Bài dự thi: Hồi ký bố chồng tôi

Ông là bộ đội. Năm mươi tuổi, ông về hưu với quân hàm đại úy. Ngày mới rời quân ngũ, ông gầy như que củi. Về quê chưa lâu, vợ chồng vừa bén mùi thì một tin sét đánh: vợ ông bị ung thư vú.

Bản lĩnh người lính giúp ông vững vàng trong những ngày chăm sóc vợ.

Thỉnh thoảng, tôi bắt gặp ông gội đầu, chải tóc cho vợ. Lúc đầu, bàn tay người lính vụng về, lóng ngóng, sau quen đi, ông búi tóc cho vợ gọn hơn. Rồi đầu bà trọc lốc, ông lại cẩn thận đội khăn lên đầu cho vợ. Thời gian đó, ông cứ lặng lẽ chăm sóc vợ, không quan hệ, không giao tiếp với ai. Nhà ông ít người qua lại vì ai cũng nghĩ ông khó tính. Nhà bốn người. Hai bố mẹ già tuổi ngoài bẩy mươi và vợ chồng ông. Ông có hai người con. Người con gái lấy chồng, theo chồng ra Quảng Ninh làm ăn, cả năm mới về thăm ông bà một lần. Người con trai công tác xa tận mãi Cao Bằng, một năm thường về hai lần vào dịp Tết và dịp hè.

Vợ ốm, ông thay bà đảm đang mấy sào ruộng. Người lính quen với tay súng, về hưu lại khéo léo tay cuốc, tay cày, tay liềm. Mọi người trong xóm thường nhìn ông ái ngại và nể phục.

Vợ mất. Ông vẫn lặng lẽ đi về như cái bóng, đảm đang việc đồng áng gia đình. Người con trai năng về thăm ông hơn. Nhà tôi bên cạnh nhà ông. Lúc rỗi rãi, tôi thường sang đỡ đần mẹ ông khi xâu kim, lúc vá chiếc quần, chiếc áo. Nhà ông lúc nào cũng im ắng, ít khi thấy mọi người trong nhà nói chuyện với nhau, có thể do ai cũng nặng tai. Chỉ khi người con trai về thì nhà ông mới thêm sinh khí, mới nghe thấy có tiếng trò chuyện. Từ ngày mẹ mất, anh con trai thường về thăm nhà vào tháng bảy, tiện làm đám giỗ mẹ. Nhà ông có cây bưởi đào rất ngon và sai quả. Thỉnh thoảng tôi thấy hai bố con ông ngồi ăn bưởi và trò chuyện với nhau. Người con trai khá đẹp trai, dáng thư sinh, hiền, ít nói. Những ngày anh về, bà nội anh thường gọi tôi sang, khi nhờ việc này, lúc việc khác, bà thường tìm cớ cho tôi và anh gặp nhau. Và chúng tôi cảm mến nhau. Những cánh thư đi, thư về ngày càng nhiều. Hai đứa yêu nhau.

Ông ủng hộ tình cảm của hai chúng tôi.

Rồi tôi về làm dâu nhà ông. Với bản chất của người lính và quan niệm: Dạy con từ thửa còn thơ... Ông dạy dỗ tôi rất nghiêm khắc. Lời nói của ông bao giờ cũng là mệnh lệnh và chúng tôi phải thực hiện ngay tức thì. Tôi còn nhớ: Một lần tôi đang ngồi gấp quần áo, ông gọi tôi ra khiêng giúp ông cái giường một ra chỗ khác. Đang giở tay, tôi bảo: Bố đợi con một tý. Ông không nói, không rằng một mình lôi chiếc giường uỳnh uỳnh. Tôi vội vã chạy ra giúp, ông nhất quyết không khiến. Một lần khác, tôi ngồi may quần, đang vào giở chiếc khóa thì ông nhờ tôi đi mua mấy cái đinh để ông sửa cái chuồng gà, tôi cố gắng vào cho xong rồi mới đi. Vậy là tôi bị ông mắng cho một trận. Ông bảo tác phong chậm chạp, coi thường lời bố chồng... Từ đó, mỗi lời ông nói tôi đều phải thực hiện ngay. Chứng kiến vài lần như thế, chồng tôi không đồng tình với ông. Vậy là bố con ông khắc khẩu.

Mấy tháng sau, qua mai mối của một người họ xa, ông cưới vợ lẽ, một cô giáo lỡ thì. Tôi và anh hy vọng có vợ ông sẽ dễ tính hơn. Nhưng không, ông vẫn vậy. Lúc nào ông cũng đề cao nề nếp gia phong. Nghỉ hè, tôi xin phép ông lên chỗ chồng. Ông hỏi: "Bao giờ chị đi? Đi trong bao lâu?" Tôi trả lời: " Dạ, ngày mai con chuẩn bị, ngày kia con đi. Con lên với chồng con hai tháng hè." Ông nói: "Chị đi một ngày, chị phải hỏi tôi trước một ngày. Chị đi hai ngày, chị phải hỏi tôi trước hai ngày. Tại sao chị đi hai tháng mà bây giờ mới hỏi. Tôi không đồng ý cho chị đi. Chị không được đi". Tôi vẫn đi. Vậy là ông viết thư cho chồng tôi nói tôi hư, tôi không nghe lời, và ông không nhận người con dâu như tôi.

Hai tháng sau, tôi và anh cùng về. Ngày hôm sau, ông cho vợ chồng tôi ăn riêng.
Ông vẫn để ý, xét nét tôi từng tý một. Ông bà nội tuy thương cháu dâu nhưng cũng đành chịu. Ông bà nội đều điếc. Cũng có lúc ông nội bảo bố chồng tôi: "Anh gia trưởng vừa vừa thôi chứ? Anh là bố chồng hay mẹ chồng?". Ông trả lời:" Nó là con dâu con, con phải dạy"...

Đúng một năm làm dâu, tôi sinh con. Có cháu đích tôn, ông bớt xét nét tôi hơn.
Đi đâu, hay có người đến chơi, ông cũng tự hào khoe gia đình ông: Tứ đại đồng đường, nề nếp, gia giáo. Hai năm sau, tôi sinh tiếp cậu con trai thứ hai. Cuộc sống chật chội trong một gian nhà nhưng tôi thấy dễ thở hơn vì bố chồng tôi rất chăm cháu nội. Ông dạy cháu theo tác phong quân đội. Ông quý cháu nhưng chẳng bao giờ trò chuyện với con trai. Chồng tôi thường nghĩ, ông có vợ mới nên không cần con, ông không hỏi chuyện, anh cũng không nói. Tình cảm giữa ông và chồng tôi ngày càng xa cách.

Năm năm sau, vợ chồng tôi xin phép làm nhà ra ở riêng. Lúc đầu, ông không đồng ý, ông muốn giữ gia đình lớn: Tứ đại đồng đường. Sau chúng tôi kiên quyết xin ra, ông mới chịu. Tôi như cá trong ao tù được bơi ra biển lớn. Tư tưởng thoải mái, tôi béo khỏe. Tôi chỉ buồn vì anh và bố chưa hòa hợp được với nhau. Hai bố con anh không ngồi với nhau được quá năm phút. Lần nào anh về phép, tôi cũng phải giục anh vào thăm bố, anh mới đi. Có lần, tôi còn chưa nhặt xong mớ rau đã thấy anh về. Anh bảo: Chả có chuyện gì mà nói.

Sau lần đó, tôi quyết tâm phải tìm cách giúp anh và bố gắn kết tình cảm. Tôi năng bế con vào thăm ông. Tôi tìm cách gợi chuyện, tìm hiểu những chủ đề ông quan tâm để cùng bàn luận. Đúng chủ đề ông hăng lắm. Ông phân tích tình hình, suy luận triết lý đúng kiểu cán bộ chính trị. Tôi thấy ông không khó như mọi người thường nghĩ. Tôi xem thời sự nhiều hơn. Tôi có thể ngồi đàm đạo cùng bố mẹ chồng. Sau mỗi câu chuyện thời sự, tôi lại lái sang chuyện chồng tôi. Tôi bảo anh hỏi thăm ông bà, nhắc tôi năng vào chăm sóc đỡ đần bố mẹ. Thỉnh thoảng tôi mua chút quà, ít thuốc bổ đem vào và nói quà anh gửi người quen về cho ông bà, bố mẹ. Hàng đêm, trò chuyện với anh qua điện thoại, tin nhắn, tôi lại kể cho anh nghe về bố, về dì, về sự quan tâm của bố mẹ chồng dành cho mẹ con tôi. Có chuyện thật, có hư cấu. Anh vui lắm. Mỗi lần anh về phép, tôi lại chuẩn bị những món quà ông, bà, bố, mẹ chồng thích. Anh vừa về đến nhà, tôi giục anh vào thăm ông bà, bố mẹ ngay. Tôi nhắc anh trò chuyện với bố về những vấn đề ông quan tâm như: Tình hình thế giới, trong nước... Cứ như thế, dần dần tình cảm bố con anh gần gũi hơn. Họ đã ngồi với nhau được lâu hơn, có khi cả tiếng đồng hồ. Những ngày anh về phép, trước lúc đi dạy học, tôi thường chuẩn bị nước chè đặc, ít lạc luộc, lạc rang để bố con anh đàm đạo. Ông ra nhà tôi trò chuyện cùng con trai nhiều hơn. Tình cảm bố con được hàn gắn. Ông cũng biết việc tôi làm. Ông nói lời cảm ơn tôi vì đã giúp bố con ông gần gũi.

Rồi ông bị ốm phải vào viện. Nhà neo người, chỉ có tôi chạy đi chạy lại, vừa chăm ông, vừa lo việc gia đình. Chồng tôi đang chuẩn bị cho gói thầu mới không về được. Mẹ chồng tôi cũng mải việc trường, lại còn chăm sóc ông bà nội tôi đã già yếu. Cũng may ông chỉ bệnh nhẹ. Một tuần sau, ông ra viện. Sau lần đó, ông coi tôi như con gái. Gia đình tôi hạnh phúc theo đúng nghĩa: Tứ đại đồng đường. Mỗi chủ nhật đại gia đình thường sum họp, cùng ăn bữa cơm gia đình.

Nhưng sự đời lại không như những gì ta mong muốn. Được ba năm gia đình lớn vui vẻ, hạnh phúc, yêu thương. Chồng tôi mắc bệnh nặng và ra đi đột ngột. Tôi đau đớn vô cùng. 37 tuổi, đã thành góa phụ. Hai đứa con thơ dại. Đứa lên tám, đứa lên mười. Bố chồng tôi vốn là người cứng rắn, ông bình tĩnh lo ma chay cho con trai. Tôi biết, ông rất đau khổ. Cuộc đời ông đã bao lần đưa tiễn người thân. Con gái út mất khi còn thơ dại, rồi vợ mất, giờ là con trai. Mẹ chồng tôi kể: Hôm đó, ông vào trong buồng gục đầu nức nở. Những ngày sau đó, thỉnh thoảng, tôi bắt gặp ông, khi gục đầu vào gốc cây, khi đứng sau nhà, lúc trốn vào trong buồng khóc một mình. Những cơn nấc nghẹn không nên lời. Tôi và mẹ chồng giả vờ không biết, không nhìn thấy vì cả tôi và mẹ đều hiểu: Ông rất cao ngạo, ông không muốn ai biết nỗi đau của mình.
Chồng tôi mất vào dịp hè. Ba tháng hè, bạn bè cháu chắt, họ hàng ngày nào cũng đến thăm tôi. Không lúc nào nhà tôi vắng khách đến động viên, chia buồn. Bố chồng tôi ngày nào cũng qua xem mẹ con tôi ăn uống ra sao. Ông bảo tôi: Cứ mở ti vi cho các cháu xem, đừng vì buồn mà thay đổi, con cứ giữ nếp sinh hoạt bình thường như những ngày chồng con còn sống. Con hãy vì hai đứa con... Ông an ủi tôi: Trời không cho ai tất cả và cũng không lấy của ai tất cả. Con còn hai đứa con, hãy yêu thương chăm sóc chúng để chúng không bị hẫng hụt khi mất bố. Ông thường tự an ủi mình: Trời lấy của ông hạt gạo nhưng còn để cho ông hai hạt tấm...

Những ngày đau buồn nhất cũng dần qua đi. Có thể nói, tôi vượt qua nỗi đau đó cũng phần lớn nhờ những lời động viên của ông. Khi còn trong quân đội, ông từng làm chính ủy nên cũng khéo ăn nói, triết lý. Có lẽ, có bao nhiêu ngôn từ vốn liếng, ông đem hết ra để khuyên nhủ tôi bớt đau buồn, để cứng rắn mà đi tiếp con đường đầy trách nhiệm, gánh vác thêm cả trách nhiệm của chồng tôi.

Mười năm qua, cuộc sống của mẹ con tôi luôn có ông bên cạnh. Ông quan tâm dạy bảo hai cháu, bớt một phần lương hưu để giúp tôi đóng học phí cho con. Bây giờ hai con trai tôi đều đã vào đại học, một đứa học Giao thông, một đứa trường Thủy lợi, ông vẫn lo giúp các cháu đóng tiền học phí. 79 tuổi, ông điếc nặng nhưng vẫn còn minh mẫn lắm. Do di chứng của những năm ở chiến trường, ông mắc bệnh tiểu đường. Mấy năm nay, ông vẫn cố gắng kiêng khem, vẫn đi bộ đều đặn mỗi sáng. Ông chỉ mong ước khỏe mạnh để các cháu của ông học xong đại học. Các cụ đều đã qua đời, chỉ còn bố mẹ chồng tôi sống trong ngôi nhà rộng mênh mông. Nghỉ hè, các cháu về, ông vui lắm. Ông lại ngồi cùng các cháu hàng giờ trò chuyện về bóng đá, về tình hình trong nước, quốc tế...

Ngày gia đình Việt Nam, ngồi nhớ lại những hồi ức về bố chồng, tôi chợt hiểu: con người có thể thay đổi tính cách khi biết yêu thương. Mọi người trong gia đình có thể bỏ qua mọi lỗi lầm của nhau để yêu thương nhau hơn. Nơi nào có tình yêu thương, nơi đó có cuộc sống tốt đẹp. Gia đình là nơi cuộc sống bắt đầu và tình yêu không bao giờ kết thúc. Đúng vậy phải không các bạn.

Lê Thị Tố Uyên

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/bai-du-thi-hoi-ky-bo-chong-toi-a257607.html