Bài cuối: Cụ thể quy trình giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri

Khẳng định giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri là một trong những nội dung rất quan trọng, góp phần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong thực hiện chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, bảo đảm nguyện vọng chính đáng của cử tri, không để cử tri phải kiến nghị nhiều lần, Thường trực HĐND tỉnh Bình Dương kiến nghị cần có quy định cụ thể về quy trình giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri như hoạt động giám sát chuyên đề, bảo đảm thực hiện thống nhất ở các cấp.

Đó là một kiến nghị nổi bật của Thường trực HĐND tỉnh Bình Dương đối với việc sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

Xem xét thời gian quyết định chương trình giám sát chuyên đề

Về đối tượng chất vấn của đại biểu HĐND: Điểm a, b, c Khoản 1 Điều 5 Luật Hoạt động giám sát quy định HĐND, Thường trực, Ban của HĐND giám sát hoạt động của “UBND, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp”. Tuy nhiên, Điểm đ, Khoản 1, Điều 5 quy định: “Đại biểu HĐND chất vấn Chủ tịch UBND, thành viên khác của UBND, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân, Thủ trưởng cơ quan thuộc UBND cùng cấp”. Theo Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18.7.2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự, Cục Thi hành án dân sự là cơ quan trực thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp và Cục trưởng Cục Thi hành án Dân sự không phải là “Thủ trưởng cơ quan thuộc UBND tỉnh” nên không thuộc đối tượng chất vấn theo quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 5.

Thường trực HĐND tỉnh Bình Dương giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri. Ảnh: Phương Chi

Thường trực HĐND tỉnh Bình Dương giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri. Ảnh: Phương Chi

Từ thực tế trên, Thường trực HĐND tỉnh Bình Dương kiến nghị bổ sung thêm đối tượng chất vấn của đại biểu HĐND tại Điểm đ Khoản 1 Điều 5 đối với “Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp” nhằm bảo đảm giám sát toàn diện đối với hoạt động cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn.

Điều 58 Luật Hoạt động giám sát quy định HĐND quyết định chương trình giám sát chuyên đề từ kỳ họp thường lệ giữa năm trước (cụ thể là phải xác định nội dung trước ngày 1.3 của năm trước); đồng thời, thông báo nội dung, kế hoạch, đề cương báo cáo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày HĐND ra nghị quyết thành lập Đoàn giám sát. Theo Thường trực HĐND tỉnh Bình Dương, việc quy định thời gian như trên chưa phù hợp vì nghị quyết HĐND ban hành về chuyên đề giám sát tại kỳ họp thường lệ giữa năm và các cơ quan chịu sự giám sát xây dựng báo cáo phục vụ giám sát trong năm này nhưng đến đầu năm sau mới tiến hành giám sát thì số liệu báo cáo cũng như tính thời sự của nội dung giám sát đã không còn. Vì vậy, cần xem xét về thời gian quyết định chương trình giám sát chuyên đề của HĐND nhằm bảo đảm tính thời sự, phản ánh, đánh giá kịp thời tình hình thực tế của địa phương để kịp thời đề xuất, kiến nghị các giải pháp thực hiện hiệu quả, chất lượng và khả thi trên thực tế.

Bảo đảm nâng cao giá trị pháp lý trong hoạt động giám sát

Đối với một nội dung nhiều địa phương quan tâm là cơ chế xử lý việc triển khai các kiến nghị sau giám sát, theo Thường trực HĐND tỉnh Bình Dương, Luật chưa có quy định cụ thể biện pháp, chế tài để xử lý đối với các hành vi, mức độ vi phạm. Thực tế cho thấy, việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát của các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát còn chậm, chưa hiệu quả. Luật cũng chưa quy định cụ thể về chế tài xử lý đối việc không thực hiện hoặc chậm thực hiện xác vấn đề đã hứa tại kỳ họp HĐND của người bị chất vấn.

Tương tự, về hoạt động giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND: Khoản 5 Điều 72 Luật Hoạt động giám sát quy định “Cơ quan, cá nhân có liên quan có trách nhiệm thực hiện kết luận của Thường trực HĐND; trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ thì Thường trực HĐND báo cáo Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định”. Cũng giống như trách nhiệm của các cơ quan trong triển khai các kiến nghị sau giám sát, đối với các cơ quan không thực hiện các kiến nghị hoặc thực hiện không đầy đủ các kiến nghị của Thường trực HĐND tại phiên giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND thì thẩm quyền xem xét cuối cùng thuộc về HĐND, tuy nhiên HĐND xem xét thế nào thì chưa có quy định cụ thể.

Thường trực HĐND tỉnh Bình Dương kiến nghị nghiên cứu, quy định rõ chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm, không thực hiện hoặc chậm thực hiện các kiến nghị sau giám sát của các chủ thể giám sát của HĐND cũng như việc triển khai thực hiện các kết luận chất vấn, kết luận phiên giải trình của Thường trực HĐND; bảo đảm nâng cao giá trị pháp lý trong hoạt động giám sát của HĐND các cấp.

Về giám sát kiến nghị của cử tri, theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Trường Nhật Phượng, Luật chưa quy định cụ thể về quy trình giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri. Đây là một trong những nội dung giám sát rất quan trọng, góp phần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc thực hiện chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, bảo đảm nguyện vọng chính đáng của cử tri, không để cử tri phải kiến nghị nhiều lần. Vì vậy, cần có quy định cụ thể về quy trình giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri như hoạt động giám sát chuyên đề, bảo đảm thực hiện thống nhất ở các cấp.

NGUYỄN NHẬT

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-ky-hop/bai-cuoi%C2%A0cu-the-quy-trinh-giam-sat-viec-giai-quyet-kien-nghi-cu-tri-i345626/