Bài 3: Cần tầm nhìn, bản lĩnh người cầm lái

Trong cơn dông bão giữa mịt mù đại dương, con tàu cần có tầm nhìn, sự tỉnh táo, sáng suốt và bản lĩnh của người cầm lái để vượt qua hiểm nguy. Với nền kinh tế Việt Nam trong đại dịch Covid cũng vậy, rất cần sự sáng suốt, chủ động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà quản lý, người đứng đầu để có các giải pháp vĩ mô, kịch bản ứng phó hiệu quả…

Đảng lãnh đạo đối phó “địch họa”

Cha ông ta có câu: “Dù ai cho bạc, cho vàng/ Không bằng chỉ lối dẫn đàng cho ta”. Sự dẫn đường chỉ lối trong những tình huống cam go, phức tạp như trong thiên tai, địch họa càng cần thiết. Sinh thời, Bác Hồ cũng từng căn dặn: Ngay đến cả tương, cà, mắm, muối của dân, Đảng đều phải lo.

Không chỉ đối mặt với dịch Covid-19, Việt Nam còn gặp khó khăn do tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn nặng nề ở các tỉnh miền Nam, dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm… “Chưa bao giờ thấy tình hình khó khăn như thế”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định.

Để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế đất nước hiện nay, rất cần vai trò dẫn đường chỉ lối của Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trước đại dịch đe dọa ảnh hưởng đến kinh tế đất nước và sinh mạng nhân dân, ngày 31-1, (Mồng bảy Tết, Canh Tý), khi vừa hết kỳ nghỉ Tết, Ban chấp hành Trung ương Đảng có Công văn số 79-CV/TW về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra.

 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị về công tác phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị về công tác phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: TTXVN

Ngày 21-3-2020, Bộ Chính trị ra Thông báo kết luận về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Kết luận đề cập rõ việc phải “tiếp tục chỉ đạo việc xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế, xã hội phù hợp với tình hình dịch bệnh; có kế hoạch tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các ngành bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống của nhân dân”.

Phát biểu tại cuộc họp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cũng là thời cơ để tái cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu sản xuất kinh doanh.

Ngày 30-3 vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài, hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đồng thời nỗ lực hợp tác thiết thực, phối hợp kịp thời với các nước, bảo đảm chiến thắng đại dịch này.

Lời kêu gọi ấy như lời hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân, toàn quân chung sức chung lòng chiến thắng dịch bệnh, giúp đất nước vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển.

Có thể nói sau hơn 30 năm đổi mới, đất nước ta đã trải qua mấy giai đoạn kinh tế suy giảm, gặp nhiều sóng gió của suy thoái kinh tế toàn cầu. Nhưng thời điểm hiện nay là giai đoạn có nhiều thách thức cam go đan xen những cơ hội đổi mới, tái cơ cấu mạnh mẽ hơn. Vì thế, tầm nhìn, bản lĩnh của người cầm lái vô cùng quan trọng.

Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, những đầu tàu kinh tế của đất nước đã có những người đứng đầu biết đi đầu kịp thời. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân là nhà lãnh đạo sớm tìm hiểu, nghiên cứu, biên soạn hẳn một tài liệu dài 16 trang với những thông tin, đề xuất thiết thực để đẩy lùi dịch bệnh. Tài liệu ấy được trình lên Thủ tướng Chính phủ và gửi tới lãnh đạo các ban, ngành, địa phương ở TP Hồ Chí Minh. Ông cũng sớm đề xuất giải pháp từ nhìn nhận kinh nghiệm của Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản có chính sách trả lương khi công nhân, người lao động phải ở nhà trông con (do trường học đóng cửa). Cách làm này giúp người dân yên tâm ở nhà. Đồng chí cho rằng cần đặt vào vị trí người lao động để xem họ sẽ sống như thế nào nếu 2 tuần, 4 tuần, thậm chí 8 tuần không có lương. Từ đó, TP Hồ Chí Minh phải suy nghĩ, tính toán hỗ trợ người lao động mất việc làm. Cùng với đó là nghiên cứu thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn, thực hiện các chính sách ổn định xã hội.

Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong những phát biểu gần đây đã nhắc đến cụm từ “nền kinh tế như thời chiến” và tinh thần chống dịch như chống giặc. Theo dõi thông tin truyền thông thế giới, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy, Đảng, Nhà nước ta không chỉ sớm có chủ trương, giải pháp quyết liệt ngăn chặn dịch bệnh mà những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vực dậy nền kinh tế cũng được đề ra rất sớm.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Thường trực Chính phủ chiều 9-4. Ảnh: Chinhphu.vn

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Thường trực Chính phủ chiều 9-4. Ảnh: Chinhphu.vn

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04-3-2020, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện ngay 07 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, hướng tới các đối tượng là các doanh nghiệp, người lao động bị mất việc làm có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.

Các ngành ngân hàng, tài chính, công thương, giao thông vận tải... đã kịp thời triển khai các giải pháp như giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, miễn giảm phí dịch vụ, thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi; gia hạn, giãn, hoãn các khoản phải nộp của doanh nghiệp về thuế, tiền thuê đất; cắt giảm chi phí cho các doanh nghiệp, giảm giá điện, giá xăng dầu, giá dịch vụ... với tổng giá trị quy đổi ước tính khoảng 330 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 14 tỷ USD (Hiện Thủ tướng chỉ đạo nâng lên 22 tỷ).

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 07-4-2020 cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất cho các đối tượng là doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số ngành nghề chịu tác động nặng nề, trực tiếp của dịch, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Về vấn đề xã hội, lao động việc làm, sau khi xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành riêng một Nghị quyết của Chính phủ về các vấn đề trên.

 Đẩy mạnh phòng chống dịch, hỗ trợ sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội. (Ảnh minh họa. Ngồn: TTXVN)

Đẩy mạnh phòng chống dịch, hỗ trợ sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội. (Ảnh minh họa. Ngồn: TTXVN)

Tại Hội nghị toàn quốc về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, có 2 gói chính sách về tiền tệ và tài khóa. Về gói chính sách tiền tệ (với tổng số 300.000 tỷ đồng), tinh thần là không để doanh nghiệp thiếu vốn tín dụng, tạo thuận lợi để doanh nghiệp tiếp tục duy trì, phát triển sản xuất, tiếp tục giảm hơn nữa lãi suất cho vay, cả khoản vay hiện có và vay mới.

Về chính sách tài khóa, trong điều kiện kinh tế khó khăn, cần tập trung thực hiện hiệu quả kích cầu nội địa thông qua chính sách này. Đây là biện pháp các nước áp dụng rất rộng rãi. Gói giãn, hoãn thuế với tổng số tiền khoảng 185.000 tỷ đồng và 98% số doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi. Gói chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí được Bộ Tài chính dự kiến ban đầu khoảng 40.000 tỷ đồng.

Giải ngân vốn đầu tư công cũng sẽ được triển khai quyết liệt, giải ngân hết số vố còn lại của năm 2019 và vốn kế hoạch năm 2020 (gần 750.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD), không để dồn vào cuối năm. Về triển khai gói hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, Đảng, Nhà nước đã bố trí khoảng 62.000 tỷ đồng để hỗ trợ người dân gặp khó khăn.

Các chuyên gia kinh tế: Cứu con tàu bằng bản lĩnh, cách làm Việt Nam

Henry A. Kissinger - nhà chính trị, ngoại giao Mỹ, từng là Ngoại trưởng, Cố vấn An ninh quốc gia hai nhiệm kỳ tổng thống Mỹ là người rất hiểu Việt Nam. Trong bài viết mới đây, ông cho rằng, cần phải đấu tranh để hàn gắn vết thương cho nền kinh tế thế giới. Các nhà lãnh đạo toàn cầu đã học được những bài học quan trọng từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay phức tạp hơn: Sự co lại, rút gọn và thu nhỏ kinh tế của virus corona ở tốc độ và quy mô toàn cầu không giống như bất cứ điều gì từng được biết đến trong lịch sử. Các chương trình và kế hoạch chính sách cũng nên tìm cách cải thiện những ảnh hưởng của sự hỗn loạn sắp xảy ra đối với nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất trên thế giới.

Trước nguy cơ đại dịch làm đứt gãy nhiều mắt xích trong chuỗi giá trị toàn cầu, giờ là lúc đòi hỏi mỗi quốc gia phải có cách làm và hướng đi riêng. Hiện có rất nhiều quốc gia tung ra các gói hỗ trợ, bơm tiền vào nền kinh tế với lượng tài chính nhiều tỷ USD. Nhưng không phải cứ có nhiều gói hỗ trợ mà đạt được hiệu quả. Chúng ta đã có nhiều bài học thành công và cả nhiều bài học không thành công từ quá trình triển khai các giải pháp hỗ trợ, tái cơ cấu nền kinh tế sau khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008. Đã có nhiều dẫn chứng sinh động mà nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân như chúng tôi cũng từng được trải nghiệm từ những lần tìm hiểu, thâm nhập thực tế về tái cơ cấu tại tập đoàn đóng tàu Vinashin. Nhiều giải pháp, nỗ lực, mong đợi nhưng cuối cùng con tàu ấy không thể vượt qua bão, đến nay vẫn để lại bao đổ vỡ, hậu quả nặng nề.

Theo các chuyên gia kinh tế, hiện nay, Việt Nam đã chú trọng và đặc biệt sử dụng các công cụ chính sách tài khóa, tiền tệ và hỗ trợ xã hội với các quyết định rất nhanh kể cả ở cấp cao nhất; quy mô chính sách là rất lớn; phương pháp và cách thức triển khai chưa từng có tiền lệ; thực hiện các biện pháp hành chính như "thời chiến"; chấp nhận vượt quy định thông thường về kỷ luật tài chính, ngân sách... với các giải pháp, ưu tiên cao nhất là kiểm soát và "dập dịch" sớm nhất có thể; triển khai khẩn cấp các giải pháp mạnh để giảm thiểu tác động của dịch và sớm chuẩn bị các giải pháp "bắc cầu" giữa giai đoạn "trong dịch" và "hậu dịch" để nhanh chóng phục hồi nền kinh tế.

 Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân điện tử, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng: Những giải pháp Chính phủ đưa ra là khá toàn diện. Các giải pháp đề ra đều đã được Chính phủ tính toán rất kỹ và được xây dựng trên cơ sở thực tiễn kinh nghiệm đánh giá tác động từ những lần suy thoái kinh tế hay tác động do thiên tai, dịch bệnh trước đây.

Song để triển khai hiệu quả, theo ông Lê Thanh Vân, đại dịch này ảnh hưởng đến nền kinh tế của đất nước trong khi nước ta đã hội nhập rất sâu rộng trong quan hệ kinh tế quốc tế. Đây cũng là mặt trái của toàn cầu hóa, của quan hệ đa phương, song phương trong quan hệ kinh tế đối ngoại. Vì vậy,cùng với các giải pháp của Chính phủ thì cần tính đến việc tạo lập khuôn khổ pháp lý để các quan hệ kinh tế trong nước có thể thích nghi với thời kỳ chuyển đổi từ sự lệ thuộc về sản xuất kinh doanh ở các quốc gia khác (như phụ thuộc vào công nghệ, nguyên liệu, phụ thuộc vào thị trường). Tức là, cần xác lập tính tự chủ, tính chủ động của các chủ thể kinh tế trong nước để khi có biến động về các quan hệ kinh tế thì lập tức có “phòng ngự”từ bên trong. Mặt khác, do tác động nhiều chiều nên có thể nói, nền kinh tế nước ta chịu một phần tổn thương đáng kể từ đại dịch. Trước hết, chủ thể của các nền kinh tế như doanh nghiệp, gồm cả doanh nghiệp lớn, vừa, nhỏ, siêu nhỏ; hộ sản xuất; gia đình và người dân; lao động tự do... đều chịu tác động. Gói hỗ trợ của Chính phủ hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với các nhóm đối tượng chịu tổn thương, chịu tác động mạnh của đại dịch; là sự chia sẻ của Nhà nước đối với người dân, doanh nghiệp. Thế nhưng, việc hỗ trợ bằng tiền, cơ chế phải gắn liền với việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc không chỉ nảy sinh trong đại dịch mà đã nảy sinh từ trước đây. Đó là thủ tục hành chính trong đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký sản xuất kinh doanh, khai thuế, đóng thuế...

“Thực tiễn từ đại dịch này có thể được coi như một bài học để chúng ta nhìn nhận, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong tất cả các khâu để vừa bảo đảm tính nhanh gọn, vừa không phát sinh chi phí, không gây phiền hà, tiêu cực cho doanh nghiệp và người dân- vốn đã chịu sự thiệt thòi từ cơ chế quan liêu và từ đại dịch. Tức là, thông qua cách mạng công nghiệp 4.0, các cơ quan Nhà nước cần nhìn nhận lại để chấn chỉnh và thay đổi căn bản hoạt động công vụ trong cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp” – đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân kiến nghị.

Mặt khác, theo đại biểu Quốc hội, cơ quan nhà nước ở các cấp cần kiểm soát chặt chẽ tất cả các chính sách, các gói hỗ trợ của Nhà nước, bảo đảm đúng đối tượng, đúng mức, để tránh sự lạm dụng cơ chế chính sách để gian lận hay “kiếm chác” từ đại dịch... Việc này cần kiểm soát chặt chẽ và khi phát hiện ra vi phạm phải xử lý thật nghiêm khắc để tăng cường tính răn đe.

 Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu. Ảnh: QĐND

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu. Ảnh: QĐND

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu gọi dịch Covid-19 như “liều thuốc thử” với nền kinh tế Việt Nam. “Liều thuốc” giúp nhìn rõ một loạt điểm yếu của rất nhiều ngành kinh tế, trong đó nhiều ngành là xương sống của xã hội, cần phải thay đổi phương thức hoạt động.

Theo Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, giờ là lúc phải đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Mỗi nhóm ngành đều cần có những giải pháp riêng, vừa ứng phó trong bối cảnh dịch, vừa phát triển trong tương lai.

Theo TS Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, các biện pháp mà Chính phủ đưa ra, về cơ bản dựa trên các nguyên tắc sau: Đầu tiên là ưu tiên chống dịch, sau đó mới là các biện pháp song hành. Vì không chống được dịch thì các biện pháp khác không có nhiều ý nghĩa.

 TS Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương. Ảnh: QĐND

TS Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương. Ảnh: QĐND

Về các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, theo TS Võ Trí Thành, các gói hỗ trợ cần xác định là phải có cách làm khác so với năm 2009 (sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008). Cụ thể, phải làm sao giảm khó khăn cho doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại. Nếu tình hình ngày càng trở nên xấu hơn thì các biện pháp cũng cần mạnh mẽ hơn.

Chính phủ cũng xác định cần đẩy mạnh đầu tư công để hỗ trợ nền kinh tế. Đầu tư công cũng phải đi theo hướng khác năm 2009 (khi đó Việt Nam đã bơm hàng tỷ USD mới để hỗ trợ nền kinh tế), nhưng hiện nay chúng ta vẫn còn khoảng 600.000 tỷ đồng vốn đầu tư công của các năm đọng lại và kế hoạch năm nay chưa được giải ngân.

 PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng. Ảnh: Vietnamnet.vn

PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng. Ảnh: Vietnamnet.vn

PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, để tính toán về tác động dịch bệnh đối với kinh tế Việt Nam nặng đến mức nào còn rất nhiều tranh cãi. Cuộc họp hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ có hai nhóm ý kiến, một phía cho rằng đừng quá lo về dịch, không đụng đến nền tảng của sự tăng trưởng, chỉ 1-2 tháng kinh tế sẽ phục hồi. Nhóm thứ hai nhìn trong xu hướng chung của thế giới, cho rằng tác động của dịch là rất mạnh, có thể kéo dài, trong khi sức chống chọi nền kinh tế của ta rất yếu. Việt Nam rất giỏi chống dịch nhưng cách chống chịu kinh tế trước những thách thức đứt chuỗi thì chưa có lời giải. Vì chúng ta toàn lệ thuộc nước ngoài, nông nghiệp đầu ra phụ thuộc nước ngoài là chính, công nghiệp đầu vào cũng phụ thuộc nước ngoài là chính.

(Còn nữa)

NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO QĐND ĐIỆN TỬ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/bai-3-can-tam-nhin-ban-linh-nguoi-cam-lai-615085