Bãi bỏ mức lương cơ sở, phát sinh loạt vấn đề liên quan về căn cứ tính bảo hiểm xã hội

Từ ngày 1/7, khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương sẽ phát sinh một số vấn đề liên quan đến dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.

Việc cải cách chính sách tiền lương sẽ được thực hiện từ 1/7

Tổng thư ký Quốc hội vừa có văn bản gửi Bộ LĐ-TB&XH thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi được các cơ quan báo cáo, kiến nghị, tiếp thu, chỉnh lý, nhất là sự cần thiết phải bổ sung những quy định mang tính nguyên tắc về bảo hiểm hưu trí bổ sung;

Bổ sung quy định cơ quan phê duyệt quyết toán về chi tổ chức và hoạt động bảo hiểm xã hội; Bổ sung quy định liên quan đến việc tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội trên môi trường điện tử.

Đề nghị Bộ LĐ-TB&XH, Văn phòng Chính phủ báo cáo, xin ý kiến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chính thức bằng văn bản những nội dung lớn như: kịp thời bổ sung hồ sơ dự án Luật về những nội dung lớn liên quan đến cải cách chính sách tiền lương; phương án bảo hiểm xã hội một lần; mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội...

Chính phủ cũng cần nghiên cứu, rà soát quy định hồi tố về việc tiếp tục áp dụng quy định mức lương cơ sở để thực hiện một số chính sách bảo hiểm xã hội có liên quan trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi từ thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương (ngày 1/7/2024) đến trước ngày Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có hiệu lực thi hành dự kiến ngày 1/7/2025.

Theo tinh thần Nghị quyết số 27/NQ-TW, khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương sẽ "bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng chế độ tiền lương mới, theo đó mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới".

Như vậy, từ ngày 1/7, khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương sẽ phát sinh một số vấn đề liên quan đến dự thảo Luật.

Do bãi bỏ "mức lương cơ sở" nên không còn căn cứ thực hiện được việc điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu; không còn căn cứ để tính hưởng một số chế độ bảo hiểm xã hội và một số chế độ quy định ở các luật khác.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/bai-bo-muc-luong-co-so-phat-sinh-loat-van-de-lien-quan-ve-can-cu-tinh-bao-hiem-xa-hoi-post571483.antd