Bài cuối: Tăng kiểm tra, quyết chấn chỉnh

Hiện nay, việc đưa rước học sinh (ĐRHS) bằng xe ô tô dịch vụ đã được Sở GD-ĐT yêu cầu các trường chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm. Tuy nhiên, theo nhiều phụ huynh, giải pháp để đảm bảo an toàn cho học sinh cần có sự chung tay của các ngành và phát triển thêm hệ thống xe buýt, khu bán trú cho các trường tiểu học…

Ban An toàn giao thông tỉnh phối hợp với Sở GT-VT, Sở GD-ĐT và cơ quan chức năng TP.Biên Hòa kiểm tra xe đưa rước tại TP.Biên Hòa. Ảnh: Đ.Tùng

Ban An toàn giao thông tỉnh phối hợp với Sở GT-VT, Sở GD-ĐT và cơ quan chức năng TP.Biên Hòa kiểm tra xe đưa rước tại TP.Biên Hòa. Ảnh: Đ.Tùng

* Tăng trách nhiệm của nhà trường

Sở GT-VT vừa có văn bản về việc tiếp tục tăng cường công tác đảm bảo an toàn trong hoạt động xe ĐRHS trên toàn tỉnh. Theo đó, Sở GT-VT đề nghị Sở
GĐ-ĐT giao hiệu trưởng (hoặc người đại diện pháp luật) của các trường, cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm trong việc tổ chức, quản lý xe ĐRHS (cả xe do giáo viên, phụ huynh đứng ra ký hợp đồng) và đảm bảo an toàn cho học sinh tại trường.

Công an TP.Biên Hòa trong thời gian tới sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm lòng, lề đường và hành lang an toàn giao thông trên các tuyến đường gần trường học. Riêng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự sẽ duy trì việc tổ chức, phân luồng giao thông trên các tuyến đường trọng điểm trong giờ học và tan trường; kiểm tra, xử lý các trường hợp phương tiện, lái xe tham gia ĐRHS vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Huy Khánh cho biết, khi xảy ra những vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe ĐRHS thì trách nhiệm chung thuộc về ngành, trong đó có ban giám hiệu các cơ sở giáo dục. Ngoài ra, chỉ có văn bản hướng dẫn đầu năm học thôi vẫn chưa đủ mà phải có hành động cụ thể hơn từ các trường bằng việc thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, nếu thấy phương tiện chưa an toàn thì phải chấm dứt hợp đồng. Phải thực sự gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục khi trường, hoặc giáo viên sử dụng xe ĐRHS hàng ngày.

Trong 2 ngày 27 và 28-2, Ban An toàn giao thông tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở GT-VT, Sở GD-ĐT, Công an tỉnh cùng các cơ quan chức năng của TP.Biên Hòa kiểm tra bảo đảm trật tự, an toàn giao thông khu vực trường học và hoạt động xe ô tô ĐRHS đối với một số trường học trên địa bàn TP.Biên Hòa. Qua kiểm tra thực tế cho thấy hoạt động của các xe ĐRHS tại các phường của TP.Biên Hòa như: Hóa An, Quang Vinh, Trảng Dài, Long Bình Tân… đã cơ bản đi vào nền nếp. Tất cả các xe ĐRHS đều có giáo viên đi cùng trên xe suốt chặng đường từ nhà giáo viên đến trường và ngược lại.

Một số phương tiện còn điều động cả phụ xe cùng tham gia hỗ trợ ĐRHS. Các tài xế đã điều khiển phương tiện dừng sát lề đường hoặc trên hành lang phía trước cổng trường để cho các em học sinh lên, xuống xe được thuận tiện. Đồng thời, được sự hỗ trợ, hướng dẫn của cô giáo, các học sinh đã chấp hành xếp hàng ngay thẳng và theo trình tự bước lên xe, xuống xe nên không xảy ra cảnh chen lấn, xô đẩy gây mất trật tự.

Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông tỉnh Não Thiên Anh Minh cho hay: “Qua kiểm tra, chúng tôi nhắc nhở, kiến nghị với ngành GD-ĐT, các trường học về những tồn tại, bất cập về hoạt động ĐRHS. Đồng thời, đề nghị với Ban An toàn giao thông TP.Biên Hòa tiếp tục phối hợp kiểm tra xe ĐRHS, giữ trật tự an toàn giao thông trước các cổng trường”.

Bên cạnh đó, hiện nay không ít trường phổ thông tư thục có tổ chức bán trú đều có dịch vụ xe ĐRHS theo yêu cầu của phụ huynh. Trong số đó, có nhiều trường đã tổ chức hệ thống xe ĐRHS khá bài bản.

* Đa dạng các biện pháp an toàn

Theo kiến nghị của các cơ quan chức năng, bên cạnh việc kiểm soát xe ĐRHS tại các trường, thời gian tới cần đa dạng các biện pháp đảm bảo an toàn, thuận lợi cho học sinh đến trường.

Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an TP.Biên Hòa điều tiết giao thông tại khu vực Trường tiểu học Nguyễn Du (đường Cách Mạng Tháng Tám, P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa). Ảnh: Đ.Tùng

Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an TP.Biên Hòa điều tiết giao thông tại khu vực Trường tiểu học Nguyễn Du (đường Cách Mạng Tháng Tám, P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa). Ảnh: Đ.Tùng

Qua thống kê của Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng Đồng Nai (Sở GT-VT), hiện toàn tỉnh có 19 tuyến xe buýt đang hoạt động. Trong đó, các tuyến xe buýt số 1, 2, 3, 7, 8 (đều tại TP.Biên Hòa) có số lượng học sinh đi nhiều. Hiện tổng số lượng hành khách đi xe buýt mỗi ngày khoảng 17 ngàn lượt; trong đó, số lượng học sinh đi xe buýt chiếm khoảng 12%. Giá vé học sinh, sinh viên đối với các tuyến buýt trên đều đồng giá 5 ngàn đồng/lượt.

Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng Đồng Nai Trần Kim Xuyến cho hay, Sở GT-VT vừa yêu cầu Trung tâm tăng cường kiểm tra, theo dõi thiết bị giám sát hành trình để phát hiện và chấn chỉnh, xử lý kịp thời các trường hợp xe buýt, xe ĐRHS vi phạm. Đồng thời nghiên cứu, tham mưu phát triển hệ thống xe buýt phục vụ nhu cầu đi lại của học sinh, tập trung ở các tuyến đường có nhiều trường học.

Theo nhiều phụ huynh học sinh, sẽ không thể thiếu xe ĐRHS vì đây là nhu cầu thực tế, nhưng về lâu dài, phải tiếp tục mở rộng các trường học, tổ chức cho học sinh học bán trú để có thể giảm thời gian ĐRHS của phụ huynh. Khi quy hoạch các trường học mới ở những nơi có điều kiện đất đai, cần bố trí không gian bãi xe, bố trí giao thông trước cổng trường sao cho không xảy ra xung đột giao thông.

Trước các kiến nghị của người dân, Giám đốc Sở GT-VT, Phó trưởng ban thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh Lê Quang Bình đề nghị Ban An toàn giao thông các địa phương tổ chức rà soát, bố trí đầy đủ biển báo hiệu, biển chỉ dẫn, biển cảnh báo và tổ chức an toàn giao thông trên các tuyến đường đi qua khu vực có trường học. Đặc biệt là phạm vi 500m tính từ cổng các trường học, sao cho các phương tiện có điều kiện chấp hành quy định dừng, đậu đảm bảo an toàn cho học sinh.

Ông Võ Văn Minh, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa: Yêu cầu các trường thực hiện quy trình an toàn

Bài học được rút ra khi tổ chức ĐRHS bằng phương tiện là phải an toàn tuyệt đối. Muốn an toàn tuyệt đối thì phải có sự phối hợp thật đồng bộ và trách nhiệm giữa nhà trường, phụ huynh và đơn vị vận tải. Phòng đã yêu cầu các trường và giáo viên khi ĐRHS phải có quy trình an toàn về phương tiện, người điều khiển, mỗi xe phải có giáo viên đi cùng để đón học sinh lên xe, hỗ trợ học sinh xuống xe, nhất là phải điểm danh học sinh, kiểm tra quanh xe khi xe chuẩn bị chuyển bánh.

Ông Nguyễn Huy Hòa, tài xế xe ĐRHS ở H.Trảng Bom: Chủ động thời gian đăng kiểm đáp ứng hợp đồng ĐRHS

Hiện nay, việc đăng kiểm phải xếp hàng kéo dài nên khi sắp tới đợt đăng kiểm, chúng tôi phải chủ động bốc phiếu hẹn đăng kiểm. Nếu xe chưa kịp đăng kiểm (do chưa tới ngày hẹn, do có lỗi phát sinh…), tài xế sẽ liên lạc với bên ký hợp đồng đề nghị bố trí một xe phù hợp, đạt tiêu chuẩn. Nhất định không để xe ĐRHS không đạt chuẩn tham gia giao thông.

Đặng Công - Minh Thành (ghi)

Đăng Tùng - Công Nghĩa - Thành Nhân

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202303/quan-ly-xe-dua-ruoc-hoc-sinh-xoa-bat-cap-lap-an-toan-bai-cuoi-tang-kiem-tra-quyet-chan-chinh-3160262/