Bài cuối: Chung sức phòng, chống và thích ứng

BÀI 1: Miền Tây 'khát' nước ngọtBÀI 2: Nhiều 'kịch bản' bảo vệ sản xuấtBài 3: Tìm lời giải cho 'bài toán' nước sinh hoạt

Trước xu hướng xâm nhập mặn ngày càng gay gắt, để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại gây ra, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cần có giải pháp để thích ứng lâu dài.

Bên cạnh giải pháp công trình, người dân cũng cần chủ động trong việc thích ứng với những biến đổi của khí hậu, thời tiết, đặc biệt là vào cao điểm của hạn, mặn mỗi năm.

TÍNH TOÁN LẠI SẢN XUẤT

Sản xuất nông nghiệp khu vực ĐBSCL ngày càng khó khăn hơn trước những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu. Báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2023 cũng chỉ ra rằng, tuy nông nghiệp giữ vai trò quan trọng nhất trong GRDP của ĐBSCL nhưng lại không phải là động lực chính thúc đẩy kinh tế vùng.

Các dòng kinh tại huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau khô cạn nước.

Ngành Nông nghiệp hiện tạo ra 34% GRDP của vùng, được đầu tư lớn thứ hai (khoảng 32 ngàn tỷ đồng mỗi năm) nhưng chỉ đạt tốc độ tăng trưởng dưới mức trung vị (3%). Bên cạnh đó, thể chế và mô hình nông nghiệp hiện tại không còn nhiều không gian tăng trưởng và cần phải được thay đổi một cách cơ bản…

Từ thực tế này, nhìn từ góc độ sản xuất nông nghiệp, nhất là đối với cây lúa, GS.TS Bùi Chí Bửu, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông (NN-PTNT) cũng nhấn mạnh rằng, chúng ta đã có kế hoạch ứng phó sớm và phù hợp với điều kiện tự nhiên.

Ngay từ cuối năm trước khi giá lúa đang cao, nhiều nông dân và địa phương muốn mở rộng diện tích. Song với những thông tin cảnh báo sớm, Bộ NN-PTNT đã yêu cầu các địa phương giảm diện tích. Toàn vùng ĐBSCL gieo sạ trên 1,475 triệu ha, giảm 3.690 ha.

Đây là sự chủ động thích ứng phù hợp để giảm thiệt hại vì thời tiết bất lợi. Tuy nhiên, sự chủ động này vẫn mang tính mùa vụ. Cũng theo GS.TS Bùi Chí Bửu, để phát triển nông nghiệp bền vững cần có những chính sách dài hơi hơn. Phải làm gì, làm như thế nào để phù hợp với tự nhiên, cần phải có sự đầu tư cho nghiên cứu khoa học.

“Tuy nhiên, đây lại là điểm yếu của nền nông nghiệp Việt Nam trong nhiều năm qua. Trong khi đó, Thái Lan, nước chịu tác động của nắng nóng và khô hạn mạnh hơn và cũng là đối thủ chính của nông nghiệp Việt Nam, đầu tư cho khoa học rất tốt và có kế hoạch chuyển đổi sang nông nghiệp xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu” - GS.TS Bùi Chí Bửu cho biết.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng cho biết, biến đổi khí hậu thay đổi thường xuyên, khó lường, cho nên các nhà nghiên cứu, chuyên môn, quản lý cũng đã đưa ra nhiều kịch bản ứng phó.

Chẳng hạn, trước đây, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, chủ yếu phòng, chống hạn, mặn trên tuyến sông Tiền từ Cửa Tiểu đưa thẳng lên, có năm mặn lấn qua khỏi TP. Mỹ Tho; nhưng nay lại khác, mặn không chỉ từ tuyến sông Tiền, mà còn từ nhánh sông Hàm Luông và từ sông Vàm Cỏ đưa sang.

3 tuyến này kết hợp lại làm cho công tác phòng, chống hạn, mặn phức tạp hơn do địa bàn xập nhập mặn rất rộng, không chỉ đến TP. Mỹ Tho, mà còn lấn đến cả huyện Cai Lậy và huyện Cái Bè. Cho nên, trong phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu, hạn, mặn, tỉnh Tiền Giang cũng đã đưa ra nhiều giải pháp căn cơ.

Đó là xác định các công trình trọng điểm như xây dựng các cống trên đường tỉnh 864 để ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt, hiện đã phát huy hiệu quả.

“Ngoài các công trình ngăn mặn, trữ ngọt, người dân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cần tích cực, chủ động trong phòng, chống hạn, mặn như nạo vét kinh, mương trữ nước ngọt, sử dụng nước một cách tiết kiệm, đúng mục đích trong mùa hạn, mặn nhằm góp phần giảm chi phí đầu tư từ ngân sách nhà nước cũng như của từng hộ gia đình…” - đồng chí Phạm Văn Trọng khuyến cáo.

Nhìn trên bức tranh chung của ngành Nông nghiệp cả nước, Cục trưởng Cục Trồng trọt - Bộ NN-PTNT Nguyễn Như Cường cho biết, Cục đã phối hợp, theo dõi các dự báo sớm để đưa ra kế hoạch thích ứng phù hợp. Người dân và chính quyền các địa phương cũng có kinh nghiệm nhiều năm “sống chung” với hạn, mặn, nên năm nay đã chủ động ứng phó thành công.

Cụ thể, ngành Nông nghiệp các địa phương đã khuyến cáo người dân thích ứng bằng cách chuyển đổi cơ cấu lại mùa vụ. Những khu vực ven biển đã xuống giống sớm vụ đông xuân từ giữa tháng 10 và đến thời điểm này đã thu hoạch xong trên 300.000 ha, năng suất vẫn bảo đảm. Ở những vùng có đê bao và cống đập sẽ tiến hành đóng cống khi độ mặn vượt ngưỡng cho phép.

Khi mặn rút theo các đợt triều cường, nước ngọt về sẽ tranh thủ bơm trữ nước phục vụ tưới tiêu cho ruộng, vườn. Đối với những khu vực bị ảnh hưởng hạn, mặn nghiêm trọng, Cục cũng đã khuyến cáo nông dân chuyển đổi từ sản xuất lúa sang hoa màu và các loại cây chịu hạn, mặn.

Còn theo góc nhìn của các nhà khoa học, TS. Võ Hữu Thoại, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam phân tích, ĐBSCL là vùng sản xuất cây ăn trái lớn nhất cả nước với hơn 389.000 ha. Tuy nhiên, những năm qua, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, bão lụt với tần suất ngày càng nhiều. Đợt hạn, mặn năm 2015 - 2016, ĐBSCL có hơn 9.400 ha trồng cây ăn trái bị thiệt hại với các mức độ khác nhau. Trước thực trạng trên, Viện đã nghiên cứu các giải pháp phòng, chống hạn, mặn trên cây ăn trái nói chung, đặc biệt là cây sầu riêng.

Theo đó, để ngành rau quả phát triển bền vững thì cần đánh giá lại nguồn tài nguyên nước từng khu vực. Từ đó quy hoạch và phát triển các hệ thống thủy lợi, xây dựng đập ngăn mặn theo từng vùng, tiến tới quy hoạch lại vùng trồng thích hợp.

Bên cạnh đó là đánh giá mức độ ảnh hưởng và thiệt hại của giống cây trồng tại những vùng có nguy cơ cao về hạn, mặn và đề xuất hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, cần tăng cường quản lý nước tưới và sử dụng nước tưới, nên có hạn mức nước tưới trên một diện tích đất cần tưới cho từng loại cây, trên từng vùng đất.

THUẬN THIÊN, THÍCH ỨNG

Về lâu dài, sản xuất nông nghiệp của ĐBSCL nói chung, mỗi tỉnh, thành nói riêng cũng cần có nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả hơn để thích ứng. Theo Ths. Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, giải pháp để người dân miền Tây thích ứng hạn, mặn vùng ven biển đã được đề ra rất rõ trong Quy hoạch tích hợp ĐBSCL đã được Thủ tướng Chính phủ công bố tháng 6-2022 tại TP. Cần Thơ.

Kinh Tham Thu đoạn qua xã Bình Phan, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cạn kiệt nước.

Quy hoạch tích hợp ĐBSCL dựa theo những nguyên tắc trong Nghị quyết 120 ban hành năm 2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Đó là nguyên tắc thuận thiên, thích ứng, hạn chế chống lại thiên nhiên.

Đồng thời, ĐBSCL cũng cần tận dụng cơ hội kinh tế của biến đổi khí hậu; xem nước mặn, nước lợ, nước ngọt đều là tài nguyên để chuyển đổi nền nông nghiệp thích ứng tùy theo từng vùng chứ không nhất thiết phải canh tác lúa quanh năm ở vùng ven biển, vùng không thuận lợi, nhất là vào mùa khô; xoay trục ưu tiên nông nghiệp từ lúa - cây trồng khác - thủy sản sang thủy sản - cây trồng khác - lúa, tức là cây lúa không phải là ưu tiên số 1 trong nền nông nghiệp mới.

Những mùa hạn, mặn gần đây, tỉnh Bến Tre và Tiền Giang chịu tác động trực tiếp của tình hình xâm nhập mặn từ hướng sông Hàm Luông. Do đó, 2 tỉnh đã kiến nghị Bộ NN-PTNT đầu tư cống ngăn mặn trên tuyến sông này.

Tại chuyến khảo sát về tình hình hạn, mặn ở 2 tỉnh Bến Tre và Tiền Giang mới đây, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp chỉ đạo các đơn vị liên quan và sẽ ghi vốn chuẩn bị đầu tư cống âu ngăn mặn Hàm Luông trong năm nay.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị tỉnh Bến Tre phối hợp với các đơn vị của Bộ khảo sát đặt vị trí cống ở nơi nhỏ nhất để tiết kiệm chi phí, địa chất tốt và dòng chảy ổn định.

Theo chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện, vấn đề không phải là sản lượng lúa bao nhiêu, mà thu nhập bao nhiêu mới là quan trọng. Cụ thể, Quy hoạch tích hợp ĐBSCL chia đồng bằng thành 3 vùng: Vùng lõi ngọt ở phía thượng lưu là vùng luôn luôn có nước ngọt kể cả những năm cực đoan. Vùng này ưu tiên cho cây lúa, cây ăn trái, thủy sản nước ngọt.

Tiếp đến là vùng lợ với chế độ nước luân phiên, nước ngọt vào mùa mưa có thể trồng lúa, nước mặn - lợ vào mùa khô. Đối với vùng này cần chuyển đổi hệ thống canh tác sang thích ứng với nước lợ - mặn vào mùa khô để nước mặn - lợ là cơ hội chứ không phải là mối ám ảnh mỗi mùa khô nữa.

Vùng sát ven biển là vùng mặn quanh năm thì phát triển hệ thống canh tác thích ứng với chế độ mặn quanh năm. Đối với những vùng ngọt hóa như: Gò Công (tỉnh Tiền Giang), Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) và một số vùng ngọt hóa khác cũng cần tính toán lại các phương án sản xuất cho phù hợp nhằm thích ứng với biến đổi nhanh của khí hậu, thời tiết nhằm đạt được kết quả tốt hơn.

NHÓM PVKT

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202403/cang-minh-chong-han-man-bai-cuoi-chung-suc-phong-chong-va-thich-ung-1006063/