Bài 3: 'Ong còn đoàn kết, huống chi là người'

Khi sức dân được huy động, được tổ chức, được tập hợp dưới sự lãnh đạo của Đảng thì thành vô địch. Làm việc gì cũng phải có quần chúng. Không có quần chúng thì không thể làm được...

Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn. Ảnh: tư liệu

Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn. Ảnh: tư liệu

Những ai đã học phổ thông, hẳn chưa quên bài thơ “Con cáo và tổ ong” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tinh thần đại đoàn kết thể hiện đậm nét qua bài thơ này. Bài thơ có đoạn: “Ong kia yêu giống, yêu nòi/ Đồng tâm, hợp lực đuổi loài cáo đi/ Bây giờ ta thử so bì/ Ong còn đoàn kết, huống chi là người/ Nhật, Tây áp bức giống nòi/ Ta nên đoàn kết để đòi tự do”.

Bức tường thành vững chắc

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xác định đại đoàn kết dân tộc là phương thức, là cội nguồn sức mạnh của cách mạng Việt Nam. “Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn. Vậy nay ta phải biết đoàn kết, đoàn kết mau, đoàn kết chắc chắn thêm lên mãi”- Chủ tịch Hồ Chí Minh nói.

Lần giở lại những trang sử, hẳn nhiều người đã biết đến câu chuyện “lá thư đặc biệt” của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi bác sĩ Vũ Đình Tụng- một người Công giáo có con trai hy sinh trong chiến đấu. Để bạn đọc tiện theo dõi, khái quát câu chuyện như sau: Tháng 1.1947, mở đầu cho cuộc kháng chiến lâu dài, Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi hay tin con trai của bác sĩ Vũ Đình Tụng hy sinh, Người đã viết một bức thư gửi gia đình vị bác sĩ- một người Công giáo.

Trong thư, Bác viết: “Tôi được báo cáo rằng, con giai của ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc. Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi mất một đoạn ruột.

Nhưng cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh, để giữ gìn đất nước. Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi. Vật chất họ mất, nhưng tinh thần họ sẽ luôn luôn còn với non sông Việt Nam.

Họ là con thảo của đức Chúa, họ đã thực hiện cái khẩu hiệu: Thượng đế và Tổ quốc. Những thanh niên đó là anh hùng dân tộc. Đồng bào và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên ơn họ. Ngài đã đem món của quý báu nhất, là con của mình sẵn sàng hiến cho Tổ quốc. Từ đây, chắc chắn ngài sẽ thêm ra sức giúp việc kháng chiến để bảo vệ nước nhà, thì linh hồn cháu ở trên trời cũng bằng lòng và sung sướng. Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn ngài và gửi ngài lời chào thân ái và quyết thắng”.

Sau năm 1954, bác sĩ Vũ Đình Tụng và gia đình trở về sống ở Hà Nội. Năm 1973, ông qua đời. Như có linh cảm về sự ra đi đột ngột này, mấy tháng trước ông đã trao lại bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho con trai cả và nói: “Đây là của báu của gia đình, nhưng cũng là vật quý của dân tộc, cha trao lại cho con cất giữ cẩn thận, chu đáo.

Lá thư riêng này mang nặng tình cảm của cả núi sông, của lịch sử đấy con ạ”. Ngày 10.3.1985, anh Vũ Đình Tuân, con trai cả của bác sĩ Vũ Đình Tụng mang bức thư tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh để phục vụ khách tham quan nghiên cứu và học tập.

Câu chuyện giúp chúng ta thêm một lần nữa thấm nhuần sâu sắc phẩm chất đạo đức “Thương yêu con người, sống có nghĩa, có tình” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ân tình sâu nặng, những lời chia sẻ động viên, khích lệ kịp thời của Bác có tác dụng an ủi, động viên thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng trong cả nước.

Điều đó làm họ vơi bớt nỗi đau mất mát người thân, cảm thấy tự hào với những gì mà họ đã cống hiến cho quê hương, Tổ quốc. Ý nghĩa sâu xa của bức thư thực ra không chỉ dừng lại ở mức độ động viên thăm hỏi, chia buồn cùng gia đình vị bác sĩ. Bằng lá thư chia buồn đặc biệt này, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thể hiện tinh thần đại đoàn kết toàn dân: Khi Tổ quốc lâm nguy, không phân biệt tôn giáo, đảng phái, mọi giai tầng cần đoàn kết để chống kẻ thù chung của dân tộc.

Tư tưởng, quan điểm của vị lãnh tụ thể hiện rất rõ trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, ngày 19.12.1946, trích nguyên văn: “Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước. Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân! Giờ cứu quốc đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước”.

Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến thực chất cũng là lời kêu gọi đại đoàn kết toàn dân tộc. Khi Tổ quốc bị xâm lăng, bỏ qua những tình cảm riêng tư, tất cả đoàn kết để từ đó tạo ra sức mạnh có thể “cuốn phăng bè lũ cướp nước và bán nước”. Tư tưởng này của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là sự kế thừa kinh nghiệm dựng nước và giữ nước của tổ tiên ta, trong đó phải kể đến bài Hịch tướng sĩ của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn ở thế kỷ XIII, lúc nhà Trần đối mặt cuộc xâm lăng khổng lồ, thiện chiến của quân Nguyên - Mông.

Tinh thần, tư tưởng đại đoàn kết của tổ tiên ta trước đây và Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này đã tạo ra bức tường thành vững chắc để dựng nước và giữ nước.

Không gì quý bằng nhân dân

Quý trọng nhân dân chính là thể hiện tư tưởng về đại đoàn kết dân tộc, vì cán bộ cũng từ nhân dân mà ra. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh, "trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân. Khi sức dân được huy động, được tổ chức, được tập hợp dưới sự lãnh đạo của Đảng thì thành vô địch. Làm việc gì cũng phải có quần chúng. Không có quần chúng thì không thể làm được... Việc gì có quần chúng tham gia bàn bạc, khó mấy cũng trở nên dễ dàng và làm được tốt" .

Ở Việt Nam, tư tưởng về trọng dân, thân dân, phát huy sức mạnh của dân là một truyền thống, một triết lý chính trị xuyên suốt chiều dài lịch sử. Các triều đại phong kiến nước ta đều coi “dân là gốc” trong việc ban hành các chủ trương, chính sách, từ kinh tế, xã hội, văn hóa, luật pháp đến an ninh, quốc phòng, ngoại giao. Theo các nhà nghiên cứu, hơn ngàn năm trước, Khúc Thừa Dụ (830-907) đã thi hành khoan dung, giản dị, chăm lo cho dân an cư, lạc nghiệp. Triều Lý nổi bật với chính sách “ngụ binh ư nông”.

Triều Trần chủ trương “khoan thư sức dân”, tiêu biểu với Hội nghị Diên Hồng- hình ảnh thực hành dân chủ trực tiếp đầy khí phách. Trên thực tế, lịch sử cũng có những quan điểm chưa nhận thức đúng đắn vai trò của quần chúng nhân dân, hoặc tin vào đấng sáng tạo thay đổi lịch sử, hoặc tuyệt đối hóa vĩ nhân, lãnh tụ mà hạ thấp vai trò của quần chúng nhân dân.

Những người theo Nho giáo cho rằng “thiên mệnh” là cái quy định tất cả, vua là con Trời, người có học theo đạo thánh nhân được coi là “bậc thượng trí”, còn người dân là loại “hạ ngu”. Vào thời kỳ nhà Trần có dấu hiệu suy vong, Trần Khánh Dư- một tướng lĩnh của triều đình tuyên bố: “Tướng là chim ưng, quân dân là con vịt, đem vịt mà nuôi chim ưng thì có gì là lạ”. Những quan điểm này đã phần nào làm hạn chế vai trò lịch sử của nhân dân, làm cho khối đại đoàn kết toàn dân bị thách thức nghiêm trọng. Không lâu sau câu nói của vị tướng nêu trên, triều đình nhà Trần sụp đổ.

Trong lịch sử hiện đại của nước ta, chúng ta có thể đánh Pháp, đuổi Mỹ, công cuộc đổi mới đất nước đạt được những thành quả to lớn đều do biết dựa vào sức dân, diễn đạt khác đi, đó chính là tinh thần đại đoàn kết toàn dân. Vì thế, Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định bài học lấy dân làm gốc, phải phát huy vai trò làm chủ tập thể của nhân dân lao động. Từ Đại hội VI đến Đại hội XIII của Đảng là tròn 35 năm nhưng bài học ấy vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Dân chủ vẫn tiếp tục được xác định là động lực, mục tiêu của sự nghiệp đổi mới.

Trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, vấn đề dân chủ là một trong những nội dung hết sức trọng yếu, giữ vai trò cốt lõi và xuyên suốt mọi chủ trương, chính sách lớn. Tài liệu, thông tin được phổ biến rộng rãi cho thấy, sau 35 năm đổi mới, bài học lớn nhất được rút ra là: “trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”, do đó cần thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Chủ trương, quan điểm này không chỉ thể hiện tính dân chủ xã hội chủ nghĩa, nó còn chứng minh: đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết các dân tộc, đoàn kết tôn giáo, bao giờ cũng tạo ra sức mạnh.

Việt Đông - Hoàng Yến

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/bai-3-ong-con-doan-ket-huong-chi-la-nguoi-a158441.html