Bài đầu: Ánh sao vàng trên quần đảo Trường Sa

Trong những ngày tháng 4 lịch sử, chuyến hải trình hơn 1.000 hải lý đã đưa đoàn đại biểu thành phố Hồ Chí Minh đến với huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa).

Trong hải trình đó, lá cờ đỏ sao vàng như nguồn sáng dẫn đường, là gạch nối thiêng liêng giữa đất liền với biển, đảo, kết nối lòng người cùng hướng về nơi tuyến đầu Tổ quốc...

Tàu KN290 bắt đầu rời cảng, đưa đoàn đại biểu thành phố Hồ Chí Minh ra thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1/17. Ảnh: Minh Thúy

Muôn con tim chung nhịp Trường Sa

Trên chuyến hải trình từ cảng Cát Lái (thành phố Hồ Chí Minh) đến với quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1/17 (tỉnh Khánh Hòa), mỗi thành viên trong đoàn công tác thành phố Hồ Chí Minh đều mang theo những niềm riêng ngỏ cùng nơi tiền tiêu của Tổ quốc. Trong số ấy, ba cựu chiến binh trên con tàu HQ505 năm xưa, nhân chứng sống của những tháng ngày hào hùng trong trận chiến trên đảo Gạc Ma năm 1988 có lẽ là những người rưng rưng nhất.

Trở lại vùng biển, đảo - nơi các anh đã cống hiến cả tuổi xuân, bao kỷ niệm ùa về, những điều muốn nói dâng lên trong những đôi mắt ngân ngấn ướt. Trong sâu thẳm tâm can, các anh đau đáu nhớ về khoảnh khắc 64 đồng đội đã anh dũng hy sinh vì biển đảo quê hương trên đảo Gạc Ma.

“Trong một trận đánh, chúng tôi sẵn sàng chấp nhận cái chết, cảm thấy cái chết nhẹ tựa lông hồng, trong lúc chiến đấu, cái chết nó đơn giản lắm” - cựu chiến binh tàu HQ505, Thượng tá Phạm Văn Hưng nói thay lời những đồng đội đã hóa cánh sóng muôn đời nơi đây.

Niềm tự hào của những cựu chiến binh ấy kết nối từ quá khứ đến hiện tại, lan tỏa tinh thần bất khuất, kiên trung cho những người đang ngày đêm canh giữ biển trời, vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió, từ những chiến sĩ mới ra đảo nhận nhiệm vụ, đến những con người can trường, dạn dày nơi tuyến đầu Tổ quốc.

Chứng kiến hình ảnh những người mẹ, người cha ra thăm con trên đảo, mới thấy sự vững tin của người công tác trên đảo cũng như người ở hậu phương son sắt thế nào!

Ngồi trên xuồng để cập bến đảo Sinh Tồn, dù sóng chao nghiêng ngả, nhưng trong lòng bà Nguyễn Thị Lành (phường 12, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh) tươi rói một niềm thương hướng về cậu con trai mới ra đảo nhận nhiệm vụ từ đầu năm nay. Thấy thấp thoáng bóng con, bao mệt nhọc đằng đẵng sau hai ngày đi biển của bà tan biến.

Vỡ òa cảm xúc, mẹ con ôm nhau trong nỗi mừng vui khôn tả: “Tôi không ngờ con lại trưởng thành đến thế. Mới hơn 5 tháng ra đảo mà con đã rắn rỏi và cứng cáp, bản lĩnh hơn nhiều. Lúc con đi tôi lo, nhưng vẫn kêu con cố gắng, ráng giữ biển đảo Tổ quốc, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Giờ tận mắt thấy cuộc sống, công việc của con, tôi hoàn toàn yên tâm; việc con được công tác ở đảo là vinh dự của con, của gia đình!”.

Gặp nhau trên đảo Sinh Tồn, mẹ con bà Lành vui mừng khôn tả. Ảnh: Minh Thúy

Chững chạc hơn trong bộ trang phục hải quân, chiến sĩ Nguyễn Thế Sơn (công tác tại đảo Sinh Tồn, huyện đảo Trường Sa) nắm tay bà Lành ôn tồn: “Mẹ yên tâm nhen, con lớn thật rồi!”.

Là những hộ dân bám trụ trên đảo, trong căn nhà nhỏ xinh dưới những rặng bàng xanh, Lê Thị Hương Trâm (quê tỉnh Khánh Hòa) kể về cuộc sống yên bình nơi đảo xa: Mỗi gia đình đều có một vườn rau nho nhỏ, khéo chăm bón, khéo vun vén cũng tạm đủ rau ăn. Ngoài đảo, không có sóng internet, các cháu nhỏ ít phương tiện giải trí. Bù lại, các mẹ dành được nhiều thời gian chơi và học cùng các con, dành thời gian làm việc nhà, giúp nhau dạy con cái.

“Ở đây, mẹ như mẹ chung của các con và các con cũng như con chung của tất cả các bà mẹ. Chúng tôi tắt lửa, tối đèn có nhau, cuộc sống gắn kết, yêu thương như người một nhà”, chị Trâm chia sẻ.

Những mái nhà bình yên trên đảo Sinh Tồn.

Góp phần nối dài sự bình yên và sức sống cho Trường Sa, đó là người thầy truyền con chữ nơi đầu sóng. Dưới mái Trường Tiểu học xã Sinh Tồn, cùng với màu xanh mát của phong ba, tra, thầy giáo Phạm Quang Tuấn vẫn ngày ngày gieo con chữ đến các em thơ.

Biết được những khó khăn của học sinh vùng biển đảo, với kinh nghiệm của người đã trải qua 36 năm đứng trên bục giảng, sau nhiều năm công tác ở thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), thầy Tuấn đã tình nguyện ra giảng dạy tại Trường Tiểu học xã Sinh Tồn.

Thầy giáo Phạm Quang Tuấn ngày ngày miệt mài với công việc gieo chữ cho các em thơ. Ảnh: Minh Thúy

Từ nơi phố thị sôi động, ồn ào với đầy đủ tiện nghi, bước chân lên đảo, thầy mang theo tình yêu với những cô cậu học trò nhỏ, mang theo niềm tự hào được cống hiến cho đất nước: “Có người dân sinh sống là có học trò. Tôi muốn mang con chữ ra với các cháu. Ngoài dạy chữ, tôi còn tích hợp các kiến thức dạy kỹ năng sống cho các bé. Thật tự hào vì được gieo con chữ ở nơi tiền tiêu Tổ quốc!”.

Đảo là nhà, biển cả là quê hương

Giữa trùng khơi sóng, gió, nơi chỉ có trời và biển, ngày và đêm, nhưng cán bộ, chiến sĩ trên các đảo và Nhà giàn DK1/17 luôn tâm niệm một lòng “đảo là nhà, biển cả là quê hương”. Tình yêu ấy đã nuôi dưỡng những tâm hồn đẹp, sẵn sàng hy sinh niềm riêng vì Tổ quốc.

Đón nhận tập thư của học sinh Trường THPT Marie Curie (thành phố Hồ Chí Minh) do thầy giáo Hiệu trưởng Nguyễn Văn Yên chuyển đến cán bộ, chiến sĩ đảo Núi Le B, Trung sĩ Đỗ Ngọc Lâm (quê tỉnh Phú Yên) nâng niu mở từng phong thư. Nét chữ học trò làm chàng trai trẻ nhớ về những năm tháng học trò mới rời xa ít lâu. Vuốt phẳng lá thư, Trung sĩ Lâm cứng cỏi nói: "Mỗi khi nhớ nhà, chúng tôi lại mở thư ở đất liền ra đọc. Đọc xong rồi lại thấy mình mạnh mẽ hơn, trách nhiệm hơn với công việc".

Những lá thư từ đất liền là món quà tinh thần vô cùng ý nghĩa với cán bộ, chiến sĩ đảo Núi Le B. (Trong ảnh: Trung sĩ Đỗ Ngọc Lâm mở phong thư do Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie chuyển đến). Ảnh: Minh Thúy

Nhớ lại những tháng ngày đầu làm bạn với biển, trời, Thiếu úy chuyên nghiệp Đinh Đỗ Thiện (quê ở tỉnh Ninh Bình, công tác tại đảo Tốc Tan C) kể, ngày đặt chân lên đảo nhiều bỡ ngỡ, nhưng vì đã xác định tinh thần phải hoàn thành tốt nhiệm vụ nên bản thân luôn chủ động vượt khó, học hỏi những người đi trước và cầu thị trong mọi việc.

“Khi gặp khó khăn, tôi lại nghĩ về gia đình để không chùn bước, không phụ lòng mong đợi của bố mẹ, gia đình. Tôi muốn bố mẹ được tự hào về tôi - về những người lính đảo”, Đinh Đỗ Thiện nhắn gửi.

Là người đi trước, thấu hiểu khó khăn, bỡ ngỡ của những chiến sĩ mới làm nhiệm vụ, Thượng úy Đào Văn Sĩ, chỉ huy trưởng đảo Núi Le B, Lữ đoàn 146 nói: Để ổn định tinh thần và tạo điểm tựa cho chiến sĩ mới nhận nhiệm vụ tại đảo, chỉ huy đơn vị thường xuyên quan tâm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, động viên anh em. Ngày lễ, Tết tăng cường thăm hỏi, không chỉ động viên riêng chiến sĩ mà còn động viên thân nhân của chiến sĩ nơi quê nhà... Sự gắn kết ấy đã tạo lên sức mạnh để mỗi thành viên trên đảo thêm can trường, vững tin làm nhiệm vụ.

Công tác đã 29 năm ở 6 nhà giàn khác nhau, là lớp cán bộ đầu tiên làm nhiệm vụ ở nhà giàn, đã trải qua nhiều cung bậc gian nan, nhưng Thiếu tá chuyên nghiệp Đoàn Quang Duẩn - nhân viên thông tin vô tuyến điện, hiện đang công tác tại Nhà giàn DK1/17 đầy lạc quan tự tin khẳng định, khó khăn cơ bản chỉ ở thời tiết khắc nghiệt. Cả quãng đời tuổi trẻ đã gắn bó với nhà giàn nên những dịp về đất liền nghỉ phép, trong lòng lại bâng khuâng nỗi nhớ nhà giàn...

Thiếu tá chuyên nghiệp Đoàn Quang Duẩn trò chuyện với các phóng viên trong chuyến công tác. Ảnh: Minh Thúy

Là người đã có nhiều năm công tác ở các đảo trên quần đảo Trường Sa, Trung tá Hoàng Đức Chiến, Chính trị viên đảo Sinh Tồn chia sẻ: Trong những năm qua, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân đội, chính quyền các địa phương là nguồn động viên vô cùng ý nghĩa và thiết thực với quân, dân trên đảo, nhờ đó, đời sống của cán bộ, chiến sĩ ngày càng được nâng lên. Tuy cuộc sống quân ngũ còn nhiều gian nan, nhưng với sự tiếp sức từ đất liền, mọi thành viên trên đảo khắc sâu tinh thần vượt khó, hăng say luyện tập để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

(còn nữa)

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/bai-dau-anh-sao-vang-tren-quan-dao-truong-sa-666081.html