Bài cuối: Để hương ước, quy ước là 'Cánh tay nối dài' của pháp luật

Với vai trò là thiết chế tự quản của cộng đồng, từ lâu, hương ước, quy ước đã trở thành những quy chuẩn văn hóa, đạo đức trong cộng đồng, là 'cánh tay nối dài' của pháp luật, giúp duy trì lối ứng xử chuẩn mực, đồng thời hạn chế, đẩy lùi tập tục lạc hậu, gìn giữ và phát huy các giá trị tốt đẹp, xây dựng nếp sống văn minh.

Từ nhận thức đến tự giác làm theo

Bản Bành Phán (xã Tả Phìn, Sìn Hồ, Lai Châu) có hơn 100 hộ dân, với 500 nhân khẩu chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao. Năm 2020, bản Bành Phán xây dựng hương ước với những quy định cụ thể và tổ chức tuyên truyền phổ biến hương ước đến từng hộ gia đình. Qua việc thực hiện hương ước, bà con trong bản đã nâng cao ý thức chấp hành chủ trương đường lối của đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang, tập trung phát triển kinh tế chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để xóa đói giảm nghèo. Trong bản có 20 hộ nghèo, nhiều hộ gia đình kinh doanh buôn bán tạp hóa, giúp nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Chị Chẻo Mí Quai ở bản Bành Phán chia sẻ, “gia đình tôi bán hàng tạp hóa được mấy năm nay, kết hợp với nấu rượu và làm đậu phụ chủ yếu phục vụ bà con trong bản nên cũng túc tắc đủ sống”.

Một góc bản Tả Phìn (xã Tả Phìn, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu). Ảnh: Thế Tiệp

Qua lời kể của Em Chẻo Mí Hoán (bản Bành Phán), từ khi được thầy cô giáo tuyên truyền em đã hiểu rõ, với nam phải đủ 20 tuổi, nữ đủ 18 tuổi mới được kết hôn. Em sẽ cố gắng học tập tốt và không lấy chồng sớm. Theo Trưởng bản Bành Phán (xã Tả Phìn) Chẻo Siêu Sơn, “từ ngày xây dựng hương ước, quy ước thì tình trạng tảo hôn cũng giảm dần, các hộ gia đình đều thống nhất không cho con cái lấy chồng, lấy vợ sớm, gia đình nào tổ chức cho con sẽ bị phạt. Hương ước còn quy định rõ không được thả rông gia súc, vệ sinh bản sạch sẽ”.

Người dân xã Tả Phìn đầu tư phát triển chăn nuôi. Ảnh: ITN

Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Tả Phìn, ông Tẩn A Chản cho biết, về xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, trên địa bàn xã cũng đã có thay đổi rất nhiều, tình trạng kết hôn cận huyết thống, tảo hôn giảm đáng kể. Nhiều năm trở lại đây bản Bành Phán không còn trường hợp anh em trong 3 đời cưới nhau. Các gia đình cũng bảo ban con cháu không lấy chồng, lấy vợ sớm mà tập trung vào việc học tập. “Hương ước đang đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền chính sách pháp luật đến bà con dân bản, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang”, ông Chản nhấn mạnh.

Trên thực tế, hương ước, quy ước tác động tích cực đến đời sống tinh thần của người dân. Nó không chỉ nâng cao vai trò của “luật tục”; phong tục tập quán tiến bộ mà còn góp phần quan trọng trong việc giữ gìn, phát huy nét văn hóa đẹp của cộng đồng dân cư.

Nhờ hương ước, quy ước, nhận thức của người dân trong việc bảo vệ rừng tại xã Tả Phìn cũng được nâng cao. Ảnh: Thế Tiệp

Tại tỉnh Lạng Sơn, trưởng một khu phố tại thị trấn Đồng Mỏ (huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn) Nguyễn Thị Hợi cho biết, người dân ở đây thực hiện nghiêm túc các điều khoản trong hương ước, nhất là những nội dung liên quan đến xây dựng gia đình hạnh phúc, không có bạo lực. Rồi, việc tổ chức ăn uống trong lễ cưới cần tiết kiệm và phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Âm nhạc trong lễ cưới có nội dung lành mạnh, âm nhạc không được mở quá to, không quá 22 giờ đêm và trước 6 giờ sáng; một số hộ gia đình đã thực hiện hình thức hỏa táng rồi an táng 1 lần vào khu vực nghĩa trang đã được quy hoạch…”.

Trên 90% các đám tang, đám cưới, lễ hội trong huyện đều thực hiện theo nếp sống văn minh. Ảnh: Phòng Văn hóa và thông tin huyện Chi Lăng, Lạng Sơn

Trưởng thôn Lạng Giai B, xã Nhân Lý (huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn) Nguyễn Thị Lan cho biết, hương ước của thôn được thảo luận công khai, dân chủ, thống nhất cao, 100% hộ dân ký cam kết thực hiện. Các quy định trong hương ước góp phần giúp người dân trong thôn nâng cao hiểu biết và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật như: Đảm bảo an ninh trật tự; đăng ký hộ tịch, hộ khẩu, khai báo tạm trú tạm vắng; an toàn giao thông; biện pháp hạn chế, tiến tới xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan; phù hợp với yêu cầu tự quản của cộng đồng dân cư... Kết quả là đời sống văn hóa, tinh thần của người dân có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng tự giác.

Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Chi Lăng, ông Nguyễn Chiến Thắng chia sẻ, việc xây dựng thực hiện hương ước, quy ước được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm phối hợp chỉ đạo thực hiện và đạt được những kết quả nhất định, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động tự quản, giữ gìn và phát huy những phong tục tập quán, văn hóa truyền thống, giữ vững ổn định an ninh trật tự và phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao chất lượng đời sống của Nhân dân.

Lấp đầy "khoảng trống" pháp luật

Trước đây, thường có quan niệm “Phép vua thua lệ làng”. Vì thế, lệ làng mới được định chế thành văn bản như là một sự thỏa thuận, truyền từ đời này sang đời khác. Tuy nhiên, ngày nay, với việc đưa hương ước, quy ước vào đời sống, thì lệ làng đã được song hành cùng phép nước. Bởi thực tế, hương ước, quy ước tồn tại song song nhưng không đối lập với pháp luật của quốc gia. Quá trình xây dựng hương ước, quy ước được cộng đồng dân cư đóng góp ý kiến, với sự tham gia của các ban ngành, đoàn thể, vừa đảm bảo công bằng, dân chủ, vừa thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân. Điều quan trọng, những nội dung trong hương ước, quy ước không vượt quá khuôn khổ của pháp luật.

Lực lượng Công an đang trao đổi một số quy định về an ninh trật tự vào hương ước của thôn. Nguồn: ITN

Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, TS. Hoàng Minh Thái khẳng định, nguyên tắc của hương ước phải là của dân, do dân và vì dân. Hương ước phải có sự đồng thuận của người dân. Hương ước là cánh tay nối dài của pháp luật, cái gì pháp luật chưa quy định thì đưa vào hương ước. Mục đích của xây dựng hương ước là giải quyết những vấn đề pháp luật chưa nêu rõ.

Cán bộ Kiểm lâm tuyên truyền quy định về bảo vệ rừng đến người dân. Ảnh: Thế Tiệp

Nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Nguyễn Túc cho rằng, với số lượng lớn hương ước đang áp dụng tại các thôn, xóm, làng, bản hiện nay cho thấy, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về xây dựng, thực hiện hương ước trong thời gian qua là đúng đắn. Điều đó đã khẳng định rõ vị trí, vai trò và giá trị của hương ước đối với việc quản lý xã hội tại cộng đồng dân cư. Qua việc thực hiện hương ước đã góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, xây dựng nông thôn mới; phát huy quyền tự do, dân chủ ở cơ sở, động viên, tạo điều kiện để Nhân dân thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ; giúp dân tham gia, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước.

Theo Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc Tráng A Dương, để phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò của quy ước, hương ước đối với mọi tầng lớp Nhân dân, đòi hỏi các cấp, các ngành cần phối hợp tuyên truyền, vận động người dân tự giác thực hiện. Quan tâm, rà soát toàn diện công tác xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước để kịp thời sửa đổi, bổ sung thay thế những quy ước không còn phù hợp với pháp luật hiện hành. Tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước, xây dựng kế hoạch phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể theo dõi và giám sát việc thực hiện hương ước, quy ước để kịp thời phát hiện sai phạm trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, định kỳ, tổ chức đánh giá kết quả thực hiện, kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân làm tốt và phê bình những đơn vị làm chưa tốt...

Hương ước, quy ước nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ ở cơ sở. Ảnh: Thế Tiệp

Ông Tráng A Dương nhấn mạnh, “Tập trung bồi dưỡng, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ ở cơ sở, nhất là tăng cường nhận thức và trách nhiệm trong xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước. Người chủ trì soạn thảo hương ước phải nhận thức được hương ước không phải là pháp luật mà là một hình thức “lệ làng” bổ sung cho pháp luật, điều chỉnh những quan hệ, những tình huống phát sinh trong thôn mà pháp luật không điều chỉnh hoặc chưa điều chỉnh được”.

Như vậy, cùng với hệ thống pháp luật, hương ước, quy ước đang trở thành công cụ hữu hiệu để quản lý, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong cộng đồng dân cư. Phát huy vai trò của hương ước, quy ước chính là phát huy những nét đẹp văn hóa nhằm xây dựng cộng đồng dân cư phát triển tốt đẹp hơn.

Thái Yến và Nhóm PV

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/phap-luat-va-doi-song/bai-cuoi-de-huong-uoc-quy-uoc-la-canh-tay-noi-dai-cua-phap-luat-i359965/