Bài cuối: Cơ hội cho những người lầm lỡ

Câu chuyện mưu sinh và tự tin tham gia vào đời sống xã hội đối với nhiều người không hề dễ dàng và sẽ càng khó hơn đối với những người từng có quá khứ lầm lỡ. Việc trao cho những mảnh đời này một cơ hội để làm lại cuộc đời là cần thiết nhưng các cơ hội ấy phải được giám sát chặt chẽ, bài bản. Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù là một cơ chế đầy nhân văn, trong đó, NHCSXH sẽ là một trong những chiếc gậy giám sát việc thực hiện.

Niềm vui ngày trở về

Sau khi Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg được ban hành và chính thức có hiệu lực vào 10.10.2023, Chi nhánh NHCSXH TP. Hà Nội đã phối hợp với Công an thành phố, chính quyền địa phương và công an cơ sở rà soát, nắm bắt nhu cầu vay vốn đối với người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn và tham mưu UBND thành phố phân bổ nguồn vốn cho vay đến các quận, huyện, thị xã. Đến 30.11, Chi nhánh NHCSXH TP. Hà Nội đã giải ngân cho vay được 1 tỷ đồng cho 13 người vay trên địa bàn 6 quận, huyện.

Anh Hoàng Thanh Tùng ở xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa, Hà Nội tự tin hòa nhập cuộc sống. Ảnh: NHCSXH

Anh Hoàng Thanh Tùng ở xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa, Hà Nội tự tin hòa nhập cuộc sống. Ảnh: NHCSXH

Là một trong những người đầu tiên được vay vốn, anh Nguyễn Khắc Hoàng sống tại huyện Ba Vì phấn khởi cho biết, sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, gia đình anh đã được Công an, Hội Phụ nữ xã, Tổ Tiết kiệm và vay vốn ở thôn hướng dẫn thủ tục, hồ sơ vay vốn và được NHCSXH huyện giải ngân cho vay 100 triệu đồng. Anh Hoàng đã đầu tư số tiền được vay vào chăn nuôi lợn, trồng cây mai cảnh và các loại cây ăn quả.

"Tôi đã rất mừng khi được trở về trong vòng tay gia đình và các tổ chức xã hội; lại được tạo điều kiện cho vay vốn để có việc làm, có thu nhập, giúp tôi tự tin hòa nhập với cuộc sống mới" - anh Hoàng nói.

Hộ gia đình chị Phạm Thị Thơ ở xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa, có chồng là anh Hoàng Thanh Tùng - người vừa chấp hành xong án phạt tù đã được Phòng Giao dịch NHCSXH huyện cho vay 50 triệu đồng. Chị Phạm Thị Thơ cho biết, trước đây kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn, chồng dính vào ma túy. Tuy nhiên, sau 6 năm cải tạo đã được ra tù.

"Giờ chúng tôi mong muốn quên đi những đau khổ, phiền muộn để tập trung sử dụng những đồng vốn quý phát triển kinh tế. Từ số tiền này, gia đình sẽ đầu tư mua cá giống để phát triển trang trại, chăn nuôi vịt đẻ và cố gắng vươn lên trong cuộc sống" - chị Thơ chia sẻ.

Với số tiền được vay vốn theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg từ NHCSXH, đã giúp anh Hoàng, anh Tùng cũng như những người trước đây từng lầm đường lạc lối sau khi cải tạo trở về hòa nhập với cộng đồng, tự tạo việc làm, tăng thu nhập cho bản thân, trở thành người có ích cho gia đình và cho xã hội.

Thông tin từ NHCSXH cho biết, nhu cầu vay vốn của các đối tượng vừa chấp hành xong án phạt tù tương đối nhiều. Tính riêng 2 ngày sau khi Quyết định 22/2023 có hiệu lực (12.10), đã có 145 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn tín dụng chính sách xã hội với tổng số tiền gần 11 tỷ đồng; có 2.089 người mãn hạn tù có nhu cầu vay vốn, với tổng số tiền 138 tỷ đồng.

Sẽ giám sát chặt chẽ

Theo Bộ Công an, hiện nay, có một số mô hình quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù bước đầu thu hút được sự tham gia tích cực của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và Nhân dân trong công tác này.

Cụ thể, tại địa bàn tỉnh Bắc Giang, hiện có trên 2.600 người chấp hành xong án phạt tù, đặc xá, tha tù có điều kiện. Công an tỉnh đã tham mưu ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo để hỗ trợ số người này. Trong đó, đã cho nhiều người vay vốn, hỗ trợ xây nhà, tổ chức phiên giao dịch việc làm để giúp đỡ họ. Nhờ đó, nhiều người đã vươn lên làm giàu, giúp đỡ người khác.

Tại UBND TP. Cao Lãnh, Đồng Tháp, mỗi năm, địa bàn tiếp nhận khoảng 100 - 120 người chấp hành xong án phạt tù, được chia làm 4 nhóm, trong đó có 67% không có nghề nghiệp, ý thức hạn chế, mặc cảm. Công an TP. Cao Lãnh tham mưu rất tốt trong việc quan tâm, giáo dục, giúp đỡ họ với nhiều nội dung sát với thực tế từng đối tượng, để họ có nghề, có thu nhập ổn định cuộc sống. Hoặc tại NHCSXH, trước đó cũng đã cho vay được hơn 9,3 tỷ đồng với 191 người chấp hành xong án phạt tù để giải quyết việc làm, phát triển sản xuất, kinh doanh; Agribank Hòa Vang (Đà Nẵng) mỗi năm đã cho khoảng 20 - 30 người lầm lỗi vay vốn, đồng thời tư vấn cho họ biết cách sử dụng đồng tiền. Nhờ đó, không chỉ giúp người lầm lỗi hoàn lương mà giúp cả gia đình họ ổn định cuộc sống…

Tuy nhiên, hoạt động của các mô hình hầu hết mang tính tự phát, chưa có cơ chế bền vững về nguồn lực để hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù có việc làm ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng. Do đó, có thể thấy, sự ra đời của Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg đã mở ra một cơ hội lớn, mang tính bền vững cho những mảnh đời từng lầm lỡ quay trở lại hòa nhập cuộc sống.

Đại tá Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự, Bộ Công an khẳng định, Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg đã quy định rất chặt chẽ về đối tượng cho vay, mục đích sử dụng vốn vay cũng như việc bảo đảm tiền vay. Các khoản nợ và xử lý nợ rủi ro được thực hiện theo quy định của pháp luật và nghiệp vụ ngân hàng của NHCSXH. Bên cạnh đó, lực lượng công an cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với ngân hàng trong quá trình giám sát vốn vay và thu hồi nợ, xử lý những vấn đề phát sinh, vướng mắc, bảo đảm khoản vay không thất thoát, lãng phí.

Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng cho biết thêm, qua hơn 1 tháng triển khai, NHCSXH luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an trong việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ được giao; bảo đảm việc thực thi chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ và các chính sách hỗ trợ khác đến người dân không bị trùng lặp; không để lợi dụng, trục lợi chính sách; bảo toàn và phát triển nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội; đồng thời góp phần chuyển đổi số trong ngành ngân hàng, tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm.

Bình Nhi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song-xa-hoi/bai-cuoi-co-hoi-cho-nhung-nguoi-lam-lo-i353046/