Bài cuối: Trao đổi thẳng thắn, giải trình làm rõ những hạn chế, tồn tại

Nguyễn Thị Ngân - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Ninh. Để hoạt động giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên có hiệu lực, hiệu quả, từng nội dung giám sát, nhất là những hạn chế, tồn tại cần được trao đổi thẳng thắn, giải trình làm rõ, bảo đảm tính khách quan, chính xác, thống nhất giữa đoàn giám sát và cá nhân được giám sát. Báo cáo tổng hợp phải đầy đủ, toàn diện, trung thực; nội dung kiến nghị, đề xuất phải cụ thể, rõ ràng, rõ căn cứ, cơ sở pháp lý để các cơ quan hữu quan tiếp thu, triển khai thực hiện...

Thống nhất từ các cấp ủy Đảng đến chính quyền

Do giám sát của MTTQ Việt Nam mang tính Nhân dân, tức là tính bắt buộc không cao nên cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, phối hợp của Chính quyền trong chỉ đạo triển khai thực hiện. Vì vậy, MTTQ cần phát huy vai trò chủ trì, tính chủ động trong hoạt động phối hợp, hiệp thương, thống nhất với các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp để xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát, phản biện xã hội hằng năm, trình cấp ủy cùng cấp cho ý kiến nhằm thống nhất sự lãnh đạo, chỉ đạo từ các cấp ủy Đảng đến chính quyền. Đây là cơ sở quan trọng để MTTQ triển khai thực hiện có kết quả các cuộc giám sát theo kế hoạch đã đề ra. Phạm vi, đối tượng giám sát nên tập trung giám sát người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đại biểu HĐND thuộc phạm vi quản lý của cấp ủy cùng cấp.

Đoàn giám sát Ủy ban MTTQ tỉnh khảo sát thực địa công trình đăng ký gắn biển chào mừng 60 năm thành lập tỉnh tại huyện Hải Hà

Trên cơ sở nội dung giám sát, căn cứ các quy định pháp luật và mục tiêu Đoàn giám sát hướng tới để xây dựng dự thảo Đề cương giám sát bảo đảm cụ thể, rõ ràng, đầy đủ các nội dung đoàn giám sát đặt ra. Trong đó, đặc biệt quan tâm xây dựng hệ thống phụ lục các bảng biểu số liệu thống kê kèm theo để minh chứng cho kết quả trong báo cáo; tổ chức họp đoàn giám sát thảo luận, thống nhất, bổ sung hoàn thiện đề cương cũng như phụ lục các bảng biểu, gửi các cá nhân được giám sát xây dựng báo cáo cá nhân gửi đoàn giám sát. Đây là nội dung hết sức quan trọng, giúp đoàn giám sát có nhận định nhanh, sơ bộ về công tác triển khai thực hiện của cơ quan, đơn vị, của cá nhân cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ. Cùng với đó, quan tâm xây dựng các mẫu biên bản thẩm tra xác minh tại nơi làm việc và nơi cư trú để xác nhận với các tổ chức, cá nhân liên quan về số liệu, kết quả thu thập khi đi làm việc tại cơ sở.

Nhận diện, phát hiện những nội dung bất cập, hạn chế

Vận dụng linh hoạt các hình thức giám sát:giám sát thông qua báo cáo và tổ chức Đoàn giám sát trực tiếp thẩm định, xác minh tại cơ sở. Trong đó, chú trọng hình thức tổ chức đoàn giám sát trực tiếp tại nơi làm việc và nơi cư trú, cần quan tâm lựa chọn các thành viên tham gia đoàn giám sát. Do nội dung giám sát của MTTQ Việt Nam rất rộng, để giám sát đạt kết quả, ngoài các thành viên đoàn giám sát là lãnh đạo, cán bộ công chức cơ quan chuyên trách Ủy ban MTTQ Việt Nam, thành viên các tổ chức chính trị, xã hội, mời một số cán bộ, công chức các sở, ban, ngành, các ban đảng có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm phù hợp với nội dung giám sát; có bản lĩnh, năng lực nhận diện, phát hiện vấn đề; năng lực phân tích, đánh giá, tổng hợp tham gia làm thành viên và Tổ giúp việc đoàn giám sát.

Đoàn giám sát cần phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên nghiên cứu chuyên sâu theo các nội dung giám sát. Đối với các lĩnh vực phức tạp, các nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau, đoàn giám sát cần khảo sát, điều tra xã hội học, huy động và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên nghiên cứu chuyên sâu. Trên cơ sở nghiên cứu Báo cáo giám sát của đối tượng được giám sát và các quy định của pháp luật để nhận diện, phát hiện, tổng hợp trước những nội dung bất cập, tồn tại, hạn chế cần trao đổi, làm rõ khi tiến hành hoạt động giám sát tại cơ sở.

Bảo đảm hiệu lực, hiệu quả

Khi triển khai giám sát tại cơ sở (nơi làm việc và nơi cư trú), Đoàn giám sát nên chia thành các nhóm thu thập tài liệu: (1) Nhóm đến Chi bộ Khu dân cư, tổ dân phố để thu thập, xác minh kết quả dự sinh hoạt Chi bộ và tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên tại nơi cư trú; (2) Nhóm thu thập tài liệu tại nơi làm việc thông qua việc kiểm tra, thu thập số liệu từ sổ nghị quyết chi bộ, đảng bộ; sổ theo dõi tiếp công dân, các thông báo kết luận sau tiếp công dân, các văn bản, kế hoạch triển khai và các báo cáo định kỳ, báo cáo chuyên đề... làm cơ sở để thống kê, tổng hợp các số liệu theo các bảng biểu về kết quả thực hiện của cán bộ, đảng viên theo từng nội dung giám sát và từng cá nhân được giám sát.

Trên cơ sở các nội dung thu thập, xác minh được, đoàn giám sát tổ chức làm việc với các địa phương, cơ quan, đơn vị và đối tượng giám sát để thống nhất nội dung kết luận giám sát. Tại buổi làm việc, từng nội dung giám sát, nhất là những tồn tại, hạn chế cần được trao đổi thẳng thắn, giải trình làm rõ bảo đảm tính khách quan, chính xác, thống nhất giữa đoàn giám sát và cá nhân được giám sát. Trưởng đoàn giám sát kết luận những ưu điểm, hạn chế, tồn tại của mỗi cá nhân được giám sát và kiến nghị giải pháp khắc phục. Cùng với đó, công tác tổng hợp báo cáo phải đầy đủ, toàn diện, trung thực, khách quan; nội dung kiến nghị, đề xuất phải cụ thể, rõ ràng, rõ căn cứ, cơ sở pháp lý để các cơ quan hữu quan tiếp thu, triển khai thực hiện, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/bai-cuoi%C2%A0trao-doi-thang-than-giai-trinh-lam-ro-nhung-han-che-ton-tai-i371375/