Bài cuối: Bất cập từ kẽ hở của pháp luật

Những đầu nậu, chủ hàng đã thuê những người nghèo khó, không có việc làm với mức thu nhập từ 200.000 đến 300.000 đồng để vận chuyển hàng lậu. Nếu bị bắt một lần, những người này không vận chuyển tiếp (vì đã bị xử phạt hành chính, nếu vi phạm lần 2 trong thời gian còn hiệu lực sẽ bị khởi tố) mà chuyển sang làm “ăng-ten”, chạy xe máy đi trước để dò đường...

Chưa đủ sức răn đe

Theo nhận định của Ban Chỉ đạo 389 Đồng Tháp, từ đây đến cuối năm, hoạt động buôn lậu sẽ tăng, chủ yếu là hai mặt hàng thuốc lá và đường cát. Đối với đường cát, các đối tượng hoạt động tinh vi hơn trước, xé lẻ hàng hóa rồi ngụy trang bằng các bao chứa lúa của bà con nông dân. Mỗi bao đường mang từ biên giới đến Cao Lãnh, sau khi trừ chi phí vẫn còn chênh lệch từ 50.000 đến 75.000 đồng.

Riêng đối với thuốc lá, số lượng vụ việc phát hiện có giảm (giảm 4,3%) nhưng tăng về số lượng. Khi có thông tin vận chuyển 500 gói thuốc lá sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nên các đối tượng chỉ vận chuyển 499 gói. Nhưng đến nay, chưa có vụ nào các đối tượng tham gia vận chuyển thuốc lá bị khởi tố hình sự nên các đối tượng vận chuyển ngày càng táo tợn hơn.

“Phần lớn các đối tượng tham gia vận chuyển hàng cấm đều có hoàn cảnh khó khăn, khi bị xử phạt hành chính cũng không có tiền đóng phạt. Riêng những trường hợp đủ cơ sở để truy cứu, cơ quan điều tra đã lập hồ sơ và tạm dừng chờ văn bản xử theo Bộ luật Hình sự do vướng mắc giữa các văn bản pháp luật” - một lãnh đạo Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đồng Tháp cho hay.

Theo lãnh đạo Công an các huyện, thị xã biên giới An Giang và Đồng Tháp, những đầu nậu, chủ hàng đã thuê những người nghèo khó, không có việc làm với mức thu nhập từ 200.000 đến 300.000 đồng để vận chuyển hàng lậu. Nếu bị bắt một lần, những người này không vận chuyển tiếp (vì đã bị xử phạt hành chính, nếu vi phạm lần 2 trong thời gian còn hiệu lực sẽ bị khởi tố) mà chuyển sang làm “ăng-ten”, chạy xe máy đi trước để dò đường. Sau đó, thông báo cho các nài vận chuyển biết để dừng hoặc vận chuyển hàng lậu lưu thông trên các tuyến quốc lộ hoặc vào nhà dân ẩn náu, sau đó đi vòng qua các tuyến lộ nông thôn để vào sâu trong nội địa, đến điểm tập kết hàng hóa.

Trung tá Lê Văn Cảm, Đội trưởng CSĐT tội phạm về hình sự, kinh tế, ma túy Công an thị xã Hồng Ngự, cho biết: Trường hợp đủ định lượng truy cứu, nhưng hiện nay chúng ta chưa khởi tố được, còn trường hợp bị xử phạt hành chính thì đối tượng lại rơi vào hoàn cảnh khó khăn, không có tiền đóng phạt. Vì vậy, việc xử lý đối với các đối tượng này vẫn chưa có tính răn đe cao. Vì chúng ta chưa khởi tố được nên các đối tượng tiếp tục vận chuyển táo bạo trở lại.

Theo Đại úy Dương Trung Tính - Trưởng Công an xã Thường Thới Hậu B, những người tham gia hoặc liên quan đến việc vận chuyển hàng cấm phần lớn là người địa phương. Vì vậy, họ rất thông thạo địa bàn và tìm mọi cách để đối phó với lực lượng chức năng. Do đặc điểm địa hình biên giới phía Nam là vùng sông nước, có nhiều đường tiểu ngạch nên bất kỳ vị trí nào, nếu lực lượng chống buôn lậu không tuần tra, quản lý chặt chẽ địa bàn đều có thể trở thành “điểm nóng” của việc vận chuyển hàng lậu.

Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên (An Giang) - nơi có không ít đối tượng lợi dụng trà trộn để vận chuyển hàng lậu.

Để công tác chống buôn lậu có hiệu quả

Ông Võ Nguyên Nam - Phó Trưởng ban Thường trực 389, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang cho rằng, tình hình buôn lậu đang có dấu hiệu diễn biến phức tạp do những vướng mắc trong công tác xử lý chưa được giải quyết kịp thời. Từ đó đã tạo điều kiện cho các đối tượng buôn lậu lợi dụng để tăng cường hoạt động.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp – ông Nguyễn Văn Dương, các đối tượng vận chuyển hàng hóa nhập lậu dùng phương tiện xe gắn máy điều khiển với tốc độ cao, có hành vi chống đối lực lượng chức năng nên việc truy đuổi hay chặn bắt có thể gây nguy hiểm cho người dân cùng đi đường, đối tượng và ngay cả lực lượng đấu tranh. Vì vậy cần tiếp tục tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân không tham gia, tiếp tay buôn lậu, tích cực tố giác tội phạm.

Các lực lượng chống buôn lậu, từ nay đến cuối năm cần thực hiện tốt công tác phối hợp, nắm chắc tình hình, phương thức, thủ đoạn, quy luật hoạt động của các đối tượng buôn lậu để có kế hoạch, phương án ngăn chặn, đấu tranh hiệu quả. Tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới, địa bàn các cửa khẩu, các đường mòn, lối mở qua lại biên giới; các lực lượng phối hợp mở các đợt cao điểm tổ chức đấu tranh ngăn chặn, xử lý các đối tượng buôn lậu ở một số địa bàn trọng điểm.

Theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang, trên tuyến biên giới thì lực lượng Hải quan, Biên phòng, Công an có kế hoạch độc lập kiểm tra hoặc phối hợp. Trong nội địa, lực lượng QLTT tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện kịp thời mọi hoạt động mua bán, tàng trữ, các mặt hàng lậu trên địa bàn… Tuy nhiên, công tác phối hợp chưa có sự chặt chẽ, thiếu tính nhất quán, dẫn đến công tác phòng chống buôn lậu kém hiệu quả.

Trung tá Nguyễn Đăng Khoa - Phó Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh An Giang cho rằng, thời gian qua, một số địa phương vùng biên giới chưa có sự phân công, quy trách nhiệm cho các ngành chưa rõ ràng, nên công tác tuyên truyền, giáo dục, quản lý đối tượng chưa chặt chẽ. Công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng chống buôn lậu như Công an, QLTT, Bộ đội Biên phòng chưa có sự thống nhất và đồng bộ. Đồng thời, giữa các đơn vị chức năng chưa có hệ thống quản lí thông tin chung, nên việc tra cứu tiền án, tiền sự của các đối tượng gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian và dễ để lọt tội phạm.

Đại tá Phan Minh Huyền – Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang đề xuất: “Nguồn kinh phí cho công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại còn hạn chế, chưa có hướng dẫn cụ thể mới về cơ chế hỗ trợ kinh phí, phương tiện cho các lực lượng chức năng chống buôn lậu. Đó là một trong những khó khăn cần phải giải quyết ngay”.

“Để hạn chế tình trạng buôn lậu, trước hết cần giải quyết tận gốc những nguyên nhân dẫn đến nạn buôn lậu. Bắt đầu từ những việc căn cơ, như: xóa hẳn sự tiếp tay vận chuyển hàng lậu của một bộ phận người dân; khắc phục những yếu kém trong công tác thu thập thông tin chưa theo kịp những thủ đoạn tinh vi của các đối tượng buôn lậu; hoàn thiện nghiệp vụ phòng, chống buôn lậu, trong đó có yếu tố cán bộ, bởi đây là lực lượng có vai trò hết sức quan trọng trong công tác đấu tranh trực tiếp với các đối tượng buôn lậu” - ông Lê Văn Nưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang nhấn mạnh.

Nhóm PV ĐBSCL

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/phong-su-tu-lieu/bai-cuoi-bat-cap-tu-ke-ho-cua-phap-luat-452887/