Bài cuối: Tạo động lực thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ

Những khó khăn, bất cập trong sản xuất và tiêu thụ rau an toàn (RAT) của Hà Nội cho thấy cần một chương trình hỗ trợ tổng lực dài hơi hơn cho cả hai khâu này. Hà Nội xác định trong thời gian tới sẽ tiếp tục đổi mới chính sách hỗ trợ theo hướng đồng bộ, phù hợp với thực tiễn, xây dựng kênh tiêu thụ RAT đủ mạnh nhằm tạo động lực để thúc đẩy sản xuất…

Đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm rau an toàn tại hệ thống siêu thị nhằm hỗ trợ sản xuất cho người nông dân. Ảnh: Anh Tuấn

Hỗ trợ kinh doanh, sản xuất

Theo Chi cục BVTV Hà Nội, hiện trạng phân phối, tiêu thụ RAT tại các siêu thị mới chiếm khoảng 1,5% sản lượng; cửa hàng phân phối bán lẻ chiếm 1,5%; giao theo hợp đồng (nhà hàng, bếp ăn tập thể...) chiếm 1,8%... còn lại đến trên 80% RAT của Hà Nội do người sản xuất tự bán tại các chợ dân sinh và bán buôn tại các chợ đầu mối.

Ông Hoàng Tiến Sỹ, Trưởng phòng Kinh doanh - Xuất nhập khẩu của Công ty Hadico, cho hay: Có rất ít doanh nghiệp (DN), cửa hàng kinh doanh RAT trụ vững bởi lợi nhuận thấp, rủi ro cao trong khi đó giá thuê cửa hàng, nhân công bán hàng, quảng bá, vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài. Bản thân rau là loại nông sản dễ thối hỏng, hư hao dẫn tới giá bán cao, trong khi rau không rõ nguồn gốc dễ trà trộn, lấn át RAT do giá rẻ. Thành phố cũng như các quận, huyện, thị xã cần có cơ chế chính sách cụ thể, tạo điều kiện cho các DN, hợp tác xã (HTX) sản xuất RAT có được vị trí kinh doanh thuận lợi tại các chợ dân sinh, các khu dân cư nhằm tạo thói quen lựa chọn nông sản an toàn cho người tiêu dùng.

Ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc HTX RAT Văn Đức, Gia Lâm cho biết: Việc chứng nhận VietGAP còn nhiều khó khăn, bất cập gây hiểu lầm về giá trị nên VietGAP chỉ thích hợp với sản xuất quy mô lớn và xuất khẩu. Không những thế, sản xuất theo VietGAP đòi hỏi nhiều tiêu chí kỹ thuật phức tạp, chi phí chứng nhận rất cao trong khi quy mô sản xuất rau của nông dân đa phần nhỏ lẻ, manh mún.

Hiện nay, đa số chứng nhận VietGAP không truy xuất được nguồn gốc do nông dân không ghi chép sổ sách rõ ràng, khó khăn cho cả công tác quản lý. "Hiện Văn Đức mới chỉ có 50ha được chứng nhận VietGAP nhưng hơn 200ha rau trên địa bàn xã, nông dân đều đã tuân thủ tốt quy trình sản xuất. Do đó, Bộ NN&PTNT cần sớm quan tâm sửa đổi những bất cập của chứng nhận VietGAP; thành phố cần tăng cường hỗ trợ đào tạo nông dân, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, tăng cường kiểm nghiệm ATTP và xử lý vi phạm" - ông Minh kiến nghị.

Theo Chủ tịch Liên minh HTX Hà Nội Nguyễn Quang Mạnh, hiện HTX nông nghiệp hầu như chưa làm được vai trò tiêu thụ RAT cho nông dân do không có vốn, không có tài sản thế chấp nên khó tiếp cận vốn tín dụng và thiếu kiến thức, kinh nghiệm kinh doanh. Việc liên kết giữa doanh nghiệp, HTX và nông dân còn thiếu chặt chẽ, chưa hài hòa lợi ích giữa các bên nên hợp đồng thường bị phá vỡ.

Vì vậy, để khai thông những vướng mắc này, Liên minh HTX Hà Nội cũng như Ngành Nông nghiệp, chính quyền các địa phương cần tích cực củng cố các HTX nông nghiệp để các đơn vị ngoài tổ chức sản xuất tốt còn là cầu nối quan trọng đưa RAT vào các chuỗi giá trị sản xuất khép kín.

Cùng với đó, có nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ cần sớm cụ thể hóa Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa về kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm tươi sống lưu thông, thương mại trên thị trường; đồng thời sớm bổ sung, xây dựng chính sách về đầu tư phát triển sản xuất, tiêu thụ RAT phù hợp với tình hình hiện nay.

Hiện Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ tiền kinh doanh RAT 2 triệu đồng/tháng/ cửa hàng, nhưng có quá nhiều điều kiện khắt khe dẫn tới các đơn vị kinh doanh không mấy mặn mà. Mặt khác, Hà Nội cần đẩy mạnh việc xây dựng các quy định, quy trình kỹ thuật chuẩn về sản xuất RAT để các địa phương triển khai áp dụng. Thành phố và các địa phương cần cân nhắc, lựa chọn hạng mục đầu tư hạ tầng kỹ thuật hiệu quả tránh lãng phí.

Theo ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội, trước mắt Hà Nội phải có chợ đầu mối, chợ dân sinh, bố trí điểm bán RAT và quản lý chặt tại đây thì người tiêu dùng mới được sử dụng RAT và kích thích người trồng rau phát triển sản xuất. Lực lượng quản lý thị trường cần tăng cường phối hợp với Chi cục BVTV kiểm tra các điểm kinh doanh thực phẩm sạch - RAT để truy xuất nguồn gốc, xử phạt nghiêm các cơ sở sử dụng nhãn mác mập mờ để lừa dối khách hàng.

Bảo đảm truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm

Thời gian tới, Hà Nội đặt mục tiêu: Kiểm soát dư lượng thuốc BVTV dưới ngưỡng quy định cho 95% diện tích sản xuất rau; duy trì 5.100ha RAT đạt từ 500 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng/ha/năm; phát triển 3.000 - 4.000ha rau chứng nhận đủ điều kiện ATTP đạt 500 triệu đồng/ha/năm và đưa diện tích sản xuất rau vụ đông đạt 120 triệu đồng/ha/vụ. Toàn bộ diện tích trồng rau nhỏ lẻ, manh mún, xen kẹt cũng được hướng dẫn thực hiện theo quy trình sản xuất RAT, đồng thời phát triển chuỗi sản xuất, tiêu thụ RAT có truy xuất nguồn gốc với sự tham gia của người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng (PGS). Từ đó phát triển, kiểm soát 50 chuỗi cung cấp RAT, bảo đảm 100% truy xuất nguồn gốc xuất xứ và an toàn thực phẩm.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng mô hình áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời chuyển giao khoa học kỹ thuật về phòng trừ sâu bệnh theo hướng giảm thiểu sử dụng thuốc BVTV; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn báo chí từ trung ương, thành phố đến xã để tuyên truyền về sản xuất, kinh doanh cũng như tiêu dùng RAT đến người dân; tăng cường siết chặt công tác quản lý vật tư nông nghiệp ở tất cả các khâu và đánh giá sự phù hợp của thuốc BVTV sinh học, thảo mộc, thuốc có thời gian cách ly ngắn để hướng dẫn người dân ứng dụng trong sản xuất.

Bạch Thanh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/855015/bai-cuoi-tao-dong-luc-thuc-day-san-xuat-tieu-thu