Bài 2: Văn hóa dân gian khó đến với trẻ em đô thị

Văn hóa dân gian sinh ra cùng với đời sống lao động của quần chúng nhân dân. Trải qua hàng ngàn năm, ông cha ta đã để lại một kho tàng đồ sộ các giá trị văn hóa nghệ thuật phong phú như ca dao, hò vè, các tín ngưỡng dân gian, các lễ hội, loại hình diễn xướng và rất nhiều nghề thủ công truyền thống.

Một tiết mục văn nghệ dân gian trình diễn trong buổi khai giảng lớp học ca múa nhạc dân gian

Một tiết mục văn nghệ dân gian trình diễn trong buổi khai giảng lớp học ca múa nhạc dân gian

Cùng với sự bùng nổ của mạng internet, văn học nghệ thuật nói chung, văn hóa, văn nghệ dân gian nói riêng đang đối mặt với những tác động vô cùng mạnh mẽ, dẫn đến nguy cơ mai một. Nhiều loại hình giải trí mới mẻ xuất hiện làm cho giới trẻ bị thu hút, không còn mặn mà với văn hóa dân gian.

Văn hóa dân gian xa lạ với tuổi thơ

Giới trẻ ngày nay, đặc biệt là giới trẻ khu vực thành phố Tây Ninh hay các trung tâm có hoạt động kinh tế, xã hội sôi nổi trên địa bàn tỉnh hầu như không còn thích nghe, xem các loại hình văn hóa, nghệ thuật dân gian. Thậm chí, nhiều em chưa từng thấy qua các loại nhạc cụ hay nghe những dòng nhạc dân ca.

Bà Hàng Thị Quý Tâm- Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh nhận định, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều lớp dạy nhảy hiện đại, aerobic, hiphop... góp phần đáp ứng nhu cầu học năng khiếu, kỹ năng của thanh thiếu nhi. Nhưng các câu lạc bộ đội, nhóm, lớp học về nghệ thuật văn hóa dân gian lại khá ít do không thu hút được sự tham gia của các bạn trẻ. Trong chương trình giới thiệu đờn ca tài tử đến thiếu nhi của Trung tâm tổ chức trong tháng 5 vừa qua, có nhiều em không hiểu đờn ca tài tử là gì và không biết tên các loại nhạc cụ dân tộc sử dụng trong đơn ca tài tử. Thực tế này cho thấy, trẻ em hiện nay, đặc biệt là trẻ em đô thị ngày càng xa lạ với văn hóa dân gian. “Những người làm về văn hóa như chúng ta cần phải nhanh chóng vào cuộc để kịp thời khôi phục và phát triển văn hóa dân gian trong lòng thanh thiếu nhi. Đặc biệt là những người trẻ, cần tiên phong đi đầu trong phong trào lan tỏa văn hóa dân gian đến với các em”- bà Hàng Thị Quý Tâm chia sẻ.

Cùng với những trăn trở này, Thành đoàn Tây Ninh phối hợp Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức lớp ca múa nhạc dân gian dành cho các em thiếu nhi trên địa bàn toàn tỉnh. Lớp học được tổ chức miễn phí cho các em thiếu nhi từ 6-11 tuổi tại Trung tâm vào 2 ngày thứ bảy, chủ nhật mỗi tuần, nhằm tạo môi trường cho các em được tiếp xúc và tìm hiểu về múa dân gian.

Anh Lê Tấn Phát- Bí thư Thành đoàn Tây Ninh cho biết, trong những ngày đầu chiêu sinh, lớp có hơn 40 em đăng ký học. Đặc biệt có nhiều em dưới độ tuổi quy định, chỉ mới 3, 4 tuổi nhưng phụ huynh có mong muốn cho các em được học, ban tổ chức đã linh động tạo 2 nhóm múa theo 2 độ tuổi để giảng dạy.

Giảng dạy tại lớp múa dân gian là 2 đoàn viên của Trung tâm. Vốn là diễn viên chuyên nghiệp, với niềm đam mê ca múa nhạc, hai bạn trẻ cố gắng tìm tòi, nghiên cứu về dòng nhạc dân gian và chắt lọc những điệu múa dân gian đơn giản, dễ nhớ để dạy cho các em nhỏ. Sự tâm huyết của ban tổ chức cũng như các bạn trẻ góp phần tạo nên một sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các em thiếu nhi.

Các em thiếu nhi tập múa tại lớp ca múa nhạc dân gian do Thành đoàn và Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức

Các em thiếu nhi tập múa tại lớp ca múa nhạc dân gian do Thành đoàn và Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức

Võ Hoài An, diễn viên Trung tâm Văn hóa tỉnh, người trực tiếp hướng dẫn lớp múa chia sẻ, lớp học này thực sự rất ý nghĩa vì tạo được môi trường cho các em thiếu nhi phát huy năng khiếu, niềm yêu thích bộ môn múa dân gian, giúp các em nuôi dưỡng tình yêu văn hóa dân tộc.

“Sau hơn 1 tháng đồng hành cùng các em, tôi nhận thấy sự dẻo dai, kỹ năng cảm nhịp ở các em tăng lên rất nhiều. Các em nhỏ như trang giấy trắng, vì vậy, việc uốn nắn cho các em từ nhỏ là điều rất cần thiết, năng lực tiếp thu và cảm nhận của các em tốt hơn rất nhiều so với người lớn. Việc cho các em tiếp xúc sớm với văn hóa dân gian giúp các em có nhận thức, đi theo con đường đam mê nghệ thuật chính thống, luôn hướng về dân tộc”- Võ Hoài An chia sẻ thêm.

Gieo hạt giống tâm hồn

Bên cạnh những hiệu quả đạt được, lớp học ca múa nhạc dân gian gặp không ít khó khăn trong việc duy trì và phát triển mô hình lớp học ra cộng đồng. Trên thực tế, sau hơn 1 tháng triển khai, số lượng học viên tại lớp học giảm đi khá nhiều.

Anh Lê Tấn Phát- Bí thư Thành đoàn Tây Ninh cho biết, lớp học đã nhận được nhiều sự ủng hộ từ phía phụ huynh. Tuy nhiên, theo thời gian, do bận rộn công việc, nhiều phụ huynh lơ là với việc đưa con đến lớp dẫn đến nhiều em vắng nhiều buổi học liên tục hoặc ngưng hẳn việc học, gây khó khăn trong việc giảng dạy, tập luyện. Đây là một điều rất đáng tiếc cho các em thiếu nhi khi chưa có sự ủng phộ, phối hợp từ phía phụ huynh.

Để duy trì lớp học, Thành đoàn Tây Ninh thảo luận cùng Trung tâm Văn hóa tỉnh đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó, ban tổ chức tiếp tục tuyên truyền, quảng bá lớp học trên các trang fanpage của đơn vị; đồng thời, tăng cường các hoạt động biểu diễn năng khiếu để học viên được trình diễn kỹ năng đã học, tạo thêm sự yêu thích nơi các em. Về phía phụ huynh, ban tổ chức vận động, tạo điều kiện giảng dạy ở những khung giờ thuận tiện cho phụ huynh đưa con đến học.

Bà Hàng Thị Quý Tâm- Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh cho rằng, giải pháp hàng đầu để lan tỏa văn hóa dân gian đến giới trẻ là tạo môi trường giáo dục. Đặc biệt, cần có sự quan tâm, phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, trong đó, vai trò của ngành Giáo dục và Đoàn Thanh niên rất quan trọng.

Đánh giá về lớp học ca múa nhạc dân gian, chị Phượng Nguyễn (ngụ TP. Tây Ninh) cho biết: “Tham gia lớp học đã giúp con gái của chị phát hiện được niềm đam mê, sự yêu thích của mình với môn múa dân gian. Đây là một lớp học lành mạnh, bổ ích, cần được duy trì và nhân rộng trên địa bàn tỉnh”.

Ngọc Bích - Hoàng Yến

(Còn tiếp)

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/bai-2-van-hoa-dan-gian-kho-den-voi-tre-em-do-thi-a161078.html