Bài cuối: Thảm họa, những điều chưa kể

Năm 2020, các vụ sạt lở đất gây thiệt hại lớn về vật chất và nhân mạng xảy ra ở nhiều khu vực như thủy điện Rào Trăng, Trạm kiểm lâm 67 ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, Sư đoàn 337, các khu dân cư ở xã Hướng Việt, tỉnh Quảng Trị; thôn 1 xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, Quảng Nam... Bên cạnh những mất mát, đau thương, sự gian truân, nước mắt, còn có những điều kể ra để chia sẻ kinh nghiệm, để thấy tình người trong cơn hoạn nạn.

Chia nhau mẩu lương khô cắn dở

Còn nhớ vào trưa ngày 04/11/2020, tại khu vực cầu Dây dẫn vào xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam), những chiếc xe nằm ở tuyến ngoài đầu xã Trà Dơn và người dân tấp nập dồn về để ra mé sông chứng kiến giây phút tìm được 1 trong 14 thi thể trôi mắc vào lùm cây trên bờ sông, sau 8 ngày tìm kiếm. Tôi ngừng nhai mẩu lương khô bé tẹo bằng ngón tay khi một trung úy công an người lấm lem bùn đất, lại gần khẩn khoản nói: "Anh còn gì ăn nữa không? Đói quá rồi. Bữa giờ toàn ăn mì tôm, mấy hôm trước có cơm thì trời mưa quá nên bữa nào cũng ăn cơm hơi sượng sượng, sống sống".

Tôi lúng túng khi mẩu lương khô cắn dở chỉ còn mỗi một nửa. Hai anh em nhìn nhau cười, rồi chia nhau mẩu lương khô lót dạ. Nhìn cậu lính trẻ ăn vội với vẻ ngon lành, mới thấy những nhọc nhằn, thiếu thốn mà các chiến sĩ đang trải qua trong những ngày dầm trong mưa lũ để tìm kiếm người gặp nạn. Thấy tôi và chiến sĩ công an trẻ ngồi chia nhau mẫu lương khô, một người lính dân quân đi qua, rút trong túi ra một gói mì tôm bẻ dở. Đồng cảnh ngộ gặp nhau, chúng tôi lại nhìn nhau cười, rồi tiếp tục chia nhau mẩu mì gói. Giữa núi rừng thăm thẳm, giữa những ngày mưa và bùn lũ, mẩu lương khô và chút mì gói nhỏ lúc này sao ngon đến lạ. Chúng tôi ăn vội vã, rồi trở lại suối để tiếp tục tham gia tìm kiếm người mất tích.

Những ngày lặn lội cùng đoàn cứu hộ ở Trà Leng, việc tiếp tế lương thực trong điều kiện trời mưa lũ là rất khó khăn. Từ Trà Leng phải đi 40km thì mới ra hết được khu vực núi non trùng điệp. Để chống chọi với cơn đói giày vò, anh em trong đoàn thường thủ sẵn gói mì tôm nhét trong túi quần rồi lội dọc suối cả ngày. Việc tìm thi thể người mất tích ở vùng rừng núi này vô cùng quan trọng. Bởi, đối với người đồng bào Ca Dong và Mơ Nông, nếu người chết do thiên tai mà không tìm được xác là điều vô cùng xúi quẩy. Họ cho rằng, con ma sẽ lảng vảng đâu đó mà không chịu lên rừng; rồi nhiều người sẽ tiếp tục vừa khóc, vừa gọi (thay cho lời nguyện cầu): "no tước ô bây!" (người hãy về đây).

Bà Hồ Thị Diều ở Trà Leng có nụ cười ngặt nghẽo khi dân làng chúc mừng bà sống sót trong gang tấc. Ảnh: Văn Chương

Từ ngày 01/11/2020, việc tìm kiếm các nạn nhân mất tích được rải dọc theo sông Leng tới điểm giáp ranh sông Tranh. Còn trước đó, tại bãi bùn lầy phủ lấp các hộ dân ở thôn 1 xã Trà Leng, 200 người lính ở BCH Quân sự tỉnh Quảng Nam, Sư đoàn Bộ binh 315, Lữ đoàn Công binh 270 sử dụng tay để đào xới đất đá, vị trí tập trung nhất là nền nhà ông Lê Quang Việt, Bí thư Đảng ủy xã Trà Leng. Trong lúc đào bới đống bùn lầy để tìm kiếm, thì mưa rừng cứ dội xuống khiến công tác cứu hộ càng thêm khó khăn gấp bội. Mưa thấm vào da thịt lạnh cắt. Nhiều người lính trẻ trên đôi tay bật máu vì chạm vào vật sắc nhọn. Nhân viên quân y đặt bông băng tại một chòi nhỏ nằm ở dốc núi liên tục băng bó cho anh em.

Tại thôn 1 xã Trà Leng, dòng suối bùn từ trên núi ập xuống, đổ về phía sông Leng, chẻ ra làm đôi trôi ngược về phía hẻm núi. Mấy ngày sau, dọc con đường này vẫn la liệt sổ đỏ, giấy khai sinh (bản gốc). Một số người dân nói rằng, giấy khai sinh thì cần, nhưng sổ đỏ thì vứt đi, vì không ai muốn ở lại ngôi làng đầy đau thương này nữa...

Nhìn chó, đoán núi

Đêm 30/10/2020, giấc ngủ chập chờn của đoàn tìm kiếm ngay sát chân ngọn núi ở Trà Leng đã bị đánh thức. Đàn chó nghiệp vụ 3 con vừa di chuyển từ Quảng Trị vào để tham gia tìm kiếm, những con chó đang nằm yên, bỗng đứng phắt dậy, mũi khịt khịt, mắt láo liên. Ở nơi thâm sơn cùng cốc này, nó dường như không có kẻ thù nào, chỉ trừ một điều gì đó, có thể là thảm họa được loài vật tinh khôn này cảm nhận. Con chó to nhất rên ư ử và nhìn về phía núi. "Nó đang thấy trước điều gì đó chăng?".

Tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, hoặc ngay khu vực Trạm kiểm lâm 67 ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, những người lính quân đội, công an tham gia tìm kiếm đều ở ngay sát nơi núi lở, thảm họa rình rập. Riêng tại Trạm kiểm lâm 67, việc tìm kiếm được ấn định "3 ngày không xong thì sẽ gặp mưa lớn". Những ngọn núi bùng nhùng đất đá nhão nhoét, chỉ cần trời mưa thì không thể đi theo con đường độc đạo để thoát ra khỏi rừng núi. Ở nơi đầy nguy hiểm rập rình như thế này, chúng tôi phải quan sát thật kỹ bầy chó với hy vọng sẽ nhận được cảnh báo từ những mối nguy hiểm đáng sợ.

Tại xã Trà Leng, cứ mỗi buổi sáng, từ nơi nghỉ xuống hiện trường phải đi bằng xe bán tải, vượt qua 2 suối nước đáng sợ. Đêm nào trời cũng đổ mưa nên suối nước tuôn ầm ầm đầy nguy hiểm. Suối Vả giống như được khoét ra từ lòng núi, hai bên bờ bị xé tung, rải rác đá, cây, nước màu đất đỏ réo sôi từ khe núi. Để vượt suối, cả 3 chú chó được đưa lên và ngồi ép phía sau thùng xe bán tải.

Con chó Ô Ra Tơ gây chú ý khi nằm rạp xuống đất tại điểm tìm kiếm ở Trạm kiểm lâm 67. Ảnh: Văn Chương

Tại điểm tìm kiếm ở Trạm kiểm lâm 67, những chú chó tham gia theo đoạn cứu hộ cũng được chở trong xe thùng. Những đoạn núi lở, tạo ra mép vực sâu hoắm ngay cạnh bánh xe ôtô. Ngay mép đường, công binh cắm một hàng dài lá cờ tín hiệu để tài xế biết đường, đi cách xa mép rìa nguy hiểm; đèn soi qua lớp sương mù dày đặc dẫn chiếc xe lò dò tiến vào núi. Những con chó dường như linh cảm được nguy hiểm nên cứ liên tục nhìn xung quanh, mắt láo liêng, ngếch cánh mũi lên đánh hơi.

Buổi chiều mưa đổ, con chó có tên Ô Ra Tơ mệt mỏi và nằm ngay trên lối đi và không cất nổi bước chân. Những người lính tìm kiếm quan sát nó rồi bình phẩm: "Chú này có vẻ đừ, nằm nghỉ mệt đấy. Cứ quan sát mấy chú chó, hễ thấy tai dựng lên, mặt nhớn nhác, mắt láo liêng thì ắt có thể sẽ còn núi lở nữa, lúc đó lo mà chạy".

Trong những ngày đi tìm kiếm người mất tích trên sông Leng ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, có hôm mưa đổ và cả đoàn thuyền kẹt giữa sông. Để góp sức cùng đoàn cứu hộ tìm kiếm nạn nhân mất tích và tiếp tế cho người dân bị ảnh hưởng nặng do mưa lũ, một số người dân ở tận thôn 4, xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, Quảng Nam đã đưa thuyền ngược dòng 50km lên tận sông Leng để tham gia tìm kiếm người mất tích. Không ai bảo ai, họ làm việc hết mình và quên đi cái lạnh, cái đói, và cả những nguy hiểm luôn rình rập ở giữa vùng thâm sơn cùng cốc. Giữa những ngày thiên tai, đầy mất mát và đau thương, tình người thật ấm áp...

VĂN CHƯƠNG - DUY LUÂN

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/vu-an/phong-su/bai-cuoi-tham-hoa-nhung-dieu-chua-ke_152311.html