Bài 2: Vì yêu rừng mà gắn bó…

Xác định gắn bó với nghề kiểm lâm, chị Hà cũng như nhiều nữ cán bộ Kiểm lâm đều phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba, nhất là khi đã có gia đình, có con nhỏ.

Chị Trần Thị Ngân Hà- nữ cán bộ lãnh đạo hiếm hoi của ngành Kiểm lâm Việt Nam

Chị Trần Thị Ngân Hà- nữ cán bộ lãnh đạo hiếm hoi của ngành Kiểm lâm Việt Nam

Tròn hai mươi năm gắn bó với nghề kiểm lâm, cùng trải những vui buồn, vất vả với anh em trong ngành, vượt qua những định kiến giới về nghề nghiệp, ngày nay, chị đã trở thành nữ lãnh đạo hiếm hoi của ngành Kiểm lâm trong cả nước. Chị là Trần Thị Ngân Hà- Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh.

Nghề chọn người

“Đúng ra mơ ước của những người học luật là sẽ được làm việc trong ngành Tòa án, Viện Kiểm sát hoặc Công an nhân dân. Đó là một trong ba lựa chọn các trường đại học định hướng cho sinh viên. Còn tôi, đó là cơ duyên, là nghề chọn người chứ không phải người chọn nghề. Rồi, tôi yêu và gắn bó lúc nào không hay”- chị Hà tâm sự.

Vừa tốt nghiệp Đại học Luật, chị đăng ký dự tuyển công chức do Sở Nội vụ tổ chức. Kết quả trúng tuyển chính là “cơ duyên” đưa chị đến với nghề Kiểm lâm. Chị kể, khi được phân công về Chi cục Kiểm lâm làm công chức, chị chưa biết gì về ngành này, công việc như thế nào.

Dẫu biết rằng, vẫn có cơ hội được lựa chọn nghề khác nếu cảm thấy không phù hợp, nhưng trong quá trình làm việc, chị luôn nhận được sự giúp đỡ tận tình của đồng nghiệp, sự quan tâm đặc biệt của các anh đối với nữ giới trong ngành, càng làm việc, chị càng gắn bó với rừng, với nghề nhiều hơn.

“Có lẽ vì chính những điều đó, tôi quyết tâm gắn bó với ngành Kiểm lâm, không có xu hướng nhìn ra bên ngoài hay có những hoài nghi về con đường sự nghiệp của mình”- chị Hà nói chắc nịch. “Thực ra, một khi đã yêu ngành, yêu nghề, mình thấy nó phù hợp thì sẽ phù hợp, nhất là khi được đào tạo ngành luật bài bản thì việc áp dụng pháp luật vào tất cả các ngành nghề đều như nhau, vấn đề là cách mình thực hiện như thế nào thôi.

Tôi cũng có một thời gian gián đoạn 5 năm, do nhu cầu của một huyện biên giới của tỉnh cần chuyên ngành luật, tôi được tăng cường về huyện đó công tác, nhưng sau đó vẫn quay lại tiếp tục gắn bó với ngành Kiểm lâm”- chị Ngân Hà chia sẻ.

Những ngày đầu mới vào nghề, chị Hà được phân công về Đội Kiểm lâm cơ động, trở thành nữ cán bộ Kiểm lâm đầu tiên của tỉnh thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra trên đường. “Từ “cơ động” đã nói lên hết tính chất công việc của Đội.

Dễ hiểu hơn, nhiệm vụ chúng tôi là đi trinh sát các cơ sở mua bán động vật hoang dã”- chị kể thêm: “Lúc vào nghề được 2 năm, tôi cùng một đồng nghiệp nam đóng giả là vợ chồng để vào tiếp cận một cơ sở mua bán động vật hoang dã. Khi tôi đang vờ đặt món ăn phía bên trong, nam đồng nghiệp ở bên ngoài cũng lập tức báo tin cho đội để bắt quả tang cơ sở này.

Mặc dù bất ngờ, nhưng các đối tượng đều thủ sẵn hung khí, sẵn sàng đối đầu trực tiếp với lực lượng chức năng. Tuy ban đầu khá bối rối, nhưng sau đó tôi cũng đã nhanh chóng góp sức cùng anh em xử lý nhanh gọn vụ việc và hoàn tất hồ sơ biên bản liên quan. Đó là một vụ mà tôi nhớ mãi...”.

Ông Âu Phú Quý- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tân Biên:

“Công việc của lực lượng Kiểm lâm, bảo vệ rừng rất vất vả, hầu như phải ăn, ở, ngủ trong rừng, thậm chí một số khu vực không có điện, nước uống hay sóng điện thoại... Cán bộ nam đã vất vả, nữ lại càng khó khăn hơn.

Chị Ngân Hà là một trường hợp đặc biệt. Khó khăn, vất vả nào chị cũng vượt qua, còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên các mặt trận công tác. Ở chị, sự quyết đoán của người lãnh đạo, sự quan tâm sâu sát từng anh em đồng nghiệp đã làm chúng tôi khâm phục”.

Vượt qua định kiến giới

Có quan niệm, công việc quản lý, tuần tra, bảo vệ, phòng, chống cháy rừng chỉ phù hợp với nam giới, bởi kiểm lâm là nghề đặc thù, nhiều vất vả, nguy hiểm do thường xuyên phải đối mặt với nhiều đối tượng chuyên phá rừng, trộm cắp lâm sản... Đó là chưa kể đến những nguy hiểm rình rập, tính mạng bị đe dọa bất cứ lúc nào.

Xác định gắn bó với nghề kiểm lâm, chị Hà cũng như nhiều nữ cán bộ Kiểm lâm đều phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba, nhất là khi đã có gia đình, có con nhỏ. Tuy nhiên, phụ nữ có những lợi thế riêng, đó là sự mềm dẻo, khéo léo trong ứng xử, thuyết phục.

Điều này đã được chị Ngân Hà tận dụng triệt để trong công việc, nhất là những lúc phải trực tiếp đối mặt với các đối tượng có hành vi xâm phạm rừng hay vi phạm luật trên đường đi, kể cả trong rừng. “Đối diện với mình- một người phụ nữ, một số đối tượng đôi khi thấy e ngại hơn so với các anh nam giới.

Tuy nhiên, hơn 20 năm trong nghề kiểm lâm, bây giờ mặc dù đã là lãnh đạo, tôi vẫn không khuyến khích phụ nữ làm nghề này. Nguy hiểm, khó khăn, vất vả, luôn đòi hỏi sự quyết tâm, kiên định và phải có sự ủng hộ rất lớn từ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp thì mới làm được”- chị Hà bày tỏ.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về khó khăn của một nữ lãnh đạo trong một ngành có đa số là nam giới, chắc chắn không tránh khỏi “lời ra tiếng vào”, chị chia sẻ: “Thực tế có điều đó. Khi còn là Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm, mặc dù cũng là cán bộ lãnh đạo nhưng vai trò của cấp phó không rõ bằng trưởng.

Khi được điều động về làm Giám đốc BQL Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng, cả đơn vị chỉ có tôi, kế toán và văn thư là nữ, còn lại khoảng gần 100 anh em nam giới. Công tác khoảng 2 tuần, ở đơn vị bắt đầu phong thanh lời ra tiếng vào, cho rằng tôi chỉ đi cơ sở một thời gian ngắn để làm bước đệm, lúc về sẽ kiếm vị trí cao hơn! Tôi đã mời anh em cán bộ chủ chốt về làm việc, thẳng thắn khẳng định: “Tôi được điều động về đây làm việc, không có vị trí hay giới hạn cụ thể thời gian công tác như thế nào. Khi nào hoàn thành tốt nhiệm vụ, cấp trên sẽ xem xét, đánh giá và sắp xếp”. Rồi dần dần mọi người cũng có sự thay đổi, nhìn nhận tôi qua quá trình công tác”.

Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

“Không phải tự nhiên hay ưu ái gì, mà thực sự đây là vị trí khó. Kinh qua nhiều vị trí công tác, nhưng đồng chí Ngân Hà luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đặc biệt trên cương vị Giám đốc BQL Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng với gần 30.000 ha, tiếp giáp biên giới Campuchia, địa bàn có đồng bào dân tộc thiểu số, địa hình chia cắt, tình hình rất khó khăn.

Khi được bổ nhiệm ở vị trí cao hơn, đồng chí Hà đã phát huy vai trò lãnh đạo, điều hành của mình một cách xứng đáng, được Ban Giám đốc Sở, anh em đồng nghiệp đánh giá cao, càng trân trọng hơn khi đó là một phụ nữ”.

Chị Trần Thị Ngân Hà cùng lực lượng Kiểm lâm tuần tra bảo vệ rừng.

Chị Trần Thị Ngân Hà cùng lực lượng Kiểm lâm tuần tra bảo vệ rừng.

Thời điểm đó, tình hình bảo vệ rừng ở Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng rất khó khăn, diễn biến phức tạp, đó là tình trạng lấn chiếm đất rừng cất nhà, cất chòi trái phép, chưa kể đến nạn trộm cắp lâm sản, cháy rừng nghiêm trọng thường xảy ra. Đây được coi là “điểm nóng” về quản lý, bảo vệ rừng của tỉnh Tây Ninh.

“Nhận công tác ở đơn vị mới, lãnh đạo tỉnh giao nhiệm vụ cho tôi phải ổn định tình hình, không để phát sinh thêm. Tôi rất lo lắng, nhưng nhờ sự ủng hộ của gia đình, sự động viên của các anh, chú lãnh đạo cấp trên, sự giúp đỡ của đồng nghiệp, của chính quyền địa phương và lực lượng biên phòng trên địa bàn nên tôi yên tâm công tác. Tôi đặt mục tiêu sẽ cố gắng hết khả năng, làm sao phải giải quyết được tình hình và có kết quả”- chị Hà nhớ lại.

Thực tế, sau 4 năm chị Hà làm Giám đốc BQL Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng, nhiều vấn đề nổi cộm được xử lý triệt để. Công tác quản lý, bảo vệ toàn bộ khu rừng phòng hộ được chấn chỉnh lại. Mối quan hệ, phối hợp công tác giữa Ban Quản lý với lực lượng biên phòng, quân sự, công an, chính quyền địa phương được tăng cường, tình trạng trộm cắp lâm sản kéo giảm gần 50% so với giai đoạn trước.

Các vụ cháy rừng giảm tuyệt đối, chỉ còn 1-2 vụ/năm, thay vì 15-20 vụ/năm. Đặc biệt, đối với công tác xử lý nạn lấn chiếm đất rừng, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương xử lý, đưa 700-800 ha đất bị lấn chiếm vào trồng rừng theo quy định pháp luật.

“Mọi người đã đánh giá cao về những việc tôi làm, vì đó là nền tảng để hướng công tác quản lý, bảo vệ rừng vào khuôn phép. Mặc dù trước đó có phát sinh nhiều vấn đề, nhưng sau này các anh em trong Ban Quản lý, các đội bảo vệ rừng nhận thức tốt hơn vai trò, nâng cao trách nhiệm của mình, anh em đoàn kết làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng”- chị Hà cho biết thêm.

Hiện nay, trong vai trò lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm, chị Hà tiếp tục phát huy năng lực, làm tốt công tác tham mưu triển khai các chính sách, pháp luật liên quan lĩnh vực lâm nghiệp của tỉnh. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp cũng như nâng cao trách nhiệm của lực lượng chức năng, người dân trong quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bền vững giai đoạn hiện nay.

Tâm Giang - Phương Thúy

(còn tiếp)

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/bai-2-vi-yeu-rung-ma-gan-bo--a158598.html