Bài cuối: Nỗi lòng người theo 'nghiệp'

Ngày nay, số lượng nghệ nhân theo đuổi nghệ thuật diễn xướng bóng rỗi trên địa bàn tỉnh ngày càng ít.

Nghệ nhân Ngọc Phượng nhận kỷ niệm chương và danh hiệu “Nghệ nhân dân gian” của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

Nghệ nhân Ngọc Phượng nhận kỷ niệm chương và danh hiệu “Nghệ nhân dân gian” của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

Vài thập kỷ trước, diễn xướng bóng rỗi tại Tây Ninh cũng như các tỉnh, thành Nam bộ bị đánh đồng với các hủ tục mê tín như: đồng bóng, bóng cốt, bóng xá… nên chính quyền một số địa phương ngăn cấm hoạt động, nhiều nghệ nhân phải chuyển sang làm công việc khác.

Sau này, khi diễn xướng bóng rỗi được các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian phân tích, chỉ ra cái hay, cái đẹp của loại hình nghệ thuật độc đáo này, đặc biệt là khi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể, việc bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật dân gian này được quan tâm hơn.

Bóng rỗi đóng một vai trò quan trọng, tạo nên nét đặc trưng trong lễ cúng Bà. Thông thường, lễ vía Bà hay cầu an là lễ cúng lớn ở các miếu thờ nữ thần được tổ chức long trọng, diễn ra vào mùa xuân, từ tháng giêng đến tháng ba âm lịch, hoặc sau mùa vụ. Ngày nay, số lượng nghệ nhân theo đuổi nghệ thuật diễn xướng bóng rỗi trên địa bàn tỉnh ngày càng ít. Để “giữ lửa” cho loại hình nghệ thuật này, nhiều nghệ nhân dốc hết tâm huyết, thời gian và cả tuổi trẻ.

Hơn 60 năm gắn bó nghề bóng rỗi

Tại chương trình “Đêm thơ nguyên tiêu” năm 2023 do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức vào đêm rằm tháng Giêng, chúng tôi có dịp thưởng thức các tiết mục bóng rỗi đặc sắc của các nghệ nhân dân gian. Trong trang phục sặc sỡ, các nghệ nhân bóng rỗi phối hợp nhịp nhàng từng động tác múa với tiếng gõ nhịp song lang khi bổng khi trầm, hòa cùng tiếng vỗ tay tán thưởng của khán giả.

Sau chương trình, chúng tôi đến gặp nghệ nhân Ngọc Phượng để tìm hiểu sâu hơn về bộ môn nghệ thuật diễn xướng bóng rỗi. Cô Ngọc Phượng tên thật Nguyễn Thị Mướt, sinh năm 1949, ngụ huyện Gò Dầu, là một trong số những nghệ nhân bóng rỗi lớn tuổi, có hiểu biết sâu rộng và gìn giữ những bài bản truyền thống về bộ môn bóng rỗi tại Tây Ninh.

Nghệ nhân Ngọc Phượng sinh ra và lớn lên trong dòng họ có truyền thống nhiều đời theo nghiệp bóng rỗi. Năm 13 tuổi, cô cùng một nhóm bạn được nghệ nhân Nguyễn Thị Tư (Tư Móc) nhận làm đệ tử truyền dạy bộ môn múa bóng rỗi.

Trong quá trình học, cô theo gia đình đi cúng lễ Kỳ yên ở các miếu Bà, đám cầu an, cúng tổ, đám thượng tran, tạ tran tại tư gia… Sau nhiều năm nỗ lực học hỏi, cô ra nghề với nghệ danh Ngọc Phượng, người thân quen hay gọi là cô Chín Phượng.

Hơn 60 năm qua, nghệ nhân Ngọc Phượng vẫn miệt mài học tập, lao động và sáng tạo cho nghề, gìn giữ những giá trị truyền thống của loại hình nghệ thuật bóng rỗi, về cách rỗi, múa, chế tác mâm vàng đúng nghĩa.

Năm 2007, nghệ nhân Ngọc Phượng được Nhà nước trao tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp văn hóa - thông tin”. Đầu năm 2023, nghệ nhân Ngọc Phượng vinh dự được nhận kỷ niệm chương và danh hiệu “Nghệ nhân dân gian” của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam vì có thành tích cống hiến xuất sắc trong thực hành, truyền dạy diễn xướng nghi lễ dân gian bóng rỗi.

Cô Phượng tâm sự, bóng rỗi đối với cô như một cái “nghiệp” mà cả cuộc đời cô trân quý và đam mê. Đối với nhiều người, múa bóng rỗi là nghề tay trái nhưng với cô, bóng rỗi là công việc chính.

Hiện tại, nghệ nhân Ngọc Phượng vẫn tiếp tục nhận học trò để giảng dạy bộ môn bóng rỗi. Đã có nhiều thế hệ học trò của cô nay thành nghề và đi diễn cùng cô tại các lễ hội hay đình, miếu… như các cô bóng Ngọc Trinh, Ngọc Diễm, Ngọc Thiểu, Ngọc Triều...

Khi được hỏi vì sao cô đặt nghệ danh cho mình và các học trò đều lót chữ “Ngọc”, cô chín Phượng giải thích, vì Bà (bề trên) thường thích mang ngọc và ngọc tượng trưng cho hòa bình, hữu nghị, may mắn, như ý, hạnh phúc, sức mạnh và quyền lực.

“Cô luôn nhắc nhở học trò của mình, người làm nghề chân chính, tài giỏi phải dày công phấn đấu rèn luyện và trau dồi các kỹ năng, đồng thời cập nhật các kiến thức hiện đại để không bị tụt hậu, lỗi thời”- nghệ nhân Ngọc Phượng chia sẻ.

Cô bóng Ngọc Trinh biểu diễn trong chương trình tại Hà Nội.

Cô bóng Ngọc Trinh biểu diễn trong chương trình tại Hà Nội.

Nghệ nhân trẻ tài năng

Tại Liên hoan đờn ca tài tử và bóng rỗi tỉnh Đồng Nai mở rộng năm 2023. Đoàn nghệ thuật Tây Ninh vinh dự nhận giải Nhất ở hạng mục Hát múa dâng lễ vật, do nghệ nhân Phạm Minh Sang (nghệ danh Ngọc Trinh) biểu diễn. Nghệ nhân Ngọc Trinh còn nhận giải thưởng phụ Nghệ sĩ triển vọng của bóng rỗi (nhỏ tuổi nhất, biểu diễn hay).

Cô bóng Ngọc Trinh sinh năm 2004, tình yêu với bóng rỗi được hun đúc từ nhỏ bởi gia đình có bà nội là nghệ nhân bóng rỗi Trần Thị Hoa (Sáu Hoa) ở huyện Gò Dầu, sau cô theo học nghề với nghệ nhân Ngọc Phượng.

Là nam giới, nhưng Ngọc Trinh rất dẻo dai và lành nghề, ưu thế của cô bóng là có sức khỏe để thực hiện tốt các tiết mục tạp kỹ như đội trống, lu, bàn, bình hoa… Từ năm 8 tuổi, Ngọc Trinh đã có niềm đam mê mãnh liệt với bóng rỗi.

Các động tác múa điêu luyện, nhịp nhàng của cô bóng cùng lời văn rỗi hòa với tiếng đờn khiến cậu bé Phạm Minh Sang say mê và được bà nội cũng như những người thầy hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm.

Giới thiệu bộ quần áo sặc sỡ đang mặc trên người, cô bóng Ngọc Trinh giải thích: “Trang phục của người múa bóng phải cầu kỳ như đào hát. Người múa bóng phải trang điểm đậm như một cô đào nên gia tài lớn nhất khi làm nghề chính là tủ quần áo gồm nhiều áo dài và váy ngũ sắc cùng dụng cụ trang điểm đầy đủ”.

Trong căn nhà nhỏ, Ngọc Trinh dành phần lớn không gian chứa dụng cụ làm nghề: đồ trang điểm, đạo cụ biểu diễn tạp kỹ; giấy vàng, bạc dùng để dán mâm vàng, mâm bạc, bình bát tiên…

Có xem các tiết mục của cô bóng Ngọc Trinh biểu diễn mới thấy hết sự vất vả của nghề múa bóng rỗi. Chỉ riêng việc trang điểm, nghệ nhân mất hơn 1 tiếng đồng hồ, mỗi động tác múa đều đòi hỏi sự khéo léo và thể lực.

Sau mỗi tiết mục, mồ hôi ướt đẫm lưng áo, không ngừng rơi trên trán, lớp trang điểm bị nhòe đi. Nhưng một khi đã trót yêu quý, trót mang “nghiệp” thì vất vả chỉ là động lực để những nghệ nhân như cô bóng Ngọc Phượng, cô bóng Ngọc Trinh tiếp tục cống hiến tài năng của mình cho sự nghiệp phát triển bộ môn diễn xướng bóng rỗi Tây Ninh.

Nhà nghiên cứu Phí Thành Phát- Chi hội phó Chi hội Văn nghệ dân gian (Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Tây Ninh) cho biết: “Bộ môn nghệ thuật diễn xướng bóng rỗi Tây Ninh đang dần khởi sắc, có nhiều bài nghiên cứu cấp bộ, cấp nhà nước, cấp quốc tế, bên cạnh đó bóng rỗi Tây Ninh vừa được mời biểu diễn ở Hà Nội và tham gia các liên hoan ở khu vực, giành được các giải thưởng cao.

Dịp Trung thu năm 2020, tôi đã đưa bóng rỗi lên sân khấu biểu diễn phục vụ các bạn trẻ, các em rất hào hứng khi xem nghệ nhân biểu diễn. Đó cũng là động lực để những nhà nghiên cứu về văn hóa dân gian tiếp tục giới thiệu, quảng bá bộ môn nghệ thuật này đến với công chúng”.

Hoàng Yến - Ngọc Bích

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/bai-cuoi-noi-long-nguoi-theo-nghiep-a154844.html