Bài 4: Lai Châu – Những điều trông thấy mà đau đớn lòng

Bài 1: “Ô ạt” xây trường rồi bỏ hoang trong mưa gió Bài 2: Khu tái định cư không có điện, công trình nứt, lở hàng loạt Bài 3: Dân khát nước, dự án nghiệm thu xong cũng là lúc… hỏng

- Tiếp tục chuỗi bài viết về Lai Châu phản ánh những “góc tối” trong công tác quản lý các dự án tại địa phương này, ngược dòng Sông Đà đến xã Mường Tè, một vùng ngập ở lòng hồ thủy điện Lai Châu phóng viên Báo Xây dựng đã chứng kiến sự hi sinh, vất vả của đồng bào dân tộc vùng cao dành cho đất nước.

Đáp lại “lòng tốt” của bà con chỉ là những dự án tồi tệ do Ban di dân tái định cư mang lại. Dự án nước sinh hoạt ở cụm tái định cư Đon Lạt – Mường Tè là ví dụ minh chứng cho sự dối trá, xảo quyệt và bưng bít dư luận. Người hưởng lợi ở đây chỉ là những doanh nghiệp, nhà thầu, nhờ sự “ngó lơ” hoặc “ăn dơ” của chủ đầu tư, để rồi tiền nhà nước rót vào “lỗ nẻ”.

Nước không, đất sản xuất không

Mục sở thị các hộ dân sinh sống tại bản Đon Lạt, phóng viên thấy: hầu hết bà con nhân dân đều phải tự mua đường ống nước về, dẫn từ khe máng lần để ròng nước sinh hoạt về nhà mình. Dẫn phóng viên vào tận nơi để xem đường dẫn nước cho nhà mình, ông T, một hộ dân sinh sống ngay tại ngã 3 đường bức xúc: Đấy, anh nhìn thực tế thì thấy! Đường nước sinh hoạt do dự án tái định cư họ làm chủ, có cho người kéo đường ống nước đến tận nhà dân, thậm chí có cả đồng hồ, nhưng thực tế là nước không có mà chảy, ì ạch được vài ngày đầu thôi, xong là “tịt ngóp”. Giờ thì đồng hồ hỏng, nước dự án không chảy. Nhà ông T phải mua hàng nghìn mét dây để ròng từ núi về mới có nước sử dụng. Giờ dân chỉ biết kêu với nhau thôi. Còn có một thực tế là dân rất bất bình nhưng kiến nghị mãi cũng chán…

Để có nước, người dân tự lắp đường ống.

Người dân tố cáo, vòi vào nhà, cả năm không nước.

Trao đổi với phóng viên, ông Đao Văn Dón (36 tuổi), trưởng bản Đon Lạt, xã Mường Tè, huyện Mường Tè cho biết: Lúc đầu triển khai, chủ đầu tư có hứa hẹn là sẽ cấp đất sản xuất cho bà con, nhưng thực tế đến nay vẫn không có đất. Dân chả biết kêu ai. Hệ thống nước thì “bi hài”, thiết kế dở nên chỉ sau 1 tháng đưa vào sử dụng đến giờ thì nước mất hẳn. Cũng theo ông Dón, “200 hộ dân chúng tôi “khát” hơn 1 năm nay rồi. Chả biết bao giờ mới có nước. Và đất sản xuất thì chắc còn lâu lắm”.

Thẳng thắn, ông Dón đề nghị: bà con nông dân có được hiểu gì đâu, cuộc sống thì thiếu thốn, đất sản xuất không có, nước sinh hoạt cũng không, phải làm lại công trình nước sạch cho người dân.

Ông Đao Văn Dón, trưởng bản Đon Lạt.

Để minh chứng cho những kiến nghị của mình là sự thật, ông Dón bảo người em mình ngay lập tức dẫn phóng viên đến hiện trường để ghi hình, chụp ảnh, làm bằng chứng gửi tới các cơ quan chức năng Trung ương xem xét và làm rõ. Tại hiện trường, phóng viên ghi nhận bể bê tông nhiều khoang có sức chứa lên đến hàng trăm m3 nước nhưng chiếc bể hoàn toàn không có nước, bùn rộp lên từng mảng lớn. Đường ống, đầu van, bầu lọc,... đều han gỉ, hỏng hóc.

Người dân dẫn phóng viên đến hiện trường xem bể chứa nước khô khốc của dự án.

Dân kêu xong là thôi

Trao đổi với phóng viên, ông Lò Văn Bắc, trưởng bản Mường Tè, xã Mường Tè “ấm ức” nói: thấy nước mãi không chảy, ông đi lên đầu nguồn để kiểm tra thì đầu ống kẽm đã hỏng rồi, làm sao nước về được. 134 hộ dân phải tự đi tìm nước.

Ông Lò Văn Bắc, trưởng thôn Mường Tè.

Ông Lý Văn Phón, Chủ tịch UBND xã Mường Tè chia sẻ: đúng là bà con nhân dân xã Mường Tè khốn khổ trăm bề. Giờ cũng chả biết như thế nào thì có đảm bảo nguồn nước sạch cho bà con, đành chờ thôi.

Qua điều tra, phóng viên được biết: giống như Doanh nghiệp Trọng Đạt (đã phản ánh trong bài 3), Công ty TNHH thương mại và xây dựng Minh Thắng cũng luôn trúng thầu những “gói” béo bở. Nào là dự án đường dây tránh ngập 3 KV, dự án Cấp nước sinh hoạt Nậm Khao, cấp điện Bản Cang, Bản Tổng Pít, Hát Mé, Nậm Khao, Seo Hai, xây trường ở Seo Hai, nhà văn hóa Seo Hai… Dự án công trình nước sinh hoạt tái định cư Đon Lạt có giá trị lên đến gần chục tỷ đồng, thế nhưng kể từ ngày “khánh thành” cho đến nay, dự án chỉ “đắp chiếu”, nước chưa thấy mà tiền giải ngân thì đã xong từ lúc nào.

Có hay không việc làm ăn tắc trách của cơ quan quản lý, để rồi tiền ngân sách “lặng lẽ” trôi vào nơi “thất thoát”, còn người dân vẫn mãi là chịu thiếu thốn.

Đức Hải – Hà Nhật

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/bai-4-khon-kho-nhu-don-lat-xa-nhu-muong-te-dan-biet-keu-ai.html