Bài 3: Để giải phóng mặt bằng trở thành động lực phát triển (Tiếp theo và hết)

Việc thực hiện tốt Chỉ thị số 08-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh và Thông báo số 220-TB/HU của Huyện ủy Quỳnh Phụ về việc vận động nhân dân tự nguyện, thỏa thuận góp quyền sử dụng đất cho Nhà nước, không đòi lại để cải tạo, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường là 'chìa khóa' giúp địa phương khơi thông các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH).

Chủ trương đã đúng và trúng, lòng dân đã thuận, vấn đề đặt ra là cần giữ vững niềm tin, rút ra bài học kinh nghiệm để đưa công tác GPMB trở thành động lực phát triển.

Xây tháp niềm tin

Theo đồng chí Nguyễn Văn Nhiễm, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Quỳnh Phụ, để công tác GPMB đạt kết quả tốt trong thời gian qua thì có thể khẳng định, Chỉ thị 08-CT/TU của Tỉnh ủy Thái Bình và Thông báo 220-TB/HU của Huyện ủy Quỳnh Phụ là một chủ trương đúng đắn, mang tính đột phá trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đã thực sự làm thay đổi nhận thức, tư tưởng của người dân, tạo sự công bằng trong trách nhiệm giữa các hộ dân khi xây dựng các công trình giao thông; làm thay đổi tư duy hưởng lợi, trục lợi, đòi nhận tiền nhiều từ việc GPMB.

Một góc huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) nhìn từ trên cao.

Một góc huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) nhìn từ trên cao.

Để minh chứng cho điều này, đồng chí Phó bí thư Thường trực Huyện ủy đưa chúng tôi đi tham quan công trình Nhà máy Chế biến thực phẩm sạch Thái Bình do Tập đoàn TH vừa động thổ xây dựng trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ. Chỉ trong thời gian rất ngắn, công tác GPMB được chính quyền, người dân, doanh nghiệp thỏa thuận trên tinh thần tự nguyện và hài hòa lợi ích các bên, giúp Tập đoàn TH có thể nhanh chóng hoàn tất các thủ tục và tổ chức động thổ xây dựng nhà máy với quy mô 620 tỷ đồng.

Phát biểu tại lễ động thổ Nhà máy Chế biến thực phẩm sạch Thái Bình ngày 18-2 vừa qua, đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết: Thái Bình cam kết luôn chia sẻ, đồng hành với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, đồng thời sẽ ban hành những quy định, cơ chế, chính sách khả thi để tăng cường, khuyến khích thu hút doanh nghiệp đầu tư, tạo động lực thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế.

Công tác GPMB là một khâu, một công đoạn then chốt có ý nghĩa quan trọng trong quá trình triển khai các dự án đầu tư, là điều kiện bảo đảm cơ bản tiên quyết, là thước đo sự sẵn sàng, quyết tâm của tỉnh, đòi hỏi sự thống nhất trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng và quyết liệt vào cuộc của các tổ chức, cá nhân liên quan, sự đồng thuận cao độ của nhân dân và doanh nghiệp.

Trên tinh thần ấy, công tác GPMB được xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cấp ủy, chính quyền nơi có dự án, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, phải bảo đảm thực hiện thành công, nhanh gọn trong thời gian ngắn nhất triển khai thành công dự án, nhất là các dự án lớn, dự án trọng điểm, góp phần tạo đột phá để thu hút đầu tư và bứt phá trong phát triển KT-XH của tỉnh.

Cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) trao đổi với nhân dân xã Quỳnh Ngọc.

Cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) trao đổi với nhân dân xã Quỳnh Ngọc.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhấn mạnh, đề cao vai trò, trách nhiệm lãnh đạo và tổ chức triển khai thực hiện của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu trong công tác GPMB, các cấp, các ngành cần phải thay đổi cách nghĩ, cách làm, nghiên cứu kinh nghiệm thành công của những dự án đã triển khai và kinh nghiệm của các địa phương khác trong cả nước để vào cuộc với tinh thần chủ động, quyết liệt, vượt qua khó khăn, tạo tiền đề hình thành phương pháp, nền nếp làm việc mới, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển. “Đây cũng là những nội dung chính quan trọng trong Chỉ thị số 08-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác GPMB”, đồng chí Nguyễn Khắc Thận nêu rõ.

Bài học thấm thía

Khi chủ trương đã đúng và trúng, lòng dân đã thuận, vấn đề đặt ra là cần giữ vững niềm tin, rút ra bài học kinh nghiệm để đưa công tác GPMB trở thành động lực phát triển. Thực tiễn công tác GPMB tại huyện Quỳnh Phụ cho thấy, đây là một chủ trương mới chưa có tiền lệ, do đó mới đầu, việc tuyên truyền, vận động, triển khai thực hiện còn có nội dung chưa đạt yêu cầu, gặp nhiều lúng túng, quan điểm nhận thức của một số cán bộ, công chức, nhân dân chưa đúng.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Phát, Phó chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ, để tạo được sự đồng thuận và hưởng ứng của nhân dân trong công tác GPMB của địa phương trong thời qua thì cần sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở; có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến chi bộ, cơ sở thôn, phân công, phân nhiệm rõ người, rõ việc, gắn với đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ, chặt chẽ trong tổ chức thực hiện trên cơ sở tuân thủ pháp luật về đất đai.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền phải được quan tâm hàng đầu, thông qua nhiều kênh, nhiều chiều, chuyên sâu, cần sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm. Cùng với đó, quá trình thực hiện, các cơ quan chức năng phải lựa chọn những người có uy tín trong cộng đồng, tập trung vận động, thuyết phục có lý có tình để người dân hiểu rõ ý nghĩa và lợi ích dự án mang lại. Cấp ủy, chính quyền các cấp cũng cần chú trọng vận dụng phương thức nêu gương, khơi dậy tinh thần trách nhiệm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.

 Những con đường mới được hình thành từ phong trào hiến đất làm đường ở huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình).Ảnh: HÀ CƯỜNG

Những con đường mới được hình thành từ phong trào hiến đất làm đường ở huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình).Ảnh: HÀ CƯỜNG

Là người trực tiếp tham gia vận động nhân dân hiến đất không đòi lại để cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường huyện, đường liên xã do huyện Quỳnh Phụ làm chủ đầu tư, Thượng tá Nguyễn Ngọc Công, Chính trị viên Ban CHQS huyện Quỳnh Phụ cho biết: "Với vai trò là thường trực của Ban chỉ đạo vận động quần chúng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của huyện, đơn vị đã tham mưu cho Ban chỉ đạo xây dựng kế hoạch, phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của huyện trong lãnh đạo, chỉ đạo đối với cơ sở để làm sao thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân".

Ban CHQS huyện cũng chỉ đạo ban CHQS các xã, thị trấn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở cơ sở tham gia công tác vận động, tuyên truyền; tổ chức các đoàn công tác về từng gia đình, gặp gỡ từng chủ hộ, người dân để vận động người dân hiến quyền sử dụng đất làm đường. Quá trình vận động, nếu một đoàn công tác chưa đạt được mục đích thì kết hợp tổ chức nhiều đoàn, đến với dân nhiều lần; thuyết phục phải bằng nhiều cách, nhiều hình thức; thuyết phục trực tiếp không được thì khéo lựa chọn các đối tượng liên quan để vận động gián tiếp, thậm chí phải phát huy hiệu quả dân vận động dân, cha vận động con, vợ vận động chồng, con cháu vận động ông bà...

Ngoài lực lượng thường trực của ban CHQS huyện, xã thì các lực lượng như dân quân tự vệ, các đồng chí cựu chiến binh, cán bộ quân đội đã nghỉ hưu là những lực lượng nòng cốt trong công tác GPMB. Các đoàn công tác khi về cơ sở, với uy tín của lực lượng vũ trang được phát huy tối đa nên công tác vận động quần chúng nhân dân đạt hiệu quả rất cao.

Thời gian này, ở huyện Quỳnh Phụ đang lan tỏa phong trào người người, nhà nhà tham gia hiến đất. Có thể nói, hiến đất làm đường, xây dựng khu công nghiệp, nhà máy đã trở thành phong trào thi đua giữa các gia đình, các thôn, các xã trong toàn huyện. Mặc dù những ngày đầu triển khai vận động nhân dân góp quyền sử dụng đất tại Quỳnh Phụ cũng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, một số hộ chưa đồng tình nhưng Huyện ủy đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể bám nắm người dân để tuyên truyền, vận động, giải thích. Ðặc biệt, Huyện ủy đã đề nghị cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu trong thực hiện nhằm tạo sức lan tỏa.

Đảng bộ địa phương xác định, để tiếp tục thực hiện mục tiêu tập trung xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng KT-XH huyện Quỳnh Phụ nói riêng, tỉnh Thái Bình nói chung, thời gian tới cần tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong công tác GPMB. Tập trung tuyên truyền, vận động phát huy hiệu quả phong trào góp quyền sử dụng đất, tài sản đất để thi công sớm, nhanh các tuyến đường khác.

Cấp ủy, chính quyền các cấp nhất quán quan điểm thực hiện triệt để việc công khai, minh bạch về cơ chế, chính sách, trình tự thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư; tăng cường công tác đối thoại, giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong GPMB. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng đất, ngăn chặn kịp thời những biểu hiện sai phạm.

Những sáng tạo và các giải pháp đồng bộ của huyện Quỳnh Phụ trong việc hiến đất làm đường không những gỡ nút thắt trong triển khai các dự án đầu tư xây dựng, kết cấu hạ tầng mà còn tạo sức lan tỏa, góp phần hoàn thành nhiều nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương cũng như xây dựng nông thôn mới đúng như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX xác định: Tập trung xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng KT-XH, phấn đấu xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh phát triển trong khu vực Đồng bằng sông Hồng.

Nhóm PV Báo QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/bai-3-de-giai-phong-mat-bang-tro-thanh-dong-luc-phat-trien-tiep-theo-va-het-691159