôi, rồi nhìn tôi chua xót:
“Con à, nghề gì cũng là nghề, đều có thể thành công, miễn mình làm bằng sức lực của chính mình. Đến một ngày con lớn, ba mẹ sẽ cho con thấy chỉ với những cây rau nhỏ bé, hay mấy luống bạc hà này, ba mẹ sẽ cho con chăn ấm, nệm êm, sẽ cho con bằng bạn bằng bè, được không?”

Và thấm thoát đã hơn 10 năm rồi đấy, lời nói xưa, nay đã thành hiện thực rồi. Nhà tôi đã khá hơn trước nhiều. Nhưng có lẽ ba mẹ tôi đã phải đánh đổi cả một tuổi trẻ đầy mồ hôi và nước mắt trên mảnh đất ấy. Những giấc ngủ chập chờn chưa kịp say, những chén cơm, ly nước uống vội rồi lại tất bật với rau cải, dưa, đậu. Tôi thương ba mẹ tôi nhiều lắm, thương những vết chai, những vết hằn của lo âu mà năm tháng đã in hằn lên ba mẹ tôi. Nhưng tình thương đó thật nhỏ bé chỉ như một giot nước chẳng thể so với tình yêu bao la biển rộng mà ba mẹ đã dành cho tôi. Bởi vậy giờ đây, khi sắp sửa làm một cô gái trưởng thành để đền đáp những tháng ngày nhọc nhằn xưa cũ. Tôi thật sự hoang mang và bối rối, có quá nhiều chọn lựa lúc này, những kì vong mong mỏi của ba mẹ - những người đã hy sinh tất cả cho tôi, nếu giờ tôi chọn sai con đường tương lai cho mình, tôi thật bất hiếu!

Bỗng từ sau nhà tiếng mẹ vọng lên gọi tôi sắp cơm, gia đình tôi lại quay quần vui vẻ, chợt thằng cu tí hớn hở nói:
“Ba ơi, mai này cu tí lớn, nhất định cu tí phải làm tổng giám đốc giống mấy chú trong phim, oai cực luôn! rồi cu tí cho ba mẹ tiền ba mẹ không còn phải làm gì nữa”.

Cu tí là em tôi nó sinh sau tôi, ra đời trong tường gach xi măng rắn chắc, nệm ấm chăn êm. Có vài lần tôi kể cho tôi nghe về ngày xưa, nhưng có lẽ chỉ khi trải thì mới có thể thấm hết cái đáng sợ của nghèo khó, những trằn trọc lo âu cho ngày mai đủ ăn đủ mặc, cho căn nhà nhỏ bé không bất chợt đè xuống.

Bên tai tôi vang lên tiếng ba trách yêu nó:
“Thằng nhỏ này, nghề nào cũng cao quí, cũng có thể thành công làm giàu thôi, ba mẹ dù làm nông nhưng vẫn cho chị em con đủ ăn ,đủ mặc không thua chúng bạn có phải không?”.

Nói rồi ba lại quay sang tôi:
“Con gái à, con lớn rồi, con cũng đã nếm trải qua những tháng ngày cơ hàn. Ba mong con hãy suy nghĩ và quyết định đúng đắn cho tương lai. Nghèo khó có thể làm con người ta run sợ mà làm những điều phi pháp, vọng tưởng đến xa hoa. Nhưng ba mẹ cả một đời cố gắng chỉ để con thấy được, dù làm nông ba mẹ vẫn nuôi con nên người, gia đình ta vẫn vui vẻ hạnh phúc. Những cây rau nhỏ bé tầm thường kia đã nuôi sống gia đình ta mấy mươi năm qua, đâu cần những dự án tiền tỉ, rồi cao ốc, xe hơi. Ba cũng già rồi, cũng lạc hậu, ba so về học vấn thì không bằng con gái, nhưng ở trường đời ba đã học đã trả giá rất nhiều, cho dù con chọn con đường nào thì cũng đừng chỉ nghĩ đến thành công. Nếu không có những ngày đêm thức trắng, nếu không có những tháng ngày bất chấp nắng mưa, làm sao ba mẹ và các con có thể sống và tồn tại. Ba chỉ mong con hãy suy nghĩ, một khi đã chọn, con hãy sống, hãy làm hết mình. Ba mẹ sẽ buồn, sẽ đau khi thấy con thất bại, vấp ngã, nhưng sẽ hạnh phúc gấp trăm lần khi con gái có thể tự đứng lên và gặt hái thành công. Cũng đừng lo phải kiếm tiền nuôi ba nuôi mẹ, ba mẹ tự có cách để nuôi sống bản thân, ba mẹ không trông mong những điều ấy từ con, chỉ mong nhìn thấy con trưởng thành, mạnh mẽ, sống có ích và tự nuôi được chính mình”.

Đúng vậy! Tuổi thơ tôi quá ám ảnh những ngày nghèo khó, tôi không muốn một lần nữa lich sử lặp lại. Chính vì thế tôi luôn sống với những ước mơ cao vời, tôi muốn những công việc nghe tên thôi đã thấy cao quý. Nhưng tôi chưa bao giờ tự hỏi đam mê trong tôi muốn gì? Đúng vậy! tôi đã bao lần hùa theo đám đông, tìm kiếm trên mạng những ngành nghề “hot” lương cao, tôi vẫn luôn cố để không bao giờ làm bạn với chữ nghèo. Cố trong mù quáng không phân định, để rồi quên mất không nhận ra, nông dân cũng là một nghề thiện lương chân chính.

Và hôm ấy, tôi đã quyết dịnh sẽ chọn Đại hoc nông lâm, tôi muốn viết tiếp những thành công trên mảnh đất nuôi dưỡng tôi, tôi muốn chứng minh cho cuộc đời này lời ba tôi nói là sự thật: chỉ cần có đam mê khát vọng, tôi sẽ viết lên cuộc đời những thành công theo cách riêng của chính tôi.

Cảm ơn ba mẹ, cảm ơn một mái ấm gia đình, nơi mà 16 năm trời chưa khi nào thôi ấm áp. Ba tôi, mẹ tôi không phải giáo viên, giáo sư, thạc sĩ, nhưng họ có cách riêng để dạy tôi nên người, dạy tôi không mất niềm tin vào cuộc đời. Và tôi biết, dù một ngày bị cả thế giới quay lưng, tôi vẫn còn một mái nhà để đầy tình thương để tin tưởng và bước tiếp. Cuộc đời này phù phiếm thoáng qua, đôi khi chỉ một cơn tai họa là mất hết. Tiền bạc danh vọng ư? cũng sẽ theo gió bay đi mất. Nhưng gia đình, tình thương ba mẹ, đã cho tôi những bài học chẳng cần học thuộc vẫn tự in hằn trong tâm trí tôi. Đó chính là niềm tin, là tài sản vô giá để tôi- cô gái 16 tuổi mang ra đấu trọi với cuộc đời.

Ba à, mẹ à, cảm ơn vì đã sinh con ra trong một gia cảnh nông dân bình thường nhưng không tầm thường, để con nếm trải cuộc đời, để con không vướng những kiêu kì vọng tưởng, để con tự học cách tồn tại trong thế giới này, để con tự biết quý giá những điều nhỏ bé nhất, và để con nhận ra: không phải tiền bạc, phú quý, ba mẹ và gia đình mới là kho báu vô giá của đời con.

Nguyễn Ngọc Diệp

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/bai-du-thi-nha-toi-a257604.html