Bài 4: Không thể 'chặn bàn chân một dân tộc anh hùng'

Có thể mạnh dạn nói rằng, trong lịch sử hiện đại của dân tộc ta, khó có sự kiện lịch sử nào sánh được với trận Điện Biên Phủ, xét trên nhiều phương diện, từ lòng yêu nước, tinh thần đại đoàn kết, nghệ thuật quân sự cho đến cả thơ ca, nhạc họa.

Kể từ ngày “rực trời đất Điện Biên toàn thắng” cho đến hôm nay, có đến hàng ngàn, hàng vạn trang tài liệu, bài viết của các bên tham chiến, các nhà sử học, chuyên gia quân sự đánh giá về sự kiện lịch sử chấn động địa cầu này.

Có thể mạnh dạn nói rằng, trong lịch sử hiện đại của dân tộc ta, khó có sự kiện lịch sử nào sánh được với trận Điện Biên Phủ, xét trên nhiều phương diện, từ lòng yêu nước, tinh thần đại đoàn kết, nghệ thuật quân sự cho đến cả thơ ca, nhạc họa. Một công trình nghiên cứu, một bài báo, một cuộc phỏng vấn nhân chứng lịch sử, cũng chỉ thể hiện được một lát cắt của sự kiện ấy.

“Đã tan tác những bóng thù hắc ám”

Lịch sử là lịch sử. Lịch sử là những gì đã diễn ra trong quá khứ. Lịch sử không có chữ nếu. Nhưng cũng cần biết rằng, năm 1945, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và trước quốc tế rằng, nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, nếu chính phủ Cộng hòa Pháp tôn trọng quyền tự do, độc lập của dân tộc Việt Nam, cường quốc châu Âu này đã không gặp phải thất bại ê chề tại Việt Nam. Trước khi cuộc kháng chiến lần thứ hai chống thực dân Pháp bùng nổ (19.12.1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng các hoạt động ngoại giao không mệt mỏi, đã tìm mọi cách để cứu vãn nền hòa bình. Song, thiện chí hòa bình ấy đã bị chính phủ Pháp gạt bỏ. Đây là sự thật lịch sử khách quan chứ không phải tuyên truyền một chiều, vì không phải ai khác, chính những người đã hoặc từng ở bên kia chiến tuyến công khai thừa nhận rằng, họ sai lầm nghiêm trọng khi quyết nô dịch cho bằng được một dân tộc có lòng yêu nước nồng nàn.

Năm 2022, Báo Tây Ninh có loạt bài 3 kỳ “Xét lại lịch sử - Một hành vi nguy hiểm” dẫn ra nhiều chứng cứ bác bỏ những luận điệu vu cáo của một số ý kiến rằng, “cuộc chiến tranh Đông Dương lần hai là lỗi của Việt Minh”. Bài báo dẫn lời của một nhân vật từng giữ vị trí rất cao của chế độ Sài Gòn (khi đất nước chưa thống nhất), người này nói rằng, Việt Nam phải tranh đấu để giành độc lập, không còn con đường nào khác, sau khi mọi nỗ lực ngoại giao thất bại. Trong cuộc trả lời phỏng vấn của một đài phát thanh nước ngoài (phát bằng tiếng Việt), mặc dù bị phóng viên “gài bẫy” để nói theo ý đồ của nhà báo nhưng nhân vật này đã tỉnh táo khi thẳng thắn nói, chính phủ Pháp trở lại Đông Dương, trong đó trọng tâm là Việt Nam. Nhà cầm quyền Pháp, dù thất bại khi để quân phát xít Đức chiếm đóng trong thế chiến thứ hai nhưng họ vẫn nuôi tham vọng kiểm soát Đông Dương, khôi phục thuộc địa. “Việt Minh, tiêu biểu là Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên quyết không cho phép thực dân Pháp tái lập chế độ thuộc địa, bảo hộ trên đất nước mình. Ở hoàn cảnh của một người tranh đấu cho đất nước vào lúc đó, bất cứ ai ở địa vị của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng lãnh đạo nhân dân Việt Nam, sự ủng hộ của các nước để chống quân Pháp xâm lược. Tôi không phải đảng viên cộng sản nên tôi nói sòng phẳng, chúng ta không được xét lại lịch sử, bất cứ ai có sự hiểu biết cũng cần đặt mình vào hoàn cảnh lịch sử lúc đó, tự đặt mình vào địa vị của những người (cách mạng) đang có trách nhiệm lúc đó, mới hiểu được người ta. Mình xét theo con mắt bây giờ, tâm trạng bây giờ thì dễ sa vào xét đoán và đi đến những nhận định vô cùng bất công về những con người đã đóng góp rất lớn vào công cuộc giải phóng đất nước” - nhân vật này trả lời phóng viên trong cuộc phỏng vấn kéo dài hơn hai tiếng đồng hồ. “Lực lượng kháng chiến lúc đó thiếu thốn, trang bị kém nhưng chính phủ kháng chiến biết dựa vào nhân dân, tinh thần anh dũng, ngay từ lúc đó, tôi tin không kẻ nào, kể cả cường quốc có thể chiếm đóng được nước Việt Nam, kẻ chiếm đóng dẫu sao vẫn chỉ là thiểu số. Đó là logic của lịch sử” - người này nói tiếp. Cũng tại nước Pháp, trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí phương Tây, một nhân vật được coi là trùm phản động bác bỏ thẳng thừng câu dẫn dắt có tính gài bẫy của người phỏng vấn khi người này “kết luận” chiến tranh Đông Dương lần hai là do lỗi của Việt Minh. “Cuộc xâm lược của Pháp lần thứ hai ở Đông Dương là do chính phủ nước này muốn khôi phục hệ thống thuộc địa”- người được phỏng vấn trả lời không chút đắn đo.

Tại Paris, tháng 6 năm 1946, trong buổi tối chiêu đãi Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà báo người Mỹ David Schoenbrun hỏi: “Hồ Chủ tịch, làm thế nào ngài có thể tiến hành cuộc chiến chống lại quân đội Pháp được?”. Bác đã trả lời: “Ông Schoenbrun, chúng tôi có một thứ vũ khí bí mật, chớ cười khi tôi nói cho ông điều này. Vũ khí bí mật của chúng tôi chính là chủ nghĩa dân tộc. Có được tinh thần dân tộc, đó là dấu hiệu của sự trưởng thành, là lớn lao hơn bất cứ loại vũ khí nào trên thế giới…”. Lịch sử diễn ra sau đó như thế nào, hẳn nhiều người đã biết. Sau thất bại tại Điện Biên Phủ, viên tướng chỉ huy tập đoàn cứ điểm này phải điều trần trước Quốc hội Pháp. Tại phiên điều trần, ông ta chỉ nói đúng một câu, không giải thích gì thêm khiến Quốc hội Pháp chưng hửng: “Người ta có thể thắng một đội quân nhưng không thể thắng một dân tộc”.

Cuộc chiến tranh phi nghĩa

Trong những ngày cận kề thời điểm kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, các phương tiện thông tin cả trong và ngoài nước tiếp tục công bố những thông tin về sự kiện lịch sử có tính bước ngoặt này. Trong đó có cuốn sách “Kể chuyện Điện Biên Phủ 1953-1954” của Nguyễn Văn Khoan được giới thiệu trên Báo Nhân Dân, cuốn sách đề cập nội dung tin tức báo chí Pháp đưa về cuộc chiến Điện Biên Phủ tại Việt Nam (tại thời điểm đó). Ban đầu, nhiều tờ báo Pháp theo quan điểm “diều hâu” ra sức cổ vũ, tụng ca đội quân viễn chinh Pháp tại Việt Nam, đặc biệt tại Điện Biên Phủ. Nhưng sau đó, “theo dòng thời sự”, khi tình thế của quân Pháp ngày càng bi đát và viễn cảnh thất bại hiện ra, chính những tờ báo đó “trở giáo” lại mỉa mai tướng sĩ nước họ.

Ví dụ, đầu năm 1954, báo chí Pháp đăng “Thư chúc tết Dương lịch 1954 của Nava gửi sĩ quan, binh sĩ trong đội quân viễn chinh Pháp”. Nava nhận định: “Việc chiếm đóng Điện Biên Phủ đã thay đổi lớn tình hình Tây Bắc Đông Dương, tạo thuận lợi cho chúng ta. Đối phương đã phải phân tán lực lượng. Nếu chúng ta thắng trong chiến dịch này thì chúng ta sẽ thắng hoàn toàn. Thời gian ủng hộ chúng ta. Điều kiện về mặt quân sự đã đầy đủ, chỉ còn lại là sự tùy thuộc vào ý chí chiến đấu của binh sĩ hải, lục, không quân. Năm 1954 là năm chiến thắng của chúng ta”. Tháng 2.1954, Robert Paret, phóng viên tờ L’Observateur (Người quan sát) bày tỏ sự bất đồng với các nhà quân sự, khi viết “Mường Sài, Luông Pra Băng, Sênh, Điện Biên Phủ... tất cả đều vô ích mà thôi, không làm gì được quân đội nhân dân Việt Nam. Quân đội viễn chinh Pháp phân tán khắp nơi, kiệt sức để truy bắt một đối phương nhưng không bao giờ “chộp” được, đối phương ấy lại được che chở trong những thành trì không thể chiếm đóng (ý nói trong lòng dân) trong khi quân viễn chinh lại bị họ cầm chân, cấm đi ra khỏi cứ điểm”. Giữa tháng 2.1954, bài đăng trên Le Monde có đoạn: “Ban đầu, người ta thổi phồng Điện Biên Phủ. Nhưng tình thế đã thay đổi. Điện Biên Phủ là một cái ung nhọt quân sự. Việt Minh sẽ đặt pháo của họ không phải ở phía bên kia sườn núi mà ở sườn phía chúng ta, ngay dưới mũi chúng ta”. Phân tích thất bại tại trận Điện Biên Phủ, một số báo Pháp bình luận, “nước Pháp mắc kẹt trong những việc đã rồi, trong ảo tưởng và lừa bịp”, hay “nước Pháp thua là vì đã tiến hành một cuộc chiến tranh phi nghĩa, hoàn toàn trái với lợi ích sống còn của mình. Chỉ có bọn trùm tư bản tài chính, bọn sản xuất - buôn bán vũ khí, bọn bán thịt người là có lợi”.

70 năm có lẽ là lần kỷ niệm sau cùng (theo năm chẵn) đối với những người từng tham gia chiến đấu hoặc phục vụ chiến đấu tại Điện Biên Phủ. Họ lần lượt rời bước trần gian. Những con người lịch sử ấy đã làm được và để lại cho hôm nay một đất nước sạch bóng quân thù, thống nhất, hòa bình, đúng như nhà thơ trữ tình chính trị Tố Hữu viết:

“Ta đã lớn lên rồi trong khói lửa

Chúng nó chẳng còn mong được nữa

Chặn bàn chân một dân tộc anh hùng

Những bàn chân từ than bụi, lầy bùn

Đã bước dưới mặt trời cách mạng

Những bàn chân của Hóc Môn, Ba Tơ, Cao - Lạng

Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu

Những bàn chân đã vùng dậy đạp đầu

Lũ chúa đất xuống bùn đen vạn kiếp”!

Việt Đông - Đại Dương

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/bai-4-khong-the-chan-ban-chan-mot-dan-toc-anh-hung-a172406.html