Bài cuối: Lan tỏa tinh thần hành động tới muôn dân

LÊ HỒNG HẠNH - Trưởng Phòng Tư pháp thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh. Ngày 1.1.2025, Luật Đất đai 2024 chính thức có hiệu lực thi hành, để Luật sớm đi vào cuộc sống, cùng với điều chỉnh, sửa đổi, ban hành các nghị định, văn bản hướng dẫn đi kèm thì tuyên truyền, phổ biến Luật để người dân, cử tri nắm rõ là việc đầu tiên, then chốt và mang tính quyết định. Trách nhiệm quan trọng này trước hết thuộc về chính những người đã thay mặt Nhân dân và cử tri cả nước biểu quyết thông qua Luật tại Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Quốc hội Khóa XV, đó chính là các vị đại biểu Quốc hội; tiếp đó là các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương có trách nhiệm tuyên truyền Luật.

Tiền đề quan trọng để các địa phương triển khai thực hiện

Lần đầu tiên được tổ chức, Hội nghị toàn quốc lần thứ Nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội Khóa XV thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu dân cử và cử tri ở mọi miền Tổ quốc. Đổi mới này thể hiện quyết tâm của Quốc hội trong thực hiện quy trình đưa luật, nghị quyết vào cuộc sống bài bản, toàn diện, đồng bộ, có sự thống nhất từ Trung ương, là tiền đề quan trọng để địa phương thực hiện. Tinh thần “gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả” theo tinh thần Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 27 Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thể hiện tại Hội nghị này rất rõ nét. Nếu tuyên truyền Luật Đất đai (sửa đổi) được tổ chức quy mô ở Trung ương sẽ là tiền đề quan trọng để các địa phương triển khai thực hiện Luật, bảo đảm Luật sớm đi vào cuộc sống.

Theo nhiều cử tri, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức một hội nghị toàn quốc triển khai luật, nghị quyết là cần thiết, nên duy trì và với Luật Đất đai (sửa đổi) cũng vậy. Cùng với hội nghị của Trung ương, ở các địa phương, Đoàn ĐBQH phối hợp với Thường trực HĐND triển khai tại các địa phương, hoặc lồng ghép để triển khai quy mô của địa phương là cách làm hay. Bởi suy cho cùng, đối tượng trực tiếp, “cánh tay nối dài” để luật, nghị quyết đi vào cuộc sống chính là chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở. Nếu cử tri là cán bộ cơ sở tiếp thu được đầy đủ sẽ là “cánh tay nối dài” để Luật Đất đai (sửa đổi) đi vào cuộc sống đồng bộ, bài bản, thống nhất.

“Sáng kiến tổ chức Hội nghị lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức vào tháng 9.2023 là một trong những cách làm rất hay nên tiếp tục thực hiện để triển khai Luật Đất đai (sửa đổi) bài bản, xuyên suốt từ Trung ương” - Cử tri Mạnh Trọng Đồng - huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk đề xuất.

Phát huy vai trò của đại biểu dân cử

“Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định rất rõ trách nhiệm của đại biểu dân cử là phổ biến và giải thích các luật, nghị quyết của Quốc hội, HĐND, vận động và cùng với Nhân dân thực hiện. Thế nhưng trong thực tế việc thực hiện trách nhiệm này có nơi, có lúc còn chưa được quan tâm đúng mức. Do đó, để Luật Đất đai (sửa đổi) sớm đi vào cuộc sống, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần có những chỉ đạo sát sao để phát huy vai trò của đại biểu dân cử, những người trực tiếp biểu quyết thông qua Luật trong phổ biến, tuyên truyền Luật đến với cử tri và Nhân dân. Bởi sẽ không ai phổ biến, giải thích luật hay hơn chính “người đã khai sinh ra luật” - Cử tri Lê Vân - Thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định chia sẻ.

Là nhiệm vụ nhưng cũng là cách để đại biểu thực hiện trọn vẹn lời hứa trong bản khế ước chính trị đã cam kết với cử tri khi vận động bầu cử. Do đó, phổ biến, giải thích luật, nghị quyết là việc làm mỗi đại biểu đều phải nhận thức rõ là phải thực hiện, nhưng trên thực tế không phải đại biểu nào cũng làm tốt trọng trách này bởi không phải ai cũng có kỹ năng mềm, diễn thuyết để thu hút và thuyết phục cử tri.

Nếu đi phổ biến, tuyên truyền Luật mà đại biểu cứ ôm khư khư tập đề cương và đọc cho cử tri và dân nghe thì sẽ khó mà lọt tai, nhất là với những cử tri “đặc biệt” - tri thức, cán bộ lão thành nghỉ hưu. Do đó, để làm tròn vai trách nhiệm phổ biến, giải thích luật thì cá nhân đại biểu luôn tự ý thức được là phải luôn học tập, trau dồi bổ sung kiến thức, kỹ năng. Như Luật Đất đai (sửa đổi) cũng vậy, muốn truyền đạt được thì phải bản thân phải hiểu, phải nằm lòng, có những thuật ngữ phải nắm chắc. Đi phổ biến Luật mà thao thao bất tuyệt đến khi cử tri hỏi lại một câu đơn giản như “hệ số K” là gì, hay vì sao phải gọi là Luật Đất đai… mà đại biểu ngẩn tò te là mất hết điểm. Theo cử tri Nguyễn Tiến Dũng, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh: cứ phải phổ biến, giải thích cho đại biểu, đại biểu tự phổ biến cho chính mình nhuần nhuyễn rồi giải thích, phổ biến rộng rãi cho người dân. Làm chặt chẽ, từng bước bài bản theo lộ trình từ nay đến khi Luật có hiệu lực thi hành mà thẩm thấu tới các tầng lớp Nhân dân thì Luật sẽ đi vào cuộc sống.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/bai-cuoi-lan-toa-tinh-than-hanh-dong-toi-muon-dan-i360346/