Bài ca ghi tạc chiến công bất tử của những cô gái Ngã ba Đồng Lộc

Nghe 'Người con gái sông La', có cảm giác nhạc sỹ Doãn Nho đã hóa thân vào đất trời Can Lộc - Hà Tĩnh để thành kính dựng lên một tượng đài âm nhạc ghi tạc chiến công bất tử của những cô gái Ngã ba Đồng Lộc

Nhạc sỹ Doãn Nho sáng tác bài “Người con gái sông La” năm 1970 khi ông vừa trở về từ Đường 559 và khi sự tích về mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc như còn vẹn nguyên một niềm xúc động, còn nguyên một hào quang vừa sáng lòa vừa quặn thắt con tim Việt Nam. Và có lẽ bằng một linh cảm nào đó với miền đất này khiến ông như đã vượt qua các kỹ thuật, dồn đẩy ông tuôn trào một giai điệu đằm sâu và lai láng chất dân ca Hà Tĩnh trên những vần thơ Phương Thúy: Bình dị sâu lắng ở phần đầu, trong trẻo thân thương ở phần giữa và hào hùng bi tráng ở phần cuối.

Quả thực những ai đã từng một lần qua Can Lộc những năm bom đạn, đã từng thấy ngàn vạn hố bom hằn lên chằng chịt trên thân thể ngã ba Đồng Lộc và rồi chợt ngẩng lên, đối diện với những vết thương đó là vòm trời xanh ngắt đến nao lòng thì chắc chắn giai điệu của bài hát “Người con gái sông La” sẽ ập về đốt cháy lòng ta. Và dường như giai điệu đó không phải chỉ là một sự tích, một kỷ niệm bi hùng của thời chiến tranh mà linh thiêng hơn có lẽ là linh hồn thanh xuân 16 đôi mươi của những cô gái Đồng Lộc đã hiện về nhắc nhở chúng ta - những người đang sống.

"Em vừa 18 tròn đẹp như xuân sang

Em người chiến thắng sức mạnh bạo tàn

Đạp lên cái chết dáng em hiên ngang

Em là chồi biếc của mùa xuân Việt Nam"

Nhạc sỹ Doãn Nho sáng tác bài "Người con gái sông La" năm 1970 khi ông vừa trở về từ Đường 559 và khi sự tích về mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc như còn vẹn nguyên một niềm xúc động.

Với "Người con gái sông La", có cảm giác nhạc sỹ Doãn Nho đã hóa thân vào đất trời Can Lộc - Hà Tĩnh để thành kính dựng lên một tượng đài âm nhạc ghi tạc chiến công bất tử của những cô gái Ngã ba Đồng Lộc. Tác giả có lẽ chưa từng ngờ tới, "Người con gái sông La" của ông đã trở thành khúc ca đầy bi tráng và xúc động về sự tích huyền thoại này của một thời máu lửa. Nghe và cảm nhận "Người con gái sông La" giữa ngày hôm nay, trong sâu thẳm ta dễ miên man nhớ tới những câu thơ này trong bài thơ "Sau cơn bom, hoa sữa" của Chế Lan Viên.

"Khi bom dứt em thành hoa sữa

Nở bừng hương chỉ có anh nghe

Anh trở thành phố xá để thấm mùi hương em các ngõ

Vì chính vết thương anh mà hoa sữa lại về"

Nhạc sỹ Doãn Nho từng kể: "Bài hát Người con gái sông La, tôi viết năm 1970. Ngã ba Đồng Lộc chúng tôi đi qua nhiều lần nhưng thường đi vào ban đêm, năm 1970 có 1 dịp hai bên ngừng bắn thì được đi qua vào ban ngày, lúc đó mới biết sự ác liệt tàn phá của nó như thế nào. Có lẽ không thể gọi là đất mà phải gọi là bùn nên để đi qua đó, nhân dân địa phương đã phải đem cả các cánh cửa, hoành phi câu đối lót đường cho xe qua.

Thế rồi từ đó nhìn lên đồi mà La Thị Tám đứng để quan sát, đếm bom rồi sau đó cắm cờ tiêu cho thanh niên xung phong đến phá bom cho xe ta tiếp tục lên đường vào miền Nam thì mới thấy, khí phách anh hùng của nhân dân ta, tiêu biểu là La Thị Tám - người con gái lúc đó mới chỉ 18 đôi mươi mà đã hiên ngang quan sát những đợt ném bom trong đó có cả B52. Tôi rất xúc động, về mới kể câu chuyện đó cho Phương Thúy, Phương Thúy đã viết lời ca của bài hát này sau đó tôi phổ nhạc thành bài Người con gái sông La".

Bài hát "Người con gái sông La" là một trong những bài hát được nhiều người yêu cầu nghe lại ở chương trình Ca nhạc theo yêu cầu thính giả.

Ánh Quyên/VOV

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/am-nhac/bai-ca-ghi-tac-chien-cong-bat-tu-cua-nhung-co-gai-nga-ba-dong-loc-post1032685.vov