Bài cuối: Con người là trung tâm

Trong thời đại hội nhập quốc tế, giá trị con người đang trở thành mục tiêu phát triển hàng đầu của mỗi quốc gia. Phát triển xã hội cuối cùng cũng là vì con người và phát triển con người trở thành nhiệm vụ trọng tâm của phát triển xã hội.

Thiếu nữ Hà thành duyên dáng bên di tích Thủ đô. Ảnh: Phạm Hùng

Quyền tự do văn hóa

Bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay, nhiều tổ chức đã quan tâm đến phát triển giá trị con người phổ quát. Học viện Giáo dục Sathya Sai (Mỹ) nhấn mạnh đến năm giá trị cơ bản của con người gồm: sự thật, hành động đúng, hòa bình, phi bạo lực, tình yêu.

Trong khi đó, Chủ tịch sáng lập Trung tâm Giá trị Barrett (Barrett Values Centre) Richard Barrett nhấn mạnh đến 10 giá trị hàng đầu của nhân loại: gia đình, óc hài hước, lòng quan tâm, lòng tôn trọng, tình hữu nghị, lòng tin, lòng tận tụy, lòng nhiệt tình, óc sáng tạo, tinh thần học hỏi liên tục.

Ngoài ra, hằng năm, Chương trình Phát triển của Liên Hợp quốc (UNDP) đều có “Báo cáo Phát triển Con người” chứ không có báo cáo phát triển xã hội. Con người đã trở thành đối tượng quan tâm của toàn cầu. Tất nhiên, khi nhằm vào con người bản thể, Liên Hợp quốc vẫn quan tâm đến con người cụ thể của từng quốc gia. Nhưng đánh giá con người luôn được dựa vào các tiêu chuẩn giá trị toàn cầu về con người.

Để đo mức độ phát triển con người, UNDP dựa vào ba tiêu chuẩn cơ bản: một cuộc sống khỏe mạnh và lâu dài; tiếp cận giáo dục; mức sống thỏa đáng. UNDP còn quan niệm phát triển con người là phát triển văn hóa, trong đó quyền tự do văn hóa là quyền cơ bản nhất của con người văn hóa.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Dân - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, trong truyền thống, trên cơ sở những tiêu chuẩn chung như chủ nghĩa nhân văn, tính Nhân dân, tính dân tộc, tính thế giới, hệ tiêu chuẩn giá trị văn hóa Việt Nam đã cụ thể hóa thành các tiêu chuẩn phán định giá trị đặc thù như: tình thương đồng bào, lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh chống cái ác; hình tượng con người xây dựng đất nước; hình tượng người anh hùng trong đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước; hình tượng cái đẹp nhân văn; hình tượng tâm hồn cao thượng; hình tượng bi tráng; hình tượng phê phán cái xấu, hình tượng tình yêu...

Đó là những giá trị cơ bản của văn hóa dân tộc qua nhiều thời kỳ trong lịch sử đấu tranh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam. Ngày nay, tiếp thu quan điểm về giá trị của thế giới, ta có thể rút ra ba tiêu chuẩn cơ bản của giá trị phát triển con người để đưa vào hệ giá trị văn hóa: quyền sống; quyền tự do; quyền sáng tạo. Đây là những tiêu chuẩn giá trị cơ bản góp phần vào hệ giá trị văn hóa trong thời đại hội nhập và toàn cầu hóa.

Từ nhận thức đó, theo các chuyên gia, việc xây dựng hệ giá trị văn hóa Thủ đô cần phải xuất phát từ hệ giá trị cơ bản của con người và từ cơ sở văn hóa của dân tộc, có chú ý đến những đặc điểm riêng và những điều kiện tinh thần - xã hội đặc thù của Thủ đô, với tư cách là bộ mặt đại diện cho một quốc gia dân tộc, đồng thời chú ý đến những giá trị tiến bộ của văn hóa - văn minh thế giới để điều chỉnh những xu hướng tiêu cực đi quá giới hạn văn hóa...

Có như thế, mới có thể xây dựng được một nền văn hóa nhân văn tiến bộ và lành mạnh, có ý nghĩa phát triển con người Việt Nam; xây dựng được mẫu người Hà Nội thanh lịch - văn minh, đó là mẫu người đại diện cho mọi tầng lớp xã hội của Thủ đô, từ người lao động chân tay đến người lãnh đạo và quản lý Nhà nước ở cấp cao nhất, là người phải có trí sáng tạo, có ý thức trách nhiệm sinh thái, vừa mang bản sắc dân tộc tiêu biểu cho cả nước, vừa có các giá trị cơ bản của nhân loại, làm gương cho các tỉnh, thành trong cả nước và đảm đương được nhiệm vụ đại diện cho quốc gia.

Đại diện tiêu biểu cho những giá trị văn hóa

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, việc tiếp cận xây dựng hệ giá trị văn hóa Thủ đô và liên kết chặt chẽ với hệ giá trị văn hóa dân tộc có ý nghĩa rất quan trọng. Đại diện tiêu biểu cho những giá trị văn hóa dân tộc, Hà Nội không chỉ thể hiện bản sắc văn hóa riêng của mình mà còn góp phần vào việc khẳng định giá trị văn hóa của đất nước đối với sự đa dạng và phong phú trong dòng chảy các giá trị văn hóa của thế giới.

Để thực hiện được điều đó, theo PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, việc hiện thực hóa hệ giá trị văn hóa Hà Nội là cả một quá trình có ý thức, có chủ đích, mà trước hết là vai trò tiên phong, gương mẫu của những người lãnh đạo và quản lý Thủ đô. Cần kiên quyết hơn, quyết liệt hơn trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm sao để Đảng bộ TP thực sự “là đạo đức, là văn minh” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.

Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về xây dựng hệ giá trị văn hóa Hà Nội. Cụ thể, phát huy vai trò của truyền thông đại chúng trong việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về việc xây dựng hệ giá trị văn hóa Hà Nội.

Tăng cường phổ biến việc giáo dục giá trị rộng rãi trên mọi phương tiện truyền thông truyền thống (báo chí, phát thanh, truyền hình) và truyền thông mới (website, mạng xã hội trên Internet...) kết hợp với các kênh truyền thông khác: panô, áp-phích, các điểm công cộng, phương tiện giao thông.

Tiếp tục biên soạn, hoàn thiện tài liệu giới thiệu, giải thích, hướng dẫn về hệ giá trị hệ giá trị văn hóa Hà Nội dưới dạng dễ hiểu, hấp dẫn, dưới nhiều hình thức, thể loại, phiên bản, quy mô khác nhau (tóm tắt, đầy đủ, tranh, ảnh, logo, khẩu hiệu, mẩu chuyện, thơ, các tác phẩm văn học nghệ thuật, các bộ phim ngắn...).

Hà Nội phát huy vai trò của nhà trường trong xây dựng hệ giá trị văn hóa Hà Nội: nhà trường cũng là một môi trường quan trọng có ảnh hưởng đến việc giáo dục và xây dựng hệ giá trị văn hóa Hà Nội; tiếp tục, hoàn thiện việc đưa nội dung giáo dục giá trị hệ giá trị văn hóa Hà Nội ở các cấp phổ thông.

Nhà trường cần tăng cường thời lượng giảng dạy, bổ sung một số chuyên đề: bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, lý tưởng cách mạng, phẩm chất, đạo đức, lối sống, nhân cách, văn hóa giao tiếp, ứng xử, tôn trọng pháp luật cho học sinh trong bộ tài liệu; lồng ghép nội dung giáo dục giá trị vào các môn học: ngữ văn, lịch sử với phương pháp giảng dạy sinh động, hấp dẫn.

Để hướng tới phát triển con người Hà Nội toàn diện, cần chú trọng giáo dục trí, đức lồng ghép với giáo dục nghệ thuật, giáo dục thể chất; thực hiện giảng dạy đại trà Bộ tài liệu “Giáo dục an toàn giao thông cho học sinh phổ thông Hà Nội”; thực hiện có hiệu quả cuộc vận động xây dựng trường học văn hóa.

Hà Nội tiếp tục phát huy vai trò của môi trường xã hội: các ban, ngành, các cấp, các giới, các tổ chức và đơn vị của Thủ đô triển khai thành các hoạt động cụ thể, phù hợp trong thực tiễn ngành, giới, địa phương, đơn vị mình về xây dựng hệ giá trị văn hóa Hà Nội. Cần triển khai hệ giá trị chung thành những bộ nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử, tiêu chí văn hóa thích hợp để thực hiện.

Mọi tổ chức xã hội, tổ chức xã hội đều phải tham gia giáo dục và xây dựng giá trị: đoàn thanh niên, hội sinh viên, hội phụ nữ, hội người cao tuổi. Bên cạnh việc tích cực xây dựng các giá trị tốt bằng cách giáo dục, khuyên răn, khuyến khích, cần nghiêm trị, loại bỏ những phản giá trị hay những thói hư, tật xấu, những hành vi vi phạm pháp luật bằng cách cưỡng chế, xử phạt nghiêm minh.

Theo các chuyên gia, việc tiếp cận xây dựng hệ giá trị văn hóa Thủ đô trong mối quan hệ với hệ giá trị văn hóa dân tộc là sự khẳng định về vị thế và đóng góp của Hà Nội trong bối cảnh toàn cầu hóa. Đây là hành trình tự hào, vinh quang không chỉ của một TP mà còn của một quốc gia, mang đến những giá trị văn hóa sâu sắc và bền vững cho thế hệ tương lai.

Trong bối cảnh hiện nay, văn hóa, con người được UNESCO và nhiều quốc gia coi là những nhân tố có ảnh hưởng rất lớn đến việc kiến tạo mô hình phát triển xanh, thông minh, bền vững. Con người luôn đóng vai trò chi phối, quyết định mọi sự phát triển bởi con người không chỉ bảo tồn, là chủ thể sáng tạo mà còn là những sinh thể truyền bá văn hóa.

Theo đó, những chuẩn mực thanh lịch, văn minh đã, đang và sẽ được chuyển hóa, trở thành nguồn vốn xã hội, vốn văn hóa, là nguồn lực nội sinh đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người Thủ đô nghìn năm văn hiến trong hiện tại và tương lai.

GS.TS Nguyễn Văn Kim - Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

Quang Huy

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bai-cuoi-con-nguoi-la-trung-tam.html