Bài 2: Từ 'bốn tại chỗ' đến xây dựng lực lượng phòng, chống thiên tai chuyên nghiệp (Tiếp theo và hết)

Những ngày thiên tai liên tiếp xảy ra ở miền Trung vừa qua, ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) kiêm Trưởng ban Phòng, chống lụt bão (PCLB) Trung ương (nay là Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai) thường ngồi lặng trước màn hình ti vi, khuôn mặt vốn đã khắc khổ nay trông càng buồn, nhất là khi có tin nhiều đồng bào thiệt mạng và những người lính làm nhiệm vụ ngã xuống...

Quân đội luôn tiên phong trong phòng, chống lụt bão

Tiến sĩ Đặng Quang Tính, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đê điều kiêm Chánh văn phòng, Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo Phòng, chống lụt bão (PCLB) Trung ương viết về Bộ trưởng Lê Huy Ngọ:

“Ngoài hai cuộc trực tiếp chỉ huy đương đầu với bão Linda 1997 và cơn đại hồng thủy ở miền Trung năm 1999, Bộ trưởng Lê Huy Ngọ còn chỉ đạo chống đỉnh lũ năm 2000 ở Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là chiến đấu với lũ quét ở Du Tiến, Du Già phía bắc tỉnh Hà Giang năm 2004. Tôi nhớ ngày 27-9-2005, bão số 7 đổ bộ vào các tỉnh phía Bắc, làm vỡ đê biển Hải Hậu. Anh ngồi lặng đi trong phòng giao ban của Ban chỉ đạo. Từ sự cố vỡ đê biển ấy, một tư tưởng chỉ đạo kiên cố hóa đê biển làm sao vững bền như đê biển Hà Lan, để mỗi khi bão đến người dân được bảo toàn tính mạng và thiệt hại ít nhất. Tư tưởng ấy đã được triển khai, sau năm 2005 nhiều tuyến đê biển đã được xây dựng vững chắc hơn, chuyên gia Hà Lan đến thăm cũng đồng tình.

Năm 2006, bão Chan Chu không đi vào đất liền mà hoạt động ở vùng Biển Đông từ ngày 11 đến 18-5. Vào thời điểm có nhiều ngư dân Việt Nam đang hoạt động tại nơi cơn bão đi qua, vì thế công tác dự báo không đến được với họ. Anh đã đề nghị với Bộ Quốc phòng điều động nhiều lực lượng cứu nạn, cứu hộ của quân đội ra hiện trường trên biển trực tiếp cứu dân, nhưng thiệt hại vẫn rất nặng nề: 266 người chết, hơn 300 tàu thuyền bị đắm ngoài khơi. Từ cơn bão Chan Chu, anh đã chỉ ra rằng cần thay đổi trong cách báo tin bão. Anh đề nghị xây dựng quy chế quản lý chặt việc tàu thuyền ra khơi, đặc biệt là các tàu thuyền đánh bắt xa bờ, đồng thời cần có một dự án và chương trình dự báo thời gian sớm hơn 24 giờ, quản lý, cung cấp máy thông tin Icom để tăng khả năng liên lạc cho ngư dân. Trên cơ sở hệ thống và tổng kết thực tế sau mỗi trận lụt bão, cùng với những trải nghiệm trực tiếp với các trận bão lụt lớn, anh cùng tập thể nghiên cứu, đề xuất chiến lược và phương châm chỉ đạo cho phù hợp với tình hình mới. Đó là: Pháp lệnh về Đê điều và PCLB (sửa đổi) năm 2000; Luật Đê điều năm 2006; Chiến lược phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020; Quy chế phòng, chống động đất, sóng thần; Sổ tay hướng dẫn PCLB và giảm nhẹ thiên tai; Chiến lược phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai...cùng nhiều văn bản pháp quy khác.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình chuyển hàng cứu trợ và ứng cứu người dân huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) trong đợt tháng 10-2020. Ảnh: ĐẶNG HÀ

Đó là kết quả của sự tích lũy kinh nghiệm, hệ thống hóa và chuyển thành pháp luật để quản lý và chỉ đạo có hiệu quả trong xã hội. Đồng thời tổng kết, bổ sung và phát triển phương châm chỉ đạo PCLB “4 tại chỗ” bằng giải pháp mới: Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời và khắc phục có hiệu quả”...

Ông Lê Huy Ngọ nói với tôi:

- Muốn chống bão, chống lụt có hiệu quả thì hãy đến với vùng bão lụt trước khi nó đến. Đến trong và sau thì vô cùng bị động và kém hiệu quả. Khó mà chống lại sức mạnh của thiên tai, nên chủ động tổ chức phòng tránh là quan trọng. Phương châm chỉ đạo “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ) có từ thời các Bộ trưởng Bộ Thủy lợi Hà Kế Tấn và Nguyễn Thanh Bình. Thời tôi làm thì vẫn phát huy phương châm đó. Nhưng theo tôi, “4 tại chỗ” chỉ có hiệu quả cao đối với những trận bão, lụt nhỏ mang tính chất địa phương, còn với những trận thiên tai trên diện rộng lớn như bão Linda 1997, đại hồng thủy 1999 hay như lũ lụt miền Trung, bão số 9 vừa qua thì bên cạnh "4 tại chỗ" phải có sự chỉ đạo của Trung ương, có lực lượng mạnh của quân đội, công an ứng cứu...

Ông kể, thời ông làm Bộ trưởng và Trưởng ban PCLB Trung ương, luôn sát cánh bên ông là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Huy Hiệu, một thứ trưởng Bộ Công an và hai chuyên gia hàng đầu về PCLB. Ông và 3 người hợp lại, vừa chủ trương vừa hành động, vừa có lực lượng để đối phó.

"Từ bão Linda 1997 cho đến bão số 9 vừa rồi, quân đội vẫn sẵn sàng chuẩn bị và kịp thời đưa tàu, trực thăng ra cứu ngư dân, không sợ hiểm nguy. Bộ đội ta thông cảm với nỗi khổ của nhân dân, sẵn sàng chia sẻ với nhân dân, thật là cao đẹp. Thời bình, nhưng bộ đội, công an vẫn phải đối phó với những tình huống hiểm nguy, vẫn sẵn sàng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Tôi nghĩ, thiên tai ở đất nước ta ngày một phức tạp do nhiều nguyên nhân, trong đó có biến đổi khí hậu. Bão lụt giờ đây bất thường, không theo một quy luật nào. Bộ máy phòng, chống thiên tai ở địa phương chủ yếu kiêm nhiệm, chưa chuyên nghiệp; phương tiện, trang thiết bị còn thiếu nên trong nhiều tình huống không thể cứu được người gặp nạn. Vì vậy, đã đến lúc phải xây dựng các trung tâm cứu hộ chuyên nghiệp do Bộ Quốc phòng quản lý. Tham gia trung tâm này có hải quân, cảnh sát biển, công binh, không quân... với những phương tiện cứu hộ hiện đại, thường xuyên huấn luyện về phòng, chống thiên tai như bộ đội huấn luyện để bảo vệ Tổ quốc, trở thành lực lượng phản ứng nhanh, mạnh mỗi khi lụt bão xảy ra"-ông Lê Huy Ngọ bày tỏ.

Phương châm chính: Chủ động phòng ngừa

Ngày 28-9 vừa rồi, ông Lê Huy Ngọ có vào Thanh Hóa, xuống một vùng biển. Du lịch mấy năm qua đưa lại nhiều lợi ích, vì thế mà người ta lấn biển, khai thác bờ biển bằng xây khách sạn, khu nghỉ dưỡng không đủ cơ sở khoa học và nguyên tắc phát triển bền vững. Ông nói với địa phương, nếu những bãi cát lại sụt lở thì cũng giống như Trà Leng ở Quảng Nam mà thôi. Cũng như làm thủy điện không dựa trên cơ sở khoa học, không có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, cộng với nạn phá rừng thì sẽ làm cho lũ lụt ngày càng trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân. Thủy điện đem lại lợi ích cho đất nước, để đất nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thực ra khi làm thủy điện, bao giờ cũng cân nhắc đến lũ lụt và có sự phản biện, trao đổi để đi thống nhất: Làm thủy điện để có điện cho đất nước, nhưng cũng giảm được lũ lụt. Như Thủy điện Hòa Bình, Thủy điện Sơn La vừa cung cấp điện chủ yếu cho đất nước, vừa điều tiết được nguồn nước khiến cho Đồng bằng Bắc Bộ mấy chục năm nay không có lũ lụt nặng.

Nhưng đó là thủy điện được các chuyên gia giỏi khảo sát kỹ lưỡng, được các ban, ngành giám sát chặt chẽ. Còn bây giờ thủy điện tư nhân nhiều, các tỉnh, huyện cứ chủ động làm, nhất là khu vực miền Trung, mà không dựa trên cơ sở khoa học, không được phản biện và giám sát thì hậu quả khôn lường. Khi tổng hợp các yếu tố bất lợi như hồ đã đầy nước không còn khả năng cắt lũ, đầu nguồn lũ lớn ập về, hạ du mưa kéo dài, nước sông lên cao kết hợp triều cường, bão lớn là kịch bản xấu nhất có thể đe dọa đến toàn hệ thống. Nếu vận hành không linh hoạt, chính xác thì hạ du sẽ gánh chịu hậu quả. Ngoài nạn phá rừng làm gia tăng tình trạng sạt lở đất, lũ lụt trong mùa mưa lũ thì những hệ thống giao thông lớn như đường Quốc lộ 1, đường sắt Bắc-Nam, đường Đông Trường Sơn, các đường cao tốc, các khu đô thị mới xây dựng... hầu hết đều có hướng cắt ngang với đường chảy lũ mà không đảm bảo khẩu độ và số lượng cống thoát nước dẫn tới gây cản trở rất lớn tới khả năng thoát lũ tự nhiên trong khu vực, đặc biệt ở miền Trung.

- Tư tưởng chỉ đạo của Đảng, Chính phủ ta với thiên tai là chủ động phòng ngừa. Làm thủy điện phải giám sát nguy cơ lũ lụt. Thế nhưng cuộc sống nhiều lúc cũng không lường hết được. Như sông Hồng, đặc biệt là sông Cửu Long, nguồn nước đều từ nước ngoài chảy về, mình không kiểm soát được. Nên phải thông qua hợp tác quốc tế, đưa ra cam kết, thương lượng mang tính kết nối, hòa giải để xử lý tình huống. Hoàn cảnh mới buộc chúng ta phải phối hợp khai thác, sử dụng nguồn nước hiệu quả cho thủy lợi, thủy điện và an ninh về nước hài hòa, đặc biệt là phòng, chống lũ lụt. Muốn vậy phải tăng cường ngoại giao quốc tế, tăng cường trao đổi từ khi nước bạn thiết kế thủy điện. Phòng, chống thiên tai cần phải xem là một mặt trận như chống giặc...

Bày tỏ trăn trở với tôi xong, nguyên Bộ trưởng Lê Huy Ngọ im lặng suy nghĩ hồi lâu, khuôn mặt lại hiện lên vẻ khắc khổ cố hữu mà những năm trước người dân rất ấn tượng khi thường thấy ông xắn quần lội nước và gọi ông là “Bộ trưởng chống bão lụt”, “Người xuyên qua lụt bão”.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (20-6-2019): “Yêu cầu của xã hội an toàn hơn trước thiên tai ngày một cao hơn. Dân số, quy mô nền kinh tế tăng càng nhanh, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa... đặt ra những thách thức, đòi hỏi công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phải ngày càng tốt hơn, quyết liệt hơn. Do vậy, quan điểm chỉ đạo bao trùm nhất đối với công tác phòng, chống thiên tai là cần xây dựng xã hội an toàn hơn trước thiên tai theo hướng quản lý rủi ro, phòng ngừa là chính”...

HỒNG SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/bai-2-tu-bon-tai-cho-den-xay-dung-luc-luong-phong-chong-thien-tai-chuyen-nghiep-tiep-theo-va-het-645543